Cà phê chuỗi: Người trẻ tự tin nhập cuộc
Không ít chuỗi cà phê của doanh nghiệp (DN) nước ngoài sau một thời gian phát triển đã chững lại, thậm chí thoái lui vì áp lực cạnh tranh. Cùng với đó là sự "trỗi dậy" của các chuỗi cà phê trong nước do doanh nhân trẻ sáng lập như Cộng, The KAfe, The Coffee House...
Trải nghiệm với các chuỗi cà phê ngoại
DN ngoại lớn nhất trên thị trường cà phê chuỗi hiện nay là Starbucks. Trả lời phỏng vấn báo chí gần đây, bà Patricia Marques - CEO của Starbucks Việt Nam cho biết, Starbucks đã mở được 19 cửa hàng ở TP.HCM và Hà Nội. Bà cũng chia sẻ là ở các thành phố lớn của Việt Nam có quá nhiều quán cà phê so với các thị trường khác nên lượng khách mỗi cửa hàng là không nhiều. Khách hàng vào quán hiện cũng đã "sành" hơn, như trước đây chỉ gọi đúng một loại đồ uống phổ biến nhất, còn hiện nay họ chọn theo sở thích.
Một chuỗi cà phê ngoại khác là Caffé Bene đến từ Hàn Quốc với kế hoạch trong vòng 5 năm mở khoảng 300 cửa hàng tại Việt Nam, nhưng rồi phải giảm xuống còn 100 cửa hàng. Nguyên nhân, theo một vị đồng sáng lập chuỗi này là thị trường cà phê Việt Nam có quá nhiều "ông lớn" cạnh tranh trong cùng một phân khúc. Giá mặt bằng cũng là một vấn đề khá nan giải nên kế hoạch phát triển của chuỗi Caffé Bene phải điều chỉnh.
Tại góc đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1, TP.HCM) trước đây có một cửa hàng cà phê của một thương hiệu khá lớn đến từ Úc nhưng nay đã đóng cửa, trả lại mặt bằng. Điều này cho thấy ngay cả những chuỗi cà phê đã thành công ở nước sở tại hay ở nước khác, khi nhượng quyền vào Việt Nam, dù tiềm lực tài chính dồi dào cũng phải thoái lui trước sự cạnh tranh gay gắt của thị trường.
Một chuyên gia về nhượng quyền thương hiệu cho biết, mặt bằng tốt ở trung tâm TP.HCM hiện nay đều có giá từ vài trăm triệu đồng/tháng. Với mức giá thuê này thì các chuỗi cà phê định vị ở phân khúc cao cấp như Starbucks, Caffé Bene, Gloria Jeans Coffee... phải có chi phí rất lớn.
"Một vấn đề tối quan trọng trong kinh doanh chuỗi là phải nắm bắt nhanh nhất nhu cầu, thị hiếu của khách hàng để kịp thời thay đổi cho phù hợp", vị chuyên gia này nói.
Theo CEO của một chuỗi cà phê nội đang khá thành công, có 2 yếu tố quyết định sự thành bại của cà phê chuỗi là khách hàng và nhân viên.
Khách hàng ở các thành phố lớn như TP.HCM và Hà Nội vẫn thích không gian thân thuộc để trò chuyện cùng gia đình, bạn bè, cà phê chỉ là chất xúc tác cho nhu cầu kết nối. Những chuỗi ngoại nào chỉ rập khuôn phong cách nước sở tại thì rất khó thành công. Ngay cả Starbucks vốn thiên về phong cách take away, khi vào Việt Nam đã phải thay đổi concept quán với nhiều bàn ghế, ổ điện và wifi free nhằm thu hút khách hàng đến làm việc, trò chuyện.
Yếu tố thứ hai là nhân viên. Mọi thứ ở bất kỳ chuỗi cà phê nào đều có thể bị sao chép, từ menu đồ uống, cách bố trí không gian, gam màu chủ đạo cho đến cách pha chế, duy chỉ có sự nhiệt tình trong thái độ phục vụ của nhân viên là làm nên sự khác biệt. Đối với các chuỗi cà phê từ nước ngoài, nhân viên thường chỉ chú trọng phục vụ thức uống chứ không quan tâm nhiều đến việc tạo thiện cảm với khách hàng, còn các chuỗi cà phê trong nước thì chú trọng cả hai.
Sự "trỗi dậy" của các chuỗi cà phê trong nước
Áp lực cạnh tranh là rất lớn nhưng thị trường cà phê ở Việt Nam vẫn đủ rộng để doanh nhân trẻ thử sức. Một cái tên không thể không nhắc đến khi nói về ngành kinh doanh cà phê là Đào Chi Anh và chuỗi The KAfe - chuỗi cửa hàng cà phê đô thị đầu tiên phục vụ ẩm thực fusion tại Việt Nam. Tháng 10/2015, The KAfe đã nhận được khoản đầu tư 5,5 triệu USD từ quỹ đầu tư tại London và Hong Kong.
Một chuỗi cà phê được cho là "chất" nhất Hà Nội trong 2 năm vừa qua chính là Cộng. Mới đầu, Cộng chỉ là một quán cà phê nằm khiêm tốn bên đường Triệu Việt Vương, Hà Nội. Chỉ sau vài năm, Cộng đã trở thành một hệ thống quán cà phê với 19 cửa hàng tại Hà Nội lẫn Đà Nẵng. Và mới đây, Cộng lại cho ra mắt 2 cửa tiệm tại trung tâm TP.HCM với nơi đầu tiên trên đường Lý Tự Trọng và một quán mặt tiền đường Bùi Viện.
Trong năm 2015, một cái tên mới cũng đang tạo ấn tượng mạnh trong giới trẻ, những người đam mê cà phê và các nhà đầu tư là chuỗi "Ngôi nhà cà phê” - The Coffee House. Bắt đầu từ một cửa hàng vào tháng 9/2014, đến nay The Coffee House đã có 18 cửa hàng tại TP.HCM, Hà Nội và đây chưa phải là cột mốc của chuỗi này. Với tốc độ mở cửa hàng như vậy, có thể nói The Coffee House là chuỗi cà phê có tốc độ phát triển nhanh nhất thị trường hiện nay.
Dù nhận định thị trường cà phê Việt Nam đang ở vào giai đoạn cạnh tranh khốc liệt nhất nhưng CEO Nguyễn Hải Ninh của The Coffee House vẫn tự tin dự báo mức tăng trưởng của chuỗi trong năm 2016 sẽ đạt 100%.
Sự thành công của The KAfe, Cộng và The Coffee House cho thấy những thương hiệu làm tốt là những thương hiệu có concept tốt, am hiểu thị trường Việt Nam, đạc biệt là kinh doanh vì khách hàng. Đó cũng là niềm tự hào của thế hệ doanh nhân mới khi quyết tâm khẳng định mình trên thị trường và mang những giá trị ẩm thực, con người Việt Nam đến thế giới, dù nhiều thương hiệu phương Tây đang "tấn công" thị trường Việt Nam.
Khánh Dinh
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn