Cuộc chiến thời trang Đông - Tây ngày càng quyết liệt

Người tiêu dùng châu Á không còn đánh giá cao thời trang phương Tây như trước đây, mà bắt đầu hướng tới những thương hiệu châu Á.

Những thương hiệu thời trang từ Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản đang trở thành đối thủ đáng gờm của các thương hiệu thời trang phương Tây, trong bối cảnh người tiêu dùng châu Á ngày càng tự tin hơn vào phong cách riêng của họ và tự hào khi mua những nhãn hàng nội địa, Reuters nhận định.

Người tiêu dùng châu Á là đối tượng chi tiêu cho thời trang cao cấp nhiều nhất thế giới, chiếm khoảng một nửa tổng số người mua. Phần lớn họ dưới 35 tuổi, thông thạo Internet và ngày càng thích săn lùng những thương hiệu nhỏ, đẹp và độc đáo để giúp họ nổi bật và khác biệt so với cha mẹ họ. Đó là nhận định chung của các nhân viên bán hàng thời trang và các hãng bán lẻ.

Vị thế của thời trang châu Á tăng dần

Giới chuyên gia thời trang nhận định chất lượng cao đã không còn là đặc tính độc quyền của các thương hiệu hàng xa xỉ phương Tây, và các thương hiệu thời trang châu Á đang thu hút sự chú ý trong bối cảnh họ thử nghiệm những loại vải và nguyên liệu mới, với sự hỗ trợ của các vùng công nghiệp địa phương.

Ca sĩ Rihanna mặc chiếc váy màu vàng của "nữ hoàng thiết kế" Trung Quốc Guo Pei trong một sự kiện tại thành phố New York, Mỹ hôm 4/5/2015. Sau sự kiện, hình ảnh nữ ca sĩ và váy tràn ngập trên các trang báo ở phương Tây. Ảnh: Reuters.

Mối đe dọa ngày càng lớn từ phương Đông có thể làm tăng thêm khó khăn cho những thương hiệu thời trang cao cấp lớn như Prada, Kering's Bottega Veneta và Tod's. Các hãng này đang vật lộn với tình trạng doanh số giảm do mức tăng giá lớn, tình trạng lún quá sâu vào một số thị trường như Trung Quốc và hội chứng “chán” các thương hiệu lớn.

Các thương hiệu thời trang Trung Quốc, như Ms Min và Comme moi, là những thương hiệu đang bán chạy nhất ở Lane Crawford, hãng bán lẻ đang sở hữu nhiều cửa hàng ở Trung Quốc và Hong Kong. Đây là thông tin do ông Andrew Keith, chủ tịch của Lane Crawford, công bố.

Lane Crawford cũng bán những thương hiệu thời trang nam như Woo Young Mi và có thể bán những sản phẩm may mặc Hàn Quốc dành cho nữ trong thời gian tới.

Vào năm 2012, Lane Crawford chỉ bán 4 thương hiệu Trung Quốc, nhưng hiện nay con số ấy đã tăng lên hơn 30.

“20% quần áo do người Trung Quốc thiết kế được bán trên mạng và vận chuyển ra nước ngoài. Phần lớn khách hàng ở nước ngoài là Hoa kiều, những người muốn tiếp cận các sản phẩm xa xỉ của Trung Quốc”, Keith nói.

Keith ước tính tuổi trung bình của khách hàng mua sản phẩm Trung Quốc ở đại lục là 25, trong khi con số đó ở Hong Kong nằm trong khoảng 35-40 tuổi.

Thời trang đường phố tại thành phố Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: ABC.

Người tiêu dùng châu Á cũng đánh giá cao những nhãn hiệu Nhật Bản, như Sacai và Tsumori Chisato. Nhiều thương hiệu trong số đó lâu đời hơn và nổi tiếng hơn so với các thương hiệu Hàn Quốc và Trung Quốc. Danh ca Lady Gaga thường xuyên mặc đồ của Roggykei, một thương hiệu Nhật Bản.

Seoul, Tokyo và Thượng Hải đều tổ chức những tuần lễ thời trang hoành tráng. Với sự tài trợ của các tổ chức công nghiệp địa phương, người ta trưng bày hàng chục thương hiệu mới trong những sự kiện như thế. Một số nhãn hàng cũng xâm nhập thị trường phương Tây và bắt đầu xuất hiện ở các tuần lễ thời trang Milan và Paris. Thậm chí các hãng thời trang Trung Quốc còn mở cửa hàng ở hai thành phố đó.

"Trước đây, nhiều người châu Á nghĩ rằng hàng xa xỉ chỉ có thể tới từ phương Tây, nhưng giờ đây họ tỏ ra tinh tế và hiểu biết hơn. Họ quan tâm tới các mẫu thiết kế trong nước do chúng có phong cách riêng", cô Lee Seo Hyun, chủ tịch công ty Samsung C&T, bình luận. Lee Seo Hyun là con gái của ông Lee Kun Hee, chủ tịch tập đoàn Samsung Electronics. Công ty Samsung C&T của cô là bộ phận chuyên kinh doanh hàng thời trang thuộc tập đoàn Samsung Electronics.

Quân Vũ
Nguồn Zing News