Sự trở lại của Kodak?

Trong kinh doanh, khó khăn và gián đoạn là điều không thể tránh khỏi, theo như Chủ tịch phụ trách phần mềm và giải pháp của Kodak. Bất ngờ thay, tập đoàn đáng kính này đang trên con đường quay trở lại với những hào quang mà nó từng bỏ lỡ.

Bốn năm về trước, mọi thứ đã trở nên quá ảm đạm cho Kodak. Tập đoàn 124 tuổi nộp đơn xin phá sản do không thể theo kịp với các xu hướng phát triển của nhiếp ảnh kĩ thuật số.

Trớ trêu thay, Kodak chính là cha đẻ của chiếc máy ảnh kĩ thuật số đầu tiên vào năm 1975 nhưng lại không tìm được cách tận dụng được triệt để phát minh này của mình, bởi nỗi sợ công nghệ mới này sẽ gây ảnh hưởng xấu tới mảng kinh doanh phim đang thịnh vượng của mình khi đó. Tuy vậy mọi thứ đã phản tác dụng.

"Không có cách nào để che chắn được các tác động và ảnh hưởng từ bên ngoài"- Eric-Yves Mahe, chủ tịch phụ trách phần mềm và giải pháp của Kodak. Người đàn ông 53 tuổi, người gia nhập Kodak hai năm về trước từng nói: "Tôi không nghĩ rằng bạn có thể bảo vệ bản thân mình khỏi các tác nhân ảnh hưởng đó. Bất kì ai cố gắng xây dựng nên một mô hình kinh doanh chống đạn rồi sẽ gặp vấn đề về sau này. Công nghệ đang phát triển cực kỳ nhanh chóng."

Kể từ khi trở lại vào năm 2013, Kodak đã tách ra khỏi ngạch kinh doanh hàng tiêu dùng và tập trung chủ yếu vào phát triển thiết bị công nghệ cao phục vụ cho in ấn trên báo chí, trên bao bì sản phẩm và các thiết bị tương tự, họ bán sản phẩm trực tiếp cho các doanh nghiệp.

Một lĩnh vực khác mà Kodak đang trên đường phát triển đó là tạo ra những sản phẩm đổi mới - điều mà công ty từng là nơi làm tốt nhất và giúp Kodak đạt dược hào quang trong quá khứ.

Ba tháng trước, Kodak cho ra mắt ứng dụng di động Kodakit, nơi được thiết kế như một cửa hàng tiện lợi cho các doanh nghiệp và cá nhân tìm kiếm, đặt hàng và trả tiền cho các nhiếp ảnh gia, và nhận ảnh từ đó.

Các cá nhân sử dụng thường dựa trên các giới thiệu hoặc tìm kiếm thông qua các forum hoặc website như Clubsnap hay Photoshelter, nhưng cơ sở hạ tầng nói chung của chúng không thể được toàn diện và tiện lợi như của Kodakit.

Mahe, đã làm việc tại Singapore trong suốt 9 năm qua, nói rằng hơn 3000 người đã download ứng dụng và thông qua đó 200 nhiếp ảnh gia đã được liên lạc. Kodak nhận 20% chi phí mà nhiếp ảnh gia được trả.

Do hiện tại ứng dụng chỉ có tại Singapore, một kế hoạch đã được dựng nên để mọi người tại 148 thành phố khác cũng có thể sử dụng trong vài tháng tới.

Mahe nói rằng: "Nhiều người vẫn liên hệ Kodak với những kỉ niệm và những khoảnh khắc đặc biệt - khoảnh khắc với Kodak. Họ vẫn hay nhớ lại những lúc gửi đi những cuộn phim gói trong những chiếc phong bì vàng để được giúp gia công và nhận lại ảnh. Vẫn còn rất nhiều lòng tin vào thương hiệu này.

"Chính vì thế tôi vẫn luôn tự hỏi liệu chúng ta có thể quay trở về những giá trị cốt lõi nhưng lội ngược dòng với những công nghệ mới và những cơ hội đầy tiềm năng để thâm nhập và làm thay đổi những thị trường hiện có. Những thị trường vốn được sinh ra là để thay đổi và phát triển. Vì vậy bạn luôn phải nhớ rằng bạn sẽ gặp phải những gián đoạn khi những thay đổi đó xuất hiện, và bạn sẽ luôn phải đi trước thời đại và tự thay đổi chính nền tảng kinh doanh của bạn, không thì người khác sẽ làm."

Nhật Anh
Nguồn Trí thức trẻ