Steve Jobs và trái táo cuộc đời - Phần 4: Hãy tạo ra những sản phẩm vĩ đại!

Khi được phóng viên của tờ New York Times Rob Walker hỏi liệu trong tiềm thức ông có từng nghĩ về sự đổi mới hay không, Jobs đã đáp lại: “Không. Chúng tôi chỉ nghĩ đến việc tạo ra các sản phẩm vĩ đại.

Trích sách Steve Jobs - thiên tài gàn dở và câu chuyện thần kỳ về quả táo của Nhà xuất bản Thời Đại

Chúng tôi không nghĩ rằng “Hãy đổi mới! Hãy giành được sự vinh dự! Đây là năm quy tắc của sự đổi mới, hãy phát huy chúng trong toàn công ty!”. Jobs đã nói việc cố gắng hệ thống hóa sự sáng tạo cũng “giống như một người không ngượng ngùng lại cố tỏ ra là ngượng ngùng. Nhìn thật thảm hại... Giống như thể xem Michael Dell cố gắng nhảy. Thảm hại”.

Công nghệ và nghệ thuật không tách biệt

Jobs luôn là một học sinh say mê thiết kế, kiến trúc và công nghệ. Các văn phòng của ông luôn tràn ngập các thiết bị điện tử mà ông đã tháo bung ra để xem chúng hoạt động như thế nào. John Sculley nhớ lại Jobs luôn nghiên cứu các sản phẩm của các nhà sản xuất khác nhau...

"Từng phần, từng bộ phận điện tử tháo ra từ các sản phẩm nằm la liệt khắp phòng - cựu tổng giám đốc Apple John Sculley viết - Phòng thật bừa bộn và ngổn ngang, với các tranh ảnh gắn đầy tường. Ông ấy vừa trở về từ Nhật với một thiết bị mới mà ông ấy đã tháo ra thành từng phần, được đặt trên bàn làm việc. Bất kỳ khi nào Steve nhìn thấy một điều gì đó mới lạ mà gây cho ông ấy sự tò mò, tôi nhận ra ông ấy sẽ mua nó, tháo ra và cố gắng tìm hiểu xem thiết bị đó hoạt động như thế nào”.

Chân dung Steve Jobs được ghép từ các biểu tượng công nghệ. Ảnh: microadvert.net.

Jobs thường đưa các nhân viên đi tham quan các bảo tàng và tới các buổi triển lãm đặc biệt để giáo dục cho họ về thiết kế và cấu trúc. Ông ấy đã đưa nhóm phát triển Mac tới một phòng trưng bày của nhà thiết kế vĩ đại Louis Comfort Tiffany, bởi vì Tiffany là một nhà thiết kế đã thương mại hóa tác phẩm của mình. Ở NeXT, Jobs đã đưa một nhóm tới nhà thác nước của Frank Lloyd Wright ở Pennylvania để nghiên cứu về thiết kế của một kiến trúc sư vĩ đại. Tại NeXT, Jobs thường lang thang tới các văn phòng của Sony dọc đại sảnh. Ông lấy các tập giới thiệu sản phẩm của Sony, cẩn trọng kiểm tra các font nền, cách bố trí và độ nặng của tập giới thiệu này.

Trong một lần, Sculley thấy Jobs lượn qua lượn lại trong bãi đỗ xe với những chiếc ôtô đang kiểm tra HQ của Apple. Jobs đang phân tích các chi tiết thiết kế của chúng, để tìm ra những ứng dụng mà ông có thể dùng được trong thiết kế máy tính Macintosh. “Hãy nhìn thiết kế xe Mercedes - Jobs nói với Sculley - Qua nhiều năm họ đã biến thiết kế này trở nên nhẹ hơn nhưng lại chi tiết hơn. Đó cũng là điều chúng ta phải làm với Macintosh”.

Jobs có niềm đam mê từ lâu đối với các thiết kế của Đức. Vào những năm 1980, trong căn biệt thự độc thân của ông chẳng có gì ngoài một chiếc đàn piano và một chiếc xe BMW đen to. Jobs rất khâm phục Braun, một nhà sản xuất hàng điện tử của Đức nổi tiếng với các thiết kế công nghiệp sạch. Braun đã kết hợp công nghệ cao với các thiết kế nghệ thuật. Jobs một vài lần đã nói rằng ông nghĩ sự sáng tạo về công nghệ và sự sáng tạo về nghệ thuật là hai mặt của một đồng xu.

Khi được tạp chí Time hỏi về sự khác biệt giữa nghệ thuật và công nghệ, Jobs đã nói: “Tôi chưa bao giờ tin rằng chúng tách biệt nhau. Michelagelo biết rất rõ về cách cắt đá tại khu mỏ đá. Hàng tá các nhà khoa học máy tính ưu tú nhất tôi biết được tất cả đều là các nhạc sĩ. Phần này tốt hơn phần kia, nhưng tất cả họ đều xem rằng đó là một phần quan trọng trong đời sống của mình. Tôi không tin những người tốt nhất ở một trong hai lĩnh vực kia lại xem mình chỉ là một nhánh trong một cái cây đa nhánh. Tôi không nghĩ là như thế”.

Thiết kế là một chức năng chứ không phải hình thức. Và để tìm ra chính xác cách thức hoạt động của sản phẩm, nó cần phải được thảo luận kỹ càng trong quá trình thiết kế.

Thiết kế không phải là trang trí

Niềm đam mê theo đuổi sự hoàn thiện của Steve Jobs chính là bí mật cho những thiết kế tuyệt vời của Apple. Đối với Steve Jobs, thiết kế không có nghĩa là trang trí. Đó không phải là vẻ bề ngoài của sản phẩm. Đó không phải là vấn đề màu sắc hay các chi tiết kiểu dáng. Thiết kế chính là cách thức hoạt động của sản phẩm đó. Thiết kế là một chức năng chứ không phải hình thức. Và để tìm ra chính xác cách thức hoạt động của sản phẩm, nó cần phải được thảo luận kỹ càng trong quá trình thiết kế.

Steve Jobs giải thích với tạp chí công nghệ Wired: “Thiết kế là một từ có vẻ buồn cười. Một vài người nghĩ thiết kế nghĩa là vẻ bề ngoài của sản phẩm. Nhưng nếu các bạn tìm hiểu kỹ hơn, thiết kế thật sự là cách thức hoạt động của sản phẩm đó. Thiết kế của máy tính Mac không phải là kiểu dáng bên ngoài, mặc dù đó cũng là một phần của thiết kế. Mà chủ yếu là cách thức hoạt động của những chiếc máy này”.

Chiếc máy tính Macintosh nguyên bản mất ba năm để thiết kế. Ba năm làm việc nỗ lực không mệt mỏi. Sản phẩm này không được hoàn thiện theo tiến độ làm việc hăng say thông thường ở nhiều sản phẩm công nghệ khác. Nó phải trải qua những lần chỉnh sửa không ngừng. Mỗi chi tiết thiết kế từ màu sắc chính xác của thùng máy tính cho tới các biểu tượng trên bàn phím đều được xem xét cẩn thận, hết lần này đến lần khác cho tới khi nó hoàn thiện. Như Constantin Brancusi, một nhà điêu khắc người Romania, từng nói: “Đơn giản là sự phức tạp đã được giải quyết”.

Chính nhờ những nguyên tắc đó, Apple của Steve Jobs đã cho ra đời hàng loạt sản phẩm công nghệ cao nhưng có vẻ đẹp khó cưỡng, từ iPod, iMac cho đến iPhone, iPad. Nhiều người hâm mộ Steve Jobs nhận xét kỳ tích lớn nhất của ông là biến thế giới công nghệ xấu xí trở thành đẹp đẽ.

Kẻ hữu dụng

Steve Jobs rất hiếm khi trả lời báo chí. Phóng viên công nghệ tạp chí Time Elmer-DeWitt mô tả mỗi cuộc phỏng vấn với Steve Jobs đều “đầy gai nhọn”.

Bất kỳ tình huống phỏng vấn nào cũng có thể biến Steve Jobs thành một người cáu kỉnh, ngay cả các cuộc phỏng vấn tuyển chọn nhân viên cho Apple. Một ứng viên ăn mặc chỉn chu, ra vẻ đạo đức quá mức khi đi xin việc ở Apple đã khiến Steve Jobs nổi cáu đến mức tuôn ra hàng loạt câu hỏi châm chọc và gây hấn, ví dụ như: “Cậu mất trinh lúc bao nhiêu tuổi vậy?”, “Cậu đã mấy lần hít cần sa rồi?”. Sau một hồi bị Steve Jobs “ngấu nghiến”, ứng viên này đã đầu hàng: “Tôi nghĩ mình không phù hợp với công việc này rồi”.

Khi các kỹ sư Apple chế tạo ra máy tính Mac đầu tiên, họ muốn áp dụng các thiết kế cho phép khách hàng có thể tự chỉnh máy phù hợp với nhu cầu của họ. Nhưng Steve Jobs cương quyết phản đối. Cỗ máy đó là của ông ấy và nó phải hoàn hảo, khép kín. Ông ấy thậm chí còn khiến khách hàng không thể thay được pin của những chiếc máy tính xách tay do ông ấy thiết kế.

Trích dịch từ bài viết “Steve Jobs: Người đánh bóng Apple” của nhà báo Bryan Appleyard đăng trên tờ The Sunday Times tháng 8-2009.

Phần 1: Biểu tượng của nhiệt huyết và sự hoàn thiện
Phần 2: Cậu sinh viên "học ké"
Phần 3: Tính cách thay đổi số phận

Sơn Hà
Nguồn Tuổi Trẻ Online