Bán lẻ nội địa trước làn sóng M&A: Chấp nhận thua hay vùng dậy?

Những cuộc mua bán, sáp nhập (M&A) các chuỗi bán lẻ trong nước gần đây đã đặt các doanh nghiệp Việt trước một luật chơi khốc liệt hơn: phải mạnh lên để tồn tại và phát triển.

Nhiều ý kiến của các chuyên gia lẫn nhà bán lẻ trong nước đều cho rằng, thị trường bán lẻ đang nghiêng về phía các doanh nghiệp ngoại. Song nếu nhìn ở góc độ cạnh tranh, có những ý kiến tích cực cho rằng, chính những “cú đấm” mạnh của doanh nghiệp bán lẻ ngoại lại khiến cho doanh nghiệp trong nước bừng tỉnh, thay đổi, học nhanh hơn và chuyển động theo luật chơi quốc tế để lớn mạnh.

Vẫn có cơ hội nếu biết hợp sức
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, nguyên Chủ tịch HĐQT Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM – Saigon Co.op:

Doanh nghiệp trong nước nếu biết liên kết thì sẽ giữ được thị trường của mình.

Theo quy hoạch, đến năm 2020 cả nước sẽ có khoảng 1.200 – 1.500 siêu thị, 180 trung tâm thương mại và 157 trung tâm mua sắm. Thị trường bán lẻ hiện nay chủ yếu là ngành hàng tiêu dùng nhanh, hàng sinh hoạt thiết yếu… Các nhà bán lẻ nước ngoài như Metro (thuộc tập đoàn TCC – Thái Lan), BigC (thuộc Central Group), Aeon (Nhật Bản), Lotte, Emart (Hàn Quốc)… đã vượt mặt doanh nghiệp bán lẻ nội địa, chiếm 53% thị phần. Cuộc chiến ngày càng không cân sức, tuy vậy các doanh nghiệp bán lẻ nội địa vẫn còn cơ hội giành lại thị trường. Tại các quốc gia phát triển như Anh, Mỹ, Nhật… doanh nghiệp bản địa luôn là những tập đoàn bán lẻ hàng đầu. Tại những thị trường mới nổi như Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc, Philippines… nhà bán lẻ trong nước cũng dẫn đầu thị trường bán lẻ nội địa. Trong thị trường mới nổi, quá trình xâm nhập của các nhà bán lẻ nước ngoài sẽ trải qua 4 giai đoạn, trong đó giai đoạn 3 là nhà bán lẻ ngoại lấn át, đến giai đoạn 4, nhà bán lẻ nội địa bừng tỉnh liên kết lại thì sẽ vượt lên làm chủ. Thị trường bán lẻ Việt Nam cũng sẽ đi đến giai đoạn thứ 4 nếu nhà bán lẻ, nhà sản xuất và Nhà nước cùng hợp sức hành động.

Không nên bi quan! Có 2 kịch bản có thể xảy ra.
T.S Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam:

Kịch bản 1: Trong trường hợp ngành công nghiệp bán lẻ tiếp tục không được quan tâm, không được xác định và đánh giá đúng mức về vai trò, vị trí trong nền kinh tế và không có các chính sách, quy định pháp luật tương ứng để hỗ trợ phát triển bài bản, hiệu quả thì ngày càng có nhiều doanh nghiệp nước ngoài vào làm chủ cuộc chơi.

Kịch bản thứ 2: trong trường hợp này, bản thân các doanh nghiệp phải nỗ lực hết sức với tinh thần vượt qua chính mình. Với những nhà bán lẻ đã có tên tuổi như Saigon Co.op đã mở rộng các mạng lưới bán lẻ, mô hình bán lẻ không chỉ có đại siêu thị, siêu thị bán buôn mà còn có các chuỗi cửa hàng tiện lợi. Saigon Co.op là 1 chuỗi bán lẻ khá toàn diện.

Lâu nay các chuyên gia đều đã cảnh báo rằng, thương hiệu nào nắm được khâu bán lẻ thì đương nhiên làm chủ các ngành sản xuất, vì nhà bán lẻ nắm rõ cần sản xuất cái gì để phù hợp với nhu cầu, thị hiếu thị trường. Thật ra cá nhân tôi không quan ngại lắm việc cả 2 chuỗi BigC và Metro đều vào tay người Thái, vì nếu không phải người Thái thì sẽ là những nhà bán lẻ khác mua Metro và BigC hay sẽ có 2-3 chuỗi bán lẻ của người Hàn Quốc, Nhật Bản, thậm chí Philippines, Singapore, Malaysia… nhảy vào Việt Nam. Tất cả đều nhìn thị trường bán lẻ Việt Nam có rất nhiều tiềm năng.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là người tiêu dùng cần gì và nhà bán lẻ phải làm như thế nào để hàng hóa phù hợp với yêu cầu, sự lựa chọn, sự yêu thích của khách hàng. Có một thực tế là các tập đoàn bán lẻ nước ngoài khi đầu tư vào bất cứ quốc gia nào đều rất quan tâm đến các sản phẩm của nước bản địa. Cả Lotte, Aeon, Central Group… đều như vậy và ở các nước khác cũng vậy. Đương nhiên về lý thì nhà đầu tư nước nào cũng muốn bán hàng của nước mình. Còn một điều khác cũng quan trọng không kém, đó là nhà bán lẻ không thể gây khó cho nhà sản xuất nếu khâu sản xuất đủ mạnh. Ông Phillip, Tổng giám đốc Central Group cũng hứa sẽ tôn trọng, giữ ổn định các nhà cung cấp cho BigC và giữ tỷ lệ hàng sản xuất tại Việt Nam đang bán ở BigC. Đương nhiên với điều kiện các nhà sản xuất cũng nỗ lực cung cấp những sản phẩm tốt nhất cho siêu thị.

Trong thương vụ BigC Việt Nam vừa qua, một số quan điểm cho rằng, Saigon Co.op thua cuộc. Theo tôi, đây là góc nhìn bi quan, lệch lạc. Trong thương vụ này, Saigon Co.op đã thay mặt doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh ngang ngửa với các tập đoàn lớn của nước ngoài trong một cuộc đấu thầu quốc tế để giành quyền mua chuỗi bán lẻ lớn và đã nỗ lực vào đến vòng cuối cùng, nhưng không mua được vì vướng các vấn đề về kỹ thuật.

Hiện nay, ngoại trừ Saigon Co.op, Satra, Phú Thái, Hapro thì đa số doanh nghiệp bán lẻ khác ở quy mô nhỏ và quá nhỏ, sức cạnh tranh không nhiều. Đề án tái cơ cấu ngành công thương có đề cập đến việc xây dựng các tập đoàn, các doanh nghiệp lớn, mạnh trong phân phối bán lẻ để cạnh tranh, nhưng từ cuối năm 2014 đến giờ, chúng tôi vẫn chưa thấy được triển khai. Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam và các doanh nghiệp rất mong muốn quyết định đúng đắn như thế sớm được đưa vào cuộc sống. Bên cạnh đấy là không gian chính sách cho doanh nghiệp phát triển cũng cần được sớm xây dựng để có ngành công nghiệp dịch vụ bán lẻ hiệu quả và cộng đồng doanh nghiệp lớn mạnh.

Hãy đoàn kết và liên kết chặt chẽ
Ông Trần Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn The Pathfinder:

Thương hiệu nào nắm được khâu bán lẻ thì đương nhiên làm chủ các ngành sản xuất.

Cạnh tranh là chuyện đương nhiên từ nhiều năm trước chứ không phải bây giờ mới xảy ra, vấn đề là chuẩn bị gì cho cuộc cạnh tranh đó. Đứng về góc độ doanh nghiệp, từ nhiều năm trước, tôi đã kêu doanh nghiệp xây dựng thương hiệu cho mạnh đi. Nếu thương hiệu đủ mạnh, nhu cầu thị trường có thì siêu thị nội hay ngoại vẫn phải bán hàng của mình, muốn thay thế một sớm một chiều không phải dễ. Ngược lại, thương hiệu yếu thì doanh nghiệp chịu bị loại ra bởi hàng nhãn riêng hoặc hàng hóa thay thế khác.

Đứng về phía siêu thị, khi các nhà bán lẻ ngoại nhảy vào thì thật đáng lo, nhưng vẫn còn những siêu thị Việt Nam có đủ khả năng cạnh tranh với các thương hiệu nước ngoài. Bản thân các doanh nghiệp Việt Nam phải tìm con đường riêng để cạnh tranh hiệu quả với nước ngoài. Saigon Co.op có “bài” của họ. Vingroup cũng đang có những cách làm riêng. Ở đây còn có vai trò truyền thông xã hội và truyền thông Nhà nước. Chính sách thì đương nhiên phải trông chờ Nhà nước, nhưng bản thân doanh nghiệp phải vận động, phải truyền thông, cân nhắc xem đưa thông điệp nào ra để tạo được sự ủng hộ của khách hàng. Khoảng 6-7 năm trước, tôi tư vấn cho một doanh nghiệp bán lẻ hãy quay lại bài toán định vị thuần Việt để cho thấy, đây là một hệ thống siêu thị của người Việt Nam. Đến bây giờ thì họ rất thành công khi có được định vị đúng đắn. Trong giai đoạn này, các nhà bán lẻ Việt Nam phải đoàn kết hơn, liên kết chặt chẽ hơn với nhà cung cấp Việt Nam, hình thành tiếng nói chung để thu hút cộng đồng về phía mình.

Cạnh tranh cũng là áp lực tốt
Ông Nguyễn Thành Nhân, Tổng giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM – Saigon Co.op:

Đứng trước sự thay đổi của thị trường bán lẻ, hệ thống Co.opmart luôn cải tiến và thích nghi với hoàn cảnh. Điểm nổi bật nhất đó là sự tận tâm phục vụ của Saigon Co.op đối với khách hàng, luôn luôn lắng nghe, thấu hiểu nhu cầu của khách hàng. Sắp tới chúng tôi còn đầu tư phòng thí nghiệm hiện đại tại kho (hiện đã có phòng quản lý chất lượng) để kiểm tra định lượng nhanh tại chỗ thay vì chỉ kiểm tra định tính, gửi mẫu đến các trung tâm kiểm nghiệm, kiểm tra định lượng. Đặc biệt, Saigon Co.op liên kết để sản xuất nguồn hàng đảm bảo chất lượng.

Vừa rồi, chúng tôi thử nghiệm dự án liên kết với nông dân ở Vĩnh Long trồng lúa sạch. Nhiều năm nay, Saigon Co.op đã liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp sản xuất rau sạch, đảm bảo nguồn hàng chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng. Song song đó, chúng tôi luôn luôn cập nhật xu hướng thị trường để có hàng mới, đa dạng cho khách hàng lựa chọn, đặc biệt ưu tiên hàng Việt Nam. Bản thân tôi cũng muốn nói rằng, hàng Việt Nam phải nâng cao chất lượng nhiều hơn nữa. Cạnh tranh cũng là áp lực tốt để hàng Việt thay đổi.

Hiện nay chúng tôi đã tập trung đầu tư nâng chất và hoàn thiện quy trình hoạt động dịch vụ hậu cần: đầu tư một kho logistic hiện đại, đủ phục vụ cho nhu cầu phát triển mạng lưới nhanh trong thời gian tới; nâng cao hiệu quả hoạt động để giảm giá thành tối đa, đưa giá tốt nhất đến người tiêu dùng. Tôi tin rằng, chúng tôi có thể cạnh tranh và đồng hành, liên kết với nhà cung cấp hàng Việt.

Nhà bán lẻ nước ngoài đã có mặt ở Việt Nam 15 năm nay và doanh nghiệp Việt, hàng Việt vẫn cạnh tranh được nếu các doanh nghiệp trong nước thay đổi mạnh mẽ hơn, phát huy thế mạnh của mình tốt hơn. Không chỉ riêng mua bán, sáp nhập mà tất cả mọi cơ hội nếu thấy có lợi cho sự phát triển chung của ngành bán lẻ cũng như riêng Saigon Co.op và các doanh nghiệp Việt Nam thì Saigon Co.op sẽ nhanh chóng tận dụng.

Cần niềm tin và động lực
Ông Vũ Quốc Chinh, chuyên gia bán lẻ:

Trong bàn cờ bán lẻ, có 3 đối tượng cần phải phân biệt rõ ràng: Nhà nước với tính chất là cơ quan quản lý; Những doanh nghiệp phân phối (kể cả doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, cơ sở bán lẻ ở chợ truyền thống); Các doanh nghiệp sản xuất.

Đối với các doanh nghiệp, cần liên kết dưới mái nhà hiệp hội (đây phải là hiệp hội hoạt động thực chất chứ không phải hiệp hội có tính đoàn thể, chính trị hóa). Hiệp hội sẽ là người đại diện tiếng nói chung để đi thương lượng với các siêu thị, hệ thống bán lẻ ngoài siêu thị. Những hiệp hội mạnh có thể tự mình lập ra các công ty phân phối sản phẩm cho các hội viên, hình thành hệ thống bán lẻ của chính các nhà sản xuất. Mô hình này đã có ở nhiều nước. Tôi vẫn có niềm tin vào sức bật của người Việt. Khi đã bị dồn vào thế “sinh tử” thì bao giờ cũng có sự đổi mới, bứt phá, với điều kiện phải có môi trường hỗ trợ tốt. Môi trường đó là môi trường chính sách, văn hóa công quyền. Nếu không có hỗ trợ của nhà nước thì doanh nghiệp sẽ không có niềm tin, không có động lực vươn lên cạnh tranh. Sợ nhất là đến lúc nào đó, doanh nghiệp không còn đủ sức cạnh tranh và sẽ trở thành những người làm thuê, gia công hàng nhãn riêng cho nhà bán lẻ nước ngoài. Khi ấy, doanh nghiệp sẽ mất thương hiệu, giảm lợi nhuận. Nếu cảnh đó diễn ra thì nền công nghiệp sản xuất bị xóa sổ, thương hiệu của doanh nghiệp cũng bị xóa sổ.

Chỉ chưa đầy một năm sau cổ phần hóa, sự hồ hởi đã nhường chỗ cho những lo âu

Nhà nước
Công khai minh bạch quy hoạch hệ thống bán lẻ.
Có chiến lược thống nhất phát triển hệ thống bán lẻ.

Doanh nghiệp sản xuất
Có chiến lược sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
Xây dựng thương hiệu mạnh.
Liên kết các doanh nghiệp cùng ngành.

Doanh nghiệp bán lẻ
Có chiến lược đúng.
Liên kết toàn diện với các doanh nghiệp trong nước.
Định hướng cho nhà sản xuất đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

Hiệp hội bán lẻ
Đại diện cho doanh nghiệp, đề xuất chính sách với Nhà nước

Thanh Nguyên
Nguồn Diễn đàn Doanh nghiệp