Marketing cần "gỗ" hay cần "sơn"
Năm chị 33, thừa hưởng dinh cơ của nhà, điều hành một công ty cũng cỡ hơi hơi bự. Sản phẩm rõ ràng, thị trường sung mãn, chị bán hàng đắt hơn sữa tươi trân châu đường đen.
Chị tuyển Giám đốc Marketing, chị cho hai lính, chị là người quyết hết vì insight có đầy và tiềm lực cũng dư dả, chả thấy gì khó. Chị luôn tâm niệm, sản phẩm đi đầu, truyền thông hốt chót. Chị luôn tâm niệm "Hữu xạ tự nhiên hương".
Anh du học trời Tây, làm những công ty nói tiếng anh thay tiếng mẹ đẻ, anh học đủ "phem quợt", hiểu đủ "trờ en" trên thế giới, đọc báo cáo thay cơm, nhìn số thay nước. Anh tự tin mình có thể chia sẻ bờ vai, gánh vác công ty và phát triển ước mơ Thương Hiệu Việt.
Năm chị 38, anh đã rời công ty được...4 năm tròn. Những cuộc cãi vã trong phòng họp và từ hai người bạn thanh mai trúc mã làm cả hai suy nghĩ vô cùng nhiều. Chị đã phải tự hỏi sao mình làm tốt mà chưa gột nên hồ? Sao sản phẩm mình từng "hương bay tung toả" mà giờ ngõ bán cũng không ra? Tại vì làm sao? Thời thế không thành, canh không lành cơm không ngọt với đại lý? Hay tại vì truyền hoài hông thông? Cũng làm đủ tấm đủ món như các công ty khác, cũng "full service", đủ 360 độ, online ợp line rồi banner đủ kiểu. Là tại làm sao?
Anh sau 4 năm lặn lội các công ty Việt Nam chân phương, đến Việt Nam phối ngẫu nước ngoài, đi dạy đi tư vấn đi làm chủ một doanh nghiệp nhỏ, phong trần đủ có, kinh nghiệm thiếu thừa, anh nhận ra những lời mình nói với chị ngày xưa, có phần..."sách vở".
Chị luôn tin sản phẩm tốt nên chỉ làm tốt mà chị không khoe. Chị cứ để mọi người tự cảm nhận. Tự rỉ tai nhau. Chị tin là một cô gái đẹp thì ai cũng quý cũng mê tự thấy đẹp. Nên bao lần anh bảo phải "rầm rộ" thì chị lại tin rằng đó chỉ là "đem tiền đốt trứng".
Một ngày nọ, xứ bạn tràn vào, cửa hàng mọc lên như nấm sau mưa, đẹp ngời ngời mà không sống đời ở kiếp với khách hàng. Họ mua vào ào ạt như lượt view của Sếp MTP. Chị hoang mang.
Còn anh, đi qua đủ loại công ty, thấy truyền thông rồi thì cũng vào hư không, khi người ta cầm sản phẩm, lặng im không nói 1 lời về sự sút càng gãy gọng của nó. Hay người ta thấy đẹp mua về mà...không xài hay xài một lần rồi thôi. Đọc số hoài mà không thấy nó tăng. Anh nhớ lại lời chị ngày xưa. Giờ anh muốn "fancy" mà trên nền sự thật.
-----
Anh với chị là hai kiểu mẫu của dân ma két tờ. Một bên tôn sùng cái chất sâu thẳm bên trong. Một bên tin rằng "con lợn có béo thì lòng mới thơm". Rồi hai bên nói tiếng ta mà sao chả ra tiếng mình. Thương lắm chứ.
Doanh nghiệp trong nước loay hoay với bài toán kinh doanh, ra bao nhiêu chiến lược truyền thông thì truyền hoài không thông, nên xem lại xem mình có "hữu xạ" không. Còn các doanh nghiệp thấy "hữu xạ" rồi thì làm sao cho hương bay đây? Mà nếu hữu xạ thì cũng nên nhìn xem ngày nào hết đát? Bao nhiêu kết quả nhãn tiền cho ta thấy đau lòng là lòng người thay đổi, nên dù tốt như Nokia giờ cũng "nó kìa" rồi thôi. Rồi dù tốt như vài trăm ngàn nhãn hiệu Camay, Cô ba rồi cũng "sao ta lặng im".
Mặt khác, có những sự hào hoa phong nhã cũng im ỉm ra đi sau nhiều năm nhiều tháng. Đơn giản vì đời cần có nhau. làm sao mà làm marketing nếu sản phẩm không "thật" về giá trị? Hay bạn mong muốn giá trị tài chính cao hơn giá trị bạn mang lại? Rồi bao nhiêu truyền thông làm hồng đôi mắt thì đến cuối cùng cơm áo gạo tiền cũng làm thức tỉnh "lương" tâm.
Thế nên, làm marketer không chỉ làm truyền thông mà phải đôi khi "làm công" cho R&D nữa.
Các công ty luôn tìm chiến lược kinh doanh, tìm chiến khu tăng trưởng nhưng mấy công ty mang nặng đẻ đau ra một thau sản phẩm?
18.7.2018