Khi thương hiệu kể chuyện thông qua người sáng lập
Tôi có thói quen quan sát những chiến dịch truyền thông đến từ các thương hiệu, và lấy làm thú vị với The Kafe cùng câu chuyện kể thú vị, lôi cuốn của họ. Tôi quyết định viết bài viết này, chia sẻ cùng cộng đồng BrandsVietNam - xem như một "case study" tham khảo.
Việc tôi nhắc đến thương hiệu The Kafe trong bài viết này, chứng minh rằng bộ phận PR của thương hiệu này đã thành công với chiến dịch và ý tưởng truyền thông chủ đạo của họ.
Thời gian gần đây thông qua trang chủ facebook tôi thấy nhiều người bạn của tôi chia sẻ về sự thành công của cô chủ trẻ Đào Chi Anh cũng chuỗi nhà hàng The Kafe. Vốn “bệnh nghề nghiệp” nên tôi cho rằng họ đã sử dụng và khai thác rất tốt câu chuyện của cô chủ trẻ với số vốn đầu tư lớn để làm ý tưởng chủ đạo cho một chiến dịch PR thành công.
Sử dụng người sáng lập để làm chủ đề cho chiến dịch PR vốn không phải là cách làm mới trên thế giới. Với qui mô quốc tế, chúng ta từng biết đến một Steve Jobs với Apple, một Jack Ma với Alibaba hay một Bill Gates với Microsoft. Kinh điển hơn chúng ta có thể nhớ lại câu chuyện của Henry Ford với thương hiệu xe hơi huyền thoại thế giới, tính cách của Henry Ford đã ảnh hưởng đến tính cách thương hiệu này xuyên suốt từ quá khứ đến hiện tại. Tại Việt Nam với qui mô nhỏ, thương hiệu trong nước chúng ta cũng biết đến nhiều tên tuổi như Đặng Lê Nguyên Vũ với Cà Phê Trung Nguyên, chàng trai trẻ Đinh Nhật Nam với chuỗi cửa hàng cà phê dành cho giới trẻ Urban Station hay Nguyễn Hải Ninh với thương hiệu cà phê sang trọng mới ra mắt 2014 mang tên The Coffee House.
Thông qua quan sát những thương hiệu này chúng ta có thể nhận thấy rằng: Giữa người sáng lập và thương hiệu – tính cách thường có nhiều điểm tương đồng.
Như vậy, với việc sử dụng phương pháp này để xây dựng chiến truyền thông cho thương hiệu. Tính cách thương hiệu sẽ được truyền cảm hứng và mang đậm tính cá tính của người sáng lập. Vì thế sự thành công hay thất bại của thương hiệu tại nhiều thị trường khác nhau phụ thuộc nhiều đến tính cách người sáng lập nó.
Việc sử dụng người sáng lập để truyền cảm nhận cho công chúng về tính cách thương hiệu là một cách làm hay, nhưng tùy trường hợp mà áp dụng cho hiệu quả.
Ý tưởng này dường như chỉ phù hợp với những thương hiệu sở hữu tính cách hiện đại, truyền cảm hứng, xu hướng giới trẻ hay bản thân người sáng lập có nhiều câu chuyện hay để kể.
Phân tích trường hợp thương hiệu chuỗi cửa hàng The Kafe được truyền thông nhắc đến ngập các tờ báo thời gian gần đây. Chúng ta có thể thấy những điểm phù hợp giữa cô chủ trẻ thành công và lĩnh vực kinh doanh của chuỗi cửa hàng này. Một câu chuyện thương hiệu hay đã ra đời như thế, một hình ảnh ổn định của một cô gái trẻ thành công. Một công việc thú vị, một gia đình trong mơ và bản lĩnh kêu gọi nhà đầu tư phát triển hệ thống mang tính truyền cảm hứng cao. Trong những bài phỏng vấn, bài viết về cuộc sống và sự thành công của cô chúng ta có thể cảm nhận về thương hiệu The Kafe với nhiều món ăn ngon, an toàn, sạch, tươi với nhiều món nước trẻ trung và giàu dinh dưỡng. Không gian thiết kế hiện đại và chuyên nghiệp cũng được kèm vào những bài báo khi phỏng vấn cô.
Có thể thấy sử dụng người sáng lập để làm chủ đề cho một chiến dựng truyền thông, xây dựng thương hiệu là một cách làm hay. Một ý tưởng có thể tham khảo, nhưng sẽ hoàn hảo hơn nếu nó được tính toán và sắp xếp một cách bài bản hơn. Tất cả vì mục đích truyền đi cảm nhận về thương hiệu thông qua người sáng lập.
Rủi ro của cách làm này là sự ảnh hưởng quá lớn của người sáng lập đối với thương hiệu, đòi hỏi sự ổn định. Kiểm soát thông tin thương hiệu một cách có tổ chức, hoạch định trước những trường hợp có thể xảy ra với hình ảnh người sáng lập để ứng phó kịp thời khủng hoảng truyền thông trong thời buổi hiện tại.
Và như một lời chia sẻ, tôi nhận thấy trong hệ sinh thái truyền thông hiện tại. Quả thực mạng xã hội đang giúp những thương hiệu cất cánh, tiếp cận đến với nhiều người hơn một cách nhanh chóng. Nhưng để công chúng cảm nhận sâu hơn cần thời gian, công sức và tâm huyết của người kể chuyện. Lấy ví dụ thương hiệu The Kafe như thế là một bước khởi đầu tốt, nhưng nó chưa nói lên điều gì. Cần thời gian và sự lưu tâm để thương hiệu này kể một câu chuyện hấp dẫn, cuốn hút và chinh phục nhiều trái tim khách hàng hơn.
Hãy xem CEO Howard Schultz với Starbucks cùng một bài học xây dựng tính cách thương hiệu gắn liền câu nói kinh điển: “Điều gì xuất phát từ trái tim sẽ đến được với trái tim”. Howard Schultz đã rất thành công với việc hòa cái tính “lãn mạn” vào mỗi tách cà phê, truyền nguồn cảm hứng cho thương hiệu Starbucks và hơn 22.000 cửa hàng trên toàn thế giới. Còn bạn, nếu là người sáng lập – Bạn đã sẵn sàng để xây dựng tính cách thương hiệu của bạn?
Cùng trao đổi ở mục bình luận, và nếu quan tâm bạn có thể gửi tin nhắn cho tôi qua facebook để bài viết trở nên hoàn thiện hơn.
Hoàng Tiễn