Marketer Vũ Hoàng Tâm
Vũ Hoàng Tâm

Chuyên gia @ Mobile Marketing

Apple Music - Chiến lược kẻ phá bĩnh

Hơn một năm kể từ thương vụ khủng phải chi ra đến 3 tỉ USD để mua lại hãng âm thanh Beats, Apple đã làm nức lòng người hâm mộ bằng “bom tấn” Apple Music.

Apple Music là gì?

Trong bản cập nhật phần mềm mới đây của Apple, bản iOS 8.4, thứ được mong đợi nhất chính là Apple Music, một dịch vụ giúp người nghe nhạc từ kho nhạc trực tuyến khổng lồ từ hãng này. Tại Mỹ, để dùng Apple Music phải trả mức phí 9 USD / tháng nhưng Apple đang ưu ái cho người Việt Nam khi chỉ phải trả phí 3 USD / tháng. Ngoài ra còn một lựa chọn là dùng gói Gia đình chỉ với 5 USD / tháng và có thể chia sẻ với 6 thành viên cùng nghe chung một tài khoản. Hiện Apple hiện miễn phí 3 tháng cho người dùng.

Với dịch vụ này, từ nay người dùng có thể thưởng thức rất nhiều bài hát quốc tế mà thường là bị giới hạn về mặt bản quyền nên không thể nghe từ các dịch vụ trong nước như Nhaccuatui.com hay Zing MP3.

Viên đạn bạc của Apple?

Thứ tạo nên sự bền vững trong cơ cấu doanh thu của Apple không phải việc bán thiết bị dù nó chiếm tỷ trọng cao và vấp phải sự cạnh tranh rất khốc liệt từ các đối thủ. Câu trả lời ở đây là nội dung số, từ nhạc, phim đến các ứng dụng. Nguyên tắc phổ biến trong ngành là Apple lấy 30% doanh thu trong khi chỉ việc xây dựng hệ thống dựa trên hệ sinh thái có sẵn trong khi nội dung được các bên thứ ba trên toàn cầu đóng góp vào.

Apple không thể sản xuất ra iPhone liên tục như Galaxy của Samsung vì khách hàng mục tiêu của họ không dàn trải rộng khắp từ thấp đến cao cấp như đại diện xứ Hàn. Vì vậy vũ khí cạnh tranh của hãng chính là nội dung số.

Apple Music được đón nhận mạnh mẽ vì kho nhạc phong phú, giá rẻ và chất lượng cao. Ở khía cạnh chất lượng, người dùng có thể stream (nghe nhạc trực tuyến) rất nhanh và thậm chí tải về để nghe ngoại tuyến (offline). Một điểm cộng rất lớn cho “bom tấn” này.

Người dùng tại Việt Nam thêm một lý do để thích dịch vụ này vì chúng ta có vẻ bị kỳ thị khi không thể dùng các dịch vụ nghe nhạc khác như Spotify hay Google Music trong khi kho nhạc ít hơn (Google Music là 50,000 bài so với Apple Music 100,000 bài) và chi phí cao hơn (Spotify là 10 USD /tháng so với 3 USD / tháng).

Hiện Apple đã bán ra hơn 700 triệu chiếc iPhone. Giả sử chỉ 50% trong số đó có thể nâng cấp lên iOS 8.4 để dùng Apple Music thì họ sẽ có doanh thu hơn 1 tỉ USD / tháng và hoa hồng hãng này thu về 300,000 USD / tháng. Chưa kể từ iPad và các thiết bị khác. Sau nhiều ngày giảm liên tiếp, giá cổ phiếu của Apple cũng tăng nhẹ quay lại mốc 128 USD sự trình làng tính năng nghe nhạc đình đám này.

Apple Music thực sự là mối đe dọa cho các nhà kinh doanh nhạc số, từ trên thế giới cho đến các đơn vị nội địa như Nhaccuatui.com hay Zing MP3. Cũng lưu ý rằng, ứng dụng của Nhaccuatui.com vừa được Apple duyệt và xuất hiện lại trên Apple App Store cách đây ít ngày trong khi ứng dụng Zing MP3 vẫn vắng bóng vì lý do bản quyền âm nhạc. Đáng ngại hơn nữa, hãng trái táo sẽ xâm thực ngay chính mảnh đất Android của Google Music vào tháng 9 này với sự xuất hiện của ứng dụng Apple Music dành cho Android. Với hai trở ngại là bản quyền và hành vi người dùng trong việc nghe nhạc có trả phí, các đại diện “quốc nội” thật sự khó lòng cạnh tranh.

Góc khuất

Với những ưu điểm kể trên nhưng không phải Apple Music là vô đối vì vẫn còn đó những hạt sạn.

Phát triển rộng thì khó phát triển sau, mặc dù mở cho người dùng Việt Nam sử dụng nhưng chúng ta lại thấy những thể loại nhạc của Indonesia hay Malaysia trong khi Việt Nam không có. Thậm chí còn xảy ra lỗi ngớ ngẫn là tìm nhạc của nữ ca sĩ Bích Phương thì lại ra bài hát của Hồ Ngọc Hà.

Giao diện hơi rối, quá nhiều lựa chọn và mỗi nút bấm lại nhỏ tí xíu. Chắc chắn ngón tay của người Âu hay Mỹ sẽ gặp khó khăn.

Và sau cùng, vấn đề lớn nhất là bản quyền. Theo ông Nguyễn Minh Kha, Phó Tổng Giám Đốc NCT đơn vị chủ quản của Nhaccuatui.com thì có một bài hát của nam ca sĩ trẻ Sơn Tùng MTP đã được NCT bảo hộ độc quyền nhưng vẫn xuất hiện trên Apple Music mà NCT không hề nhận được thông tin liên lạc nào từ Apple trước đó. Đây thật sự là câu hỏi lớn vì liệu rằng những bài hát khác, ở những quốc gia khác có xảy ra tình trạng tương tự không? “Trước hết, chúng tôi sẽ làm việc với các đơn vị nhận ủy quyền từ NCT xem đơn vị nào đã vi phạm việc đưa nhạc lên kinh doanh trên Apple Music mà không thông qua NCT. Không ai nhận thì chúng tôi sẽ truy ngược từ Apple xem đơn vị nào đã làm điều này”, ông Kha chia sẻ.

Apple Music thật sự là con bài khôn ngoan của hãng công nghệ này và cũng đúng với những gì họ đang đi. Bán thiết bị đã củng cố tập khách hàng và kiếm cách thu đều đặn từ họ mỗi tháng. Nhưng một sản phẩm triển khai trên diện rộng như vậy chắc chắn sẽ vấp phải nhiều trở ngại. Hãy chờ xem Apple sẽ xoay sở như thế nào? Các đối thủ như Spotify hay Google Music sẽ làm gì?

Vũ Hoàng Tâm