Giám đốc Sáng tạo Cheil Worldwide: Châu Á là “mảnh đất màu mỡ” dành cho sáng tạo

Trước phiên thảo luận “AI, Blockchain và Sáng tạo”, Spike Asia đã phỏng vấn bà Youngmin Pipha Cho – Giám đốc Sáng tạo Cheil Worldwide – về những insight mới mẻ trong lĩnh vực Sáng tạo và Đổi mới tại Châu Á.

* Theo bà, tại sao châu Á lại là “vùng đất màu mỡ” dành cho sáng tạo?

Đầu tiên, theo tôi mối quan hệ giữa công nghệ với truyền thông sáng tạo là không thể tách rời. Ngày nay, nhiều quốc gia châu Á đã và đang phát triển các công nghệ tiên tiến.

Thứ hai, người tiêu dùng châu Á có xu hướng thích công nghệ, không ngại ngần tiếp nhận các xu hướng và sản phẩm mới, và họ thích thử nghiệm. Bên cạnh đó, nhiều thị trường châu Á hiện nay đang là những thị trường mới nổi, cách vận hành của các thị trường này đã hỗ trợ nhu cầu tiêu dùng kể trên một cách đáng kể.

Thứ ba, với lịch sử lâu đời và khối lượng di sản văn hóa mang đậm bản sắc địa phương, tôi tin rằng Châu Á là một “kho tư liệu” có thể tận dụng trong kể chuyện.

Do vậy, Châu Á có đầy đủ các điều kiện cần thiết để sáng tạo: các hỗ trợ kĩ thuật, nền tảng văn hóa và đông đảo người tiêu dùng cởi mở với những xu hướng mới.

* Theo bà những lĩnh vực nào có phát triển nổi trội tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, xét về mảng sáng tạo và công nghệ?

Giám đốc sáng tạo Cheil Worldwide, Youngmin Pipha Cho

Giám đốc sáng tạo Cheil Worldwide, Youngmin Pipha Cho.

Theo tôi, 3 lĩnh vực nổi bật đó là: high-tech, ngành công nghiệp văn hóa và đột phá về sản phẩm trong các ngành hàng như smartphone, xe điện, làm đẹp, âm nhạc và phim ảnh.

* Sự sáng tạo của quốc gia nào tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương làm bà quan tâm nhất?

Đó là Hàn Quốc – quốc gia sở hữu rất nhiều thương hiệu toàn cầu. Bên cạnh đó, tầm ảnh hưởng của Hàn Quốc cũng mở rộng ở nhiều lĩnh vực khác nhau như âm nhạc, phim ảnh, TV show và ngành công nghiệp làm đẹp. Dễ dàng nhận thấy tầm ảnh hưởng văn hóa kết hợp với quy mô của các thương hiệu toàn cầu sẽ mang lại hiệu quả marketing rất lớn.

Mặt khác, khi nhắc đến “quyền lực mềm” hay ngoại giao văn hóa, Hàn Quốc cho thấy nhiều hứa hẹn, nhất là với người tiêu dùng thế hệ millennial. Trong nhiều năm trở lại đây, xã hội Hàn Quốc luôn mang tính kết nối cao và gắn liền với giá trị văn hóa.

Tuy nhiên, nếu dựa trên quy mô thị trường, sự đầu tư vào công nghệ và khả năng lan toả văn hóa khắp thế giới, thì phải kể đến Trung Quốc.

* Bà mong chờ điều gì tại Spikes Asia Festival năm nay?

Tôi hy vọng sẽ thấy được những xu hướng trong tương lai tại sự kiện năm nay. Tiểu thuyết gia viễn tưởng William Gibson từng viết, “Tương lai là ở đây. Chỉ là nó chưa được phổ biến rộng rãi”. Tôi tin tương lai là hiện tại, ở Châu Á, một tương lai của sáng tạo được thúc đẩy bởi công nghệ. Vì như chúng ta đã biết, Châu Á là điểm hội tụ của sáng tạo và những công nghệ tiên tiến. Tại Spikes Asia năm nay, “cặp đôi” sáng tạocông nghệ sẽ truyền cảm hứng và gợi mở về tương lai cho người tham gia.

* Phiên thảo luận của bà sẽ bàn luận về vấn đề gì?

Trong phần trình bày của mình, tôi sẽ đề cập đến những nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ và các case-study nổi bật. Chúng ta sẽ cùng nhau khám phá cách công nghệ ngày nay ảnh hưởng đến nghề nghiệp và cách chúng ta làm việc như thế nào.

Tôi cũng muốn chia sẻ thêm, rằng công nghệ không phải kẻ thù của nhân loại. Chúng ta cần nhớ: từ xa xưa, con người là những “nghệ nhân”, kết hợp giữa nghệ thuật và công nghệ. Do đó, chúng ta vẫn có khả năng trở thành những người điều hướng trong thời đại công nghệ marketing bị phân mảnh như hiện nay.

Về Spikes Asia

Spikes Asia Festival, sự kiện dành cho ngành marketing và quảng cáo sáng tạo tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, sẽ diễn ra từ ngày 25 – 27 tháng 9 năm 2019.
Ngoài 3 ngày kết nối và học hỏi từ các chuyên gia, sự kiện còn vinh danh các chiến dịch xuất sắc nhất tại Spikes Asia Awards vào tối ngày 27 tháng 9 năm 2019 ở Victoria Theatre, Singapore.

Theo Campaign Brief Asia