Marketer Bạch Hạnh
Bạch Hạnh

Content Executive @ Brands Vietnam

Ông kẹ “Amazon”

Nhiều startup công nghệ kinh doanh dịch vụ trên nền tảng điện toán đám mây của Amazon bắt đầu lên tiếng về việc Amazon cạnh tranh không lành mạnh, nhưng đồng thời họ cũng không dám kiện tụng vì sợ mất đi nguồn khách hàng khổng lồ từ nền tảng này.

Elastic, một startup kinh doanh phần mềm ở Amsterdam, đang khẩn trương xây dựng doanh nghiệp của mình và tăng số lượng nhân viên lên 100 người, thì Amazon xuất hiện và nhảy vào.

Những người tố cáo

Tháng 10 năm 2015, dịch vụ điện toán đám mây của Amazon phát đi thông báo về việc đưa ra dịch vụ tương tự Elastic trên nền tảng Amazon Web Services (A.W.S.), vốn cho phép người dùng tìm kiếm và phân tích dữ liệu, và bán như một dịch vụ trả phí.

Trong vòng 1 năm, Amazon đã kiếm được nhiều tiền hơn nhờ Elastic, theo doanh nghiệp này nhận định. Vì vậy, Elastic đã thêm vào những tính năng cao cấp từ năm ngoái và giới hạn những công ty hợp tác chung, trong đó có Amazon. Amazon đã sao chép nhiều tính năng của ứng dụng này và cung cấp miễn phí cho người dùng.

Thậm chí vào tháng 9, Elastic đã kiện Amazon tại toà án liên bang California vì vi phạm nhãn hiệu: Amazon đã gọi sản phẩm của mình bằng cái tên tương đồng trong ứng dụng của họ: Elasticsearch.

“Amazon đánh lừa người tiêu dùng”, công ty startup này trình bày trong đơn khiếu nại. Amazon phủ nhận và không nghĩ rằng việc này sai trái.

“Mọi người đang lo sợ tham vọng không giới hạn của Amazon”, theo Matthew Prince, giám đốc điều hành của Cloudflare, một đối thủ của AWS nói.

Không ai nghi ngờ về vai trò dẫn đầu thị trường của Amazon – với quy mô gấp ba lần ông hoàng một thời trong giới công nghệ Microsoft, hiện vẫn đang chậm chạp trong quá trình chuyển dịch sang điện toán đám mây. Với vị thế này, Amazon hiển nhiên trở thành “ông kẹ”, có thể bắt nạt bất cứ ai.

Những gì Amazon đang làm với những startup phần mềm là không bền vững, theo Salil Deshpande, người sáng lập của Uncorrelated, một công ty đầu tư mạo hiểm.

“Amazon đã ngăn chặn việc kiếm tiền của họ, kiểm soát phần mềm và thu hút khách hàng của họ vào các dịch vụ độc quyền của riêng mình”, ông nói.

Vào tháng Hai, bảy giám đốc điều hành các công ty phần mềm đã gặp nhau ở Thung lũng Silicon để thảo luận về bộ luật chống độc quyền của Amazon. Với những gì đã diễn ra cùng tần suất ngày càng nhiều, đã khiến một số đối thủ buộc phải thảo luận về việc đưa ra các khiếu nại chống lại sự độc quyền. Những nhà quản lý và lập pháp đang kiểm tra đầu mối sự việc này trong ngành.

Hiện nay, Hội đồng Thẩm phán (The House Judiciary Committee) hiện đang điều tra những công ty công nghệ lớn, yêu cầu Amazon giải trình về hoạt động của AWS. Tháng 9 vừa qua, Uỷ ban Thương mại Liên bang hiện đang điều tra Amazon, đặt ra câu hỏi cho những đối thủ của AWS.

Amazon lên tiếng

Để hiểu cội nguồn câu chuyện, chúng ta hãy quay lại câu chuyện hình thành AWS của Amazon và cách nó trở thành con gà đẻ trứng vàng cho doanh nghiệp này.

Dịch vụ này bắt đầu vào đầu những năm 2000 khi các nhà bán lẻ vật lộn trong việc tập hợp hệ thống máy tính để bắt đầu những dự án và tính năng mới. Bài toán lớn nhất trong đầu tư hạ tầng là thiếu nhà cung cấp dịch vụ linh hoạt. Các công ty thường phải trả chi phí hạ tầng lên đến hàng trăm ngàn USD hoặc hơn cho các dịch vụ thử nghiệm, hoặc vật lộn với việc nâng cấp các tính năng trong các hệ thống đồ sộ.

AWS đầu tư hạ tầng quy mô lớn và dùng công nghệ điện toán đám mây để đưa ra dịch vụ “xài bao nhiêu tính bấy nhiêu”. Hay nói các khác, AWS giống như các nhà cung cấp điện, nước vậy. Khách hàng không phải đầu tư vào nhà máy điện nước mà chỉ phải trả theo nhu cầu.

Ông Jeff Bezos, Giám đốc Điều hành của Amazon, đã gọi AWS là một ý tưởng “không ai thèm làm” lúc bấy giờ.

Các công ty startup nhanh chóng đón nhận AWS. Họ có thể tiết kiệm được nhiều tiền vì không cần phải mua thiết bị máy tính mà chỉ chi tiêu cho những gì họ sử dụng. Chẳng mấy chốc, nhiều công ty đổ xô đến Amazon, và cuối cùng phần mềm này chạy trên hệ thống của họ.

Từ nhu cầu thuê hạ tầng ban đầu, doanh nghiệp mở rộng sang các phần mềm quản lý hệ cơ sở dữ liệu trên đó. Và đây là điều làm AWS trở nên “vô đối”. Vào năm 2009, Amazon đã giới thiệu dịch vụ điều khiển dữ liệu, là một phần mềm giúp các công ty tổ chức thông tin.

Dịch vụ dữ liệu của AWS chính là một cú hit với khách hàng vì nó không chạy phần mềm mà Amazon tạo ra. Thay vào đó, công ty đưa ra một tuỳ chọn chia sẻ tự do, được gọi là phần mềm nguồn mở.

Phần mềm nguồn mở có vài điểm tương đồng với kinh doanh. Nó vận hành tựa như một cửa hàng cà phê đang tặng cà phê với hy vọng rằng mọi người sẽ trả tiền cho trà sữa, đường hoặc bánh ngọt.

Một cộng đồng những người đam mê thường nổi lên xung quanh công nghệ có thể chia sẻ, góp phần cải thiện và truyền bá về lợi ích của công nghệ đó. Theo truyền thống, các công ty nguồn mở sau này sẽ kiếm được tiền để hỗ trợ khách hàng hoặc từ các tiện ích bổ sung có trả phí.

Nó tương tự như câu chuyện ứng dụng điện thoại, Apple và Google thu hút các nhà phát triển bằng việc cho phép họ đăng các ứng dụng di động miễn phí lên kho ứng dụng và kiếm lời từ việc bán các ứng dụng có phí.

Để mở rộng quan hệ với khách hàng, các startup thường đồng ý quảng bá sản phẩm và tình nguyện chia sẻ thông tin sản phẩm và khách hàng với họ trên AWS. Đối với đặc quyền bán hàng thông qua AWS, các startup trích một phần doanh thu của họ để trả lại cho Amazon.

Bằng việc nâng những cải tiến của người khác lên rồi cuỗm đi bộ máy và lợi nhuận mà họ tạo ra, Amazon đang cản trở sự tăng trưởng của đối thủ cạnh tranh và buộc họ định hướng lại cách kinh doanh.

Và giờ đây, một số nơi bắt đầu tố cáo Amazon vì thông qua AWS, Amazon biết được những nhu cầu nào doanh nghiệp cần và họ phát triển và cạnh tranh lại với các startup đó. Các startup thậm chí tố cáo Amazon là sao chép lại các công nghệ của họ và dùng khuyến mãi làm lu mờ đi các đối thủ. Một số công ty dành cụm từ “khai thác phần mềm lộ thiên” cho những gì Amazon đang làm. Bằng việc nâng những cải tiến của người khác lên rồi cuỗm đi bộ máy và lợi nhuận mà họ tạo ra, Amazon đang cản trở sự tăng trưởng của đối thủ cạnh tranh và buộc họ định hướng lại cách kinh doanh.

Với Amazon, AWS thực sự quan trọng. Doanh thu của AWS đạt 25 tỷ USD vào năm ngoái – gần bằng quy mô của Starbucks – và là doanh nghiệp có lợi nhuận cao nhất của Amazon. Số tiền lợi nhuận này cho phép công ty đổ tiền vào nhiều ngành công nghiệp khác.

Chính vì thế, không dễ gì động tới AWS. Amazon nói về cáo buộc “khai thác phần mềm lộ thiên” là “ngớ ngẩn và không có cơ sở”. Họ nói rằng đã đóng góp đáng kể cho ngành công nghiệp phần mềm và những hoạt động của họ đem lại lợi ích tốt nhất dành cho khách hàng từ lúc không ai thèm quan tâm.

Cuộc kiện tụng chẳng đi đến đâu

AWS tổ chức hội nghị nhà phát triển đầu tiên vào năm 2012. Từ đó đến nay Amazon đã bổ sung sản phẩm đám mây AWS với tốc độ chóng mặt, từ con số 30 vào năm 2014 đến 175 dịch vụ vào tháng 12 năm nay.

Khách hàng có thể thêm sản phẩm đám mây AWS mới với một cú nhấp chuột rồi sử dụng chung hệ thống để quản lý. Dịch vụ mới được thêm vào cùng hoá đơn và không yêu cầu giấy phép mở rộng từ cơ quan tài chính nào. Ngược lại, nếu dùng dịch vụ không phải Amazon trên đám mây AWS, thì quy trình quản lý dữ liệu sẽ phức tạp hơn.

Shay Banon, giám đốc điều hành của Elastic đã viết một bài vào cùng thời gian với động thái “đạo đức giả” của Amazon. Thú vị thay, Elastics từ chối để Banon phỏng vấn trước công chúng.

Ông Micheal Howard, CEO MariaDB.

“Thành công của AWS được xây dựng trên công nghệ khai thác lộ thiên phần mềm nguồn mở”, phát biểu của Micheal Howard, giám đốc điều hành của MariaDB, một công ty nguồn mở. Ông ước tính rằng Amazon đã kiếm được doanh thu gấp năm lần từ việc chạy phần mềm MariaDB, nhiều hơn số tiền công ty của ông kiếm được.

Doanh nghiệp này tố rằng khi một khách hàng đăng nhập vào AWS, họ sẽ thấy một trang chủ được gọi là bàn điều khiển quản lý. Tại trung tâm bàn điều khiển, có khoảng 15 dịch vụ, đều là sản phẩm của A.W.S..

Khi ai đó gõ “MongoDB”, kết quả tìm kiếm sẽ không đem về thông tin cho dịch vụ của MongoDB trên AWS, thay vào đó, sẽ có một gợi ý một đề xuất từ Amazon “tương thích với MongoDB”.

Ngay cả sau khi một khách hàng đã chọn tuỳ chọn không phải Amazon, công ty đôi khi vẫn tiếp tục đẩy mạnh sản phẩm của mình. Khi ai đó tạo cơ sở dữ liệu mới, sẽ xuất hiện một quảng cáo cho những sản phẩm công nghệ của Amazon, được gọi là Aurora. Nếu họ chọn thứ khác, Amazon vẫn làm nổi bật gợi ý “đề xuất”.

“Không ai biết ai sẽ là người bị giết tiếp theo”, chia sẻ của Corey Quinn của Duckbill Group, người giúp những công ty quản lý hoá đơn AWS.

Nhưng thực tế cũng chứng minh rằng nhiều khách hàng đang hưởng lợi từ AWS. Như Redis Labs được sáng lập vào năm 2011 ở Tel Aviv, Isarel. Đây là một doanh nghiệp quản lý phần mềm miễn phí được gọi là Redis, nơi mọi người sử dụng để tổ chức và cập nhật dữ liệu một cách nhanh chóng. Amazon đưa ra đề nghị dịch vụ điện toán trả phí với họ.

Cựu nhân viên của Redis Labs ước tính rằng Amazon đã tạo ra khoảng 1 tỷ USD một năm nhờ công nghệ của công ty anh ta – hoặc ít nhất nhiều hơn 10 lần doanh thu của Redis Labs. Thậm chí anh cho biết cho biết Amazon cũng đã cố gắng “săn” nhân viên của Redis và giảm giá phần mềm của mình với mức chiết khấu khủng.

Nếu như một khách hàng vẫn chọn Redis Labs thông qua AWS, Redis Labs được yêu cầu phải trả lại khoảng 15% doanh thu cho Amazon.

Nếu như một khách hàng vẫn chọn Redis Labs thông qua AWS, Redis Labs được yêu cầu phải trả lại khoảng 15% doanh thu cho Amazon.

Một số giám đốc của Redis Labs đã cân nhắc việc đưa ra một hành động chống độc quyền đối với Amazon trong năm nay, những nhân viên cũ cho biết. Nhưng phần lớn chùn bước vì 80% phần trăm doanh thu startup đến từ khách hàng trên AWS.

“Đây là mối quan hệ yêu-ghét”, theo Leena Joshi, cựu phó chủ tịch marketing của Redis Labs. “Khi hầu hết khách hàng của chúng tôi đều vận hành trên AWS, chúng tôi không có nhiều lựa chọn”.

Không phải tất cả các công ty đều đánh giá AWS là mối đe doạ. Ali Ghodsi, giám đốc điều hành của Databricks, một startup ở San Francisco sử dụng trí tuệ nhân tạo AI để phân tích dữ liệu, nói rằng nhân viên kinh doanh của AWS giúp nâng doanh số bán sản phẩm của công ty này lên.

Thậm chí như ông Saket Saurabh, giám đốc điều hành Nexla, một startup có 14 thành viên ở Millbrae, California, dù đã biết trước về Amazon. Nhưng ông vẫn tiếp tục và ký hợp đồng với công ty của mình để hợp tác với Amazon vào tháng 9 vừa qua.

Nguyên nhân là gì? Nền tảng AWS của Amazon có thể cung cấp cho Nexla quyền truy cập vào một lượng lớn khách hàng.

“Chúng tôi còn có lựa chọn khác sao?”, ông nói.

* Nguồn: The New York Times