Starbucks bán thêm đồ uống có cồn

Kinh doanh thêm thức uống có cồn và đồ ăn đêm tại hàng nghìn cửa hàng, Starbucks kỳ vọng nâng giá trị công ty từ 58 lên 100 tỷ USD.

Trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg, COO Troy Alstead cho biết Starbucks sẽ mở rộng kinh doanh thức uống có cồn và đồ ăn đêm. "Doanh số bán hàng có thể tăng nhưng sẽ mất vài năm để triển khai. Chúng tôi đã cho thử nghiệm ở một số thị trường và đây là một kế hoạch thành công", Alstead nói.

Starbucks tập trung bán các mặt hàng "phi cà phê" như rượu, bia, nước trái cây, trà Teavana và đồ ăn, nhằm thúc đẩy tăng trưởng ở Mỹ. Hãng cũng mở rộng và cải thiện các chương trình khuyến mại, đồng thời phát triển ứng dụng trên điện thoại.

starbucks-1373-1395388045.jpg

Starbucks tìm thêm thu nhập từ thức uống có cồn và đồ ăn. Ảnh: AP

Chốt phiên giao dịch ngày 20/3 trên sàn New York (Mỹ), cổ phiếu Starbucks tăng 1,8%, đóng cửa ở mức 75,91 USD. Giá trị vốn hóa thị trường của hãng đạt 58,2 tỷ USD và đang lên kế hoạch dài hạn để tăng thị giá lên 100 tỷ USD.

Starbucks lần đầu tiên cho bán đồ uống có cồn tại một cửa hàng ở Seattle (Mỹ) vào tháng 10/2010. Vào tháng 1/2013, hãng cho biết họ đã mở rộng thử nghiệm ở thêm 25 địa điểm khác tại Chicago, Atlanta và Nam California (Mỹ).

Các loại đồ ăn và uống chỉ bán ban đêm này đã có mặt ở khoảng 40 địa điểm và không phải cửa hàng Starbucks nào cũng bán các loại đồ đó, Alstead cho biết thêm. Ông chia sẻ, Starbucks đã nhìn thấy tiềm năng thành công ở một số khu vực đô thị, gần các nhà hàng và nhà hát, nơi hoạt động sôi nổi về đêm.

Tháng trước, CEO Howard Schultz giao lại việc điều hành các hoạt động hàng ngày của công ty cho Alstead để tập trung phát triển mảng ứng dụng công nghệ số và các chương trình tri ân khách hàng. Thanh toán di động hiện chiếm 14% trong các giao dịch tại các cửa hàng Starbucks ở Mỹ, tăng 4% so với số liệu công bố hồi tháng 7 năm ngoái.

Starbucks đã có hơn 20.100 cửa hàng trên toàn thế giới, trong đó có khoảng 11.500 cửa hàng ở Mỹ. Tại Việt Nam, hãng cũng đã có mặt ở TP HCM.