3 câu hỏi tự đánh giá trước khi quyết định nghỉ việc

“Liệu đã đến lúc nghỉ việc chưa?” – là câu hỏi chắc hẳn chúng ta đã từng tự hỏi mình, ở thời điểm này hoặc thời điểm khác. Và thường thì nhiều người đợi cho đến khi có câu trả lời chắc chắn là ‘phải nghỉ việc’. Khi đó, đa phần họ đã ở trong tình thế bất lợi, buộc phải chọn “bỏ việc” hơn là lựa chọn bước tiếp theo cho con đường sự nghiệp của mình.

Bài viết thể hiện quan điểm của bà Priscilla Claman, chủ tịch của Career Strategies, Inc. – công ty nổi tiếng với dịch vụ Khai vấn Nghề nghiệp dành cho cá nhân và Quản trị sự nghiệp cho các tổ chức.

Đừng để điều này xảy ra với bạn. Thay vào đó, hãy chủ động và tận dụng cơ hội, ít nhất mỗi năm một lần thực hiện đánh giá công việc cũng như công ty, cùng với những kỹ năng, kinh nghiệm bạn tích lũy cho sự nghiệp của mình. Hãy tham khảo ba câu hỏi dưới đây.

Bạn có đang làm việc cho đúng tổ chức?

Đánh giá điều này giúp bạn không bị kéo theo những vấn đề tiêu cực của công ty.

7 dấu hiệu bạn nên quan tâm ở đây là:

  1. Công ty đã sáp nhập, mua lại hoặc thay đổi quyền quản lý và bạn không phải là một phần của những thay đổi mới.
  2. Hoạt động quản trị bị chỉ trích nhiều lần trên các trang báo kinh doanh.
  3. Công ty không đầu tư vào phát triển các sản phẩm, dịch vụ, phương pháp làm việc mới mà chỉ tập trung bán các sản phẩm, dịch vụ hiện có với phương pháp làm việc lỗi thời.
  4. Những người bạn tôn trọng đã nghỉ việc.
  5. Lợi nhuận công ty suy giảm hoặc các khoản thu giảm (nếu là một tổ chức phi lợi nhuận).
  6. Vị trí quản lý có người mới và họ bắt đầu giới thiệu bạn bè vào các vị trí chủ chốt.
  7. Các biện pháp cắt giảm chi phí được triển khai mà không có, hoặc rất ít thông báo và lý do hợp lí.

Nếu công ty của bạn có đến bốn hoặc năm dấu hiệu kể trên, hãy cân nhắc và đánh giá tình trạng của công ty bằng cách trò chuyện với những người đã nghỉ việc, tìm kiếm thông tin trên các tờ báo kinh doanh. Có phải công ty đang gặp rắc rối gì không?

Đôi khi bạn vẫn có thể lựa chọn cống hiến cho một tổ chức đang trong thời điểm khó khăn, nhưng chỉ khi bạn ở trong đội ngũ nòng cốt hoặc điều này đóng vai trò tích cực cho sự nghiệp của bạn, như là trau dồi kiến thức trong lĩnh vực bạn quan tâm hay kĩ năng thiết yếu.

Liệu bạn có ở đúng vị trí?

Năm ngoái, đây có thể là một công việc hoàn toàn phù hợp với bạn, nhưng liệu hiện tại có còn phù hợp nữa không?

Một công việc tuyệt vời là công việc tạo điều kiện cho bạn học hỏi và phát triển. Bạn hào hứng với công việc mình đang làm đồng thời được tổ chức ghi nhận những nỗ lực của mình. Ngay khi bạn nghĩ rằng yếu tố “chính trị” trong công ty quan trọng hơn hiệu quả công việc thì hãy dừng lại và đánh giá vị trí bạn đang làm.

7 dấu hiệu dưới đây sẽ giúp bạn nhìn ra những rủi ro tiềm ẩn:

  1. Lương, thưởng của bạn không còn trên mức trung bình.
  2. Sếp làm việc trực tiếp với cấp dưới mà không thông qua bạn.
  3. Bạn không còn thường xuyên tham dự các cuộc họp quan trọng.
  4. Bạn đang làm những việc trái với quan điểm hoặc bạn nghĩ mình cần giấu đi suy nghĩ, quan điểm của mình.
  5. Bạn thường xuyên mắc phải những sai lầm ngớ ngẩn và không tìm ra được lí do.
  6. Cố vấn của bạn đã nghỉ việc hoặc không hài lòng với tổ chức.
  7. Bạn không còn dự đoán được ai là người được thăng chức tiếp theo hoặc ai là người đang làm việc hiệu quả.

Nếu công ty của bạn có điều kiện làm việc tốt nhưng vị trí không phù hợp, hãy đề xuất thay đổi sang một vị trí khác, ở một phòng ban khác. Có thể giúp bạn trong trường hợp này là những người làm việc với nhiều phòng ban khác nhau như kiểm toán hay nhân sự.

Nếu cả công ty và vị trí đều không phù hợp, hãy “tân trang” CV và không nên bị mắc kẹt với vấn đề “Lỗi của ai?”. Nếu đúng là thời điểm cần nghỉ việc, thì việc của bạn là rời đi mà thôi.

Bạn đang ở đâu trên con đường sự nghiệp của mình?

Không giống như hai câu hỏi trên, khai thác về rủi ro hoặc trách nhiệm trong công việc hiện tại của bạn, câu hỏi này giúp bạn đánh giá lại mình với những “tài sản” bạn sở hữu để phát triển sự nghiệp sau này.

Các câu nói dưới đây có đúng với bạn không?

  • Bạn được mọi người trong công ty, và thậm chí là những người trong ngành, đánh giá cao năng lực chuyên môn.
  • Mọi người tìm đến bạn để nhờ giúp đỡ và xin lời khuyên.
  • Bạn biết tiếp theo bạn muốn học hỏi những gì. Bạn đã đầu tư thời gian và tiền bạc để mở rộng kiến thức trong thời gian vừa qua.
  • Bạn nắm được những tin tức mới, những chủ đề được quan tâm trong lĩnh vực đang làm.
  • Bạn biết những thách thức về mặt kĩ thuật có thể gặp phải trong thời gian tới.
  • Bạn có những mối liên hệ công việc có thể hỗ trợ bạn khi cần.

Nếu có bốn đến năm câu trên là đúng thì bạn thực sự không phải lo lắng, bạn đang có bước phát triển tốt trong sự nghiệp của mình. Những “tài sản” hiện có sẽ giúp bạn hoàn thành tốt trách nhiệm mà công việc yêu cầu.

Nếu số lượng câu đúng không quá nhiều, bạn vẫn có thể thay đổi hiện trạng này. Chỉ cần bắt tay vào thực hiện những điều liệt kê ở trên mà thôi. Bắt đầu trau dồi chuyên môn, hỗ trợ đồng nghiệp, cộng đồng. Mạng lưới các mối quan hệ cũng như danh tiếng của bạn sẽ mở rộng theo.

Vì vậy, nếu bạn muốn nghỉ việc, hãy thử phân tích nhanh. Liệu công ty hiện tại có phải là vấn đề? Nếu có, bạn có thể tìm một công việc tương tự tại một công ty mới. Nếu vấn đề nằm ở công việc, bạn có thể cân nhắc một vị trí khác trong công ty trước khi quyết định nghỉ. Và cuối cùng, bạn có chuẩn bị cho những bước phát triển tiếp theo? Hãy củng cố và mở rộng kiến thức, cũng như kĩ năng cần thiết cho sự nghiệp sau này.

Theo Diệu Uyên / Brands Vietnam
* Nguồn: Harvard Business Review