Mắc mệt 02: Em là Copywriter
Tính đến nay, thế giới agency có 2 cuộc cách mạng. Cuộc cách mạng thứ nhất là để tăng nhận thức về ngành, và cuộc cách mạng thứ hai là tăng nhận diện của công việc viết lách.
Trước kia, lúc thế giới vẫn còn yên bình, người ta chỉ biết đến marketing qua những gì mà các thương hiệu đang làm trên TV, trên báo, ngoài đường, trong siêu thị,...Và họ nghĩ rằng những gì thương hiệu đang làm chính là những gì thương hiệu làm (rối hông?!), hay dễ hiểu hơn, họ nghĩ rằng các artworks do chính tay thương hiệu tạo nên. Nhưng rồi một cuộc cách mạng đã nổ ra, cho những người quan tâm marketing biết rằng marketing có 2 thế lực, vừa là đồng minh vừa đối đầu nhau: client và agency.
Kể từ sau cuộc cách mạng thứ nhất này, khi awareness về agency được tăng cao, thì phong trào làm việc ở agency cũng dần tăng theo. Trong đó, có 3 vị trí được nhắc đến nhiều nhất là account, copywriter, và designer.
Và ở cuộc cách mạng thứ 2, vốn chỉ là một trận đánh du kích với cuốn sách nổi tiếng về ngành Quảng cáo - Ý tưởng này là của chúng mình, thì Copywriter trở thành một vị trí ao ước cho những ai có định hướng làm quảng cáo.
Nhưng cũng từ đây, vấn đề bắt đầu phát sinh. Khi có quá nhiều người nói về một điều gì, thì điều đó sẽ trở nên sai sự thật. đó là kinh nghiệm của người viết trong gần như tất cả mọi chuyện, không riêng gì chuyện này.
Và khi có quá nhiều người nói về copywriter, thì tất cả những công việc liên quan đến viết mặc nhiên bị hiểu là của copywriter.
Đây là hiện trạng mà tôi muốn nhắc đến: ai làm về viết lách đều là copywriter.
Đến giờ, mỗi khi nghe ai nói title là copywriter thì tôi băn khoăn lắm, không biết thực sự họ là gạch đầu dòng nào trong những dòng dưới đây:
- Copywriter: người viết-copy. Copy là nội dung bằng chữ và bằng lời trong quảng cáo, tùy vào loại hình quảng cáo. Và mục đích của nó là để quảng cáo, tiếp thị, hoặc để tăng nhận diện, tức là quy về một mối thì vẫn để sale là chính.
- Content writer: là những người viết "nội dung". Những bài viết của content writer thiên về content - cung cấp thông tin và nội dung hữu ích cho người đọc hơn là mục tiêu bán hàng như công việc của copywriter.
- Social media executive: viết nội dung trên mạng xã hội, ngôn ngữ "xã hội", mục đích tạo và tăng engagement cho channel
- SEO writer: người viết nội dung SEO nhằm mục đích tối ưu hóa tìm kiếm, từ khóa là yếu tố quan trọng nhất
- PR: viết các nội dung PR cho sản phẩm, dịch vụ, sự kiện, con người,... Thực ra -writer này hơi đặc thù và thường được gọi là PR Executive nên cũng ít có nhầm lẫn, nhưng có liên quan đến viết nên cũng ráng liệt kê vào.
Hẳn ai làm Copywriter thực thụ mà sân si một chút chắc cũng muốn rạch ròi chuyện ai mới là copywriter, việc nào mới được gọi là việc của copywriter. Đọc Job description trong mấy dòng tin tuyển copywriter mà nhiều khi thật "đau đớn lòng", lòng thầm nghĩ cụ copywriter Nguyễn Du của Kiều Advertising Agency chắc cũng bật dậy sửa mấy câu trong copy của mình thành:
Trăm năm trong cõi người ta
Người viết quảng cáo gọi là Copy
Làm việc trong Ấy Chần Si
Thuần về quảng cáo mới thì chính danh
Nguồn: In-brief blog