Marketer Thành Toàn
Thành Toàn

Content and course editor @ Brands Vietnam

Những điều cần biết về chiến dịch tẩy chay Facebook #StopHateforProfit

Từ đầu tháng 7/2020, Facebook đối mặt với làn sóng tẩy chay từ nhiều nhà quảng cáo. Không chỉ có các công ty nhỏ, mà các tập đoàn lớn như Coca-Cola, Microsoft, Starbucks, Unilever… cũng đã dừng chi tiêu quảng cáo trên nền tảng này.

Chiến dịch tẩy chay này đã nhận được sự hưởng ứng của nhiều công ty, từ nhãn hiệu bánh dinh dưỡng KIND đến ông lớn bán lẻ Target.

Đại diện Target cho biết họ sẽ tạm dừng quảng cáo trong tháng 7 để “tái đánh giá kế hoạch cho những tháng tiếp theo trong năm”. Nhà sáng lập KIND, ông Daniel Lubetzky bày tỏ quan điểm: “Chúng tôi buộc phải xem xét việc dừng đầu tư vào quảng cáo Facebook cho đến khi họ có những hành động quyết đoán và thiết thực để chặn những thông tin sai lệch, phỉ báng, gây chia rẽ”.

Có thể thấy, mục đích của chiến dịch #StopHateforProfit khi kêu gọi các công ty ngừng quảng cáo trên Facebook trong một tháng là để gây áp lực, yêu cầu Facebook phải thay đổi cách họ xử lý thông tin sai lệch và phát ngôn gây thù địch, bao gồm cả những nội dung từ Tổng Thống Donald Trump.

Một số ông lớn như Coca-Cola, Lego và Unilever còn quyết liệt hơn khi tạm dừng quảng cáo trên tất cả (hoặc hầu hết) các nền tảng mạng xã hội (như Facebook, Instagram, Twitter…). Microsoft cũng đã tạm dừng quảng cáo trên Facebook đến cuối tháng 8. Có thể thấy đây là một thử thách lớn đối với Facebook.

Một số ông lớn đã tẩy chay Facebook trong vòng tháng 7 hoặc xa hơn nữa
Ảnh: Medium

Dưới đây là một số thông tin về chiến dịch tẩy chay quảng cáo trên mạng xã hội này.

Sự ra đời của chiến dịch tẩy chay Facebook

Một số tổ chức nhân quyền bao gồm: Liên đoàn Chống phỉ báng (ADL), Hiệp hội Quốc gia vì Sự phát triển của Người da màu (NAACP), Color of Change và Sleeping Giants đã thành lập liên minh và khởi động chiến dịch tẩy chay vào ngày 17/6/2020.

Liên minh này cáo buộc các thuật toán của Facebook đã đề xuất người dùng tham gia các nhóm cực đoan và tạo điều kiện cho những nhóm này phát triển mạnh mẽ trên nền tảng của họ. Theo nghiên cứu của ADL, 42% người dùng từng tiếp xúc với các hành vi kích động thù địch trên Facebook.

Các công ty đòi hỏi gì từ Facebook qua chiến dịch tẩy chay này?

42% người dùng từng tiếp xúc với các hành vi kích động thù địch trên Facebook.

Bên cạnh việc cập nhật thuật toán và thay đổi chính sách để chặn các phát ngôn thù địch, Facebook còn được yêu cầu phải thực hiện một số cam kết sau: thuê một Giám đốc Cấp cao về nhân quyền; hợp tác với bên thứ ba để kiểm duyệt các thông tin sai lệch và phát ngôn gây thù địch; hoàn tiền cho các nhà quảng cáo khi thông điệp của họ được hiển thị gần với nội dung “có vấn đề”; đào tạo chuyên sâu cho đội ngũ kiểm duyệt nội dung.

Ngoài ra, các công ty sẽ đạt được lợi ích gì cho bản thân họ?

Một số công ty thiết lập ngân sách quảng cáo theo từng quý. Trong bối cảnh dịch COVID khiến tình hình kinh doanh trở nên ảm đạm, nhiều công ty sẽ tìm cách để cắt giảm ngân sách quảng cáo trong những tháng tiếp theo. Việc dừng chi tiền cho các hoạt động trên mạng xã hội, theo lí thuyết mà nói, có thể giảm áp lực lên ngân sách quảng cáo của họ và thậm chí, họ còn có thể nhận được sự tán dương từ dư luận; hoặc đơn giản là chỉ muốn lên tiếng cho những điều họ tin là đúng mà thôi.

Nhưng một số công ty, như Coca-Cola, đang tẩy chay nhiều mạng xã hội khác, chứ không riêng Facebook?

Đúng vậy, một số công ty lớn như Lego, Unilever, Coca-Cola... đã tuyên bố tạm dừng mọi hoạt quảng cáo trên tất cả nền tảng mạng xã hội.

Chuỗi bán lẻ dược phẩm CVS cam kết dừng quảng cáo trên Facebook, Instagram, and Twitter trong ‘ít nhất 30 ngày’ từ đầu tháng 7. Thậm chí, Unilever tuyên bố dừng quảng cáo đến hết năm 2020. Còn Microsoft, dù không đưa ra thông báo chính thức, cũng đã dừng quảng cáo trên Facebook và Instagram từ hồi tháng 5, và có thể kéo dài ít nhất đến tháng 8.

Ảnh: Screen Rant

Liệu chiến dịch tẩy chay này có tạo nên sự thay đổi?

Theo phân tích từ tạp chí Fortune, Facebook hiện là đối tác của 8 triệu nhà quảng cáo. Doanh thu quảng cáo trong năm 2019 của Facebook gần 70 tỉ USD, như vậy việc tẩy chay này phần lớn mang tính biểu tượng. Gizmodo cũng chỉ ra một điểm đáng chú ý, các công ty tham gia vào chiến dịch tẩy chay không nói rõ liệu họ có ngừng sử dụng Facebook’s Audience Network (dịch vụ cho phép thương hiệu quảng cáo trên ứng dụng của bên thứ ba dựa trên dữ liệu người dùng từ Facebook) hay không.

Facebook đã phản ứng như thế nào khi bị tẩy chay?

Facebook hiện là đối tác của 8 triệu nhà quảng cáo. Doanh thu quảng cáo trong năm 2019 của Facebook gần 70 tỉ USD, như vậy việc tẩy chay này phần lớn mang tính biểu tượng.

Carolyn Everson, Phó chủ tịch Giải pháp Marketing tại Facebook, phát biểu rằng công ty tôn trọng quyết định của các thương hiệu và tiếp tục “tập trung vào việc chặn các phát ngôn thù địch đồng thời cung cấp thông tin quan trọng về việc bầu cử”, thêm vào đó là “đối thoại với marketer và các tổ chức nhân quyền để cùng nhau thúc đẩy những điều tốt đẹp”.

Ông Mark Zuckerberg, CEO của Facebook, khẳng định công ty đã đặt ra những hạn chế mới cho quảng cáo chứa nội dung gây thù địch, đặc biệt thẳng tay cấm các nội dung phân biệt chủng tộc (tuy nhiên những hạn chế trên không áp dụng cho những nội dung không trả phí).

Những công ty nào đã tham gia chiến dịch tẩy chay Facebook?

Tính đến thời điểm hiện tại, 240 công ty thuộc nhiều ngành khác nhau đã tham gia vào chiến dịch #StopHateforProfit. Trong đó có: Ben & Jerry’s, Dashlane, Eddie Bauer, Hershey’s, Honda, JanSport, KIND, Levi Strauss & Co., Madewell, Magnolia Pictures, Mozilla, The North Face, Patagonia, Patreon, SAP, Upwork, Verizon…

Theo Thành Toàn / Brands Vietnam
* Nguồn: The Verge