New Direction #8: Ông Paul Nguyễn Hưng – “Từ khởi nghiệp Internet đến kinh doanh thức uống tốt cho sức khoẻ”

“New Direction / Định hướng mới” là loạt bài viết đào sâu vào những thay đổi mang tính chiến lược trong giai đoạn “chuyển mình” của một doanh nghiệp hoặc cá nhân.

Người ta nói “What get you here won’t get you there”, kinh nghiệm hôm nay chưa chắc đã đảm bảo thành công ngày mai. Nhưng chính trong thời khắc của sự thay đổi, thì định hướng, tầm nhìn, sự quyết đoán, liều lĩnh hay bản lĩnh… là những cơ sở dự đoán thú vị về tương lai. Hiểu được mục đích và ý nghĩa của những thay đổi trong từng câu chuyện, sẽ giúp độc giả tự có được câu trả lời “tại sao” hoặc “tại sao không” khi gặp những quyết định tương tự.

Trong số thứ 8, Brands Vietnam đã có buổi trò chuyện cùng ông Paul Nguyễn Hưng, Founder & CEO của Goody Group về hành trình khởi nghiệp trong lĩnh vực thức uống lên men dành cho sức khoẻ.

Trở về Việt Nam năm 1992 và khởi nghiệp với dịch vụ bảo trì cao ốc “Sky-rider”, ông Paul Nguyễn Hưng chỉ thực sự thành công và được biết đến khi thành lập công ty Cổ phần VON (Vietnam Online Network) với các trang web “nằm lòng” của giới đi làm những năm 2000: hrvietnam.com, kiemviec.com, mạng xã hội YuMe.vn và trang tìm kiếm timnhanh.com.vn. Đầu năm 2013, công ty VON sáp nhập với Tập đoàn CareerBuilder (Mỹ) và trở thành CareerBuilder Vienam. Đây được coi là thương vụ mua bán – sáp nhập đầu tiên giữa một tập đoàn nước ngoài và một công ty công nghệ trong nước.

* Chúng tôi đang thấy xu hướng chuyển dịch nhân sự cấp cao từ các công ty truyền thống sang các tập đoàn công nghệ Internet. Tại sao từ một người khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, ông chuyển sang một ngành mới, cụ thể là thức uống dành cho sức khoẻ?

Vắng bóng trên thương trường 5 năm, mục tiêu lần khởi nghiệp này của tôi không phải vì danh tiếng hay tài chính, mà xuất phát từ một trăn trở mang tính cá nhân.

Ông Paul Nguyễn Hưng ở nông trại nuôi cấy con giống scoby

Do phải di chuyển thường xuyên giữa Mỹ và Việt Nam, sức khoẻ tôi bị ảnh hưởng vì rối loạn tiêu hoá và chênh lệch múi giờ. Để khắc phục vấn đề này tôi được giới thiệu thức uống Kombucha, loại thức uống lên men hỗ trợ tăng cường miễn dịch rất phổ biến ở Mỹ, Canada hay Úc. Sau khi sử dụng trong một thời gian, nhận thấy rõ những tác động tích cực của nước Kombucha với sức khoẻ của mình, tôi bắt đầu nghiên cứu về sự phổ biến của ngành hàng này.

Còn ở Châu Á nói chung, loại nước này chưa được biết đến rộng rãi. Ở Việt Nam, chúng ta có thể bắt gặp một vài nơi kinh doanh nước Kombucha nhưng đều mang tính chất đơn lẻ và tự phát, chưa hề có quy trình sản xuất tiêu chuẩn nào.

Bị thuyết phục bởi lợi ích của loại thức uống này, tôi quyết định khởi nghiệp “lần nữa” với thương hiệu Star Kombucha. Mặc dù đây là thị trường mới, người tiêu dùng cũng chưa hiểu rõ về sản phẩm, rủi ro cao, nhưng tôi vẫn quyết tâm vì tôi tin, với những lợi ích thấy được rõ ràng cho sức khoẻ như vậy, người tiêu dùng Việt Nam nên có cơ hội tiếp cận và sử dụng hằng ngày.

* Ông có thể chia sẻ tầm nhìn và định hướng của mình về sản phẩm và ngành hàng thức uống cho sức khoẻ này?

Người Mỹ có câu “We are what we eat”, nghĩa là những gì chúng ta nạp vào cơ thể sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ chúng ta. Đó có thể là thức ăn, nguồn nước, đồ uống, bia rượu nạp vào dạ dày, không khí nạp vào phổi, khối lượng công việc, áp lực cuộc sống nạp vào tâm trí… Tất cả những điều này làm cho cơ thể mệt mỏi, đường ruột quá tải, mất đi một lượng men vi sinh mà cơ thể tự tạo ra, từ đó làm giảm đề kháng.

Với một người có ý thức cao về sức khoẻ, có điều kiện ăn uống dinh dưỡng và luyện tập thể chất để cân bằng, thì đây không phải là vấn đề. Nhưng với phần lớn dân số, vốn bận rộn với công việc và cuộc sống, thì rất khó để có được sự cân bằng cần thiết. Vậy nên những sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên và tốt cho sức khoẻ là rất cần thiết đối với những “người phàm” như chúng ta. Tôi thấy lợi ích của thức uống lên men Kombucha là một sản phẩm hữu ích kiểu như vậy.

Nếu nói về xu hướng, thì có rất nhiều báo cáo về hành vi người tiêu dùng, của Nielsen và cả Kantar, đều chỉ ra rằng người tiêu dùng đang có ý thức cũng như chi tiêu cao hơn cho các sản phẩm tốt cho sức khoẻ. Các thương hiệu cũng tập trung phát triển các dòng sản phẩm này, như sữa organic, thịt sạch, nước yến, nước cốt gà… để phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Thử thách với thương hiệu luôn là bài toán về lợi nhuận và mức độ phổ thông của các sản phẩm cao cấp, tốt cho sức khoẻ.

Do đó, về mặt nhu cầu thị trường và chất lượng sản phẩm, tôi cho rằng thị trường còn tiềm năng trong tương lai, vì xu hướng sản phẩm có lợi cho sức khoẻ là điều tất yếu. Tôi cũng có niềm tin đơn giản rằng sản phẩm tốt sẽ được đón nhận và tồn tại.

* Những thử thách mà ông đã và sẽ đối mặt khi làm sản phẩm này là gì?

Tôi vừa nói về tầm nhìn tương lai, nhưng hiện tại thì phần đông dân số vẫn chưa có ý thức về những sản phẩm tốt cho sức khoẻ. Trong nỗ lực xây dựng ngành hàng này, chúng tôi sẽ phải bắt đầu từ việc ‘educate’, truyền tải nhận thức đúng đến nhiều người hơn. Càng nhiều người ý thức về sức khoẻ, thì thương hiệu nói riêng và ngành hàng nói chung sẽ có cơ hội tăng trưởng tốt hơn.

Chúng tôi cũng gặp thử thách phải mang sản phẩm đến được tay nhiều người tiêu dùng hơn. Tôi quan niệm sản phẩm cao cấp, tốt cho sức khoẻ không nên chỉ được tiếp cận bởi người có điều kiện. Điều này đòi hỏi cải tiến không chỉ ở cách tiếp cận chiến lược, định vị, giá cả, mà còn là cả khẩu vị.

Việc lựa chọn bao bì lon nhôm, định giá cao cấp hơn nước giải khát nhưng thấp hơn nhiều so với các loại thực phẩm chức năng, trong khi vẫn giữ các giá trị lợi ích của Kombucha, đều là những quyết định khó khăn ít người hiểu.

Thử thách nữa là khẩu vị. Kombucha là một loại thức uống lên men có vị chua nguyên bản. Người Việt chúng ta cũng ngại “thuốc đắng” mặc dù “giã tật”, nên vị chua nguyên bản của Kombucha không phải ai cũng uống được. Hơn nữa, đa số người tiêu dùng Việt đồng nghĩa vị chua với acid không tốt cho sức khoẻ. Tuy nhiên, cần hiểu rõ rằng acid hữu cơ thì tốt cho cơ thể. Độ pH của dạ dày nằm ở khoảng 1, còn nồng độ acid có trong Star Kombucha chỉ 2.2-2.9, thấp hơn nồng độ acid có sẵn trong cơ thể nhiều.

Đó là 3 trong số nhiều thử thách mà chúng tôi đã và sẽ đối mặt, nhưng một lần nữa, tôi vẫn tự tin rằng chúng tôi có cách tiếp cận đúng đắn đối với những điều này.

* Để giải quyết các thử thách kể trên, Goody Group có định hướng gì?

Trước thử thách kể trên, chúng tôi sẽ giải quyết bằng truyền thông, phân phối và cải tiến sản phẩm.

Mặt khác, trong thời điểm dịch COVID-19 vừa rồi, người tiêu dùng cũng bắt đầu quan tâm đến sức khoẻ của mình hơn, ý thức hơn đến lối sống, sinh hoạt của bản thân. Họ bắt đầu quan sát, tìm hiểu kĩ hơn về nguồn gốc và tác dụng của từng loại thực phẩm họ sử dụng. Đây sẽ là cơ hội để chúng tôi dễ dàng ‘educate’ thị trường hơn.

Về chiến lược phân phối, chúng tôi cũng đảm bảo sản phẩm phải hiện diện ở những điểm bán cần thiết. Hiện tại chúng tôi đã làm việc với các hệ thống phân phối thuộc kênh hiện đại như siêu thị, bách hoá, chuỗi cửa hàng tiện lợi. Ngoài ra còn có các kênh chuyên biệt khác như nhà hàng, gym, trung tâm yoga và nhà thuốc. Với kênh phân phối truyền thống, Goody đang tìm kiếm một đối tác phân phối để hợp tác giao hàng, bởi vì với đặc thù nhiều điểm bán nhỏ lẻ của kênh truyền thống, thương hiệu sẽ gặp khó khăn khi chỉ bán 1 dòng sản phẩm với 9 SKU khác nhau.

Cuối cùng là những cải tiến về mặt sản phẩm như tôi đã chia sẻ bên trên, là bao bì đóng lon quen thuộc, chất lượng sản phẩm 100% tự nhiên với quy trình chuẩn hoá từ Mỹ, giữ được các lợi ích của Kombucha như thực phẩm chức năng nhưng với mức giá và khẩu vị dễ chịu hơn. Trong kế hoạch phát triển thời gian tới, thương hiệu sẽ ra mắt dòng sản phẩm cao cấp hơn, bổ sung collagen và hạt chia, được đóng gói trong chai thủy tinh.

* Ông đã đầu tư như thế nào để sản xuất Star Kombucha tại Việt Nam?

Về mặt công thức và nguyên liệu, có 2 yếu tố quan trọng là chuyển giao công nghệ sản xuất từ Mỹ, và nuôi con giống scoby.

Chúng tôi đầu tư hẳn một nông trại nuôi cấy hàng nghìn con giống scoby F1 tại Bình Dương. Sau 1-2 lần lên men thì các con giống F2, F3 yếu hơn sẽ bị đào thải dần để luôn đảm bảo các con giống được sử dụng là thế hệ F1 “khoẻ mạnh”. Các con giống này được nuôi cấy trong môi trường có độ ẩm và nhiệt độ thích hợp để có điều kiện lên men tốt nhất.

Dân trong nghề đều biết làm nước giải khát là từ chiết xuất cô đặc (extract syrup), nhưng Kombucha không phải như vậy. Thức uống Star Kombucha được làm từ quá trình lên men (30 ngày) gồm trà (trà xanh, trà đen), đường tự nhiên, với con giống scoby (cộng sinh của vi khuẩn và nấm men). Trong quá trình lên men, con giống sẽ chuyển hoá hỗn hợp trà và đường tự nhiên thành probiotics (chủng lactobacillus), axit hữu cơ, vitamin B.

Sản phẩm Star Kombucha được sản xuất từ dây chuyền công nghệ chuyển giao từ Mỹ, tuân thủ theo các tiêu chuẩn sản xuất quốc tế với nguồn nguyên liệu tại Việt Nam. Có thể thấy, các nguyên liệu để lên men sản phẩm đều có nguồn gốc từ tự nhiên như trà đen, trà xanh, men scoby, trái cây, thảo mộc, đường tự nhiên… với các loại trái cây nội địa sẵn có từ nhà nhân phối ở Việt Nam.

Thị trường Mỹ có tiêu chuẩn quản lý khá nghiêm ngặt đối với các sản phẩm thực phẩm chức năng, có tác động đến sức khoẻ người tiêu dùng. Với những tiêu chuẩn đạt được, chúng tôi tự tin khẳng định sản phẩm có nguồn gốc 100% từ tự nhiên.

* Đây không chỉ là một sản phẩm mới, mà là cả một ngành hàng mới. Với ông cũng là một mô hình kinh doanh mới. Vậy kinh nghiệm có được từ những lần khởi nghiệp trước đây đã giúp ông như thế nào?

Thập niên 90, tôi bắt đầu khởi nghiệp tại Việt Nam với công ty Sky-rider chuyên về bảo trì cao ốc, với nhân lực được đào tạo bài bản. Đến năm 2000, khi internet bắt đầu phát triển, với xuất thân là một kĩ sư công nghệ, tôi tiếp tục khởi nghiệp với dịch vụ việc làm trực tuyến. Sau đó mở rộng thành công ty Cổ phần VON (Vietnam Online Network) với các trang web tìm việc làm trực tuyến: hrvietnam.com và kiemviec.com, mạng xã hội YuMe và cổng thông tin điện tử timnhanh.com.vn.

Có thể thấy lần khởi nghiệp này, tôi chọn một lĩnh vực khác hẳn những lần khởi nghiệp trước đây. Tuy nhiên, tôi quan niệm rằng khi khởi nghiệp, có 2 vấn đề cốt lõi đó là công nghệnhân sự. Trong lĩnh vực mới này, về công nghệ tôi không có nhiều kinh nghiệm. Tôi chọn giải quyết bằng phương án mua lại và bàn giao công nghệ từ các công ty đối tác. Còn về mặt quản lí nhân sự, kinh nghiệm cho thấy dù là công ty công nghệ hay công ty sản xuất, tôi cũng gặp những vấn đề tương tự nhau. Do đó, những kinh nghiệm tôi có trước đây đều có thể linh hoạt điều chỉnh và vận dụng.

Cuối cùng, kinh nghiệm làm dịch vụ Internet cho phép tôi có cái nhìn chủ động hơn về sức mạnh của kênh digital trong việc mang sản phẩm mới này đến với nhiều người hơn. Thế mạnh của internet có thể giúp lan toả những sản phẩm tốt, những điều hữu ích và tích cực. Tôi cho rằng đó cũng là một lợi thế có được từ những kinh nghiệm trong quá khứ.

Xem các bài viết khác trong chuyên mục tại đây.

Diệu Uyên / Brands Vietnam
* Nguồn: Brands Vietnam