Vietnam's Top 100 Brands 2020: Thương hiệu Việt chiếm đa số so với thương hiệu ngoại

Tháng 9/2019, Campaign Asia kết hợp với Nielsen công bố bảng xếp hạng 1.000 thương hiệu hàng đầu Châu Á. Tại Việt Nam, nhiều thương hiệu nội địa như Vinamilk, Vingroup, Vietnam Airlines thăng hạng cao và có phần “lấn át” các “ông” ngoại.

Các năm trước, những công ty đa quốc gia thường xuyên thống trị bảng xếp hạng thương hiệu hàng đầu tại Việt Nam. Đến năm 2019, cán cân giữa thương hiệu Việt và quốc tế đạt trạng thái cân bằng. Thế nhưng, năm 2020 chứng kiến sự áp đảo của các thương hiệu Việt. Trong 10 thương hiệu được nhiều người tiêu dùng tin tưởng nhất Việt Nam, 7/10 thuộc về các gương mặt nội địa.

Lý do đến từ hai yếu tố: tinh thần tự hào dân tộc của người tiêu dùng và tính sáng tạo, cải tiến của thương hiệu. Có thể nói, trong đại dịch, người tiêu dùng Việt chọn ủng hộ các công ty tích cực hỗ trợ công cuộc phòng chống COVID-19, đồng thời cố gắng phát triển và quảng bá trong điều kiện kinh tế khó khăn.

Bảng xếp hạng này dựa trên khảo sát được thực hiện bởi Nielsen trong giai đoạn từ 21/2 – 19/3/2020. Chủ đề khảo sát xoay quanh câu hỏi: “Đâu là thương hiệu mà người tiêu dùng cho là tốt nhất?”. Theo Nielsen, tốt nhất ở đây nghĩa là thương hiệu được người tiêu dùng tin tưởng nhất và có danh tiếng nhất trong ngành hàng mà thương hiệu đang hoạt động.

7/10 thương hiệu của bảng xếp hạng Việt Nam thuộc về các gương mặt nội địa

Vinamilk và Vingroup vươn lên vị trí thứ nhất và hai. Còn Apple hiện giữ hạng 7 trong bảng xếp hạng.

Chandler Nguyen – Phó chủ tịch kiêm Trưởng bộ phận Google Performance toàn cầu tại Essence, cho biết VSmart của Vingroup đang được người dùng Việt quan tâm nhiều hơn. Chỉ trong 17 tháng hoạt động, VSmart trở thành thương hiệu smartphone lớn thứ ba cả nước với 16,7% thị phần, đứng sau Samsung và Oppo. Hơn nữa, hãng di động này đã bán được hơn 1,2 triệu chiếc và là một trong những công ty có tốc độ tăng trưởng nhanh tại Việt Nam.

Ông Chandler Nguyen chia sẻ thêm: “Người tiêu dùng Việt có tâm lý yêu thích hàng công nghệ điện tử từ các thương hiệu nước ngoài vì chất lượng tốt. Nhưng với hàng nội địa, nếu chúng thực sự tốt, giá cả phải chăng, thì họ vẫn sẵn sàng chi tiền bởi niềm tự hào dân tộc. Ngoài ra, sự sụt giảm nhẹ của Samsung là vì hoạt động thương hiệu trong đại dịch không được triển khai mạnh”.

Cà phê Trung Nguyên tăng một bậc, và nằm trong top 5. Trong khi đó, Kinh Đô, thương hiệu đồ ăn nhẹ thuộc sở hữu của Mondelez, vươn lên hạng 9 thế chỗ bia Hà Nội.

Mô hình cà phê 4.0 Trung Nguyên E-Coffee

Trong COVID-19, bia là ngành hàng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Trước đó, ngành này cũng bị tác động không mấy tích cực bởi Nghị định 100 của Chính phủ về việc uống rượu bia khi tham gia giao thông. Công ty sản xuất bia Hà Nội Habeco thông báo lỗ 4,1 triệu USD trong Q1/2020 khi doanh thu giảm 50%. Còn Sabeco cũng chứng kiến lợi nhuận quý đầu giảm 31 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức giảm kỷ lục của thương hiệu này trong suốt 7 năm qua.

Bên cạnh đó, Vietnam Airlines lội ngược dòng từ hạng 23 (năm 2019) giữ vị trí thứ 10 trong bảng xếp hạng.

Ba thương hiệu ngoại góp mặt trong top 10 năm 2020 là Samsung, Honda và Coca-Cola. Theo ông Tài Lê – Giám đốc Vận hành kiêm Quản lý mảng Thương mại điện tử tại agency Red2Digital, Honda là một trong những thương hiệu mạnh nhất Việt Nam trong nhiều thập kỷ. Nhà sản xuất ô tô và xe máy Nhật Bản này có tổng cộng 3 nhà máy tại Việt Nam, và hiện chiếm 70% thị phần xe máy Việt.

Sự thay đổi vị trí trong top 100 thương hiệu tại Việt Nam

FMCG là ngành ghi nhận nhiều biến động. Chẳng hạn, trong top 100 thương hiệu hàng đầu của Việt Nam, Tropicana, Maggi, Heinz, Huggies, Lux, Pepsi, Nutella tăng trung bình hơn 20 bậc, thì La Vie, Milo, và NESCAFÉ lần lượt tụt xuống 23/21/16 bậc so với năm 2019.

Louis Vuitton tận dụng danh lam thắng cảnh Việt Nam để thực hiện chiến dịch quảng bá “The Spirit of Travel”

Với thời trang, Louis Vuitton là thương hiệu tăng hạng cao thứ 2 trong top 100 nhờ chiến lược tiếp thị nội địa (local marketing) hiệu quả. Nhãn hàng thời trang này tận dụng thành công danh lam thắng cảnh của Việt Nam như Vịnh Hạ Long, Tràng An, Hội An và Sa Pa để thực hiện chiến dịch quảng bá “The Spirit of Travel” vào tháng 9/2019.

Trong ngành du lịch, Traveloka tăng đến 67 bậc so với năm 2019. Thương hiệu này ngày càng chiếm nhiều tình cảm của người tiêu dùng Việt Nam khi liên tiếp hợp tác với các doanh nghiệp nội địa lớn trong năm 2019 cũng như mua lại Mytour vào tháng 12/2018. Đối thủ cạnh tranh là Agoda hay chuỗi khách sạn Hilton cũng tiến vào top 100 ở vị trí thứ 95 và 98.

Điểm mới của Top 1.000 thương hiệu Châu Á 2020: Bổ sung hạng mục ứng dụng nhắn tin

Năm 2020, Campaign và Neilsen bổ sung hạng mục ứng dụng nhắn tin trong bảng xếp hạng Top 1.000 Thương hiệu hàng đầu Châu Á năm 2020.

Trong đó, Facebook Messenger vươn thẳng lên vị trí thứ 31. Còn WhatsApp có tỷ lệ thâm nhập cao khi được 78% người dùng Internet Việt Nam sử dụng, nhưng chỉ xếp ở vị trí 343.

Ứng dụng nhắn tin Facebook Messenger nằm ở vị trí thứ 31

Trái lại, Twitter tuy thâm nhập thị trường sau các đối thủ nhưng lại là nền tảng có sự tăng trưởng lớn nhất. Twitter tăng 122 bậc từ hạng 210 năm 2019 lên hạng thứ 88.

Tốc độ phát triển kinh ngạc của Twitter là do sự gia tăng người dùng mạng xã hội hàng năm. Cụ thể, từ năm 2019 đến đầu năm 2020, Việt Nam có thêm 5,7 triệu người dùng mạng xã hội mới. Thêm vào đó, mức độ sử dụng Twitter làm công cụ truyền thông trong đại dịch tăng vọt. Điển hình, tài khoản Twitter chính thức của Bộ Ngoại giao Việt Nam @MOFAVietnam, ghi nhận lượng người theo dõi, tăng hơn 50% kể từ đầu năm 2020.

Nhìn chung, các thương hiệu Việt có bước tiến nổi bật trong bảng xếp hạng là nhờ chiếm lĩnh cảm tình, niềm tin từ người tiêu dùng trong nước trong giai đoạn kinh tế khó khăn. Nhưng, liệu họ sẽ tiếp tục nắm giữ vị thế này khi đất nước bước vào trạng thái “bình thường mới”?

Theo Thảo Nguyên / Brands Vietnam
* Nguồn: Campaign Asia