Interbrand: Top 100 Global Brands – Sự tăng trưởng ấn tượng của các thương hiệu công nghệ

Ngày 21/10/2020, Interbrand công bố Top 100 Global Brands với 43% thương hiệu tăng trưởng và 57% giảm giá trị. Các thương hiệu, đặc biệt thuộc lĩnh vực công nghệ, phát triển vượt bậc khi mức tăng trung bình của 3 thương hiệu đầu bảng là 50%.

Top 100 Global Brands là bảng xếp hạng thường niên dựa trên phương pháp định giá thương hiệu của Interbrand. Phương pháp đào sâu phân tích cách thức thương hiệu đang tăng trưởng kinh doanh cũng như khả năng phát triển trong tương lai. Phương pháp này bao hàm tất cả yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp là khách hàng, nhân viên và nhà đầu tư. Theo Interbrand, một thương hiệu mạnh sẽ tác động đến sự lựa chọn của khách hàng và tạo ra lòng trung thành; thu hút, giữ chân nhân tài; và giảm chi phí tài chính.

Thế nên, có ba thành phần quan trọng trong đánh giá của Interbrand là phân tích hoạt động tài chính của các sản phẩm hoặc dịch vụ thuộc thương hiệu, vai trò của thương hiệu trong các quyết định mua hàng, và sức cạnh tranh của thương hiệu.

3 thương hiệu có mức tăng trưởng lớn nhất

Các thương hiệu mạnh ngày càng tăng trưởng trong năm 2020. Việc COVID-19 trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển của công nghệ và phát trực tuyến dựa trên điện toán đám mây, đã củng cố vị thế của các thương hiệu công nghệ hàng đầu. Nhìn chung, mức tăng trưởng thương hiệu trung bình là 14% nhưng riêng lĩnh vực công nghệ là 20%. Tiêu biểu, 3 thương hiệu đầu bảng là các công ty công nghệ có mức tăng trung bình đến 50%.

Spotify, NetflixAmazon có mức tăng cao nhất trong bảng xếp hạng mặc cho sự ảnh hưởng nặng nề của đại dịch toàn cầu. Các thương hiệu tăng trưởng nhanh nhất năm 2020 (có mức tăng trưởng hai con số) vượt trội hơn hẳn về cả 3 yếu tố liên quan đến sức mạnh thương hiệu đó là sự thấu hiểu (brand empathy), khả năng thích ứng linh hoạt (brand agility), và mức độ ưa thích thương hiệu (brand affinity).

Spotify tăng trưởng mạnh trong đại dịch COVID-19

Đáng chú ý là sự thay đổi văn hoá dựa trên sự thấu hiểu và đồng cảm đã giúp Microsoft bước chân vào top 3. Theo ông Satya Nadella – CEO của Microsoft, đồng cảm là tố chất của một nhà lãnh đạo cũng như sự ưu tiên và đặc tính đổi mới của doanh nghiệp. Ông kết nối giá trị cốt lõi với nhu cầu của khách hàng thông qua sự đồng cảm sâu sắc.

Kế đến, kể từ năm 2018 đầu tư hơn 28 tỷ USD vào R&D, Amazon đang phát triển nhanh chóng theo cấp số nhân. Với sự hỗ trợ của dữ liệu thời gian thực (real-time data), AI và máy học, Amazon tạo nên những ảnh hưởng đáng kể đến toàn ngành. “Ông lớn” bán lẻ trực tuyến thành công thay đổi kỳ vọng của khách hàng toàn thế giới dẫn đến độc quyền thị trường.

Một đại diện lớn mạnh khác là Spotify đã phát triển mối quan hệ sâu sắc với khách hàng. Điều này thể hiện từ việc hứa hẹn mang đến trải nghiệm âm nhạc phong phú cho người dùng, cho đến quan hệ đối tác với các nền tảng như mạng di động hay thiết bị chơi game. Hơn nữa, Spotify còn tận dụng dữ liệu khách hàng để mang đến những câu chuyện về cách thương hiệu hoà mình vào đời sống tình cảm và xã hội của người dùng khắp thế giới.

Một điểm đáng chú ý là hơn một nửa các thương hiệu đang phát triển hàng đầu đều ứng dụng mô hình kinh doanh thuê bao (subscription model business).

3 thương hiệu mới gia nhập bảng xếp hạng

BXH năm 2020 có 3 thương hiệu mới gia nhập và sự trở lại của 2 thương hiệu. Các thương hiệu mới phản ánh sự thành công vượt bậc trong việc kết nối người dùng.

Kết quả kinh doanh của các thương hiệu mạng xã hội và truyền thông đặc biệt tốt trong 12 tháng qua. Cụ thể, Instagram, YouTubeZoom lần đầu tiên lọt vào Top 100 với thứ hạng lần lượt là 19, 30, 100. Tiểu biểu, vốn hoá thị trường của Zoom đã tăng 389% trong 12 tháng, doanh thu tăng 270% trong nửa đầu năm 2020. Mức tăng trưởng vượt bậc đó là nhờ sự chuyển đổi kỹ thuật số tăng tốc để đáp ứng nhu cầu làm việc từ xa của người dùng. Ngoài ra, Instagram và YouTube lọt vào bảng xếp hạng nhờ tình hình tài chính của Facebook và Alphabet đã được cải thiện.

Nền tảng gọi video trực tuyến Zoom lọt Top 100

Tesla trở lại bảng xếp hạng và giữ vị trí thứ 40. Giá trị vốn hoá thị trường của Tesla tăng 769% trong 12 tháng, doanh thu tăng 10% trong 6 tháng đầu năm 2020. Ngoài ra, các sự kiện nổi bật như ra mắt Cybertruck vào tháng 11/2019 hay kế hoạch triển khai Tesla Network dành cho dòng xe robo-taxi tự lái trong năm 2020, đã giúp gắn kết thương hiệu với nhóm khách hàng cốt lõi.

Một thương hiệu tái gia nhập khác là Johnnie Walker. Mặc dù vốn hoá thị trường bị ảnh hưởng bởi COVID-19 nhưng thương hiệu vẫn giữ được nét độc đáo với thiết kế hình ảnh thương hiệu mới vào tháng 11/2019.

Nhìn chung, Top 100 Global Brands 2020 chứng kiến tốc độ phát triển đáng kể của các thương hiệu công nghệ. Những thương hiệu này đáp ứng đủ các yếu tố mà người dùng và xã hội hiện tại cần đến. Vậy thứ hạng này thay đổi ra sao khi thế giới chuẩn bị bước sang giai đoạn hồi phục hậu COVID-19?

Xem toàn bộ báo cáo tại đây.

Theo Thảo Nguyên / Brands Vietnam
* Nguồn: Interbrand