Marketer Bạch Hạnh
Bạch Hạnh

Content Executive @ Brands Vietnam

Young Agencies #4 – BP Communications: Local agency muốn “thắng” thì phải có thế mạnh khác biệt

“Thị trường quảng cáo, truyền thông ngày càng đông đúc với hàng loạt agency nội địa ra đời hay sự du nhập của các global agency vào Việt Nam. Cuộc chiến cũng vì thế mà ngày càng khốc liệt. Có thể thấy, lợi thế của local agency so với global agency là sự gần gũi với nhóm đối tượng mục tiêu và sở hữu quy trình làm việc tinh gọn. Tuy nhiên, để cạnh tranh trên thị trường, họ cần có thế mạnh khác biệt và đủ chắc. Nếu mạnh mảng nào, hãy tập trung phát triển mảng đó thì mới đủ sức tạo dấu ấn đối với khách hàng.”

Đó là chia sẻ của anh Born Nguyen, CEO/Co-Founder của BP Communications – Creative & Advertising Agency trong số thứ #4 của chuyên mục Young Agiences*.

Khi đang trên đà phát triển sự nghiệp tại Mekong Communications với vị trí Head of Content Creator, cuối năm 2016, anh Born “rẽ hướng”, đồng hành cùng BP Communications trên con đường khởi nghiệp. Quyết định này được thôi thúc bởi mong muốn kinh doanh và làm việc theo cách riêng ấp ủ từ lâu.

Young Agencies là chuyên mục do Brands Vietnam sản xuất nhằm giới thiệu những agency trẻ, triển vọng trong lĩnh vực tiếp thị, truyền thông và quảng cáo của Việt Nam hiện nay. Bởi những nhân tố trẻ, tài năng cần được trao cơ hội để làm mới cũng như nâng cao chuẩn mực của ngành.

Nếu bạn là một agency trẻ thoả mãn hai điều kiện sau: Founder khởi ngiệp trước 30 tuổi và Agency hoạt động dưới 3 năm, hãy gửi portfolio cho chúng tôi qua email: [email protected]. Có thể bạn sẽ trở thành nhân vật tiếp theo của chuyên mục này.

Bước đầu khởi nghiệp: Lựa chọn đúng hướng đi

Brands Vietnam: Cho đến hiện tại, BP Communications đã hoạt động được bao lâu? Quá trình thành lập BP Communications diễn ra như thế nào?

Anh Born Nguyen: Tiền thân của BP Communications là Best Platform, được anh Nguyễn Duy Khang (Chairman/Co-Founder) và một số thành viên khác thành lập từ năm 2015, chuyên trong mảng dịch vụ về thiết kế website, production và tổ chức sự kiện. Tuy nhiên, sau 1 năm hoạt động, công ty không đạt kết quả như kỳ vọng, phải đối mặt với nhiều thử thách cả về mặt tài chính và nhân sự, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản. Nguyên nhân đến từ nhiều yếu tố, nhưng có lẽ lý do lớn nhất đến từ việc chưa có định hướng cụ thể khi xây dựng thế mạnh và dịch vụ cốt lõi của agency.

Không bỏ cuộc, đến cuối năm 2016, công ty thay đổi định hướng, bắt đầu chặng đường mới với định vị là một creative agency, cung cấp dịch vụ truyền thông sáng tạo tổng thể (IMC), phụ trách việc lên chiến lược cho đến thực thi. Đây cũng là thời điểm tôi gia nhập công ty với vai trò là Co-founder.

Định hướng dịch vụ cốt lõi của BP Communications trên đến từ việc kết hợp thế mạnh của tôi là sáng tạo nội dung với kỹ năng quản lý dự án, năng lực digital của Khang. Chúng tôi tin những kinh nghiệm mình tích luỹ được trong thời gian làm việc trước đây sẽ giúp ích cho sự phát triển của công ty.

Anh Duy Khang (trái) và anh Born Nguyen

* Những khó khăn đầu tiên công ty gặp phải khi khởi nghiệp là gì? Và BP Communications đã vượt qua chúng như thế nào?

Cuối năm 2016, khi BP Communications bắt tay xây dựng lại từ đầu, chúng tôi gặp hai khó khăn lớn về “tiền” và “tài”.

Ở đây, tiền là chi phí vận hành, ngân sách chạy dự án, cơ sở vật chất và lương thưởng cho nhân viên. Tuy chỉ là những vấn đề “trước mắt”, nhưng nếu không giải quyết được chúng, công ty khó mà tồn tại. Cách giải quyết là “nếm mật nằm gai”, toàn bộ nhân sự BP Communications chấp nhận mức lương thấp trong thời gian đầu để dành ngân sách cho việc hoàn thiện văn phòng và bổ sung trang thiết bị. Vì chúng tôi quan niệm, dù nhỏ, nhưng công ty cần có văn phòng cố định để mọi người yên tâm làm việc.

Còn tài ở đây là khó khăn về mặt con người. Số lượng nhân sự của công ty thời điểm đó chỉ vỏn vẹn 4 người. Chưa kể, nguồn lực của công ty lại không cho phép việc tuyển thêm người giỏi hay có kinh nghiệm. Do vậy, giải pháp lúc đó là mỗi thành viên sẽ phải phụ trách nhiều đầu công việc từ nhỏ đến lớn cho từng dự án của khách hàng.

Qua thời gian, nhờ sự đồng lòng và tinh thần không ngại khó khăn, chúng tôi đã khắc phục được những trở ngại ban đầu. Dần dần, số lượng dự án của công ty tăng lên, quy mô công ty cũng dần mở rộng.

Hiện tại, sau hơn 3 năm phát triển với định hướng mới, đội ngũ nhân sự của BP Communications có 20 người, chia thành 5 phòng ban gồm: BOD, Finance, HR, Account, Creative & Planning. Công ty cũng đạt được mức độ tăng trưởng nhất định. Những khách hàng của công ty gồm Gree Việt Nam, Epson, ToCoToCo, Benny, Saigon Foods, Duy Tân...

Giai đoạn phát triển: Phụ thuộc vào chất lượng sản phẩm và cách làm việc với khách hàng

* Anh hãy kể về một dự án tâm đắc nhất của BP Communications cho đến hiện tại?

Để cạnh tranh trên thị trường, local agency nên xây dựng thế mạnh khác biệt. Nếu mạnh mảng nào, hãy tập trung đào sâu vào mảng đó thì mới đủ sức tạo dấu ấn đối với khách hàng.

Năm 2019, BP Communications nhận được brief của Gree là: thực hiện chiến dịch truyền thông IMC nhằm xây dựng nhận biết thương hiệu và thúc đẩy hiệu quả kinh doanh cho thương hiệu trong mùa cao điểm từ tháng 4-7/2019.

Khó khăn lớn nhất của Gree lúc bấy giờ là chưa được nhiều người biết đến tại Việt Nam, dù bản thân là một thương hiệu máy điều hoà không khí nổi tiếng trên thế giới. Đặc biệt, trong mùa Hè – mùa cao điểm của ngành máy lạnh, cuộc chiến giữa nhiều thương hiệu nhằm chiếm thị trường và trái tim người tiêu dùng diễn ra rất khốc liệt. Vậy Gree cần phải triển khai một chiến dịch tạo sự thu hút và khác biệt, thì mới đủ sức cạnh tranh.

Sau quá trình nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy hầu hết nhóm đối tượng mục tiêu (25-40 tuổi, đã lập gia đình) đều có mong muốn sử dụng máy lạnh, nhưng giá cả và tiền điện là hai yếu tố khiến họ lo ngại. Đặc biệt, không khí nóng bức của mùa Hè cũng khiến tâm trạng con người trở nên ngột ngạt, cộng thêm với nhiều áp lực khác, làm ảnh hưởng đến chất lượng của họ.

Do đó, BP Communications đề xuất ý tưởng lớn: ‘Có Gree, vô tư đi’. Trong đó, ‘Có Gree’ thể hiện vai trò của Gree là thương hiệu máy lạnh dân dụng phổ biến trên thế giới, luôn đảm bảo chất lượng sản phẩm cho người tiêu dùng. Cụm ‘vô tư đi’ có vai trò thể hiện lợi ích Gree mang đến cho khách hàng, để họ có thể cuộc sống tinh thần và thể chất thoải mái, vui vẻ. Đặc biệt, thông điệp này còn có 3 tầng nghĩa khác nhau:

  • Vô tư mua: giá cạnh tranh, phù hợp túi tiền người tiêu dùng
  • Vô tư xài: sản phẩm tiết kiệm điện năng, vận hành bền bỉ
  • Vô tư sống: Gree giúp người tiêu dùng giảm bớt mối lo trong cuộc sống hàng ngày, và luôn có tinh thần sống tích cực

Theo đó, concept này được triển khai 360 độ, từ online đến offline, bao gồm nhiều hoạt động từ media trip, chương trình tri ân khách hàng Thu cũ Đổi mới, đánh giá sản phẩm thông qua KOL, TVC, clip viral cho đến triển khai OOH.

Viral clip ‘Có Gree, Vô tư đi’

Điểm nhấn làm nên thành công của chiến dịch là clip viral ‘Có Gree, vô tư đi’, với nội dung kể về câu chuyện của một cô gái lớn lên cùng với chiếc máy lạnh Gree – món quà cha mẹ tặng cô với hy vọng cô có thể “vô tư” học hành thành tài. Ý tưởng clip đến từ việc nhãn hàng đề xuất agency khai thác nội dung quảng cáo ý nghĩa, mang tính nhân văn, truyền tải được thông điệp thương hiệu, đặc biệt tạo cảm xúc tích cực cho người xem dù có thời lượng dài, thay vì làm các quảng cáo ngắn theo công thức thông thường.

Thử thách của chúng tôi khi triển khai nội dung clip này đó là làm cách nào giữ chân người xem, lồng ghép khéo léo hình ảnh thương hiệu và tránh cảm giác quảng cáo. Giải pháp của BP Communications là biến hình ảnh máy lạnh Gree thành một nhân vật có tên ‘cục lạnh Gree’. Nhân vật này luôn đồng hành với cô gái trên hành trình trưởng thành, và trở thành món quà báo hiếu cha mẹ của cô khi cô đã thành công. Thông điệp ‘Có Gree, vô tư đi’ cũng được cài cắm qua những câu thoại hết sức mộc mạc và chân thành của nhân vật trong clip. Âm nhạc chúng tôi sử dụng trong phim ngắn này cũng góp phần tạo cảm xúc cho người xem. Và đặc biệt hơn khi BP Communications chính là “nhà sản xuất” của bài hát.

Kết quả, tất cả chỉ số của chiến dịch đều vượt 100% KPI ban đầu. ‘Có Gree, vô tư đi’ đạt top #1 tìm kiếm về từ khoá liên quan như: Gree, vô tư mua, vô tư xài, vô tư sống, vô tư đi... trong giai đoạn chạy chiến dịch so với các đối thủ khác trong ngành máy lạnh. Viral clip đạt thành công ngoài mong đợi với hơn 5 triệu lượt xem sau 3 tuần, được mọi người đón nhận và ủng hộ nhiệt tình, từ đó tăng brand love đối với thương hiệu Gree. Bên cạnh đó, thông qua hoạt động đánh giá và testimonials của KOL, người dùng hiểu rõ về các tính năng nổi bật và cách dùng các sản phẩm Gree. Chương trình ‘Thu cũ Đổi mới’ cũng vượt KPI 300% về số người đăng ký. Hầu hết khách hàng cảm thấy hài lòng và có thiện cảm tốt hơn với thương hiệu.

Cuối cùng, tôi nghĩ một trong những yếu tố góp phần tạo nên thành công của chiến dịch này là quá trình hợp tác giữa client và agency. Trong suốt quá trình này, Gree Việt Nam không chỉ lắng nghe, đóng góp quan điểm nhanh chóng, mà còn đào tạo thêm về kiến thức sản phẩm ngành hàng để chúng tôi hình thành nên chiến lược và kế hoạch thực thi hiệu quả, truyền tải được thông điệp, mang lại giá trị cho người tiêu dùng.

* Vậy, theo anh, để tạo ra một chiến dịch truyền thông hiệu quả, agency nên lưu ý điều gì?

Theo tôi, yếu tố đầu tiên nên một chiến dịch truyền thông hiệu quả là Concept. Mỗi concept nên sở hữu một câu chuyện hay, một ý tưởng có ích cho thương hiệu và nhóm đối tượng mục tiêu. Một concept hời hợt, dù đầu tư ngân sách lớn đến đâu, cũng khó mang đến hiệu quả. Yếu tố này đòi hỏi năng lực sáng tạo của agency, chứ không có một mô hình hay công thức cụ thể nào.

Thứ hai, concept hay thôi thì chưa đủ, ‘execution’ phải sáng tạo, chỉn chu thì mới đủ sức biến concept đó trở thành hiện thực. Nguyên tắc khi thực thi là phải làm tốt từ những điều đơn giản nhất. Đó là lý do BP Communications luôn giữ tinh thần ‘Excellent Execution’ trong mọi dự án.

Thứ ba, lựa chọn kênh truyền thông phù hợp, vì mỗi kênh sẽ có những yêu cầu và đặc thù khác nhau về văn phong, ý tứ và hình ảnh sáng tạo. Điều này đòi hỏi người thực thi phải có hiểu biết về từng kênh truyền thông thì mới làm tốt được. Đồng thời, dựa trên các chỉ số hiệu quả trên kênh truyền thông, người thực thi nên tìm ra và đầu tư vào những nội dung sáng tạo đem lại hiệu quả (về mặt chỉ số, tạo cảm xúc tích cực cho người đọc) trong quá trình triển khai dự án để lan toả chúng rộng hơn đến nhóm đối tượng mục tiêu.

Quản trị doanh nghiệp: Mô hình 3T & 3C

* Thường khối lượng công việc ở agency rất lớn, vậy BP Communications làm gì để đảm bảo mọi dự án luôn vận hành nhịp nhàng và hiệu quả?

Giải pháp của BP Communications là chuyên môn hoá công việc và trách nhiệm cho từng vị trí khác nhau, “ai làm việc nấy”. Tuỳ vào quy mô của mỗi dự án, chúng tôi sẽ lựa chọn team phù hợp để triển khai luồng công việc, từ lúc ‘brainstorming’, ra concept cho đến lúc ‘execution’ để đảm bảo dự án được triển khai một cách nhịp nhàng, trơn tru.

Trong mỗi team dự án bắt buộc phải có Director, Manager, Senior & Executive cùng nhau thực hiện. Các Director & Manager luôn theo sát dự án để đảm bảo chiến lược đi đúng hướng, sản phẩm và dịch vụ chăm sóc khách hàng phải đạt chất lượng tốt nhất trước khi đến tay client. Các bạn ở cấp Senior và Executive tập trung thực thi để tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt nhất.

Đội ngũ nhân sự BP Communications

Tiếp theo, mỗi nhân viên sẽ chỉ nhận nhiệm vụ và công việc từ quản lý (line manager) để có thể tập trung làm tốt việc của mình, tránh gặp tình trạng nhận quá nhiều luồng thông tin khác nhau khi có vấn đề.

* Văn hoá doanh nghiệp BP Communications đang theo đuổi là gì?

Hiện tại, BP Communications đang theo đuổi văn hoá doanh nghiệp 3T & 3C. Trong đó, 3T có nghĩa là Tôn trọng – Trung thực – Tích cực, còn 3C gồm Chia sẻ – Chủ động – Cầu tiến.

Với những yếu tố này, chúng tôi muốn mang đến môi trường làm việc thoải mái, vui vẻ cho nhân viên. Hàng tuần, công ty tổ chức các khoá đào tạo nội bộ kỹ năng, kiến thức kết hợp với các trò chơi giải trí, để mọi thành viên có thể nâng cao chuyên môn, gắn kết với nhau tốt hơn cũng như có thời gian thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng. Ngoài ra, công ty cũng ghi nhận sự nỗ lực và đóng góp của nhân viên bằng lương thưởng và các phúc lợi xứng đáng.

* Anh có thể chia sẻ định hướng phát triển trong tương lai của công ty?

Trong 5 năm tới, BP Communications muốn trở thành Creative Agency tạo được dấu ấn trên thị trường. Để làm được điều đó, chúng tôi cần phải làm việc, học hỏi, trau dồi nhiều hơn nữa với phương châm “luôn tiến về phía trước”. Vì bản thân BP Communications còn “nhỏ” so với thị trường. Đặc biệt, vẫn còn nhiều “vùng đất” mà chúng tôi cần khám phá và phát huy năng lực. Ngoài ra, công ty cũng có kế hoạch nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Một điểm sáng trong năm 2020 là team Creative của BP Communications đạt giải Silver, hạng mục Film & Intergrated trong cuộc thi Vietnam Young Lions, và sẽ đại diện Việt Nam tham gia Liên hoan Sáng tạo Spikes Asia vào năm 2022.

Team Creative của BP Communications sẽ đại diện Việt Nam tham gia Liên hoan Sáng tạo Spikes Asia 2022

* Cuối cùng, local agency nên làm gì để cạnh tranh trên thị trường hiện nay?

Theo tôi, ưu thế lớn nhất local agency là sự gần gũi với nhóm đối tượng mục tiêu, và có quy trình làm việc linh hoạt, nhanh gọn hơn so với global agency.

Tôi nghĩ rằng, để cạnh tranh trên thị trường, local agency nên xây dựng thế mạnh khác biệt. Nếu mạnh mảng nào, hãy tập trung đào sâu vào mảng đó thì mới đủ sức tạo dấu ấn đối với khách hàng. Thứ hai, các local agency có năng lực khác nhau cũng cần liên kết với nhau để đáp ứng tốt hơn cho những bản brief phức tạp. Ví dụ, agency chiến lược hợp tác với agency sáng tạo, agency digital hợp tác với agency event... Đặc biệt, trong bối cảnh có nhiều biến động như hiện tại, khách hàng ngày càng khắt khe hơn, các agency hoạch định chiến lược và thực thi nên kết hợp nhịp nhàng với nhau để cùng nhau tăng trưởng.

* Cảm ơn anh về những chia sẻ trên!

Thông tin liên hệ BP Communications:

Xem các bài viết cùng chuyên mục tại đây.

Hạnh Bạch / Brands Vietnam
* Nguồn: Brands Vietnam