Google: “Bắt mạch” sức ảnh hưởng của Gen Z lên tương lai của bán lẻ và dịch vụ

Thế hệ Z (Geneneration Z/ Gen Z) – sinh ra từ giữa thập niên 90 và đầu thập niên 2000 – một thế hệ đầy năng lượng cấp tiến với thế giới số. Sức ảnh hưởng của họ thách thức những thói quen suy nghĩ cũ kỹ về giải trí online, du lịch, mua sắm, thông tin và giáo dục.

Trong series bài gồm ba phần kỳ này, chúng ta bàn về cách nhìn nhận của Gen Z lên thương hiệu, những phương cách mà kỹ thuật số hiện hữu trong đời sống thường nhật của họ, và các họ gây ảnh hưởng đến những ngành công nghiệp khác nhau ở khu vực Ấn Độ và Đông Nam Á (INSEA).

Có thể tạm gọi Gen Z là nhóm nhân khẩu học thông tuệ kỹ thuật số nhất cho đến nay, không chỉ là những người dùng rành rẽ mà còn có khả năng tự sáng tạo lấy cách dùng riêng cho mình từ công nghệ mới và mạng xã hội, một cách tài tình.

“Nguyên tắc vàng” duy nhất chắc chắn cho các thương hiệu là sự thay đổi.

Với công cụ trong lòng bàn tay, nhóm tiêu dùng thông thái này đã tìm ra các cách để tối ưu hoá giá trị, uyển chuyển tài tình để “hack” các hành vi tiêu dùng online trước khi bị thuyết phục trước một thương hiệu nào đó. Thay vì mua sắm ở một kênh thường dùng, Gen Z sẽ vận dụng cả mạng xã hội, shopping apps, và cả các kênh mua sắm truyền thống để “soi”, trước khi xuống tay chi tiền cho một sản phẩm.

Bài viết sau đây phác hoạ chân dung ban đầu của Gen Z, cách họ thích ứng với các thay đổi công nghệ toàn cầu, để các marketers có cái nhìn mới mẻ hơn về hướng tiếp cận.

Truyền cảm hứng trước, bán hàng sau

Đối với một thế hệ đầy hiểu biết về xã hội chung quanh như Gen Z, họ sẽ cảm thấy hứng khởi với những sản phẩm được xây dựng theo xu hướng cho họ trải nghiệm sự đa dạng và khác biệt. Họ không chỉ ngồi yên đợi cảm hứng rơi xuống trước mặt, mà chủ động đi tìm và (thậm chí) tạo ra nó. Mỗi ngày khoảng 43% Gen Z dành thời gian lướt các shopping apps để gạn lọc ra các xu hướng “lewk” (phong cách đậm dấu ấn cá nhân) mới, khám phá những món hàng nào đang được săn lùng, và tìm tòi cách tạo phong cách theo kiểu riêng của mình.

Tại Ấn Độ, nữ giới tuổi từ 18-21 thường lướt NYKAA, chuyên trang về làm đẹp, sức khoẻ và các sản phẩm thời trang, có mua gì hay không: tính sau. Họ lướt để tìm tòi các “mẹo” làm đẹp hữu ích và thông tin về các sản phẩm làm đẹp.

“Cho tôi trải nghiệm, ngay trên chiếc điện thoại này”

Gen Z làm chủ cách mà họ dùng thời gian: Họ sẽ trải nghiệm một nhà hàng, cửa tiệm, hoạt động nào đó để quyết định xem đó có phải kiểu trải nghiệm mà họ sẽ thích thử không. Họ sẽ chọn trước các món ăn, “quét” thử khu vực gần đó để tìm xem các điểm vui chơi hấp dẫn đang có khuyến mãi nào không.

Đơn cử, một hành trình mua sắm điển hình của Gen Z trong việc chọn nhà hàng sẽ là: Mở Instagram, tìm location tags từ bạn bè, sàng lọc hình ảnh món ăn được chụp bởi các khách trước đó (user-generated content), rồi tìm trang Instagram chính thức của nhà hàng để xem xét giá cả và các chương trình khuyến mãi. Không thì họ tìm hình ảnh bạn bè đăng tải từ những ứng dụng trò chuyện như WhatsApp rồi tìm thêm các thông tin và hoạt động khuyến mãi bằng một ứng dụng khác, chẳng hạn như Klook.

Càng có nhiều thông tin, Gen Z càng dễ ra quyết định. Tương tự với việc mua sắm hay một cuốc xe tới trung tâm thương mại, họ đều có những nghiên cứu về sản phẩm và trải nghiệm kỹ càng trước khi xuống hầu bao. Xem những kênh “unboxing”(tạm dịch: đập hộp) phổ biến như Technical Guruji hay những sự kiện thời trang trải nghiệm hoành tráng như “Shop the Runway” đều thoả mãn phần nào những tò mò trong họ và cho Gen Z một mức độ tự tin đủ để ra quyết định.

“Tôi ý thức được những hệ luỵ mình có thể gây ra với môi trường, thương hiệu của bạn thì sao?”

Đối với Gen Z, ý thức trách nhiệm xã hội được san sẻ. Tại một số thị trường như Philippines, những chuyến thiện nguyện sinh thái (environmental volunteerism) thường được xem như là cách để gắn kết với người khác và đóng góp một cách thiết thực cho một chính nghĩa nào đó. Còn ở Thái Lan, 35% Gen Z tin rằng sự bền vững là một sứ mệnh đáng được chiến đấu để bảo vệ.

35% Gen Z tin rằng sự bền vững là một sứ mệnh đáng được chiến đấu để bảo vệ

Ý thức được hệ luỵ mà một số hình thức kinh doanh tác động lên môi trường, một thành phần Gen Z đã bắt đầu tự tạo ra những thương hiệu dựa trên nền tảng ý thức xã hội. Ví dụ nhà thiết kế thời trang người Philippines Alyssa Lagon, nhà sáng lập Tela – một thương hiệu thời trang bền vững, đã ứng dụng những vật liệu thải từ may mặc để tạo ra quần áo thời trang và góp bàn tay giúp đỡ những lợi ích chung cho xã hội.

“Chúng tôi lớn lên với kỹ thuật số, và đang kiến tạo những ‘hành vi số’ mới mẻ”

Thị trường đang chứng kiến sự thay đổi trong cách Gen Z khám phá sản phẩm dịch vụ mới, và cách họ chi trả. Các thương hiệu nên tìm tòi các phương cách để thương hiệu của mình vừa dễ được tìm thấy, lại dễ tiếp cận.

Những ứng dụng nào chưa có các chức năng như Gen Z mong muốn, họ sẽ tạo ra cái mới.

Chẳng hạn, khi những nhà cung cấp sản phẩm không đồng bộ hoá cách họ mô tả sản phẩm, Gen Z sẽ tìm bằng hình ảnh, thay vì “phải” lướt text.

Việc tạo ra các phương thức thanh toán đa dạng cũng quan trọng không kém. Gen Z thường không có thẻ tín dụng, thay vào đó họ hay sử dụng ví điện tử (e-wallet) để “mua trước, trả sau”. Tại thị trường Ấn Độ và Đông Nam Á, 12% Gen Z hiện đang dùng ví điện tử, và con số còn cao hơn với những thị trường thương mại điện tử sớm phát triển như Singapore (18%). Ở Thái Lan, Gen Z tìm các phương thức thanh toán khác để mua sắm online như Thisshop, cho phép họ mua sắm các sản phẩm đắt tiền hơn với hình thức trả góp.

Gen Z là thế hệ định dạng tương lai bằng sự thành công, kết nối, và sự tự thể hiện mình. Cách thức họ thể hiện mình qua hành vi mua sắm online đã phần nào định nghĩa được hệ tư tưởng của thời đại trong ngành bán lẻ và dịch vụ. Kỹ thuật trong lòng bàn tay, họ có thể giải quyết các vấn đề bày ra trước mắt, điều này sẽ khiến các thương hiệu phải liên tục đau đầu! Rất đáng để thử, và “nguyên tắc vàng” duy nhất chắc chắn cho các thương hiệu là sự thay đổi.

* Theo Think with Google