6 xu hướng các thương hiệu tại APAC nên tận dụng trong năm 2021

Liệu các xu hướng tiếp thị trong năm 2020 đầy biến động sẽ tiếp tục phát triển trong năm 2021? Sau đây là 6 xu hướng có khả năng ảnh hưởng đến ngành quảng cáo. Qua đó, thương hiệu có thể tham khảo để định hình chiến lược tốt hơn trong năm 2021.

Bài viết thể hiện quan điểm của ông Kenneth Pao – Giám đốc điều hành của công ty phát triển nền tảng quảng cáo trực tuyến mở Criteo.

1. Thương mại điện tử tiếp tục tăng trưởng theo cấp số nhân

Giãn cách xã hội góp phần thúc đẩy lượng lớn người mua sắm trực tuyến. Vào Ngày Độc Thân 2020 (11/11), Criteo ghi nhận doanh số và lượng truy cập Internet tăng mạnh tại khu vực APAC. Trong đó doanh số bán hàng năm 2020 của Malaysia và Thái Lan tăng cao nhất, lần lượt 600%, 305%, và Singapore là 248%.

Sự gia tăng này là do những người mua sắm trực tuyến hiện tại mua nhiều hơn cùng với sự tham gia của những người mua mới. Theo khảo sát Peak to Recovery của Criteo, trong số 13.500 người tiêu dùng toàn cầu, có 53% người khám phá ra ít nhất 1 hình thức mua sắm trực tuyến và muốn duy trì trong suốt mùa dịch.

Điều này mang lại cơ hội cho các thương hiệu mở rộng tệp khách hàng trên kênh kỹ thuật số. Qua đó, thương hiệu có thể tận dụng các công cụ tiếp thị như quảng cáo truyền thông bán lẻ, retargeting để thu hút người tiêu dùng có liên quan nhất.

Những “người mua sắm trực tuyến mới” mang lại cơ hội cho các thương hiệu mở rộng tệp khách hàng trên kênh kỹ thuật số

2. Thương hiệu tăng cường đầu tư vào quảng cáo kỹ thuật số

Dựa trên khảo sát COVID-19 Impact on Marketing APAC của Criteo, 38% nhà tiếp thị chứng kiến doanh số bán hàng trên website và lượt đặt hàng trước tăng đáng kể từ khi đại dịch bùng phát. Từ đó, việc số hoá quy trình kinh doanh được tăng tốc.

Như vậy, tác động của COVID-19 đã tạo ra những thay đổi đối với các chiến lược tiếp thị. Trên thực tế, cứ 10 nhà tiếp thị ở APAC thì có 7 người nhận định tỷ trọng chi tiêu cho tiếp thị kỹ thuật số tại công ty tăng lên do dịch.

Khảo sát còn chỉ ra chi tiêu tiếp thị sẽ tiếp tục được thúc đẩy trên các kênh kỹ thuật số. Cụ thể, phần lớn doanh nghiệp dự định chi nhiều hơn cho mạng xã hội (58%), tiếp thị tìm kiếm (56%), và tiếp thị nội dung (54%) trong năm 2021.

Bên cạnh đó, các thương hiệu cũng nỗ lực thu hút người tiêu dùng trong ứng dụng. Vì khảo sát Global Apps Survey ghi nhận Đông Nam Á là một trong những khu vực có tỷ lệ bán hàng trong ứng dụng nhiều nhất toàn cầu. Có 55% người mua sắm ở APAC đã tải xuống ít nhất 1 ứng dụng mua sắm (bán lẻ, thực phẩm, hoặc tạp hoá/ thức uống có cồn) trong thời gian cao điểm của COVID-19.

Năm 2021, các thương hiệu cần suy xét quảng cáo trong ứng dụng

Điều này có thể sẽ tiếp tục ngay cả trong giai đoạn “bình thường mới” vì người tiêu dùng đã trải nghiệm, và quen thuộc với những lợi ích của việc mua sắm qua ứng dụng.

Do đó, trong kế hoạch tiếp thị năm 2021, các thương hiệu cần suy xét quảng cáo trong ứng dụng. Nhờ vậy, thương hiệu có thể đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trên ứng dụng khi họ tiếp tục dành nhiều thời gian hơn trên nền tảng này.

3. TV kết nối Internet trở thành nền tảng tiếp thị chủ lực

Sự phổ biến của TV kết nối Internet có xu hướng tăng mạnh trong đại dịch. Do đó, quảng cáo của các thương hiệu cần được đẩy mạnh trên nền tảng này.

Theo công ty nghiên cứu thị trường eMarketer, APAC chứng kiến sự tăng trưởng theo cấp số nhân về lượng người xem video kỹ thuật số trong năm 2020. Khả năng này sẽ tiếp tục tăng trưởng đến cuối năm 2024. Ngoài ra, vào cuối tháng 3/2020, Nielsen ghi nhận tổng số giờ sử dụng thiết bị này tăng lên 81% so với tỷ lệ hằng năm, tương đương 4 tỷ giờ mỗi tuần. Hơn nữa, những người dành nhiều giờ xem nội dung trên thiết bị này có xu hướng cởi mở và tiếp thu các quảng cáo có liên quan hơn.

Những người dành nhiều giờ xem nội dung trên TV kết nối Internet có xu hướng cởi mở và tiếp thu các quảng cáo có liên quan hơn

4. An toàn thương hiệu (brand safety) là điều kiện tiên quyết

Năm 2020 chứng kiến nhiều nhà quảng cáo lên án các nền tảng không kiểm soát được sự lan truyền của thông tin sai lệch và ngôn từ thù địch. Thêm vào đó, họ trở nên cẩn trọng hơn khi đầu tư vào các nền tảng truyền thông trực tuyến.

Thế nên, thương hiệu cần thiết kế nhiều giải pháp trong năm 2021 nhằm kiểm soát hiệu quả hơn các nền tảng quảng cáo. Từ đó, doanh nghiệp có thể bảo vệ danh tiếng cũng như giá trị cốt lõi của thương hiệu.

5. Trải nghiệm mua sắm trong ứng dụng liền mạch

Dù xu hướng thương mại điện tử tăng trưởng mạnh trong năm 2020, nhưng mua sắm tại cửa hàng vẫn là ưu tiên hàng đầu của người tiêu dùng. Do đó, cửa hàng vật lý tiếp tục là trọng tâm phát triển của các thương hiệu.

Theo nghiên cứu của công ty khảo sát thị trường Advanis, dù tần suất mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng tăng cao, 7 trên 10 người vẫn khẳng định thích mua hàng trực tiếp. Trong đó, 47% chọn giao hàng tận nhà và 17% chọn curbside pick-up (nhận hàng trực tiếp tại cửa hàng).

Tại Châu Á, người tiêu dùng di chuyển luân phiên giữa các phương tiện trực tuyến và ngoại tuyến trong suốt hành trình mua sắm. Vì vậy, các thương hiệu cần tăng cường sự hiện diện đa kênh, đảm bảo trải nghiệm trực tuyến và ngoại tuyến liền mạch.

Theo McKinsey, người mua sắm ưa chuộng dịch vụ click-and-collect vì sự an toàn và tiện lợi

Thương hiệu cần tối ưu hoá trải nghiệm, giảm thiểu thời gian của người tiêu dùng trong cửa hàng. Để làm được điều đó, thương hiệu có thể vận dụng các tính năng như giao dịch kỹ thuật số, curbside pick-up... Theo McKinsey, người mua sắm ưa chuộng dịch vụ click-and-collect vì sự an toàn và tiện lợi.

6. Quan hệ đối tác trong ngành hướng tới thiết lập các giải pháp định danh mới

Phát triển và áp dụng giải pháp định danh trực tuyến mà không dựa vào cookie của bên thứ 3 được đánh giá là một trong những sáng kiến quan trọng.

Nỗ lực này đã ảnh hưởng đến toàn bộ ngành, từ nhà quảng cáo, publisher, đối tác công nghệ, và người tiêu dùng. Trong năm 2021, sẽ càng nhiều tay chơi quảng cáo hợp tác với nhau hơn. Chẳng hạn, tháng 4/2020, Criteo hợp tác với công ty công nghệ quảng cáo The Trade Desk thiết lập các giải pháp hợp nhất nhằm thúc đẩy tương lai của định danh và quyền riêng tư của người tiêu dùng trên Internet mở.

Tóm lại, chìa khoá để tận dụng những xu hướng này là thiết lập được chiến lược có thể linh hoạt và sẵn sàng thích ứng với thời cuộc. Ngoài ra, việc các thương hiệu khu vực APAC phục hồi trong năm 2020 đầy biến động sẽ giúp họ thêm vững mạnh và thành công trước bất kể thay đổi nào.

Theo Thảo Nguyên / Brands Vietnam
* Nguồn: WARC