Marketer Mai Thị Ánh Tuyết
Mai Thị Ánh Tuyết

Marketing Manager @ Logitech Vietnam

PlayStation 5 và Xbox Series S: Thật sự cháy hàng hay cố tình tạo sự khan hiếm?

Thật khó tin khi các công ty với nguồn lực lớn và giàu kinh nghiệm như Microsoft và Sony lại không dự đoán được nhu cầu. Trong khi Apple và Samsung dường như đã dự đoán quá tốt số đơn hàng kỳ vọng và không biến quá trình mua sản phẩm mới thành cuộc chiến tranh giành hàng căng thẳng. Khi mọi thứ đều trong tình trạng “cháy hàng”, các công ty trên lại còn mập mờ về số lượng máy dự định bán ra, lượng phân bổ cho mỗi nhà bán lẻ cũng như thời điểm bổ sung hàng.

Trong sự kiện ra mắt PlayStation 5 của nhà Sony hay Xbox Series S của Microsoft vào đầu tháng 11, nhiều khách hàng đã phải vật lộn hàng tuần chỉ để mua được một chiếc. Sự kiện pre-order trước đó thậm chí còn tệ hơn, và đến nay vẫn chưa khấm khá hơn là bao. Mùa lễ hội cuối năm là thời điểm ra mắt sản phẩm mới quan trọng đối với ngành công nghiệp game trong gần một thập kỷ qua. Nhưng vì một lý do nào đó, những tên tuổi lớn trong ngành không giải quyết nổi một nhiệm vụ đơn giản: Mang sản phẩm đến tay khách hàng.

Tại thời điểm Microsoft mở đơn đặt hàng trước cho Xbox Series X và S, các trang bán hàng liên tục gặp lỗi và sự cố. Nhiều người đã báo lỗi lưu đơn hàng trên Best Buy và Target, khi các máy chơi game tự nhiên “bốc hơi” khỏi giỏ hàng, hay các vấn đề liên quan đến xử lý giao dịch. Nhiều người dùng ngậm ngùi nhìn dòng chữ “hết hàng” mà không thể làm gì hơn. Microsoft Store cũng gặp sự cố tương tự. Kỳ khôi là, các công ty này còn tỏ ra vô cùng ngạc nhiên trước nhu cầu cao ngất ngưởng của khách hàng, dù đó là việc họ có thể lường được trước.

Xbox Series X và S liên tục sold out trên các trang “thương mại điện tử”

Đổ lỗi cho cách quản lý yếu kém không thể là cách giải thích hợp lý. Sony hay Microsoft đều là những thương hiệu lớn đã tồn tại trên thị trường nhiều thập kỷ, sở hữu mối quan hệ lâu dài với các nhà bán lẻ. Với tất cả lượng dữ liệu khổng lồ và chuyên môn về chuỗi cung ứng, họ vẫn thất bại trong việc dự báo nhu cầu khách hàng và quản lý lượng hàng tồn sao? Thực tế đúng là như vậy, đợt phát hành đầu tiên của PlayStation 5 và Xbox Series S là một thảm hoạ. Điều này khiến nhiều khách hàng bối rối và thất vọng, chẳng phải các doanh nghiệp nên trân trọng sự quan tâm mạnh mẽ của người dùng với sản phẩm mới của họ?

Sony từng nhận lỗi như sau: “Thành thật mà nói: Đợt đặt hàng trước cho máy PS5 đáng lẽ nên diễn ra trơn tru hơn. Chúng tôi vô cùng xin lỗi. Trong vài ngày tới chúng tôi sẽ phát hành thêm đợt máy mới. Các nhà bản lẻ sẽ công bố thêm chi tiết”.

Việc “cháy hàng” ngay lập tức là tín hiệu tích cực cho thấy cầu cao hơn cung, và nhà bán lẻ không phải lo lắng đến việc hàng ứ đọng trong kho hoặc trên kệ.

Bên cạnh thực tế là các nhà bán lẻ vẫn không bổ sung đầy đủ sản phẩm, điều khó chịu nhất trong chuỗi sự cố này là sự mập mờ từ phía các công ty phát hành. Với nhu cầu cao kỷ lục, các công ty như Microsoft hay Sony có thể triển khai một hệ thống quay số may mắn cho khách đặt hàng trước, hoặc họ có thể cho phép các nhà bán lẻ tiết lộ số lượng máy lưu kho để kiểm soát kỳ vọng khách hàng. Hoặc đơn giản là học hỏi cách Apple minh bạch về các mốc thời gian khi ra mắt các sản phẩm mới của họ hàng năm.

Nhưng không, ngành công nghiệp trò chơi điện tử với văn hoá giữ bí mật cực đoan muốn khách hàng phải dò dẫm trong bóng tối. Sony từng tuyên bố “sẽ có nhiều PS5 hơn vào cuối năm nay” nhưng không cung cấp thêm bất kỳ chi tiết nào về số lượng bán ra, thông qua nhà bán lẻ nào... Microsoft cũng tương tự. Động thái này có thể bắt nguồn từ động cơ cố tình tạo sự khan hiếm.

Trong môi trường cạnh trạnh khốc liệt, các công ty lớn như Microsoft và Sony muốn phát tín hiệu cho các nhà đầu tư, nhà phân tích và khách hàng rằng sản phẩm mới của họ đang được săn đón. Việc “cháy hàng” ngay lập tức là tín hiệu tích cực cho thấy cầu cao hơn cung, và nhà bán lẻ không phải lo lắng đến việc hàng ứ đọng trong kho hoặc trên kệ. Tạo ra một câu chuyện về sự khan hiếm cũng giúp đẩy nhu cầu. Cảm giác khan hiếm kéo dài dường như trở thành yếu tố không thể thiếu trong mô hình kinh doanh của các thương hiệu như Nintendo. Nhiều lần, Nintendo thà chọn sản xuất một lượng hàng khiêm tốn, ngay cả với những sản phẩm lớn như Switch và SNES Classic, thay vì cố gắng dự đoán chính xác nhu cầu thị trường.

Ảnh minh hoạ

Trên một mặt trận khác, các nhà bán lẻ cũng không có nhiều động lực để cải tiến trang mua sắm của họ bởi dù sao hàng vẫn sẽ được bán hết. Thậm chí việc khách hàng thường xuyên truy cập trang web để kiểm tra tình trạng sản phẩm lại là cơ hội để tăng lượng traffic và bán thêm các mặt hàng khác.

Trong một tương lai lý tưởng, ngành công nghiệp trò chơi điện tử sẽ khắc phục vấn đề trên, thay vì tỏ ra ngạc nhiên và xin lỗi khách hàng. Dù không rõ là họ có muốn tìm cách hay không.

* Bài viết có tham khảo nội dung từ The Verge.