Vevo giới thiệu ‘Moods’ nhắm TA qua cảm xúc; Facebook muốn unfriend với cả nước Úc?

Nền tảng âm nhạc VEVO ra mắt công cụ quảng cáo Moods nhắm TA dựa trên một phương thức mới lạ; Facebook và Google phản ứng về Dự luật của Úc; doanh thu App Store tiếp tục vượt mặt Google Play; các tweets về chính trị có phải là yếu tố chính khiến doanh thu Q4/2020 của Twitter tăng 28% YoY?

#1: Vevo tung công cụ quảng cáo Moods dựa trên cảm xúc để nhắm TA?

Vevo (viết tắt của Video evolution) – nền tảng lưu trữ video âm nhạc có chất lượng HD trở lên, được thành lập bởi 3 công ty thu âm lớn tại Mỹ gồm Universal Music Group (UMG), Sony Music Entertainment (SME) và Warner Music Group (WMG). Tính đến tháng 3/2020, Vevo có 1 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng (MAU) trên toàn cầu, khoảng 149 triệu người dùng trong đó tập trung ở Mỹ.

Vào ngày 16/2, Vevo ra mắt sản phẩm Moods, được thiết kế giúp các nhà quảng cáo nhắm TA của nền tảng một cách hiệu quả hơn, thông qua phương thức “dựa trên cảm xúc”. Moods được tạo ra với sự hợp tác của công ty Musixmatch, dựa trên dữ liệu âm nhạc và lời bài hát để gắn thẻ tâm trạng trên mỗi video, từ đó các thương hiệu có thể nhắm TA dựa trên môi trường phù hợp với cảm xúc của người xem. Hiện tại, các thể loại cảm xúc có sẵn trên Vevo bao gồm “fun”, “heartfelt”, “impassioned”, “empowering” và sẽ tiếp tục triển khai nhiều thể loại tâm trạng hơn trong những tháng tới.

Vevo tin rằng Moods có thể hỗ trợ đắc lực cho nhà quảng cáo trong việc đặt quảng cáo phù hợp với nội dung cảm xúc, tạo ra trải nghiệm quảng cáo tích cực hơn cho người tiêu dùng, từ đó nâng cao mức độ ghi nhớ quảng cáo và sức hút của thương hiệu.

#2: Facebook “cắt đứt” quan hệ với nước Úc

Vào ngày 17/2, Facebook tuyên bố sẽ chặn người dùng Úc sử dụng tính năng chia sẻ và xem tin tức. Động thái của Facebook lần này thực chất là đòn phản công quyết liệt nhằm vào dự luật “News Media Bargaining Code” (tạm dịch: Bộ luật đàm phán Truyền thông tin tức) được đề xuất bởi chính phủ Úc.

Mặc dù các nền tảng mạng xã hội góp phần “tăng tốc” phổ biến tin tức, nhưng chúng không mang lại lợi ích gì cho các cơ quan báo chí. Các tin tức thì mang lại lưu lượng truy cập trên các nền tảng này, doanh thu quảng cáo chỉ rơi vào túi của những gã khổng lồ truyền thông Internet là Facebook và Google. Vì vậy, dự luật News Media Bargaining Code của Úc được thảo luận gần đây với mục đích yêu cầu Google, Facebook phải trả tiền cho nội dung tin tức xuất hiện trên dịch vụ của họ.

Hành động đối lập giữa hai ông lớn Google và Facebook

Google tính đến nay đã đạt được thoả thuận phí bản quyền tin tức với một vài hãng truyền thông lớn của Úc là Seven West Media, Nine Entertainment, News Corporation. Qua đó, Google có quyền phân phối và sử dụng các bài báo của hãng này trên nền tảng Google News Showcase.

Về phía Facebook, ông William Easton, Giám đốc của nền tảng xã hội này tại Úc và New Zealand cho rằng: “Dự luật của Úc về cơ bản đã hiểu lầm mối quan hệ giữa Facebook và các phương tiện truyền thông sử dụng nền tảng này để chia sẻ nội dung tin tức. Điều này khiến chúng tôi (Facebook) đã đưa ra một sự lựa chọn nghiêm túc: cố gắng tuân thủ luật lệ để phớt lờ thực tế của mối quan hệ này, hoặc ngừng cung cấp nội dung tin tức trong dịch vụ của chúng tôi ở Úc. Dù rất đau lòng, nhưng chúng tôi buộc phải lựa chọn điều thứ 2”.

#3: Doanh thu App Store, Google Play tăng trưởng dương

Theo nhiều nguồn thống kê thì lượt tải và chi tiêu tiêu dùng trên toàn cầu cho các ứng dụng năm 2020, đạt con số dao động từ 111 ~ 112 tỷ USD, trong đó đáng chú ý là mức tăng trưởng chi tiêu cho các dịch vụ đăng ký gói thuê bao. Theo dữ liệu từ Sensor Tower, doanh thu toàn cầu của top 100 subscription apps (ứng dụng với mô hình đăng ký gói thuê bao), không bao gồm ứng dụng trò chơi, đã tăng 34% YoY, từ 9,7 tỷ USD năm 2019 lên tới 13 tỷ USD năm 2020.

Trong đó, doanh thu toàn cầu của top 100 subscription apps trên App Store đã vượt mặt Google Play gần gấp 4 lần. Cụ thể trong 13 tỷ USD nói trên, thì 10,3 tỷ USD đến từ App Store (tăng 32% YoY), và 2,7 tỷ USD đến từ Google Play (tăng 42% YoY). Qua đó có thể thấy được các apps với mô hình subscription vẫn sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm nay.

#4: Twitter | các tweet về chính trị thúc đẩy tăng trưởng doanh thu Q4; kế hoạch ứng biến iOS14

Cuối năm 2020 là khoảng thời gian hỗn loạn của bầu cử Tổng thống Mỹ, đã thúc đẩy các nội dung thảo luận chính trị trên các phương tiện social media. Đặc biệt đối với Twitter, sau khi xoá bỏ vĩnh viễn tài khoản của cựu Tổng thống Trump thì lượng người dùng vẫn tiếp tục tăng lên; các tweet liên quan về chính trị trong thời gian bầu cử Tổng thống Mỹ đã thúc đẩy mDAU(*) trong Q4 đạt 192 triệu USD (tăng 27% YoY), doanh thu Q4 đạt 1,3 tỷ USD (tăng 28% YoY).

Theo CFO của Twitter Ned Segal, tăng trưởng doanh thu Q4/2020 không chỉ nhờ vào sự gia tăng lưu lượng truy cập, mà còn nhờ vào sự cải thiện ở các sản phẩm và phương thức đo lường quảng cáo. Những năm gần đây Twitter không ngừng tung ra các định dạng quảng cáo mới, tăng cường hệ thống phân bổ, cơ chế định vị đối tượng ngày một chính xác hơn.

Ngoài ra, để ứng biến với chính sách bảo mật iOS14 của Apple, Twitter đang đầu tư vào các sản phẩm như Twitter Click ID – cho phép tiến hành phân bổ mà không sử dụng bất kỳ cookie nào. Đồng thời, Twitter sẽ sử dụng SKAdNetwork của Apple để xử lý hệ thống phân bổ trên thiết bị iOS14. Việc Twitter không ngừng cải thiện hệ thống quảng cáo cho thấy tham vọng cạnh tranh với hai ông lớn Google và Facebook trên thị trường quảng cáo.

* Monetizable daily active usage or users (mDAU): Số lượng người dùng hoạt động hàng ngày mà có thể kiếm tiền. Đây là chỉ số được Twitter giới thiệu lần đầu trong báo cáo Q4/2018; theo Twitter thì mDAU là thước đo chuẩn xác hơn cho hiệu suất của nền tảng này vì nó chỉ tính những người dùng mà Twitter có thể hiển thị quảng cáo.

TenMax
* Nguồn: MusicBusinessWorldwide, Adweek, TechCrunch, AdExchanger