Thời trang Routine – Các BST nổi bật & Cửa hàng Trải nghiệm Flagship

Trong ngành thời trang, sự xuất hiện của những bộ sưu tập mới là điểm kích hoạt nhu cầu mua sắm, còn cửa hàng Flagship lại đóng vai trò nâng tầm cảm xúc trải nghiệm khách hàng, giúp họ hứng thú hơn với việc mua sắm, và sẵn sàng chi nhiều tiền hơn.

Trong bài viết này, hãy cùng khám phá các bộ sưu tập thời trang nổi bật của Routine, và cách thương hiệu thiết kế trải nghiệm tại cửa hàng Flagship.

Bài viết được đúc kết từ buổi trao đổi trực tiếp với Founder của thương hiệu Routine.

Bộ sưu tập (BST) – Trái tim của thị trường thời trang

Tủ đồ của chúng ta luôn đầy ắp áo quần, thậm chí có người còn sở hữu 2 hoặc 3 tủ đồ. Nếu xét về nhu cầu mặc, thì căn bản là chúng ta hầu như không thiếu đồ phù hợp cho các dịp trong cuộc sống như: đi làm, đi cafe cuối tuần, đi “phượt”, đi chơi biển, tập thể thao, đi dự đám cưới... Thế nhưng, con người thường bị kích thích mua áo quần liên tục vì cảm hứng, cảm xúc. Trong khi, thời trang là ngành hàng có năng lực kích hoạt hành vi mua ngẫu hứng của con người một cách liên tục, nhờ vào các Bộ sưu tập theo mùa vụ (Seasonal Collection).

Các hãng thời trang đua nhau tung ra nhiều BST lớn, nhỏ khác nhau nhằm kích hoạt sự ham muốn vốn cháy âm ỉ trong vô thức của người tiêu dùng.

Có thể nói, BST là trái tim của thị trường thời trang. Vì vậy, gần như mỗi tháng, các hãng thời trang đều đua nhau tung ra nhiều BST lớn, nhỏ khác nhau nhằm kích hoạt sự ham muốn vốn cháy âm ỉ trong vô thức của người tiêu dùng, làm bản ngã của họ trở nên yếu mềm mà quên đi rằng... trong tủ còn nhiều đồ lắm.

Với thời trang, thường có 2 BST lớn trong năm:

  • BST Xuân/Hè (Spring/Summer)

Theme chủ đạo của BST này thường đậm chất tươi sáng, bừng sức sống, lạc quan, yêu đời với tâm hồn thăng hoa, gắn kết với thiên nhiên. Các dịp như dã ngoại, đi biển, đi dạo phố cuối tuần được khai thác tối đa vì không có thời điểm nào tuyệt vời hơn để hoạt động ngoài trời.

Các mẫu đồ đặc trưng mang âm hưởng của BST SS: Áo thun, quần short, áo sơ mi với chất liệu tạo cảm giác thư giãn, quần dài, giày sneaker.

BST Xuân Hè 2020 của Routine: Phong cách phối đồ thổi bừng sức sống, sự vui tươi, lạc quan, yêu đời và thôi thúc một tình yêu sâu sắc dành cho thiên nhiên đất trời.

  • BST Thu/Đông (Fall/Winter):

Theme chủ đạo của BST này thường mang nét trầm, khoảng lặng trong cuộc sống, giao thoa một cách hoàn hảo với tiết trời trở đông.

Các mẫu đồ đặc trưng mang âm hưởng của BST FW: Áo khoác dạ, áo hoodie, áo blazer, áo len.

BST Thu Đông 2020 của Routine: Phong cách phối đồ trầm, như một nốt lặng dịu dàng, đầy sự duyên dáng, lan toả yêu thương trên nền bản nhạc ấm áp.

Thiết kế trải nghiệm tại cửa hàng thời trang

Bên cạnh những BST có concept lung linh hấp dẫn, các yếu tố tạo ra trải nghiệm trong cửa hàng thời trang cũng góp phần tác động vào giác quan của khách hàng để khơi gợi hành vi mua sắm ngẫu hứng.

Trước đây, chủ doanh nghiệp xem cửa hàng chỉ đơn thuần là một nơi để bán hàng, nên ít chú trọng vào việc thiết kế trải nghiệm ở đây. Vì thế, các cửa hàng thường có cách thiết kế na ná nhau: Đặt một vài mannequin và giá treo tự do ở giữa cửa hàng, trưng bày sản phẩm trên tường hay đánh đèn sáng đồng đều. Chính vì sự rập khuôn này làm thiếu đi khả năng chèo lái cung bậc cảm xúc. Kết quả, trải nghiệm của khách hàng tại cửa hàng trở nên trôi tuột.

Ngày nay, thiết kế trải nghiệm cửa hàng được đẩy lên một bậc cao hơn với tư duy là phải tác động đến hành vi mua hàng bằng xúc cảm thông qua trải nghiệm đa giác quan. Do vậy, ngành thời trang phát triển thêm lĩnh vực khoa học thiết kế trải nghiệm, có tên là Visual Merchandising (VM).

VM của một cửa hàng thời trang khá phức tạp, vì có rất nhiều hạng mục cần đầu tư tuân thủ theo các nguyên tắc thiết kế nhằm tạo ra tác động kỳ vọng đến khách hàng như:

  • Cấu trúc tổng thể của cửa hàng (Store Layout)
  • Trưng bày Đấu trường (Arena Display)
  • Trưng bày Khu tường (Wall Display)
  • Trưng bày Combo sản phẩm (Cross-merchandising)
  • Trưng bày Khu mùa vụ (Facination Point)
  • Kỹ thuật đánh đèn (Lighting)
  • Kỹ thuật Branding trong cửa hàng
  • Kỹ thuật Phân khu (Segmentation)

Mặc dù các yếu tố trong một cửa hàng có vai trò khác nhau nhằm tạo ra tác động về trải nghiệm, nhưng chúng đều được kết nối với nhau dưới một concept tổng thể, được gọi là Store Concept.

Có thể xem Store Concept là linh hồn giúp kết nối những yếu tố trong cửa hàng thành một bức tranh trải nghiệm đầy cung bậc cảm xúc cho khách hàng. Thông thường, Store Concept sẽ được thiết kế ở ngay giai đoạn đầu tiên của cửa hàng.

Thời trang Routine và Store Concept của cửa hàng Flagship

Flagship Store là cửa hàng kiểu mẫu, có concept nổi bật với dịch vụ chuyên nghiệp và thường được đặt ở vị trí có đông người qua lại. Khách hàng ghé thăm thường có cảm giác thích thú hơn so với những cửa hàng bình thường của cùng một thương hiệu vì trải nghiệm đặc biệt mà nó mang lại.

Xu hướng mở Flagship Store diễn ra phổ biến ở mảng bán lẻ của các ngành hàng như mỹ phẩm, F&B, thời trang, giày dép vì có khả năng tác động vào cảm xúc khách hàng. Hiểu đơn giản, khách hàng khi bước vào cửa hàng Flagship sẽ có những trải nghiệm rất khác, dễ hài lòng hơn và thế là... dễ tiêu tiền hơn.

Trên thế giới, Starbucks đặt Flagship Store ở những thành phố lớn, còn Global Flagship Store đặt ở Tokyo với diện tích lên đến 3.000m2 gồm 4 tầng. Ở Việt Nam, dễ dàng thấy The Coffee House, An Phước, Việt Tiến, Mobifone cũng mở cửa hàng Flagship ở những cung đường đông đúc.

Sau 7 năm chinh phục và dẫn dắt phân khúc có style phối đồ “Look Smart”, Routine tung ra hàng loạt cửa hàng Flagship ở những con đường đông đúc với kỳ vọng nâng tầm cảm xúc cho trải nghiệm khách hàng.

Đối với cửa hàng Flagship đầu tiên là chi nhánh Võ Văn Ngân, thiết kế cửa hàng được lấy cảm hứng từ ruộng bậc thang cùng nghệ thuật làm gốm, bên trong cửa hàng dễ dàng bắt gặp những nét uốn lượn hình tượng hoá của hình dáng ruộng bậc thang. Chất liệu được sử dụng chủ yếu là gạch nung, gốm, xi măng, đem lại cảm giác ấm cúng từ gam màu của đất. Riêng mặt tiền sử dụng gạch kính, tạo nên cảm giác rộng mở, liên kết nổi bật trong ngoài. Điểm thú vị khác ớ store này là thiết kế giếng trời, lấy trọn ánh sáng thiên nhiên vào cửa hàng, tạo sự giao thoa giữa thiên nhiên và con người.

[Store Concept Võ Văn Ngân – Thủ Đức]

Đối với cửa hàng Flagship thứ 2 là cửa hàng trên đường Sư Vạn Hạnh, Routine đã có những cải tiến mới để làm cửa hàng thu hút và phù hợp hơn với khách hàng. Mặt tiền sử dụng chủ yếu là gạch gió – nguyên liệu truyền thống kết hợp lối thiết kế hiện đại tạo được ấn tượng mạnh. Vào bên trong, vẫn dễ dàng nhìn thấy các đường nét uốn lượn của hình tượng ruộng bậc thang nhất quán với Flagship Store trước đó. Tuy nhiên đối với chất liệu gạch nung, cửa hàng này lại có sự tiết chế hơn, mang đến cảm giác hiện đại, và các VM sản phẩm cũng nhờ vậy mà nổi bật hơn, hút ánh nhìn hơn. Đặc trưng của cửa hàng này là góc check-in được giới trẻ rất yêu thích, tiểu cảnh gồm giếng trời, sỏi đá và cây xanh – nốt lặng giao thoa giữa thiên nhiên và con người.

[Store Concept Sư Vạn Hạnh – Quận 10]

Từ trường hợp của Routine có thể thấy, những bộ sưu tập mới, trẻ trung và hợp thời sẽ dẫn dắt, thu hút khách hàng đến với thương hiệu, còn cách thiết kế trải nghiệm đặc sắc tại cửa hàng Flagship sẽ giúp giữ chân khách hàng, giúp họ có ấn tượng tốt với thương hiệu hơn. Do vậy, các hãng thời trang nên tập trung đầu tư vào hai mảng này để xây dựng thương hiệu và cạnh tranh hiệu quả hơn trên thị trường.

Tham khảo thêm về Routine: