Marketer Tám Quảng Cáo
Tám Quảng Cáo

Chuyên gia “chặt chém” quảng cáo

Bạn có thấy lấn cấn với quảng cáo “Em bé” của BAEMIN?

Không biết bạn thế nào, nhưng tôi cứ lấn cấn mãi với quảng cáo “Em bé” của BAEMIN. Đó là một cảm giác khá khó chịu về mặt từ ngữ lẫn sự khó hiểu trong thông điệp mà thương hiệu muốn truyền tải.

Về mặt từ ngữ, tôi cảm thấy việc gọi một người phụ nữ là "em bé" không hề đáng yêu hay vô hại. Sau khi tìm hiểu một chút về ngôn ngữ, một kẻ “tay mơ” như tôi hiểu rằng nhiều từ ngữ hàm chứa trong nó không chỉ ý nghĩa mà cả thái độ của người nói. Ví dụ, khi gọi một đứa bé là “thằng nhãi”, bạn chắc hẳn không thể hiện sự tôn trọng hay ngưỡng mộ nào qua cách gọi đó rồi. Với những từ thể hiện quá rõ ý nghĩa và thái độ tiêu cực như vậy, người nghe có thể dễ dàng nhận ra và phản ứng lại. Nhưng còn những từ nghe thoáng qua lại có vẻ vô hại như “em bé” thì sao?

Như cách mà nhãn hàng định nghĩa đầu video, “em bé” là từ nam giới gọi người yêu để tạo cảm giác chở che và cưng chiều. Vậy phải chăng cách gọi này đã phản ánh góc nhìn của anh ta với người phụ nữ, xem họ như một đối tượng lệ thuộc vào người khác, xét riêng trong chuyện tình cảm. Điều này càng thể hiện rõ nét qua lời bài hát, khi người phụ nữ muốn ăn uống healthy không phải vì chính bản thân họ, mà vì sự đáp lại tình cảm từ người yêu.

MV Em bé

Sẽ không có gì đáng nói nếu quảng cáo đó nhạt nhoà và không được nhiều người hưởng ứng, nhưng nếu tôi nhớ không lầm thì "Em bé" đã chễm chệ ngồi lên top trending của YouTube một thời gian không ngắn, còn đa số các chị em thì muôn phần phấn khích khi được gọi bằng cái nhãn đấy. Thông qua sự lan truyền rầm rộ, quảng cáo này dường như đã bình thường hoá việc phụ nữ lệ thuộc vào đàn ông trong chuyện tình cảm. Nghe không ổn tí nào.

Còn về mặt thông điệp, nếu chỉ xem qua một lần thì tôi nghĩ mọi người sẽ khó lòng nhận ra rằng BAEMIN đang khuyến khích khách hàng dùng thử bộ sưu tập mới (ăn Healthy) của họ. Thứ nhất vì những hình ảnh, thông điệp của nhãn hàng được đặt ở những phút cuối trong khi không phải ai cũng đủ kiên nhẫn để xem đến hết MV. Có phải nhãn hàng đã quá tự tin khi cho rằng chất lượng bài hát sẽ đủ níu chân người nghe. Thứ hai, bản thân tôi cảm thấy việc dẫn dắt từ "em bé" sang "ăn uống healthy" chưa được mượt lắm và cần phải lập luận một chút mới thấy được sự liên quan (ăn uống lành mạnh giúp chống lão hoá). Nhưng trước một video quảng cáo liệu người xem có dành thời gian để suy ngẫm, hay đơn giản là "khó quá bỏ qua"?

Đó là quan điểm của tôi, còn bạn?