Marketer Lê Minh Hiếu
Lê Minh Hiếu

Content Editor @ Brands Vietnam

Kantar: Tết 2021 – Tết thời “bình thường mới”

Báo cáo Tết 2021 của Kantar tổng hợp những thay đổi và xu hướng phát triển của ngành hàng FMCG tại 4 thành phố chính và nông thôn Việt Nam vào 4 tuần trước ngày đầu năm mới.

Theo Kantar, 4 tuần trước ngày đầu năm mới kết thúc vào 14/2/2021. Việt Nam bước sang năm 2021 khi vẫn còn nhiều bất ổn do ảnh hưởng từ đại dịch. Trước tình hình này, Tết Nguyên đán 2021 – mùa lễ hội lớn nhất trong năm sẽ như thế nào? Phong tục tặng quà của người Việt và cách thức mua sắm, tiêu dùng dịp Tết ở thị trường FMCG có gì thay đổi?

Tổng quan ngành hàng FMCG dịp Tết

Chi tiêu FMCG cho tiêu dùng tại nhà tăng trưởng tốt trong dịp Tết, với mức chi tiêu gấp 2 và 3 lần so với ngày thường lần lượt ở thành thị 4 TP và nông thôn.

Tăng trưởng FMCG cho tiêu dùng tại nhà duy trì ổn định tại thành thị 4 TP và nhận thấy sự phục hồi tại nông thôn.

Tăng trưởng của Tết 2021 chủ yếu đến từ thành công của ngành hàng thực phẩm đóng gói.

Thực phẩm và thức uống vẫn là những ngành hàng chính mùa Tết, bên cạnh đó chi tiêu cho các sản phẩm sữa, từ sữa và chăm sóc cá nhân cũng tăng lên.

Sự gia tăng về nhu cầu tiêu dùng tại nhà thúc đẩy tăng trưởng của mùa Tết 2021 ở thành thị 4 TP. Trong khi đó, giá trị quà biếu đóng góp phần lớn cho sự tăng trưởng ở nông thôn.

Quà biếu vẫn chiếm tỷ trọng đáng kể trong chi tiêu mùa Tết cho FMCG, đặc biệt là ở nông thôn. Tuy nhiên, tỷ lệ này đang suy giảm ở thành thị 4 TP trong những năm gần đây.

Văn hoá quà tặng dịp Tết

Quà Tết suy giảm ở thành thị nhưng vẫn tăng trưởng tốt ở nông thôn.

Đối tượng dự định tặng quà giảm dần, một phần ảnh hưởng bởi lối sống độc lập hơn.

Tại thành thị 4 TP chính, số dịp tặng quà Tết giảm ở hầu hết các ngành hàng, đặc biệt là các mặt hàng Tết tiêu biểu.

Tuy vậy, một số ngành hàng vẫn ghi nhận phong độ tốt trong giỏ quà Tết.

Trái ngược với thành thị, FMCG cho quà biếu tăng trưởng tốt ở nông thôn, nhờ các mặt hàng thực phẩm và thức uống tiêu biểu dịp Tết.

Các sản phẩm tiệc tùng và tiện lợi là lựa chọn ưa chuộng làm quà tặng dịp Tết ở nông thôn.

Những thay đổi trong mua sắm Tết

Chi tiêu nhiều hơn cho giỏ hàng mỗi dịp mua là một trong những động lực chính thúc đẩy tăng trưởng mùa Tết 2021.

Tần suất mua giảm nhưng chi tiêu mỗi dịp mua gia tăng là xu hướng mua sắm từ trước dịch được thể hiện rõ trong mùa Tết năm nay. Hơn nữa, các chuyến mua sắm giảm đồng nghĩa với việc cạnh tranh khốc liệt hơn để có thể tiếp cận người tiêu dùng.

Thực phẩm đóng gói và các sản phẩm chăm sóc cá nhân là hai ngành hàng FMCG dẫn đầu tăng trưởng mùa Tết ở thành thị 4 TP và nông thôn Việt Nam.

Top những ngành hàng tăng trưởng nhanh nhất mùa Tết 2021 ở thành thị 4 TP lớn là dầu xã, mayonnaise, sữa hạt… còn ở nông thôn là sữa trái cây, sản phẩm vệ sinh toilet, xúc xích…

Có sự khác biệt lớn về thời gian giữa mua sắm Tết để tiêu dùng tại nhà và mua quà biếu. Việc đảm bảo sản phẩm sẵn có và luôn trong tầm ngắm vào đúng thời điểm cho từng mục đích mua sắm khác nhau giúp tối đa tăng trưởng.

Chuyển động bán lẻ mùa Tết

Tương tự những xu hướng bán lẻ trong mùa dịch, các kênh mua sắm gần và tiện lợi như siêu thị mini và kênh trực tuyến, được ưu chuộng trong mùa mua sắm Tết 2021. Bên cạnh đó, lượng giao dịch cho mua sắm online tăng trưởng đáng kể ở khu vực thành thị trong khi giỏ hàng mua sắm tăng lên ở các kênh khác.

Xu hướng bán lẻ cũng diễn ra tương tự ở nông thôn khi nhiều người tiêu dùng hơn mua sắm tết ở các kênh hiện đại và tiện lợi hơn. Kênh trực tuyến và siêu thị mini ngày càng giành được nhiều chỗ đứng trong thị trường bán lẻ ở nông thôn, thậm chí trong mùa mua sắm cao điểm Tết.

Siêu thị mini thành công trong việc thu hút thêm người mua sắm Tết nhờ vào tính tiện lợi và hiện đại, giao dịch có khuyến mãi cũng gia tăng ở kênh này.

9 điểm sáng mùa Tết 2021

  • So với năm ngoái, Tết “ấm” hơn ở nông thôn, trong khi duy trì ổn định ở khu vực thành thị.
  • Chi tiêu FMCG cho tiêu dùng tại nhà mùa Tết tiếp tục gia tăng qua các năm.
  • Quà biếu vẫn giữ vai trò quan trọng mùa Tết, tuy nhiên có xu hướng “đơn giản hoá” ở thành thị.
  • Các sản phẩm tiện lợi tiếp tục được lựa chọn trong giỏ quà biếu Tết.
  • Thực phẩm đóng gói dẫn đầu tăng trưởng mùa Tết.
  • Các chuyến đi mua sắm ít dần thay thế bởi giỏ hàng lớn hơn, dẫn đến mức độ cạnh tranh cao hơn.
  • Việc tặng quà biếu có xu hướng diễn ra vào tuần cuối trước giao thừa.
  • Các mô hình bán lẻ tiện lợi/ gần nhà với người tiêu dùng dẫn đầu cuộc đua mùa Tết.
  • Vai trò của khuyến mãi ngày càng quan trọng trong kênh siêu thị mini.

* Nguồn: Kantar