Vườn ươm UII: Truyền cảm hứng – Tạo động lực – Trau dồi kiến thức – Phát triển tư duy kinh doanh cho thế hệ trẻ

Theo một báo cáo năm 2019 của Cơ quan Thương mại và Đầu tư của Chính phủ Australia (Austrade), Việt Nam đứng top 3 Đông Nam Á về số lượng startup nhưng không nhiều startup được trang bị kỹ càng để có thể phát triển bền vững. Trước bối cảnh đó, năm 2020, Viện Đổi mới Sáng tạo UEH ra mắt Chương trình Vườn ươm Khởi nghiệp UII, góp phần truyền cảm hứng, tạo động lực, trau dồi kiến thức, phát triển tư duy kinh doanh cho thế hệ doanh nhân trẻ.

Để hiểu rõ hơn câu chuyện ươm tạo các dự án khởi nghiệp, Brands Vietnam đã có buổi trao đổi với chị Nguyễn Thị Phương Thảo – Giám đốc Vườn ươm UII và anh Trần Cao Trí – Seed Planter của Vườn ươm UII về chương trình này.

* Anh, chị hãy chia sẻ lý do tại sao Viện Đổi mới Sáng tạo UEH quyết định thành lập Vườn ươm Khởi nghiệp UII?

Chị Thảo: Có hai lý do cho việc Viện Đổi mới Sáng tạo UEH quyết định thành lập Vườn ươm Khởi nghiệp UII.

Chị Nguyễn Thị Phương Thảo – Giám đốc Vườn ươm UII
Nguồn: UII

Đầu tiên, có thể nói Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH) là một trong những đơn vị tiên phong hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp của quốc gia theo lời kêu gọi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào năm 2016. Cụ thể, năm 2017, trường ra mắt chuyên ngành Quản trị Khởi nghiệp và thành lập CLB Sinh viên Khởi nghiệp – Dynamic UEH – Thuộc mạng lưới CLB Khởi nghiệp của 13 trường trên toàn quốc. Nhờ đó, sinh viên vừa có thể học kiến thức chuyên môn về khởi nghiệp, vừa có sân chơi để giao lưu với các CLB trong mạng lưới.

Thứ hai, thông qua quá trình đào tạo, trường nhận thấy nhiều ý tưởng khởi nghiệp tiềm năng nhưng chưa có sự hỗ trợ phù hợp.

Do đó, UEH quyết định thành lập Vườn ươm UII để ươm tạo các ý tưởng, dự án của sinh viên trường. Tuy nhiên, sau 2 năm hoạt động, nhận thấy phần lớn dự án khởi nghiệp ở giai đoạn ‘Early Stage’ chưa nhận được nhiều hỗ trợ từ các vườn ươm khác hay chương trình hỗ trợ từ chính phủ, khối tư nhân, Vườn ươm UII mở rộng quy mô nhằm hỗ trợ những đối tượng này với các buổi huấn luyện, tư vấn và kết nối.

* Điểm khác biệt của Vườn ươm UII với các vườn ươm khác tại Việt Nam là gì?

Chị Thảo: Hiện nay, hệ sinh thái khởi nghiệp của TP.HCM có đến 33 vườn ươm công lập và tư nhân. Tuy “sinh sau đẻ muộn” so với nhiều vườn ươm của các đại học khác, UII có nhiều khác biệt về mô hình ươm tạo. Cụ thể, Vườn ươm UII nhận chuyển giao mô hình hoạt động từ Đại học Quản lý Singapore, trên cơ sở đó, tiến hành một số điều chỉnh cho phù hợp với thực tế. Chúng tôi cho rằng việc học hỏi và hợp tác từ những đơn vị giàu kinh nghiệm sẽ giúp hình thành mô hình vườn ươm mới mẻ và hoạt động hiệu quả.

Buổi chia sẻ From Start to Up
Nguồn: UII

Với mô hình này, các nhà sáng lập trẻ không chỉ được tạo điều kiện để phát triển dự án khởi nghiệp mà còn được đào tạo kiến thức kinh tế, quản trị từ giảng viên UEH và đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm. Từ đó, các bạn có thể ứng dụng những nội dung đã tiếp thu vào chính dự án của mình, tạo nền móng vững chắc cho giai đoạn phát triển tiếp theo. Việc được đào tạo kiến thức bài bản ngay từ giai đoạn đầu giúp các bạn khiển khai dự án một cách hệ thống hơn, dự đoán trước rủi ro và có biện pháp ứng phó kịp thời.

* Tại sao chuyển đổi số và phát triển bền vững là 2 tiêu chí tuyển chọn ưu tiên của chương trình khởi nghiệp?


Anh Trần Cao Trí – Seed Planter của Vườn ươm UII
Nguồn: UII

Anh Trí: Chúng ta đang ở thời đại Kỹ thuật số 4.0, nên việc ứng dụng công nghệ, kỹ thuật số vào hoạt động kinh doanh là một xu hướng tất yếu. Đây còn là yếu tố giúp dự án có thể phát triển lâu dài. Gần đây, tại Vườn ươm UII, có nhiều dự án đã chuyển đổi số thành công để kịp thời thích ứng với trạng thái “bình thường mới”.

Còn về tiêu chí phát triển bền vững được đưa vào chương trình bởi vì cộng đồng rất cần những ý tưởng, cách tiếp cận sáng tạo để mang lại tác động tích cực cho cộng đồng và xã hội, dựa trên 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.

Chính vì tính thiết yếu của 2 yếu tố trên, chúng tôi chọn lan toả tinh thần “phát triển bền vững bằng việc ứng dụng công nghệ” đến các nhà khởi nghiệp trẻ tham gia Vườn ươm UII.

* Các dự án tham gia chương trình chắc hẳn thuộc nhiều giai đoạn phát triển khác nhau. Như vậy, từng nhóm đối tượng khác nhau được hỗ trợ như thế nào?

Anh Trí: Thật vậy, đối tượng tham gia vào Vườn ươm UII vô cùng đa dạng, từ dự án chỉ mới chớm ý tưởng, đến dự án đã xây dựng được sản phẩm demo, hay thậm chí đang bán sản phẩm trên thị trường. Tuỳ vào từng giai đoạn phát triển của dự án, chúng tôi xác định các nhóm nội dung nhà sáng lập cần bổ sung để các bạn có thể đưa vào áp dụng, xây dựng và phát triển startup của mình. UII cũng sẽ theo dõi tiến độ thực hiện KPI của dự án để kịp thời hỗ trợ khi dự án gặp khó khăn.

Chẳng hạn với dự án chỉ mới chớm ý tưởng, mục tiêu đề ra cho nhóm này là xây dựng sản phẩm mẫu trong 6 tháng đầu tiên sau khi tham gia chương trình. Ở đây, nội dung bổ sung cho các bạn sẽ bao gồm mô hình kinh doanh, năng lực phân tích thị trường và xây dựng sản phẩm thử nghiệm. Quan trọng không kém là các kiến thức cơ bản về pháp lý khi khởi nghiệp.

Sau khi có sản phẩm mẫu và mô hình kinh doanh, dự án sẽ bước vào giai đoạn thử nghiệm thị trường. Lúc này, các bạn cần biết cách khảo sát người tiêu dùng về sản phẩm, từ đó đưa ra điều chỉnh và hoạch định chiến lược marketing, tài chính, nguồn lực… hợp lý.

Hay với dự án đã có sản phẩm thử thành công, chúng tôi kết nối các bạn với quỹ đầu tư, ban cố vấn thông qua những buổi Mentor Coaching hay Speed-dating 1-1. Nhờ đó, các bạn có thể giải quyết khó khăn triệt để hơn và đưa sản phẩm ra thị trường một cách nhanh chóng, hiệu quả.

Chương trình ươm tạo gồm 5 giai đoạn
Nguồn: UII

* Anh chị hãy chia sẻ một dự án ấn tượng, tiềm năng của chương trình trong đợt ươm mầm năm 2020?

Chị Thảo: Trong mùa đầu tiên, dự án khiến tôi ấn tượng là OneDirect, được thành lập bởi các bạn sinh viên đến từ trường Đại học Quốc Tế và Đại học Khoa học Tự nhiên. Dự án số hoá bản đồ toà nhà, tạo nên hệ thống chỉ dẫn thông minh. Dưới sự hỗ trợ của Vườn ươm UII, OneDirect thử nghiệm hệ thống thông minh ngay tại các toà nhà thuộc khuôn viên trường UEH.

Ngoài khả năng hướng dẫn chỉ đường, bảng điện tử còn cập nhật lịch sự kiện của trường giúp cả sinh viên và khách thuận tiện hơn trong việc nắm bắt thông tin và nơi tổ chức. Sau gần 2 năm, dự án tiếp tục mở rộng phạm vi hoạt động và có thêm nhiều sản phẩm khác ra đời, phục vụ cho sinh viên.

Một điều đáng quý hơn là dù OneDirect đã là hạt giống trưởng thành nhưng vẫn tiếp tục đồng hành với các hoạt động của Viện Đổi mới Sáng tạo. Gần đây, các bạn tham gia xây dựng co-working space mới của viện với hệ thống mới cho thế hệ sau của Vườn ươm UII. Điều này càng cho chúng tôi thấy rõ ý nghĩa của chương trình: Nuôi dưỡng những hạt giống có ích cho cộng đồng, xã hội.

Lễ ra mắt hệ thống chỉ dẫn thông minh OneDirect
Nguồn: UII

Anh Trí: Đối với tôi, Bizillions là một trong những dự án tạo ấn tượng sâu sắc nhất. Nói đúng hơn, Bizillions là một câu lạc bộ chia sẻ kiến thức kinh tế cho học sinh phổ thông sáng lập bởi chính các bạn học sinh phổ thông. Thay vì “chịu trận” ở các buổi tư vấn tuyển sinh khô khan, Bizillions giúp các bạn học sinh yêu thích khối ngành kinh tế chủ động định hình khả năng, độ phù hợp của bản thân với ngành thông qua nhiều hình thức khác nhau, từ việc đổi mới truyền thông đến các workshop trao đổi với chuyên gia.

Thế nhưng, vì ảnh hưởng của COVID-19, đội ngũ gặp khó khăn trong việc triển khai sự kiện trực tiếp. Lúc này, các bạn nhanh chóng mang những buổi gặp gỡ, trao đổi với các chuyên gia từ offline lên nền tảng online, thông qua kênh podcast. Nhờ có các chia sẻ về case study thực tế, quá trình truyền tải thông tin về ngành, định hướng nghề nghiệp cho các bạn học sinh cấp 3 trở nên thú vị, dễ hiểu hơn.

Business Case được tổ chức bởi The Bizillions
Nguồn: UII

* Anh, chị hãy chia sẻ về tiêu chí lựa chọn dự án cho đợt tuyển đầu tiên trong năm 2021 với chủ đề “From Start to Up”?

Anh Trí: Bộ khung tiêu chí gồm 2 nhóm: Mô hình kinh doanhĐội ngũ sáng lập.

Với tiêu chí đầu tiên, chúng tôi chú trọng 4 yếu tố sau: (1) mức độ đáp ứng nhu cầu gì của thị trường; (2) nền tảng công nghệ; (3) kế hoạch phát triển; (4) tác động tốt đến xã hội. Đặc biệt, với những dự án ở giai đoạn ý tưởng cần cam kết xây dựng sản phẩm thử nghiệm trong vòng 6 tháng.

Nhóm tiêu chí thứ 2 liên quan đến con người. Chúng tôi đánh giá tinh thần khởi nghiệp cũng như tư duy kinh doanh của họ. Bên cạnh đó, một yếu tố không thể thiếu là năng lực tự học. Về căn bản, chương trình đào tạo tại Vườn ươm UII chỉ là bước đệm truyền cảm hứng cho các bạn. Thế nên, tinh thần tự học là vô cùng cần thiết để trau dồi lượng kiến thức mênh mông bên ngoài, hỗ trợ cho quá trình khởi nghiệp. Và cuối cùng, chương trình yêu cầu phải có ít nhất 1 thành viên cam kết làm việc toàn thời gian cho dự án trong dài hạn.

Yếu tố con người được chú trọng hơn cả.

Trên đây là khung tiêu chí cơ bản trong 2 năm qua. Mặc dù không có nhiều thay đổi, nhưng đối với đợt tuyển chọn năm 2021, yếu tố con người chiếm đến 60-70% tổng điểm đánh giá. Bởi vì chúng tôi cho rằng ý tưởng có thể thất bại nhưng một đội ngũ nhân sự vững vàng, sẵn sàng học hỏi từ vấp ngã, sẽ có thể bắt đầu lại với một ý tưởng mới, với những dự án mới.

Chị Thảo: Thật vậy, yếu tố con người được chú trọng hơn cả. Đối với dự án Early Stage, chúng tôi tập trung rèn luyện tinh thần khởi nghiệp vững vàng, bền bỉ cùng các kỹ năng cần thiết.

*Anh chị có lời khuyên nào dành cho các bạn startup, nhất là các bạn đang trong giai đoạn Early Stage, tham gia chương trình năm nay?

Anh Trí: Về ý nghĩa của 2 từ “start” và “up”, trên con đường khởi nghiệp, ai cũng nghĩ đến giai đoạn “up”, nhưng lại ít đầu tư trong giai đoạn “start”. Việc chuẩn bị tại điểm “start” góp phần quyết định sự thành bại của cả chặng đường phía sau. Như vậy, để phần “start” thuận lợi, bên cạnh mức độ mới lạ, mức độ khả thi của ý tưởng, các bạn cũng cần chú trọng đến đội ngũ, nguồn lực và tính thời điểm.

Tôi nghĩ các bạn startup hãy tìm cho mình một người bạn đồng hành, người cố vấn. Họ có thể không giúp bạn chọn con đường đúng, nhưng ít nhất chỉ ra được những sai lầm kinh điển trong hành trình khởi nghiệp. Đồng thời, người cố vấn còn là chiếc cầu nối hữu hiệu giữa các bạn và những mối quan hệ, nguồn lực khác. Từ đó giúp giảm thiểu rủi ro và tiết kiệm thời gian, chi phí.

Ngày đầu tiên của dự án trúng tuyển tại Vườn ườm UII
Nguồn: UII

Chị Thảo: Lời khuyên của tôi là các bạn hãy dám chia sẻ ý tưởng của mình. Với các ý tưởng tiềm năng, chúng tôi sẵn sàng đồng hành cùng các bạn. Ngược lại, với các dự án chưa được chọn, chia sẻ của hội đồng phỏng vấn cũng mang đến nhiều bài học cho chặng đường tiếp theo. Thế nên, dám bắt đầu mới có thể bước vào hành trình “From Start to Up”.

Đặc biệt trong năm 2021, các dự án sẽ được kết nối với ban cố vấn ngay từ thời điểm mới tham gia vào Vườn ươm UII, có sự đồng hành xuyên suốt của Mentor trong năm ươm tạo và có thể là cả chặng đường khởi nghiệp sau này.

* Cảm ơn những chia sẻ bổ ích của anh, chị.

Xem thông tin chi tiết về các tiêu chí, quy trình đăng ký và xét chọn của Chương trình Vườn ươm Khởi nghiệp – Đổi mới sáng tạo đợt 1/2021 tại đây.

Thảo Nguyên / Brands Vietnam
* Nguồn: Brands Vietnam