Marketer Dương Nguyễn Hoài Đức
Dương Nguyễn Hoài Đức

Giám đốc Kinh doanh @ Công ty Cổ phần Datalytis

Ba câu hỏi “trăn trở” của chủ doanh nghiệp kinh doanh trong ngành làm đẹp

Thủ tục, giấy phép để mở cơ sở kinh doanh làm đẹp là gì? Có nên áp dụng các phần mềm quản lý doanh nghiệp hay không? Triển khai hoạt động marketing như thế nào cho hiệu quả? Đó là ba câu hỏi thường gặp của các chủ doanh nghiệp thường trăn trở khi kinh doanh trong ngành làm đẹp.

Ở bài viết này, tôi sẽ giải đáp những câu hỏi trên và chia sẻ kinh nghiệm mà tôi tích luỹ được.

Thủ tục, giấy phép mở bệnh viện thẩm mỹ/ thẩm mỹ viện

Một trong những câu hỏi đầu tiên mà tôi nhận được là: “Các thủ tục, giấy phép để mở bệnh viện thẩm mỹ/ thẩm mỹ viện là gì?”. Để kinh doanh trong ngành làm đẹp, các chủ doanh nghiệp cần có những loại giấy phép sau:

  • Giấy phép hoạt động kinh doanh: Đây là một trong những điều kiện tiên quyết để kinh doanh trong ngành làm đẹp nói riêng và các ngành nghề khác nói chung.
  • Giấy phép hành nghề: Bác sĩ phải có chuyên môn trong lĩnh vực làm đẹp và đảm bảo có trên 3 năm kinh nghiệm trong ngành thì giấy phép hành nghề mới được xem là hợp pháp.
  • Giấy phép cho các hoạt động khám chữa bệnh: Hầu hết tất cả bệnh viện thẩm mỹ/ thẩm mỹ viện đều đăng ký loại giấy này tại những sở y tế trực thuộc.

Một số giấy tờ khác có liên quan như giấy chứng nhận an toàn phòng chống cháy nổ hay giấy phép an ninh trật tự. Sở dĩ doanh nghiệp nên đăng ký giấy phép an ninh trật tự là để đảm bảo tuân thủ trật tự và an ninh xã hội. Không những thế, khi đăng ký các dịch vụ SMS hay Brandname thì đôi khi một số bên như nhà mạng sẽ yêu cầu doanh nghiệp cung cấp loại giấy này.

Để kinh doanh trong ngành làm đẹp, các chủ doanh nghiệp cần có một số loại giấy phép
Nguồn: Envato

Áp dụng các phần mềm quản lý một cách hiệu quả

Câu hỏi tiếp theo là: “Có nên áp dụng phần mềm quản lý cho các cở sở làm đẹp như spa, thẩm mỹ viện hay không?”.

Theo kinh nghiệm mà tôi quan sát được, doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp chuyên về lĩnh vực làm đẹp nói riêng, nên có các phần mềm quản lý như: (1) Quản lý kho, (2) Quản lý khách hàng (bệnh án, dữ liệu thông tin khách hàng cũ, khách hàng mới), (3) Quản lý nhân viên (nhân viên thực hiện dịch vụ, kiểm soát lương của nhân viên, kiểm soát việc xuất hàng trong kho của nhân viên).

Tôi đề cập đến những phần mềm trên là vì chúng sẽ góp phần mang lại hiệu quả cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, cụ thể như sau:

  • Minh bạch hoá số liệu & Kiểm soát kho bãi rõ ràng: Áp dụng phần mềm quản lý là cách giúp doanh nghiệp có thể minh bạch hoá các số liệu và việc kiểm soát kho bãi trở nên rõ ràng hơn. Ví dụ, doanh nghiệp có thể biết được một ngày họ xuất ra bao nhiêu cây kim, bao nhiêu ml mực để phun xăm cho khách hàng... Bởi chi phí thất thoát nhiều nhất phần lớn thường nằm ở việc xuất, nhập hàng trong kho. Khi hoạt động này được kiểm soát tốt, kỹ lưỡng, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí.

Áp dụng phần mềm quản lý một cách hiệu quả
Nguồn: Envato

  • Kết nối nhuần nhuyễn giữa bộ phận Sales & Marketing: Kết hợp với phần mềm quản lý trong hoạt động kinh doanh sẽ giúp gắn kết phòng Sales & Marketing của các chi nhánh với nhau. Có thể thấy, bộ phận Sales & Marketing góp phần không nhỏ trong việc mang khách hàng mới đến với doanh nghiệp. Chính vì thế, hệ thống quản lý giúp nhân sự ở phòng Sales & Marketing dễ dàng cập nhật thông tin khách hàng đặt trước dịch vụ và theo dõi lịch trình đến các chi nhánh làm đẹp của họ. Đồng thời, phần mềm này cũng thuận tiện cho bộ phận lễ tân trong việc kiểm tra thông tin cá nhân (tên, tuổi, số điện thoại), dịch vụ khách hàng quan tâm, chương trình khách hàng muốn thực hiện khi họ đến thẩm mỹ viện.

Hoạt động Marketing

Câu hỏi thường gặp liên quan đến chủ đề này là: “Chi phí đầu tư cho Marketing trong ngành làm đẹp khá lớn mà vẫn không chắc mang lại hiệu quả lâu dài. Vậy giải pháp cho vấn đề này là gì?”.

Trước tiên, chúng ta cần hiểu việc triển khai marketing hiệu quả có thể thúc đẩy doanh thu của doanh nghiệp tăng từ 20-30%. Tại sao con số này lại cao như vậy? Vì theo giai đoạn phát triển của một thẩm mỹ viện mới được thành lập, trong sáu tháng đầu tiên, chủ doanh nghiệp cần đẩy mạnh các hoạt động thu hút nhóm khách hàng tiềm năng, cụ thể là khiến khách hàng biết đến thương hiệu và muốn trải nghiệm sản phẩm, dịch vụ. Lúc này, chúng ta có thể tận dụng các vị khách đó như những người PR cho thương hiệu.

Đồng thời, doanh nghiệp nên tránh việc mới khai trương mà chỉ tập trung làm thương hiệu vì việc này chỉ hiệu quả trong những năm 2015, 2016. Chính vì thế ở giai đoạn đầu mới thành lập, doanh nghiệp nên tập trung phát triển mặt khách hàng để gia tăng doanh thu. Khi đã sở hữu được lượng khách hàng ổn định, doanh nghiệp sẽ tiến đến các bước xây dựng thương hiệu, triển khai các chiến dịch và chăm sóc khách hàng.

Tiếp theo, doanh nghiệp nên cân nhắc những lưu ý sau:

  • Tận dụng nhiều công cụ quảng cáo khác nhau: Doanh nghiệp không nên thần thánh hóa các công cụ quảng cáo như Facebook, Google, dù 80% khách hàng tiềm năng của doanh nghiệp đến từ hai kênh này, mà nên mở rộng sang nhiều kênh khác. Vì trong đại dịch, hành vi của khách hàng đã có những sự thay đổi rõ rệt. Họ dành nhiều thời gian tìm hiểu và truy cập vào nhiều nền tảng mạng xã hội khác ngoài Facebook, Google để tìm kiếm thông tin, trải nghiệm dịch vụ.
  • 'Hứng Lead' và chuẩn bị các kịch bản xử lý tình huống khách hàng: Sau khi nhận được thông tin của khách hàng từ các kênh quảng cáo Facebook, Google, doanh nghiệp cần có nơi để “hứng lead” và chuẩn bị những kịch bản để xử lý các tình huống, thắc mắc của khách hàng trên từng kênh. Chẳng hạn khi khách hàng nhắn tin cho thẩm mỹ viện thông qua Facebook thì cần có những kịch bản nói chuyện và thuyết phục khách hàng để lại số điện thoại. Tiếp theo là kịch bản để chốt lịch hẹn, xếp lịch hẹn cho khách hàng. Sau bước đặt lịch hẹn cần theo dõi khách hàng xem họ có đến thẩm mỹ viện hay không để chuẩn bị những kịch bản nhắc nhở khách hàng đến trải nghiệm dịch vụ.

Doanh nghiệp nên thường xuyên đo lường hiệu quả công việc
Nguồn: Pexels

  • Đo lường hiệu quả marketing: Tất cả các hoạt động marketing diễn ra cần được giám sát và đo lường hiệu quả thường xuyên.

  • Nắm rõ nguồn thu, nguồn chi của doanh nghiệp: Việc nắm rõ các cơ cấu về nguồn thu, nguồn chi góp phần quản lý nguồn tài chính của doanh nghiệp một cách tốt nhất.

Trên đây là giải đáp của tôi cho những thắc mắc, trăn trở của chủ doanh nghiệp khi bắt đầu công việc kinh doanh trong ngành làm đẹp. Mong rằng những chia sẻ này sẽ hữu ích, giúp các hoạt động kinh doanh diễn ra thuận lợi, doanh nghiệp sẽ đạt được những mục tiêu trong tương lai.