Marketer Dương Nguyễn Hoài Đức
Dương Nguyễn Hoài Đức

Giám đốc Kinh doanh @ Công ty Cổ phần Datalytis

4 kiểu chủ doanh nghiệp thường gặp trong ngành thẩm mỹ làm đẹp (Phần 1)

Trong kinh doanh nói chung và ngành làm đẹp nói riêng, người chủ doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng, giúp chèo lái công việc kinh doanh diễn ra thuận lợi, đạt được những hiệu quả và thành công lớn. Các chủ doanh nghiệp cũng được phân loại theo từng nhóm với nhiều đặc tính khác nhau về vốn kiến thức, tư duy, kinh nghiệm tích luỹ…

Theo quan sát của tôi, với ngành thẩm mỹ làm đẹp, có 4 loại chủ doanh nghiệp là:

  • Chủ doanh nghiệp có tay nghề chuyên môn
  • Chủ doanh nghiệp có trải nghiệm và hiểu biết về ngành thẩm mỹ làm đẹp
  • Chủ doanh nghiệp sở hữu nguồn lực tài chính dồi dào
  • Chủ doanh nghiệp am hiểu Sales, Marketing và tài chính

Trong bài viết này, tôi sẽ phân tích những đặc điểm của 4 nhóm này và đưa ra các nhận định cụ thể nhằm giúp những doanh nghiệp trong ngành làm đẹp đánh giá lại mô hình kinh doanh của mình.

1. Chủ doanh nghiệp có tay nghề chuyên môn

Phần lớn, những chủ doanh nghiệp có tay nghề chuyên môn đều xuất thân từ các vị trí như bác sĩ da liễu, bác sĩ nha khoa, chuyên viên giỏi ở cơ sở làm đẹp (thẩm mỹ viện, bệnh viện thẩm mỹ). Do vậy, lợi thế mà họ sở hữu là có chuyên môn cao, am hiểu và thực hiện nghiệp vụ tốt, đồng thời có khả năng sáng tạo phương pháp điều trị mới. Vì có kinh nghiệm lâu năm, họ là những bậc thầy trong việc kết hợp giữa máy móc và sản phẩm, mỹ phẩm chăm sóc da để đem lại hiệu quả cho khách hàng, đặc biệt thường tập trung đẩy mạnh đầu tư máy móc, công nghệ cao.

Nhóm chủ doanh nghiệp có tay nghề chuyên môn đều xuất thân từ các vị trí như bác sĩ da liễu, bác sĩ nha khoa, chuyên viên giỏi ở cơ sở làm đẹp
Nguồn: Envato

Nhưng nhóm chủ doanh nghiệp này cũng phải đối mặt với những khó khăn nhất định. Vì thường là người trực tiếp thực hiện nghiệp vụ, nên họ sẽ không có nhiều thời gian để vận hành doanh nghiệp từ khâu phân bổ ngân sách, quản lý tài chính, chăm sóc khách hàng, quản trị con người... Thường nhóm này sẽ cần sự hỗ trợ đắc lực từ nhân lực có kinh nghiệm vận hành, hoạch định chiến lược Marketing và kinh doanh.

2. Chủ doanh nghiệp có trải nghiệm và hiểu biết về ngành làm đẹp

Nhóm chủ doanh nghiệp này thường xuất thân là hoa hậu, nghệ sĩ, Việt kiều hoặc người có thâm niên trong việc trải nghiệm dịch vụ thẩm mỹ (chẳng hạn đã từng phẫu thuật thẩm mỹ).

Vì đã từng trải nghiệm dịch vụ tại nhiều cơ sở làm đẹp khác nhau, các chủ doanh nghiệp thuộc nhóm này thường khá am hiểu về máy móc, mỹ phẩm tác động đến da, cơ thể của họ như thế nào. Đồng thời, họ cũng nắm rõ chi phí vận hành của máy móc, chi phí khấu hao của các loại mỹ phẩm. Họ cũng thường xuyên cập nhật các xu hướng làm đẹp mới, nắm bắt rõ thông tin về đối thủ cạnh tranh trên thị trường... Đặc biệt, nhóm chủ doanh nghiệp này có mối quan hệ tốt với nhiều người nổi tiếng như diễn viên, người mẫu. Các mối quan hệ này giúp họ quảng bá thương hiệu và tư vấn cho khách hàng tốt hơn.

Các chủ doanh nghiệp thuộc nhóm này thường khá am hiểu về máy móc, mỹ phẩm tác động đến da, cơ thể của họ như thế nào
Nguồn: Envato

Tuy nhiên, tương tự với nhóm chủ doanh nghiệp có tay nghề chuyên môn, nhóm này cũng gặp khó khăn trong việc hoạch định chiến lược kinh doanh và vận hành doanh nghiệp. Nhưng họ hoàn toàn có thể khắc phục được hạn chế này nếu học hỏi thêm và thuê nhân lực có kinh nghiệm vận hành.

3. Chủ doanh nghiệp là người sở hữu nguồn lực tài chính dồi dào

Nhóm chủ doanh nghiệp này thường là những người kinh doanh trong các lĩnh vực khác như nhà hàng, khách sạn, bất động sản…. Họ nhận thấy tiềm năng của ngành làm đẹp nên mong muốn đầu tư vào lĩnh vực này.

Nhóm chủ doanh nghiệp này sở hữu nguồn tài chính dồi dào và có mối quan hệ rộng trong nhiều lĩnh vực
Nguồn: Envato

Tuy xuất thân từ các lĩnh vực khác, nhưng nhóm chủ doanh nghiệp này vẫn sở hữu những ưu thế nổi bật trong thị trường làm đẹp. Có một điều không thể phủ nhận là nhóm chủ doanh nghiệp này sở hữu nguồn tài chính dồi dào và có mối quan hệ rộng trong nhiều lĩnh vực như giới nổi tiếng (người mẫu, diễn viên) và cả nhà nước.

Hơn nữa, họ có tư duy xây dựng hệ thống và phân bổ ngân sách tương đối ổn cho từng bộ phận liên quan, đồng thời có những chiến lược kinh doanh để tối ưu hoá doanh thu và lợi nhuận. Hạn chế của nhóm này là không có nhiều kiến thức trong ngành làm đẹp. Nhưng với lợi thế tài chính, họ vẫn có thể khắc phục bằng việc thuê nhân lực giỏi về mặt chuyên môn để vận hành thẩm mỹ viện.

4. Chủ doanh nghiệp là những người am hiểu về Sales, Marketing và tài chính

Số lượng chủ doanh nghiệp am hiểu về Sales, Marketing và tài chính tuy ít, nhưng các doanh nghiệp của họ đang chiếm hơn 80% thị phần của ngành làm đẹp. Không những thế, họ còn sở hữu các hệ thống thẩm mỹ viện danh tiếng và nằm trong top 5 thị trường làm đẹp tính đến thời điểm hiện tại.

Nhóm chủ doanh nghiệp này am hiểu kiến thức kinh doanh và có kinh nghiệm làm việc dồi dào trong lĩnh vực tài chính, vận hành, Sales & Marketing
Nguồn: Envato

Sở dĩ, doanh nghiệp của những người chủ này chiếm thị phần cao là bởi họ sở hữu nhiều đặc điểm nổi trội. Đầu tiên, những người chủ này không chỉ am hiểu kiến thức rộng về kinh doanh, mà còn có kinh nghiệm làm việc dồi dào trong lĩnh vực tài chính, vận hành, Sales và Marketing. Với vốn kiến thức đó, họ có thể phân tích được tình trạng của doanh nghiệp, hiểu được dòng tiền đi như thế nào, từ đó xây dựng các chiến lược kinh doanh phù hợp. Và lợi thế trong việc am hiểu lĩnh vực Marketing còn giúp họ đề xuất được các chương trình khuyến mãi hợp lý, góp phần thu hút khách hàng đến với thương hiệu.

Bất lợi của nhóm chủ doanh nghiệp này là chưa có nhiều kiến thức về ngành thẩm mỹ. Thế nhưng, họ vẫn khắc phục được bằng cách tự trau dồi thêm kiến thức chuyên ngành, cùng các loại máy móc, mỹ phẩm chuyên dụng.

Trên đây là chia sẻ của tôi về những đặc điểm của 4 kiểu chủ doanh nghiệp trong ngành làm đẹp. Tôi mong rằng những chia sẻ này hữu ích, có thể giúp các doanh nghiệp đánh giá lại doanh nghiệp của mình, từ đó đề ra những chiến lược phù hợp và đạt được hiệu quả cao.