Vì sao quá trình khám phá lại quan trọng đối với việc phát triển Mobile App?

Khi làm mobile app, bạn cần phải chuẩn bị đầy đủ và khởi đầu đúng đắn. Đây là lý do tại sao quá trình khám phá để phát triển ứng dụng là giai đoạn quan trọng. Nếu không có quá trình này, việc trải nghiệm app sẽ dễ dẫn đến thất bại.

Hãy tưởng tượng bạn vừa bắt đầu hành trình trên chiếc xe mới tinh của mình với tâm tâm trạng tràn đầy hứng khởi. Nhưng sau đó, bạn nhận ra rằng mình không có bản đồ cho điểm đến. Điều này không chỉ khiến bạn mất thời gian, mà còn giảm cả nhiệt huyết, vì bạn sẽ không thể đến đích được nếu không có một con đường chính xác. Làm mobile app cũng vậy, bạn cần có sự chuẩn bị đầy đủ và sự khởi đầu đúng đắn. Đây cũng là lý do tại sao quá trình khám phá để phát triển ứng dụng là giai đoạn quan trọng nhất. Nếu không có quá trình khám phá, việc trải nghiệm app sẽ dễ dẫn đến thất bại.

Tại sao cần có quá trình khám phá?

Quá trình khám phá là tiền đề của một lộ trình phát triển của bất kỳ dự án nào. Có thể là xây dựng một mobile app, một trang web mới, phần mềm mới hoặc thậm chí là một toà nhà mới. Trong quá trình khám phá, bạn sẽ cần thu thập thông tin quan trọng để lên ý tưởng và thiết kế dự án nói trên.

Giả sử bạn muốn phát triển một mobile app để tạo ra một mạng xã hội riêng cho những người thích câu cá. Nếu không thực hiện quá trình khám phá và bắt đầu luôn với giai đoạn phát triển, dự án có thể sẽ thất bại. Bạn sẽ không thể biết được đối tượng mục tiêu của bạn thích gì, các yêu cầu cơ bản để câu cá là gì, có thị trường nào cho một cộng đồng như vậy không và một ứng dụng dành cho người câu cá như vậy nên có những tính năng gì. Nếu không có quá trình khám phá, toàn bộ việc phát triển ứng dụng dành cho thiết bị di động sẽ trở thành một canh bạc và chúng ta mất quyền kiểm soát đối với sự phát triển và kết quả của cả dự án.

Các nội dung cần được trả lời trong khâu này sẽ là:

  • Thông tin quan trọng sẽ tạo cơ sở cho sự phát triển app (ví dụ: hành trình của người dùng, tính cách đặc trưng của người dùng).
  • Lợi ích và giá trị mà người dùng có thể nhận được khi sử dụng app (tại sao họ nên sử dụng ứng dụng của bạn?).
  • Tập hợp các tính năng, giao diện người dùng và trải nghiệm người dùng app.

Nên bắt đầu quá trình khám phá như thế nào?

Mặc dù các dự án chủ đề và nội dung khác nhau sẽ có các quy trình khám phá khác nhau, nhưng có một số bước cơ bản bạn có thể tham khảo như sau: Nghiên cứu, Lên ý tưởng và Đánh giá.

Nghiên cứu

Thông qua nghiên cứu, developer và designer có thể thu được thông tin về miền của ứng dụng và điều này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về sự phát triển chung của ứng dụng dành cho thiết bị di động. Các cuộc khảo sát và bảng câu hỏi có thể được sử dụng để thu thập dữ liệu và thông tin liên quan về miền, đồng thời, sẽ gợi ra những ý tưởng mới về app.

Phân tích đối thủ cạnh tranh cũng có thể là một phần quan trọng của quá trình nghiên cứu giúp hiểu rõ hơn về thị trường và mục đích của việc phát triển ứng dụng. Trong ví dụ về một mobile app dành cho những người yêu thích câu cá, giai đoạn nghiên cứu có thể giúp các nhà phát triển hiểu được lý do tại sao một số người lại đam mê câu cá, những thuật ngữ họ sử dụng để câu cá và tâm lý của một người dùng điển hình thông qua phác hoạ tính cách người dùng.

Lên ý tưởng

Trong giai đoạn hình thành ý tưởng của quá trình khám phá, bạn nên tập trung và cố gắng hiểu những vấn đề khiến người dùng mục tiêu đang trăn trở, từ đó cung cấp thêm các tính năng hỗ trợ họ giải quyết vấn đề. Ví dụ: đối với ứng dụng dành cho những người yêu thích câu cá, chúng ta có thể suy nghĩ về việc họ thường tìm kiếm những gì? Đó có thể là địa điểm câu cá, thiết bị câu cá, những mẹo vặt để câu được cá thành công.

Đánh giá

Dựa trên quá trình hình thành và các ý tưởng đã dần được tạo ra, chúng ta đi đến giai đoạn cuối cùng của quá trình khám phá: Đánh giá. Ở giai đoạn này, bạn đã có thông tin về miền, có tính cách người dùng điển hình và rất nhiều các ý tưởng liên quan đến các tính năng, giao diện người dùng và trải nghiệm người dùng. Bây giờ, tất cả những gì chúng ta cần làm là kết nối các thông tin và đánh giá cấu trúc cuối cùng của app trước khi bắt tay vào phát triển.

Thiệt hại gì khi bỏ qua quá trình khám phá?

Thật đáng buồn nhưng khám phá là giai đoạn phát triển phần mềm bị đánh giá thấp nhất đối với nhiều công ty hiện nay vì họ nghĩ rằng mình đã biết tất cả những gì cần. Thế nhưng, trong nửa chặng đường phát triển, họ lại bị cản trở bởi những vấn đề có thể dễ dàng xử lý ngay từ đầu nhưng bây giờ lại có nguy cơ phá huỷ toàn bộ dự án. Hậu quả của việc bỏ qua khâu quan trọng này có thể kể tới:

  • Xác định sai mục tiêu: Rủi ro lớn nhất là tạo ra một sản phẩm không đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Đây là một thất bại hoàn toàn, và có thể huỷ hoại danh tiếng của nhà phát triển.
  • Không đầy đủ các tính năng: Nếu không có định hướng, cấu trúc app sẽ mang tính tự phát và không đầy đủ. Nhiều công ty sau khi làm mới đã nhận ra các vấn đề tiềm ẩn và bắt đầu thêm thắt các tính năng khiến chi phí bị phát sinh lên rất nhiều, khiến cho công sức của đội ngũ phát triển dường như trở nên vô ích.
  • Mất khách hàng: Người dùng không được tư vấn đầy đủ về thông tin dự án, mục tiêu dự án, định hướng phát triển. Khi không tìm được một hướng đi đúng đắn, việc tiếp tục làm app sẽ chỉ khiến khách hàng lãng phí tiền bạc và thời gian, thậm chí huỷ hợp đồng với dự án.

Trong hầu hết các trường hợp, wireframe của mobile app là kết quả của giai đoạn đánh giá, được tạo ra sau khi thực hiện concept testing – quá trình sử dụng khảo sát để đánh giá sự chấp nhận của người tiêu dùng đối với ý tưởng sản phẩm mới trước khi giới thiệu sản phẩm ra thị trường. Kết thúc quá trình khám phá, đội ngũ phát triển app đã có được một định hướng rõ ràng hơn về việc triển khai và lập trình cũng như khâu marketing app. Đừng bao giờ bỏ qua những bước tưởng như đơn giản vì đôi khi nó sẽ quyết định đến sự thành bại của ứng dụng khi đưa ra thị trường.

* Nguồn: AppROI Marketing