Chuyển đổi số trong báo chí Việt Nam hiện nay

Năm 2020, cả nước đã giảm 71 cơ quan báo chí. Đặc biệt, do COVID-19 nên doanh thu của báo chí giảm; nhất là ở khối báo in, báo điện tử, nhiều báo giảm doanh thu đến 70%. Trong khi đó, một số cơ quan báo chí ở nước ngoài vẫn “ăn nên làm gia” bất chấp mọi lý do, điển hình là tờ The New York Times.

Ở kỳ trước, tôi đã phân tích mô hình chuyển đổi số của The New York Times, từ đó rút ra bài học “biến người dùng thành khách hàng”. Vậy câu hỏi đặt ra là, tại Việt Nam, bài toán chuyển đổi số đang được các cơ quan báo chí giải như thế nào? Liệu trong tương lai, khán thính giả có sẵn sàng trả phí hoặc ít nhất vẫn là “người dùng”, để các cơ quan báo chí có thể bán quảng cáo được hay không? Trong bài này, tôi sẽ phân tích trên ba khía cạnh: việc số hoá dữ liệu, khai thác dữ liệu quản lý vận hành của các cơ quan báo chí dưới góc nhìn mà các công việc chuyển đổi số cần làm.

Số hoá dữ liệu

Số hoá dữ liệu chỉ là một trong những công đoạn trong việc chuyển đổi số ở cơ quan báo chí. Khác với các sản phẩm tiêu dùng hay dịch vụ thông thường, sản phẩm báo chí có thể trở thành nguyên liệu để sản xuất ra những sản phẩm mới trong tương lai.

Ví dụ, khi làm bản tin về ngày Quốc khánh sẽ đến cần hình ảnh, file ghi âm, tư liệu về ngày Bác Hồ đọc bản tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình. Nếu như trước đây khi chưa số hoá dữ liệu, có lẽ biên tập viên cần tìm đến kho lưu trữ, mở lại băng ghi hình, băng ghi âm và các tờ báo in thời kỳ đó. Nhưng nếu được số hoá, biên tập viên chỉ cần vài cú click chuột trên máy tính, truy cập một vài đường link là có thể tìm được tư liệu muốn có. Vì vậy, số hoá dữ liệu là việc làm rất quan trọng trong công tác chuyển đổi số của cơ quan báo chí truyền thông.

Việc thu thập dữ liệu và phân tích người dùng chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến tình trạng không biết khai thác dữ liệu sản phẩm đã được số hoá để phục vụ cho bạn đọc, khán, thính giả.

Tại Đài tiếng nói Việt Nam, từ năm 2007 toàn bộ kho lưu trữ âm thanh với hàng ngàn giờ tư liệu quý có từ những năm chống Pháp đã được số hoá. Các đài truyền hình đã chuyển phát sóng analog sang phát sóng kỹ thuật số và hiện tại đã có truyền hình cáp. Với báo in, hầu hết các cơ quan báo chí đều chuyển từ tài liệu dạng giấy sang các file PDF để lưu trữ dữ liệu.

Như vậy, về cơ bản khâu số hoá dữ liệu sản phẩm đã được chú trọng trong các cơ quan báo chí Việt Nam hiện nay. Thế nhưng, việc thu thập dữ liệu và phân tích người dùng chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến tình trạng không biết khai thác dữ liệu sản phẩm đã được số hoá để phục vụ cho bạn đọc, khán, thính giả, làm số lượng người dùng giảm dần, các cơ quan báo chí buộc phải đóng cửa khi họ chuyển dần sang tiếp nhận thông tin báo chí trên các phương tiện truyền thông mới (mạng xã hội, ứng dụng di động…).

Khai thác dữ liệu

Mức độ hài lòng của công chúng khi đọc báo điện tử có thể được đo lường bằng thời gian trung bình xem trang (Avg Visit Duration), số trang trung bình sẽ xem trong một lượt truy cập (Pages per Visit). Thời gian lưu lại trên trang càng lâu, chứng tỏ người đọc càng bị thu hút bởi nội dung bài báo, số trang trung bình xem trong một lượt truy cập càng lớn, chứng tỏ trang báo đang thực hiện tốt nhiệm vụ liên kết dữ liệu giúp níu giữ người đọc tốt.

Đứng trên góc độ chuyển đổi số, các cơ quan báo chí có thể áp dụng công nghệ để phân tích dữ liệu, tạo ra các luồng bài viết theo từng chủ đề, từng vụ việc, từng tác giả hoặc từng sự kiện… để độc giả có thể đọc các tin bài liên quan. Việc này đồng thời làm tăng hai chỉ số nói trên.

Theo khảo sát của tôi, khi hỏi một số biên tập viên của các tờ báo hiện nay thì việc chèn link bài viết liên quan chỉ được làm tự động tại một số đề mục khi bài viết được biên tập viên phân loại theo tag. Còn lại, các link liên kết bên trong bài báo theo từ khoá vẫn phải chèn bằng tay.

Các cơ quan báo chí đang bỏ phí tài sản lớn nhất là data người dùng vì nguồn thu quảng cáo bị phụ thuộc bên thứ ba, bản thân cơ quan báo chí không khai thác được người dùng để thu phí.

Trong khi đó, một số mạng xã hội như Facebook, TikTok đang làm rất tốt việc khai thác dữ liệu để “níu chân” người dùng. Không chỉ dừng lại ở việc hiển thị các bài đăng, video liên quan theo dòng sự kiện/ chủ đề, mà còn có thể phân tích dữ liệu theo khuynh hướng bình luận, cảm xúc của người dùng. Trên một số ứng dụng di động như Netflix hay Spotify, các nội dung còn được phân bổ tuỳ chỉnh tới người dùng theo từng sở thích cá nhân dựa trên lịch sử tương tác của họ với ứng dụng. Các trang báo điện tử nước ngoài cũng tìm cách thu thập dữ liệu người dùng, ít nhất là cookie, địa chỉ IP để phục vụ cho việc phân tích sau này.

Thế nhưng, tại Việt Nam, dường như không có một tờ báo điện tử nào có dòng chữ “We use cookies to optimize your experience on our website and for analytics and advertising purposes. By continuing to use our site, you agree to our cookie policy” (Tạm dịch: Chúng tôi sử dụng cookie để tối ưu hoá trải nghiệm của bạn trên trang web của chúng tôi và cho các mục đích phân tích và quảng cáo. Bằng cách tiếp tục sử dụng trang web của chúng tôi, bạn đồng ý với chính sách cookie của chúng tôi), mỗi khi có người dùng mới truy cập vào website.

Cũng có thể, do hiểu biết còn hạn chế, nên tôi chưa nhận thấy việc khai thác dữ liệu người dùng từ các cơ quan báo chí tại Việt Nam hiện nay, mà chỉ thấy việc các đơn vị khai thác quảng cáo trên báo như Admicro, Criteo… quan tâm đến dữ liệu người dùng trên trang và các cơ quan báo chí chỉ đang dừng lại ở việc thống kê dữ liệu. Nhưng nếu chỉ có vậy, các cơ quan báo chí đang bỏ phí tài sản lớn nhất là data người dùng, vì nguồn thu quảng cáo bị phụ thuộc bên thứ ba, bản thân cơ quan báo chí không khai thác được người dùng để thu phí.

Tuy vậy, tôi vẫn tin rằng, chúng ta đang trong giai đoạn chuyển đổi số và việc khai thác dữ liệu trong tương lai chắc chắn sẽ được các báo đài chú trọng thông qua các chiến lược vận hành, quản lý mới.

Vận hành, quản lý của cơ quan báo chí trong thời kỳ chuyển đổi số

Ba năm trở lại đây, số lượng các cơ quan báo chí tại Việt Nam liên tục giảm. Đây không chỉ là hệ quả của quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến 2025, mà còn phản ánh tác động của công cuộc chuyển đổi số. Nếu không bắt kịp xu hướng bằng cách thay đổi cơ chế vận hành, quản lý thì chắc chắn cơ quan báo chí sẽ bị đào thải, dừng hoạt động.

Số lượng các cơ quan báo chí Việt Nam qua các năm 2018, 2019, 2020

Không ít các cơ quan báo chí tại Việt Nam đã kịp thời nắm bắt xu hướng chuyển đổi số và đã có những bước đi đúng đắn, tạo nền tảng vững chắc để sẵn sàng bắt nhịp với cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư. Trong số đó phải kể đến các kênh truyền thông quốc gia như VOV, VTV hay Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN).

Ngoài việc số hoá các chương trình đã phát sóng lên internet thông qua website, gần đây VOV còn xây dựng một loạt ứng dụng di động để công chúng có thể tiếp cận nội dung thông tin chỉ bằng chiếc smartphone có kết nối mạng như VOVMedia, VOVlive, VTCnow. Với Đài Truyền hình Việt Nam, ứng dụng VTVgo đã được xây dựng từ năm 2015 đến nay đã chứng tỏ được sức hút với công chúng với 24,5 triệu lượt cài đặt (tính đến tháng 10/2020) trên các thiết bị điện tử thông minh. Tại TTXVN, nhiều công cụ phục vụ chuyển đổi số cũng được nội bộ cơ quan này phát triển như công cụ giám sát thông tin, theo dõi fake news, dịch thuật tự động…

Ảnh: Mạnh Hưng

Vấn đề vận hành, quản lý của cơ quan báo chí khi chuyển đổi số còn là việc sử dụng công nghệ như thế nào để tối ưu hoá quy trình trình sản xuất tác phẩm, đảm bảo tốc độ, hiệu quả xuất bản thông tin trước sự cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ của kênh truyền thông mới. Với vấn đề này, quy trình vận hành hướng tới toà soạn hội tụ kiểu mới, trong đó nguồn dữ liệu được tập trung vào một mối để các phóng viên, biên tập viên cùng khai thác, tránh việc cùng lúc đưa nhiều thông tin trùng nhau trên các phương tiện truyền thông đại chúng được đề xuất. Các ứng dụng di động hỗ trợ nhà báo tác nghiệp trong thời đại số cũng ngày càng phát triển, giúp tiết kiệm thời gian và linh hoạt trong quá trình tác nghiệp.

Suy cho cùng mục đích của việc chuyển đổi số trong báo chí đều là phục vụ bạn đọc, khán, thính giả, nói chung là “người dùng” – theo ngôn ngữ của các doanh nghiệp B2C, biến họ thành khách hàng trung thành. Và cuối cùng, chính họ sẽ là người trả tiền cho các cơ quan báo chí để duy trì hoạt động (bất luận là người dùng trả phí hay cơ quan báo chí có doanh thu từ quảng cáo). Vì vậy, giải pháp để các cơ quan báo chí chuyển đổi số thành công là hãy bắt đầu nghiên cứu “người dùng”, xoay quanh lợi ích và phục vụ họ thật tốt.