Marketer Kurokawa Kengo
Kurokawa Kengo

Founder / CEO @ Asia Plus Inc.

Q&Me: Khám phá tiềm năng thị trường Việt Nam dựa trên dữ liệu thu nhập hàng tháng của từng vùng miền

Tổng cục Thống kê Việt Nam vừa thực hiện cuộc Khảo sát về mức sống dân cư năm 2020 và chắc hẳn rằng nhiều người đã rất ngạc nhiên khi thấy tỉnh Bình Dương có mức thu nhập bình quân hàng tháng cao nhất cả nước. Trong bài viết này, chúng ta sẽ dựa trên số liệu của Tổng cục Thống kê để xem xét mức sống của các tỉnh thành khác nhau ở Việt Nam.

Biểu đồ dưới đây thể hiện số liệu thu nhập bình quân của từng tỉnh dựa trên số liệu của Tổng cục Thống kê. Các tỉnh tô màu xanh là nơi có thu nhập bình quân cao nhất và các tỉnh tô màu đỏ là nơi có thu nhập bình quân thấp nhất. Chúng ta có thể thấy trên biểu đồ rằng, những nơi có thu nhập bình quân cao là: tỉnh Bình Dương nơi có thu nhập bình quân hàng tháng trên 7 triệu đồng, TP.HCM khoảng 6,5 triệu đồng và các khu vực có thu nhập bình quân hàng tháng cao khác như Hà Nội, Đồng Nai, Đà Nẵng và Cần Thơ.

Mức chênh lệch thu nhập bình quân tháng tại tỉnh Bình Dương (nơi có thu nhập bình quân tháng cao nhất) và tỉnh Điện Biên (nơi có thu nhập bình quân tháng thấp nhất) là 4 lần. Số liệu thu nhập bình quân hàng tháng của từng tỉnh cũng khác nhau đáng kể và sự chênh lệch về thu nhập này đang khiến dòng người từ nông thôn đổ ra thành thị.

Khi mở rộng và xem xét dữ liệu này theo từng khu vực, chúng ta có thể thấy thu nhập bình quân hàng tháng cao nhất là ở hai khu vực: Đông Nam Bộ (nơi có TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai) và phía Bắc Đồng bằng Sông Hồng (nơi có Hà Nội và Hải Phòng). Mặc dù vùng đồng bằng phía Bắc Sông Hồng (nơi thu nhập bình quân tháng khoảng 5 triệu đồng) và miền núi phía Bắc (thu nhập bình quân khoảng 2,75 triệu đồng) nằm liền kề nhau, nhưng chênh lệch về thu nhập bình quân tháng giữa 2 vùng này gần như là gấp đôi.

Dữ liệu thống kê này cũng bao gồm dữ liệu về các nguồn thu nhập và dựa vào đó chúng ta có thể phân tích các nguồn thu nhập theo khu vực. Ví dụ như 65% thu nhập ở khu vực Đông Nam Bộ – nơi có TP.HCM và Bình Dương – là đến từ tiền lương, tiền công, trong khi ở Tây Nguyên, chỉ có 41% thu nhập đến từ tiền lương, tiền công. Tuy nhiên, tỷ trọng “Nông, Lâm, Ngư nghiệp” và “Thu nhập từ sản xuất khác” ở Tây Nguyên lại cao hơn Đông Nam Bộ. Mặc dù khó có thể đưa ra một nhận định chung cho các vùng miền, nhưng chúng ta có thể thấy được rằng nguồn thu nhập giữa các vùng miền có sự chênh lệch lớn và tỷ lệ người dân làm việc cho các công ty, doanh nghiệp cao hơn ở các thành phố lớn.

Khi xem xét thu nhập bình quân theo khu vực, từ góc độ phát triển thị trường các khu vực như Đà Nẵng và Cần Thơ có vẻ rất tiềm năng. Mặt khác, để xem xét mức hấp dẫn của thị trường, chúng ta không chỉ cần chú trọng đến sức mua bình quân đầu người, mà chúng ta còn phải chú trọng đến số lượng người có thể mua hàng, tức là dân số. Biểu đồ dưới đây thể hiện dân số theo từng tỉnh và có thể dễ dàng nhận thấy TP.HCM (với dân số 9 triệu người) và Hà Nội (với dân số hơn 8 triệu người) là hai thành phố đông dân cư nhất. Liệu rằng Đà Nẵng, nơi có mức thu nhập bình quân hàng tháng ổn định, nhưng dân số chỉ khoảng 1 triệu người, chỉ bằng 1/9 so với TP.HCM, có còn là thị trường hấp dẫn hay không?

Xét trên hai yếu tố “Sức mua bình quân đầu người” và “Dân số”, tiềm năng của 2 thị trường TP.HCM và Hà Nội vượt xa các khu vực khác. Mặc dù các thành phố khác cũng đang có mức đầu tư và mức tăng trưởng đáng kể, nhưng nhiều công ty, doanh nghiệp không thể tìm ra phương pháp hiệu quả để thâm nhập vào các thành phố này do dân số khá đông đúc. Bên cạnh đó, không giống như các quốc gia mới nổi khác ở Đông Nam Á, Việt Nam chỉ có 2 nơi cho các công ty hay doanh nghiệp đầu tư vào, là một trong những yếu tố khiến thị trường Việt Nam khó nắm bắt hơn bao giờ hết.

Đọc thêm nhiều báo cáo thị trường mới nhất và miễn phí của Q&Me tại đây.

Để có thêm thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ qua địa chỉ email [email protected] hoặc số điện thoại (+84) 2839 100 043.