Cựu nhân viên Google kể chuyện sáng lập startup giải mã gen, đưa ‘team’ từ Mỹ về Việt Nam

Cựu nhân viên Google kể chuyện sáng lập startup giải mã gen, đưa ‘team’ từ Mỹ về Việt Nam

Tháng 3 năm nay, Genetica – công ty công nghệ chuyên về giải mã gen có trụ sở đặt tại San Francisco (Mỹ) – công bố huy động thành công 2,5 triệu USD trong vòng Pre-series A từ các nhà đầu tư tại Thung lũng Silicon. Vòng gọi vốn này được hoàn tất trong 30 ngày với những sự tham gia của các nhà đầu tư như Dave Strohm, Craig Sherman, Guy Miasnik.

Genetica được đồng sáng lập và dẫn dắt bởi ông Cao Anh Tuấn – một người Việt có bằng Tiến sĩ của Đại học Cornell và từng đảm nhiệm vị trí kỹ sư cao cấp của Google. Năm 2017, ông Tuấn cùng một số tiến sĩ thuộc top 10 các trường đại học của Mỹ đã thành lập nên Genetica. Đến năm 2018, các nhà sáng lập quyết định mang Genetica về Việt Nam, phát triển một công nghệ giải mã gen dành riêng cho thị trường Việt Nam và Châu Á.

Tại hội thảo “Kết nối và phát huy nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” diễn ra mới đây, ông Cao Anh Tuấn – đồng sáng lập và Giám đốc Công nghệ (CTO) của Genetica đã chia sẻ về câu chuyện khởi nghiệp của startup này.

“Lúc đó tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng mình đã có công nghệ và nguồn vốn từ Thung lũng Silicon, chúng tôi sẽ rất dễ dàng mang công nghệ về Việt Nam và trở thành số 1 thị trường Đông Nam Á”, ông Tuấn nói về quyết định đưa đội ngũ từ Mỹ về Việt Nam.

Tuy nhiên, khi trở về Việt Nam và gia nhập thị trường một số nước Đông Nam Á khác, những nhà sáng lập Genetica hiểu rằng “chỉ vốn và công nghệ thôi vẫn chưa đủ”.

“Chúng tôi gặp rất nhiều vấn đề khác như phát triển đội ngũ, logistics, xây dựng phòng lab, mở rộng mạng lưới... Sau một thời gian phát triển, tôi nhận ra rằng công nghệ và vốn từ Thung lũng Silicon chỉ đóng góp 20-30% vào những thành quả mà Genetica có được ngày hôm nay”, ông Tuấn chia sẻ.

Cựu kỹ sư Google cho biết, dịch vụ của Genetica hiện có mặt ở Mỹ, Singapore và Việt Nam. Các bằng sáng chế đã được đăng ký và có thể triển khai ở 9-10 quốc gia. Công ty cũng đang lên kế hoạch để tiến xa hơn ở thị trường Đông Nam Á và New Zealand – nơi có lượng lớn người dân Châu Á sinh sống.

Công thức thành công

CTO Cao Anh Tuấn cho biết, có rất nhiều người đã hỏi ông về công thức thành công của Genetica. Từ những kinh nghiệm trong quá trình khởi nghiệp, ông Tuấn rút ra có 3 yếu tố quan trọng đối với sự phát triển của một startup.

Theo ông Tuấn, yếu tố đầu tiên là việc xây dựng đội ngũ, “quá trình này không phải chỉ là đi tìm những người sẵn sàng làm việc 16 giờ/ngày hay làm việc quần quật cả thứ bảy, chủ nhật”. Nhà sáng lập này mong muốn truyền được khát vọng mang hệ gen của người Việt nói riêng và người Châu Á nói chung vào bản đồ gen thế giới tới những thành viên trong đội ngũ của mình.

Ông Tuấn tiết lộ rằng trong thời gian khó khăn vì đại dịch COVID-19, một số nhân viên của Genetica đã viết tâm thư xin giảm lương để hỗ trợ công ty.

“Đọc email của các bạn, tôi cảm thấy đó là động lực rất lớn và rất tự hào về các nhân viên của mình. Và cuối cùng chúng tôi quyết định không giảm lương ai cả”, CTO Genetica chia sẻ.

Yếu tố thứ hai được ông Tuấn nhắc đến là những người cố vấn (mentor) của công ty. “Tôi là người phát triển công nghệ nhưng khi mang những công nghệ đó để phát triển sản phẩm thật sự mang lại lợi ích cho người dùng lại là câu chuyện khác”.

Theo vị tiến sĩ này, những người cố vấn có thể đưa ra lời khuyên giúp startup trong việc định hướng và tránh việc bỏ lỡ cơ hội. Một trong những người từng tư vấn cho ông Tuấn khi mới về Việt Nam là bà Lê Diệp Kiều Trang – đồng sáng lập quỹ Alabaster.

“Tôi vẫn nhớ những năm 2017-2018 mới về Việt Nam, tôi có qua nhà chị Trang để nói chuyện. Lúc đó chị Trang và anh Sonny đã xây dựng Misfit và bán được với giá 260 triệu USD. Đây là một 'case study' khởi nghiệp rất thành công", ông Tuấn kể lại và cho biết từ những chia sẻ của những người có nhiều kinh nghiệm, ông đã chọn lọc để phát triển công ty của mình.

Yếu tố thứ ba ông Tuấn cho rằng đóng góp vào thành công của startup là sự hỗ trợ từ các công ty của các bạn đồng hành, dù có thể không cùng chung lĩnh vực.

“Như Thức Vũ của Kambria hay Lợi Lưu của Kyber Network, mỗi khi gặp khó khăn về vấn đề công nghệ, tôi có thể đến hỏi các bạn và từ đó có thêm nhiều ý tưởng đột phá cho công nghệ của Genetica”, ông Tuấn nói.