Trở thành cây viết chuyên nghiệp về sức khoẻ: Hướng dẫn chi tiết và đầy đủ

Trở thành cây viết chuyên nghiệp về sức khoẻ: Hướng dẫn chi tiết và đầy đủ

Tính tới thời điểm hiện tại, mình đã viết lách trong lĩnh vực sức khoẻ được 8 tháng. Mình có được thu nhập ổn định, tuy chưa cao nhưng đủ chứng minh lựa chọn của mình là đúng đắn. Tuy nhiên, hành trình ấy không hề dễ dàng, nhất là lúc khởi đầu khi mình hoang mang, bối rối chẳng biết nên bắt đầu từ đâu. Trong suốt quãng thời gian ấy, mình luôn ao ước có ai đó chỉ cho mình cách viết về sức khoẻ thật hay, hướng dẫn mình tìm kiếm khách hàng và lắng nghe, tâm sự cùng mình.

Đó chính là lý do mình muốn chia sẻ kinh nghiệm và trải nghiệm của bản thân. Mình mong bài hướng dẫn chi tiết và đầy đủ dưới đây sẽ giúp bạn vững tin hơn vào con đường trở thành cây viết về sức khoẻ mà bạn đã chọn, và tiến nhanh hơn, xa hơn trên hành trình gian nan nhưng xứng đáng này.

 

Cây viết về sức khoẻ là ai?

Định nghĩa cây viết về sức khoẻ rất đơn giản. Đó là những người sử dụng ngòi bút để cung cấp thông tin liên quan tới sức khoẻ cho độc giả. Trong tiếng Anh, những người này được gọi là Health Writer hoặc Medical Writer.

Cây viết về sức khoẻ có thể làm việc full-time cho một công ty, doanh nghiệp, tổ chức, tờ báo liên quan đến sức khoẻ. Hoặc bạn có thể trở thành một cây viết tự do, tự kinh doanh và quản lý ngòi bút của mình.

Sức khoẻ là một lĩnh vực rất rộng và Health Writer có thể lựa chọn sáng tạo nhiều chủ đề, định dạng nội dung khác nhau. Bạn có thể viết về sức khoẻ phụ nữ, trẻ em hoặc tập trung vào thị trường dinh dưỡng, da liễu, vận động. Một cây viết về sức khoẻ có thể viết bài cho các tạp chí, viết sách, sản xuất nội dung video, podcast liên quan tới sức khoẻ hoặc trở thành Ghostwriter, Copywriter, Health Coach.

Thu nhập của cây viết về sức khoẻ

Thu nhập của người viết về sức khoẻ hẳn là điều khiến bạn tò mò, mong đợi? Những con số dưới đây chắc chắn sẽ không làm bạn thất vọng. Theo các website salary.com, payscale.com và glassdoor.com, một “newbie” trong lĩnh vực viết về sức khoẻ tại Mỹ có thu nhập hàng năm là $52.000 - $80.000. Thậm chí, con số này có thể lên tới $151.000 với những cây viết tự do về sức khoẻ có trình độ học vấn cao và nhiều năm kinh nghiệm.

Theo Hiệp hội Cây viết Y khoa Hoa Kỳ (American Medical Writer Association – AMWA), công việc được trả lương hậu hĩnh nhất là tổng hợp và biên soạn các tài liệu khoa học chuyên sâu về sức khoẻ. Công việc này có thể giúp các cây viết về sức khoẻ kiếm được $203.000 mỗi năm. Đứng thứ 2 là công việc sản xuất nội dung quảng cáo và truyền thông tiếp thị liên quan đến sức khoẻ, với mức thù lao là $114.500/năm.

Cần điều kiện gì để trở thành một cây viết về sức khoẻ?

Bạn không cần phải xuất thân từ môi trường Y Dược hay có bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ để trở thành cây viết về sức khoẻ. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực đặc thù với tính chất thông tin chuyên sâu, khoa học và yêu cầu khắt khe từ khách hàng, độc giả. Do đó, bạn cần 2 “phẩm chất” sau để làm tốt công việc này.

Thứ nhất, bạn cần có kiến thức về sức khỏe. Cung cấp thông tin về sức khoẻ nghĩa là bạn đang góp phần cải thiện hoặc phá huỷ tài sản quý giá nhất của độc giả. Vì vậy, bạn phải hiểu rõ vai trò của các chất dinh dưỡng trước khi đặt bút viết bài về chủ đề chế độ ăn uống cho người tiểu đường. Bạn cần nắm rõ cấu tạo của làn da và thành phần của mỹ phẩm nếu muốn sáng tạo nội dung quảng bá cho một thương hiệu về mỹ phẩm.

Thứ hai, bạn phải thuần thục phong cách diễn đạt dễ hiểu, gần gũi. Cây viết về sức khoẻ là cầu nối giữa các chuyên gia Y học với độc giả. Do đó, nhiệm vụ của người viết là biến những thông tin sức khoẻ khó hiểu trở nên đơn giản, sinh động và dễ nhớ. Nếu không thể làm được điều này, bạn sẽ không trở thành cây viết về sức khoẻ xuất sắc.

Cách trau dồi kiến thức và kỹ năng cho cây viết về sức khoẻ

Kiến thức sức khoẻ rất rộng lớn và liên tục thay đổi. Là một người viết hoạt động trong lĩnh vực này, bạn cần rèn luyện kỹ năng tìm kiếm thông tin, đọc hiểu thuật ngữ chuyên ngành và liên tục cập nhật kiến thức để không bị tụt hậu. Hãy đầu tư thời gian để nghiên cứu những nguồn tin uy tín, chăm chỉ đọc báo ngành để cập nhật kiến thức. Bạn cũng có thể tham gia các khoá học online về sức khoẻ trên Future Learn hoặc Coursera để bồi đắp thêm kiến thức.

Bên cạnh đó, bạn cũng nên rèn luyện đức tính tỉ mỉ và tư duy logic. Hai điều này thể hiện trong cách bạn tìm kiếm thông tin, nghiên cứu tài liệu, sắp xếp dàn ý và xâu chuỗi nội dung trong bài viết. Tất cả sẽ khiến bài viết của bạn dễ hiểu, dễ ghi nhớ. Ngoài ra, sự tỉ mỉ và logic cũng giúp bạn xây dựng thương hiệu cá nhân, bồi đắp lòng tin của độc giả và thành công nhanh hơn so với các cây viết khác.

3 tiêu chí đánh giá một bài viết về sức khoẻ chất lượng

Ngay từ những ngày đầu tiên, mình đã tự đặt ra 3 tiêu chí cho các bài viết về sức khoẻ. Những tiêu chí này giúp bài viết của mình không chỉ chạm tới “nỗi đau” của độc giả mà còn được những người có chuyên môn sâu về sức khoẻ ủng hộ.

Tiêu chí thứ nhất, giống như tất cả lĩnh vực khác, một bài viết chất lượng phải mang lại giá trị cho độc giả. Những gì bạn chia sẻ phải cung cấp thông tin hữu ích, thay đổi quan điểm sai lầm hoặc hướng dẫn độc giả thực hiện một quy trình nào đó. Một bài viết lửng lơ, không đầu không cuối với mục đích câu like, giật tít chắc chắn không thể trở thành một nội dung chất lượng.

Thứ hai, thông tin trong bài viết phải chính xác. Đây là tính chất riêng, đặc thù cho nội dung trong lĩnh vực sức khoẻ. Ngoài ra, nội dung bạn chia sẻ phải có tính cập nhật vì thông tin sức khoẻ liên tục thay đổi. Bạn không thể đưa đến cho độc giả những thông tin lỗi thời từ nhiều năm trước, thậm chí đã sai lầm so với nền y học hiện đại.

Và cuối cùng, thông điệp sức khoẻ mà bạn muốn gửi tới độc giả phải cụ thể, thực tế và dễ áp dụng. Bạn không thể khăng khăng khuyên một bà mẹ đang điều trị kháng sinh tiếp tục cho con bú chỉ vì sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất. Bạn cũng không nên đưa ra lời khuyên hời hợt như “hãy ăn nhiều rau xanh để phòng tránh ung thư”. Thay vào đó, bạn hãy đưa ra một con số cụ thể, ví dụ 2 bát con rau củ mỗi ngày, để người đọc dễ dàng áp dụng.

Quy trình sáng tạo nội dung về sức khoẻ

Vậy làm sao để bạn sáng tạo một bài viết về sức khoẻ chất lượng? 8 bước sau đây sẽ giúp bạn làm được điều đó. Đây cũng là những bước mà mình đã áp dụng để tạo ra các sản phẩm cho cá nhân và khách hàng.

Bước 1. Tìm kiếm ý tưởng

Để sản xuất được một bài viết có giá trị, ý tưởng của bạn phải đánh trúng vào tâm tư của độc giả. Ý tưởng đó phải bắt nguồn từ sự tò mò, lo lắng, sợ hãi hoặc băn khoăn, thắc mắc của độc giả về một vấn đề sức khoẻ nào đó. Ngoài ra, ý tưởng cũng phải phù hợp với độc giả mục tiêu mà bạn hướng tới. Trong phần tiếp theo, mình sẽ hướng dẫn bạn cách tìm kiếm và khai thác ý tưởng để không còn phải đau đầu vì ăn trái “bí” nữa.

Bước 2. Tìm đọc tài liệu sơ bộ

Tìm đọc tài liệu trước khi viết bài giúp bạn hình dung rõ ràng cách tư duy, lập luận và lên dàn ý cho bài viết. Bước tìm kiếm tài liệu này cũng cho bạn thấy mức độ mới lạ của nội dung bạn sắp sản xuất. Ý tưởng này đã được các đối thủ khác viết chưa, họ khai thác ý tưởng theo khía cạnh nào, bạn có thể đem lại điều gì mới mẻ và hữu ích hơn cho độc giả? Đó là những câu hỏi bạn cần trả lời trong quá trình tìm đọc tài liệu sơ lược.

Bước 3. Lập dàn ý

Lập dàn ý hỗ trợ bạn tư duy logic, lập luận chặt chẽ, từ đó người đọc sẽ tiếp nhận và ghi nhớ thông tin dễ dàng, nhanh chóng hơn. Ngoài ra, bước này còn giúp bạn không bị bỏ sót ý và tránh viết lan man, dài dòng. Bên cạnh đó, rất nhiều khách hàng yêu thích và yêu cầu bạn lập dàn ý trước khi viết. Việc thống nhất dàn ý với khách hàng sẽ đảm bảo được chất lượng nội dung, đáp ứng đúng nhu cầu của khách đồng thời tiết kiệm thời gian chỉnh sửa bài viết.

Bước 4. Tìm kiếm tài liệu chuyên sâu và viết

Trước tiên, bạn có thể tìm kiếm thêm những con số, bài báo, nghiên cứu khoa học chuyên sâu hoặc lời nhận xét, bình luận của một chuyên gia nổi tiếng để củng cố tính chính xác và thuyết phục cho bài viết. Sau đó, bạn hãy bắt tay vào viết liên tục, không đọc lại, không chỉnh sửa. Cứ viết hết những gì bạn nghĩ, bỏ qua lỗi chính tả, ngữ pháp hay diễn đạt. Viết liên tục giúp mạch cảm xúc, tư duy không bị ngắt quãng, bạn sẽ tập trung và viết được nhanh hơn.

Bước 5. Biên tập nội dung

Như mình đã nói ở bước 4, bạn không nên vừa viết vừa chỉnh sửa. Hãy viết một lèo rồi biên tập sau. Tại bước 5 này, bạn hãy đọc lại bài viết và chỉnh sửa các lỗi chính tả, diễn đạt, lặp từ và cách trình bày. Bạn có thể lựa chọn và thay thế từ ngữ đắt giá hơn. Cũng có thể bạn sẽ phải xoá đi và viết lại một vài đoạn. Mình cũng sử dụng bước này để chỉnh sửa bài viết sao cho đạt được điểm SEO tối ưu.

Bước 6. Tìm kiếm và thiết kế hình ảnh

Hình ảnh minh hoạ giúp bài viết dễ đọc, dễ hiểu và dễ ghi nhớ, đặc biệt trong lĩnh vực sức khoẻ khó nhằn. Mặt khác, hình ảnh đẹp sẽ thu hút độc giả và thể hiện sự chuyên nghiệp của bạn. Mình luôn ưu tiên tự thiết kế hình ảnh để lột tả chính xác nội dung bài viết và đóng mác thương hiệu cá nhân. Hai công cụ mình sử dụng để chỉnh sửa và thiết kế hình ảnh là Canva và Paint. Ngoài ra, những kho ảnh miễn phí như Freepik, Pixabay, Unsplash, Pexels… cũng rất hữu ích.

Bước 7. Xuất bản công khai

Để chính thức trở thành một cây viết, bạn cần xuất bản công khai bài viết của mình. Những sợ hãi, lắng lo khi lần đầu tiên bấm nút đăng tải có thể đáng sợ nhưng nếu không vượt qua, bạn sẽ chỉ là người viết nhật ký chứ không phải cây viết chuyên nghiệp. Bạn nên công khai bài viết của mình trên Facebook, fanpage hoặc website cá nhân. Bạn cũng có thể chia sẻ bài viết vào các hội nhóm có độc giả mục tiêu hoặc gửi đăng trên các website khác.

Bước 8. Đón nhận phản hồi

Đăng tải bài viết không có nghĩa là hoàn thành. Với người viết, sau khi xuất bản nội dung, bạn cần đón nhận phản hồi từ độc giả. Bước hậu kỳ này sẽ giúp bạn cải thiện chất lượng nội dung, xem xét bài mình viết còn thiếu sót chỗ nào, vấp phải những lỗi gì. Những bình luận của độc giả cũng sẽ gợi mở cho bạn nhiều ý tưởng mới mẻ, hấp dẫn. Ngoài ra, việc lắng nghe họ cũng cho bạn cơ hội để tự hào về những gì bạn đã làm được. Vì thế, hãy mở rộng đôi tai và tâm hồn để đón nhận phản hồi từ khán giả của bạn.

Cách tìm kiếm ý tưởng cho nội dung về sức khoẻ

Tìm kiếm ý tưởng là vấn đề sống còn đối với người viết. Bạn sẽ không tránh khỏi những lúc đầu óc trở nên trống rỗng và tắc tịt. Những lúc như vậy, bạn hãy áp dụng 7 bí quyết dưới đây.

Soi chiếu bản thân để tìm kiếm ý tưởng

Không cần tìm kiếm đâu xa, những ý tưởng tuyệt vời có thể xuất phát từ chính bản thân bạn. Bạn đang tò mò về các loại vaccine COVID-19 vì sắp đến lượt tiêm phòng? Vậy hãy tìm hiểu và viết bài về chủ đề này. Bạn thắc mắc không biết có nên cho đứa con 4 tháng tuổi của mình ăn sữa chua hay không? Vậy thì bắt tay vào tìm đọc và viết ngay thôi. Hãy liên tục thắc mắc, tò mò và đặt câu hỏi về những vấn đề mà bạn gặp phải trong cuộc sống. Bạn sẽ sớm nhận ra bản thân mình là một kho tàng ý tưởng khổng lồ như thế nào.

Ý tưởng từ bạn bè và gia đình

Những người xung quanh là nguồn ý tưởng vô hạn mà bạn có thể tận dụng. Đặc biệt càng về sau, khi bạn đã gây dựng được tầm ảnh hưởng, mọi người sẽ quan tâm và chủ động gửi thắc mắc tới bạn nhiều hơn.

Khi bạn của mình băn khoăn về lịch tiêm chủng lúc mang thai, mình viết cuốn ebook Tiêm chủng cho mẹ bầu. Sau khi cuốn sách được xuất bản, nhiều bạn bè khác chủ động đề xuất ý tưởng cho mình. Có người muốn biết thêm về dinh dưỡng trong thai kỳ, có bạn lại cần tìm hiểu về tiêm chủng cho trẻ em…

Lắng nghe độc giả của bạn

Không có gì tuyệt vời hơn việc bạn tìm kiếm ý tưởng từ chính độc giả mục tiêu của mình. Những ý tưởng này sẽ chạm được đúng vào “nỗi đau” của người đọc, giúp nội dung lôi cuốn và hữu ích hơn. Bạn có thể “nằm vùng” trong các diễn đàn, hội nhóm trên mạng xã hội có độc giả mục tiêu. Ngoài ra, độc giả sẽ chủ động bày tỏ tâm tư của họ với bạn trong phần bình luận, phản hồi bài viết.

Học hỏi ý tưởng từ “đối thủ”

Đối thủ ở đây là các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp… có cùng chủ đề viết giống bạn. Bạn có thể tận dụng những ý tưởng của họ để sáng tạo nội dung cho riêng mình. Nhưng lưu ý rằng bạn chỉ tận dụng chứ đừng ăn cắp, hãy tìm những điểm mà đối thủ chưa khai thác trong bài. Ví dụ, mình thấy đối thủ viết bài “Đậu nành không gây ung thư”, mình nảy ra ý tưởng “Minh oan cho đậu nành”. Bài viết của đối thủ tập trung chứng minh đậu nành không gây ung thư, còn nội dung của mình rộng hơn, trình bày về những định kiến sai lầm của độc giả về món ăn này.

Hoà mình vào dòng chảy của xã hội

Cách tìm kiếm ý tưởng tiếp theo là quan sát những sự kiện nổi bật trong cuộc sống và những ngày kỷ niệm trong năm để nắm bắt sự quan tâm, tò mò của độc giả. Khi dịch COVID-19 bùng nổ trở lại, mình viết bài về chủ đề đeo khẩu trang đúng cách. Trong ngày 20/10, mình xuất bản bài viết “Những bệnh lý ung thư phổ biến ở phụ nữ Việt Nam”… Đây là cách thông minh và khéo léo để bạn hoà mình vào dòng chảy của xã hội.

Theo dõi và đọc báo ngành nhiều hơn

Báo ngành là những trang thông tin có nội dung sức khoẻ chất lượng, cập nhật liên tục. Theo dõi báo ngành không chỉ giúp bạn thường xuyên cập nhật tin tức trên toàn thế giới mà còn gợi cho bạn rất nhiều ý tưởng thú vị. Trong phần tiếp theo, mình sẽ tổng hợp những website uy tín để bạn theo dõi và tìm kiếm tài liệu.

Tái sử dụng nội dung

Đôi khi bạn không cần sáng tạo một nội dung hoàn toàn mới mà chỉ cần nhào nặn, xào nấu lại nội dung cũ. Bạn có thể thay đổi định dạng nội dung bằng cách chuyển bài viết thành podcast, video, infographic… Bạn cũng có thể tổng hợp hoặc bổ nhỏ những chủ đề đã viết.

Ví dụ, bạn viết bài “Bí quyết chăm sóc sức khoẻ mùa COVID-19”, trong đó tổng hợp 3 bài bạn đã viết: cách rửa tay, cách đeo khẩu trang, dinh dưỡng tăng cường sức đề kháng. Hoặc với bài viết “5 công thức món ăn giúp trẻ mau khỏi ốm”, bạn có thể viết chi tiết hơn về 1 món ăn, chú trọng phân tích vai trò của từng nguyên liệu, cách chế biến và hàm lượng dinh dưỡng.

Nguồn tài liệu uy tín để tìm kiếm thông tin về sức khoẻ

Nhiều cây viết về sức khoẻ thường bối rối không biết tìm kiếm nguồn thông tin chính xác, uy tín ở đâu giữa vô vàn trang báo tiếng Việt, tiếng Anh khác nhau. Nếu bạn cũng cảm thấy như vậy thì hãy ghim ngay 10 website dưới đây.

  • WebMD: Đây là trang tin về sức khoẻ được viết bởi các chuyên gia Y tế và cây viết có nhiều năm kinh nghiệm. Trang tin này dễ đọc, dễ hiểu và cập nhật hàng ngày, giúp bạn có thêm nhiều ý tưởng.
  • Healthline: Cũng giống như WebMD, Healthline là website rất phù hợp với những cây viết mới. Kiến thức gần gũi, dễ hiểu cùng với hình ảnh minh hoạ rõ ràng, đẹp mắt chính là điểm cộng lớn của trang tin này.
  • Medscape: Website này là nguồn kiến thức khổng lồ với rất nhiều chuyên ngành được phân loại cụ thể, rõ ràng, giúp bạn tìm kiếm thông tin nhanh chóng, thuận lợi.
  • Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ: Nếu bạn lựa chọn sức khoẻ trẻ em là lĩnh vực ngách thì đừng bỏ qua website của Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ. Điểm tuyệt vời của website này là nội dung được phân loại theo lứa tuổi và chủ đề nên rất dễ tra cứu.
  • Hội đồng Ung thư Úc: Đây là tổ chức từ thiện vì bệnh nhân ung thư với hơn 50 năm hoạt động. Bạn có thể dễ dàng tra cứu thông tin về tất cả bệnh lý ác tính tại đây, dưới nhiều hình thức: bài viết, ebook, podcast. Điều tuyệt vời là kiến thức ở website này dành cho bệnh nhân và người nhà nên rất dễ đọc, chi tiết và được trình bày bắt mắt.

  • Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC): Không chỉ có kiến thức về các bệnh lý truyền nhiễm, CDC còn là trang tin tuyệt vời về nhiều vấn đề sức khoẻ phổ biến trong cộng đồng như tiêm chủng, chăm sóc răng miệng, đái tháo đường, ung thư… Kiến thức ở đây không quá chuyên sâu nhưng rất chi tiết, logic và được trình bày đẹp mắt.
  • Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS): Tương tự CDC, trang web của Dịch vụ Y tế Quốc Gia Anh cũng là kho kiến thức khổng lồ và chất lượng để bạn tìm đọc thông tin sức khoẻ về nhiều chủ đề khác nhau.
  • Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA): Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ là một nguồn tin uy tín, giúp bạn tìm kiếm thông tin về thuốc, thực phẩm chức năng, đồ ăn, thức uống, vaccine, thuốc lá, mỹ phẩm…
  • Tổ chức Y tế Thế giới (WHO): Nếu cần tìm một nguồn tin chính thống, bạn đừng bỏ qua trang web của Tổ chức Y tế Thế giới. Bạn sẽ tìm thấy ở đây rất nhiều số liệu thống kê và dịch tễ học hữu ích. Bên cạnh đó, WHO còn chia sẻ nhiều ebook sức khoẻ miễn phí cũng như những chính sách chăm sóc sức khoẻ cho từng khu vực, vùng miền trên khắp thế giới.
  • NCBI: Đây là kho tàng các bài báo và nghiên cứu khoa học trên khắp thế giới. Kiến thức ở đây chuyên sâu và học thuật nhưng rất hữu ích khi bạn muốn tìm kiếm số liệu để tăng tính logic và thuyết phục cho bài viết. Bên cạnh đó, phần tổng quan (Abstract) trong các nghiên cứu thường tập hợp nhiều thông tin giá trị, giúp bạn giảm bớt thời gian tìm kiếm.

3 cách cải thiện năng suất sáng tạo nội dung về sức khoẻ

Lúc mới bắt đầu, bạn sẽ mất khá nhiều thời gian để hoàn thành một bài viết. Lúc này, bạn có thể cảm thấy mệt mỏi và nản chí. Tuy nhiên, điều đó rất bình thường vì bạn phải xử lý khối lượng kiến thức vừa khó nhằn ,vừa rộng lớn. Sau này, khi đã quen và tích luỹ đủ kiến thức, năng suất làm việc của bạn sẽ được cải thiện. Ngoài ra, bạn cũng có thể áp dụng một vài bí quyết cải thiện năng suất viết bài sau đây.

Tập trung vào 1-2 chủ đề nội dung

Kiến thức sức khoẻ rất rộng nên bạn không thể bao quát tất cả chủ đề. Thay vì chủ đề nào cũng động bút, bạn hãy lựa chọn và tập trung phát triển 1-2 lĩnh vực. Bạn có thể viết về dinh dưỡng, vận động, sức khoẻ phụ nữ, trẻ em hoặc da liễu… Sự chuyên môn hoá giúp bạn tích luỹ kiến thức để viết sâu và chất lượng hơn.

Viết ngay sau khi tìm đọc tài liệu

Sau khi nghiên cứu quá nhiều tài liệu về sức khoẻ, bạn có thể cảm thấy choáng ngợp và đau đầu, khiến bạn dễ nản chí, chỉ muốn buông vội laptop để đứng dậy cho bộ não nghỉ ngơi rồi ngày mai viết tiếp. Tuy nhiên, khi quay lại, bạn sẽ quên hết những gì đã đọc từ hôm trước. Do đó, mình thường tìm kiếm thông tin, lên dàn ý và viết bài ngay trong 1 ngày để không bị quên thông tin. Sau đó, nếu cảm thấy đầu óc quá căng thẳng, mình sẽ quay lại biên tập bài viết vào ngày hôm sau rồi mới đăng bài.

Quản lý thời gian cho từng bước

Để tăng năng suất làm việc, mình thường thiết lập thời gian cho từng bước sáng tạo nội dung. Ví dụ, với một bài viết 1000-1500 chữ, mình sẽ tìm kiếm thông tin và lên dàn ý trong 30 phút. Sau đó viết liên tục trong 60 phút và dành 30 phút tiếp theo để chỉnh sửa nội dung kết hợp với thiết kế hình ảnh. Cách này giúp mình nâng cao sự tập trung, tiết kiệm thời gian và tăng năng suất làm việc.

Chiến lược tìm kiếm khách hàng cho cây viết tự do về sức khoẻ

Làm sao để tìm kiếm và tiếp cận thành công khách hàng là mối quan tâm hàng đầu của các cây viết tự do. Thông thường, bạn có thể tìm thấy khách hàng trong lĩnh vực sức khoẻ thông qua 3 nguồn:

  • Các tin tuyển dụng trong hội nhóm, diễn đàn, website tuyển dụng. Những tin tuyển dụng này rất nhiều nhưng mức nhuận bút thường không cao và có thể bị lừa đảo.
  • Tự tiếp cận và chào thầu khách hàng thông qua email.
  • Thông qua sự giới thiệu, kết nối với các cây viết tự do khác.

Thời gian đầu khi tìm kiếm công việc viết lách tự do, mình sử dụng cách thứ hai. Mình đã gửi email chào thầu cho khoảng 20 khách hàng khác nhau. Nhưng thật đau lòng, mình không nhận được bất kỳ lời hồi đáp nào. Thời điểm đó mình khá chán nản vì rõ ràng mình đã đầu tư viết email tử tế và nghiên cứu kênh truyền thông của từng khách hàng cẩn thận trước khi ấn nút “send”. Tuy nhiên, sau vài ngày ổn định cảm xúc, mình bình tĩnh nhìn lại và nhận ra những sai lầm của bản thân. Tiếp đó, mình tìm cách khắc phục. Kết quả là chỉ sau 2 tuần, mình có được 3 khách hàng đầu tiên. Vậy mình đã sai ở đâu và làm những gì để cải thiện?

Ngắm trúng khách hàng phù hợp

Sai lầm khi đó của mình là tiếp cận những khách hàng không phù hợp. Có khách hàng quá lớn, vượt quá khả năng của mình lúc mới bắt đầu. Có khách hàng quá non trẻ, chưa cần tới sự giúp đỡ của các cây viết tự do để phát triển nội dung. Do đó, điều mình học được là phải xác định đúng tệp khách hàng mục tiêu trước khi lên kế hoạch tiếp cận họ. Khách hàng đó có cùng định hướng nội dung mà bạn mong muốn phát triển không? Năng lực hiện tại của bạn có đáp ứng được nhu cầu của họ không? Bạn mang lại những lợi ích gì cho họ? Đó là các tiêu chí mà bạn cần tự hỏi, tự trả lời trước khi chủ động tiếp cận với khách hàng.

Tạo ra sản phẩm chất lượng

Sản phẩm chất lượng là những bài viết bạn đã chuẩn bị cẩn thận, là cuốn ebook bạn đầu tư kỹ càng hoặc một video bạn dày công thiết kế… Sáng tạo sản phẩm chất lượng là cách bạn chủ động chứng minh năng lực, thể hiện sự chuyên nghiệp và tăng tỷ lệ thuyết phục khách hàng thành công. Bên cạnh đó, bạn cũng không cần mất thời gian làm bài test đầu vào khi đã có sẵn những nội dung chất lượng.

Kết nối với các cây viết tự do khác

Networking cực kỳ quan trọng với người viết tự do. Kết nối không chỉ giúp bạn học hỏi mà còn cho bạn cơ hội việc làm tuyệt vời. Ba khách hàng đầu tiên của mình đều bắt nguồn từ mạng lưới networking chất lượng với các cây viết tự do. Chỉ cần bạn thể hiện được năng lực và sự cầu tiến của bản thân, những cây viết khác sẽ gợi ý và giới thiệu công việc phù hợp cho bạn. Vì thế, hãy kết nối và xây dựng networking ngay từ hôm nay bạn nhé.

Cách tạo portfolio ấn tượng trong lĩnh vực sức khỏe

Giai đoạn đầu, mình tạo portfolio bằng một bản thuyết trình với hình chụp bài viết hoặc đính kèm link tới các nội dung mình từng sáng tạo. Tuy nhiên, kết quả không được hồi đáp trong 1 tháng đầu tiên chính là minh chứng rằng cách thức này không hiệu quả.

Hiện nay, mình đang sử dụng portfolio là website cá nhân. Cách này vừa tận dụng được blog mà bạn đã mất công xây dựng vừa giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận và đánh giá năng lực của bạn. Cụ thể, mình đã xây dựng riêng chuyên mục Dịch vụ viết chuyên nghiệp trên website. Tại đó, mình giới thiệu bản thân và các chủ đề nội dung mình có kinh nghiệm viết. Mình cũng chú trọng làm nổi bật những lợi ích và giá trị có thể đem lại cho khách hàng. Ngoài ra, mình đính kèm bài viết minh hoạ theo từng chủ đề để khách hàng dễ dàng tìm đọc và đánh giá. Bên cạnh đó, để nâng cao uy tín của bản thân, mình liệt kê thêm danh sách các khách hàng đã từng cộng tác. Cuối cùng, mình kết lại portfolio bằng một câu “Call To Action” và cách thức liên hệ.

Cộng đồng hữu ích dành cho cây viết về sức khoẻ

Điều quan trọng nhất mình muốn chia sẻ với bạn về hành trình viết lách tự do là “Để thành công, hãy đứng trên vai người khổng lồ”. Người khổng lồ chính là những cây viết có kinh nghiệm đi trước. Họ sẽ chỉ có bạn hướng đi đúng đắn để bạn rút ngắn khoảng cách bước tới thành công. Họ giúp bạn tránh khỏi những tảng đá ngáng đường và cũng sẽ là người sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ và hỗ trợ bạn.

Để tìm thấy những “gã khổng lồ” như vậy, bạn nên tham gia vào các hội nhóm cây viết tích cực. Đó là những cộng đồng hữu ích, thân thiện chứ không phải quảng cáo hay “ném đá hội nghị”.

Cộng đồng dành riêng cho các cây viết về sức khoẻ

Cộng đồng cây viết về sức khoẻ là cộng đồng đầu tiên dành riêng cho các cây viết về sức khoẻ tại Việt Nam do mình lập ra. Mình mong đây là nơi tụ họp của các cây viết tử tế, giúp mọi người cùng nhau chia sẻ, học tập và sống tốt hơn với công việc này.

Cộng đồng chung cho người sáng tạo nội dung

  • Con đường trở thành Freelance Writer hoặc website Viết lách kiếm tiền: Đây là cộng đồng giúp sức cho mình nhiều nhất trong suốt 2 năm qua. Với những chia sẻ của các cây viết đi trước, mình đã biết chuẩn bị sẵn sàng và bước đi vững vàng hơn trên hành trình viết lách tự do.
  • Xây dựng sự nghiệp từ viết lách: Thêm một cộng đồng thân thiện để bạn bỏ túi nhiều bí quyết xây dựng sự nghiệp viết lách tự do. Group này cũng có nhiều thử thách thú vị như viết liên tục 21 hoặc 90 ngày và những cơ hội việc làm, giveaway hấp dẫn.
  • Lá storyteller: Mình thường khuyên các cây viết chưa có kỹ năng diễn đạt nuột nà tham gia group này, đặc biệt là những người xuất thân từ môi trường khoa học, quen sử dụng lối viết học thuật. Mặc dù không liên quan tới sức khoẻ nhưng các bí quyết viết bài trong cộng đồng này chắc chắn sẽ giúp bạn rèn luyện khả năng diễn đạt mượt mà, uyển chuyển và thu hút.

 

Viết về sức khoẻ là vùng đất màu mỡ cho bạn dấn thân và phát triển. Bạn hoàn toàn có thể sống tốt với công việc này. Tuy nhiên, chính vì rất hấp dẫn nên đây cũng là lĩnh vực có tính cạnh tranh vô cùng lớn. Do đó, bạn cần chuẩn bị một chiến lược rõ ràng và liên tục mài giũa ngòi bút cũng như các kỹ năng bên lề để trở nên nổi bật và thành công.

Hạnh Trang