Giả kim thuật trong viết – Phần 4: Đi tìm Guru của bạn

Ở bất cứ ngành nghề gì, đối với nhiều người, khi vẫn đang phải đốt đuốc dò đường mà có cho mình một mentor thì chẳng khác gì đã đào trúng mỏ vàng. Nếu mentor của bạn lại là “Guru” trong lĩnh vực đó thì không còn gì tuyệt vời hơn.

Chính kiến thức cùng kinh nghiệm, lòng nhiệt huyết và niềm đam mê của họ giúp ta đỡ phải dò dẫm vụng về. Đáng quý hơn nữa là thời gian. Có ai thích phận dã tràng xe cát biển đông vận vào đời mình? Cực nhọc mà hiệu quả thu về chẳng được là bao.

Thực tế là phần đông ngoài kia không có được may mắn đó, chúng ta vẫn phải tự mình bước những bước đi đầu tiên, nhưng sâu thẳm bên trong, ước nguyện tìm được Guru của mình vẫn còn đâu đó. Thế rồi, ngẫm tới ngẫm lui, cái ngày ta quyết “nhảy” vào biển chữ nghĩa cũng là lúc ta đã hạ quyết tâm nếu không nổi danh thiên hạ (hoặc ít nhất là nổi trong một cộng đồng) thì thật không đáng tiền ăn học.

Nhiều sách chuyên môn đã được đọc. Có những cuốn lật đi lật lại đến sờn cả gáy. Những bản photocopy in ra lâu đến mức màu trắng ngày nào giờ được thay bằng bát cháo lòng của thời gian. Ta đăng ký hết khoá học viết này, đến tham gia hàng tá group về content khác. Tới workshop, giao lưu, chia sẻ với những người tên tuổi trong nghề nhằm được chú ý, cọ xát, học tập mà thu lấy ít nhiều kinh nghiệm. Có những người đã lớn lên trên hành trình đó. Cũng không ít kẻ phải chết đuối giữa đường vì sức người thì có hạn mà… Than ôi! Cái đại dương này sao mà sâu và rộng đến thế?

Nguồn: Pexels

Hèn như mình còn có cả những lúc tặc lưỡi lấp liếm, thôi chắc viết lách không phải dành cho mình, cố đu theo nữa có mà chết đói. Khi xưa các cụ viết nếu không để tiêu khiển hoặc giúp đời, cầu danh, thì cũng ít khi nào nghĩ tới tiền mà. Ừ, nếu chịu dừng ở đó thì chắc hẳn đã không có bài viết này. Bởi lại có những thời điểm ta lại thấy một người mà mọi trí tuệ, tâm huyết, tầm nhìn của họ trong mỗi bài viết đều tương đồng với ý tưởng của chúng ta. Họ và ta, cứ ngỡ đồng thanh nên nay mới tương ứng, đồng khí vậy giờ mới tương cầu. A! Người này sẽ là thầy của mình. Bạn nhanh chóng tìm cách xuất hiện trong cuộc sống của họ để kiếm cơ hội bày tỏ: Dường như với tôi thầy là thầy hoàn hảo. Tôi đã tìm thầy lâu lắm rồi, xin hãy nhận tôi làm học trò.

Nếu bạn từng bị từ chối, hoặc trớ trêu hơn là sau khi thầy trò “lỡ” nhận mặt nhau mà chợt nhận ra họ không phải thầy mình tìm, thì nhớ rằng ở góc độ của bạn đã từng mong muốn có một người thầy hoàn hảo, góc độ ông ấy, ông ấy cũng yêu cầu một người đệ tử hoàn hảo.

Khi học trò đã sẵn sàng, người thầy sẽ xuất hiện. (When the student is ready, the teacher appears).

Khi học trò đã sẵn sàng, người thầy sẽ xuất hiện. (When the student is ready, the teacher appears).

Từ sẵn sàng cho rằng, bạn sẽ không thể tìm thấy mentor của mình nếu như trong bạn không có tính đệ tử. Điều xảy ra là thế giới có nhiều thầy giáo ngoài kia, nhưng không phải ai cũng là thầy của bạn. Họ có thể chỉ cho bạn công thức áp dụng và thấy ngay kết quả đấy nhưng cuộc sống (bao gồm cả lĩnh vực content) thì rộng lớn thế, ai mà học hết cho được. Chưa kể, viết mãi một màu, bạn như thể một đầu bếp bị thực khách (độc giả) của mình “nắm thóp”. Thế rồi, bạn bắt đầu đứng núi này, trông núi nọ mà than: Ước gì mình học được tuyệt chiêu của người kia.

Vậy thế nào là một người có tính đệ tử? Với bà Curie, điều đã xảy ra là khi bà ấy biết được quá trình của trực giác. Bà đã từng thành công khi cố giải một bài toán hóc búa mà suốt 3 năm trời không thể đưa ra được đáp án. Lần sau, mỗi khi bà ấy có vấn đề cần giải quyết, bà ấy lại nghĩ. “Sao phải lo nghĩ về nó và sao lại cố? Đi ngủ đi cho rồi”. Bà ấy ngủ ngon, nhưng đã không có giải pháp nào cả vào sáng hôm sau. Thế là bà ấy đâm ra phân vân? Điều gì đã bị bỏ lỡ. Đúng, phải có bước nào đó không được thực hiện, một nghi thức chăng? Sự tìm kiếm.

Nỗ lực của bạn cần được dùng đến khi hoàn toàn bị cạn kiệt, khi không còn bất kỳ một phương cách nào hữu hiệu trong khả năng mà bạn có thể nghĩ. Thế rồi, một khoảnh khắc loé sáng nào đó bất chợt xảy đến. Khoảnh khắc của Eureka. Cùng nghi thức đó, Acsimet tìm ra định luật mang tên mình trong khi người ngợm thì gầy sọp đi, hai mắt hõm sâu, đôi lông mày thì luôn nhíu lại, và thậm chí còn chẳng có mảnh vải che thân.

Bản thân mình trong quá trình đi tới quyết định nghỉ công việc Marketing, cũng trải qua những lúc thất vọng về bản thân, rồi hoang mang tới tuyệt vọng. Hoang mang chứ. 4 năm đại học chuyên ngành Truyền thông Marketing. Thêm 4 năm nữa từ Nam ra Bắc rồi lại ngược vào Nam lăn lộn trong tập đoàn truyền thông lớn. Thế mà sau nhiều lần không dám đối mặt, mình phải đi tới kết luận, mình với Marketing chỉ là bạn thân được thôi, không làm người yêu nổi.

Nguồn: Pexels

Cảm giác đó vừa tiếc quãng thời gian quá khứ, vừa lo vừa sợ giáp mặt tương lai mịt mờ sắp tới. Đã không biết bao nhiêu anh chị gõ cửa để hỏi: Hình như, mọi người là thầy của em phải không? Có những người đưa ra lời khuyên, có người cũng hứa hẹn lần tới gặp cafe xem sao? Nhưng không một cuộc tình nào bén duyên. Mình vẫn rất biết ơn họ, có những người dù chưa một lần gặp mặt, thậm chí là lần đầu tiên inbox trên Facebook, mà đã dành thời gian quý báu để nghe mình huyên thuyên kể chuyện. Thế rồi trong lúc tuyệt vọng nhất, mọi câu hỏi mình đặt ra trước đó, hay thậm chí cả những điều chưa từng nghĩ tới lại được giải đáp bởi một người theo cách mà không logic nào lý giải được. Cứ như nó vẫn luôn ở đó, bày sẵn cho mình rồi, chỉ đến khi cái đầu bị chặt bỏ, không lời khuyên nào được cần tới, không cuộc trò chuyện nào có thể diễn ra. “Lên đây đi em”. Chỉ vài chữ ngắn ngủn vậy. Thế rồi mình rơi vào người thầy tiếp theo và người thầy cũng rơi vào chính đệ tử này. Hai tâm hồn đều mở cửa, Eureka xảy ra.

Quay trở lại câu chuyện viết, tới giờ số chữ của các bài viết chất lượng mình sưu tầm từ khắp nơi có thể lên tới cả triệu chữ. Từ thầy Nguyễn Đức Sơn (người đầu tiên mình học và làm việc chuyên nghiệp về chữ), nhà biên kịch Bình Bồng Bột, nhà báo Đinh Đức Hoàng, rất nhiều người bạn của mình không tiện nhắc tên nữa. Vào nhà hàng của họ cứ như thể bạn đang tham dự tiệc buffet về nội dung. Toàn sơn hào hải vị, chỉ sợ bạn không đủ sức mà ăn thôi.

Đọc nhiều, phân tích cách mọi người dùng câu cú đến độ sụp cả mắt. Có những lúc nhìn những cuốn sách, giấy bút, máy tính, chán ngán chỉ muốn vứt quách đi cho rồi. Bạn đừng nghĩ mình làm vậy để biến việc viết thành nghề chính thay nghiệp Marketing. Không. Tới giờ viết với mình vẫn là một sở thích, viết khi có hứng nhiều hơn là phải ngồi vào bàn tìm cách kiếm được tiền từ nó. Có lẽ vì vậy mình không phải chịu nhiều áp lực dưới ngòi bút như các bạn Content Writer ngoài kia. Nhưng không ai cầu học mà không trải qua việc tìm kiếm thầy cả. Người thầy là cần thiết để dìu dắt bạn đi trong đêm tối, khi bạn hoang mang thế, hoặc khi bạn bị mê man trong cơn say chiến thắng, thầy sẽ ở đó để bạn tỉnh táo. Cơ mà bạn nghĩ thầy là tất cả, thế thì bạn đã bị giới hạn bởi một người.

“Một gia đình nọ có nghề truyền thống là trộm cắp. Để ý thấy người cha đã già và sắp sửa về hưu và đứa con hỏi: “Trước khi bố về hưu, hãy dạy con nghề của bố”. Người cha đồng ý, và đêm đó họ cùng nhau bẻ khoá vào một nhà.

Mở chiếc rương lớn ra, người cha bảo đứa con chui vào và lấy quần áo ra. Ngay khi đứa con chui vào bên trong, người cha khoá trái chiếc rương lại và rồi gây nhiều tiếng động để cho cả nhà bị thức dậy. Thế rồi ông ta lặng lẽ chuồn đi.

Kiểu dạy dỗ gì thế này? Người con giận dữ, khiếp hãi và phân vân. Bây giờ không cách thức logic nào được đưa ra để thoát khỏi đây. Người con rơi vào tình huống hiểm nghèo và bắt đầu tạo ra tiếng như một con mèo. Để làm gì chứ? Nếu có thời gian để kịp suy nghĩ, chắc anh chàng sẽ thốt câu: Có điên mới làm điều đó.

Gia đình bảo cô hầu gái cầm nến ra kiểm tra lại chiếc rương. Khi chiếc rương được mở ra, cậu con trai nhảy phóc ra ngoài, thổi tắt nến, xô cô hầu gái, rồi thoắt cái chạy đi. Mọi người bắt đầu đuổi theo anh ta. Trong đêm tối, cậu ném một tảng đá lớn xuống một cái giếng rồi lẩn mình vào trong bóng đêm. Những người đuổi theo tụ tập quanh miệng giếng cố nhìn tên trộm tự dìm chết mình.”

Người cha trong câu chuyện trên hẳn là một người thầy thực. Thế giới ngoài kia thì bao la thế, nhiều bài toán không thể dùng logic, cách thức, công thức hay đáp án có sẵn để giải được. Nếu cứ cố mà làm cho kỳ được chẳng khác nào lấy cái hữu hạn để đo cái vô hạn. Điều đó là không thể được.

Mình thích câu của Lão Tử hơn: “When the student is truly ready, the teacher disappears” (Tạm dịch: Khi học trò đã thực sự sẵn sàng, người thầy sẽ biến mất). Vai trò của thầy cùng lắm là ở bước trước khi bạn tìm ra Guru, vị thầy bên trong của chính mình.

Bạn có thể thành thục các kỹ năng viết. Bạn cũng có thể nhuẫn nhuyễn khả năng mở bài, thân bài, kết luận do thầy bên ngoài dạy. Đâu đó sẽ có người đạt được thành công theo ước định của ngành, của xã hội – đó là điều chắc chắn. Nhưng vậy thì bạn chỉ là bản sao của thầy bạn. Bạn có thể từ Good –Tốt, nhưng không thể lên Great – Vĩ đại được, không thể thăng hoa với nghề thông qua thầy được.

Thầy thực là người hướng dẫn bạn quay trở về người hướng dẫn bên trong của mình. Một khi bạn vào trong và tiếp xúc với vị Guru đó. Thầy bên ngoài là không còn cần nữa. Bây giờ bạn có thể đi một mình. Bạn nở hoa trong tính riêng một mình. Một bài post Facebook hay chỉ dăm ba câu trò chuyện giữa hai người hàng xóm, mọi thứ bây giờ đều là thầy cũng vừa là nguyên liệu content cho bạn sử dụng.

Học thầy, theo thầy nhưng nếu buộc phải hy sinh tất cả để giữ một thứ, xin hãy luôn nhớ tới người trú ngụ trong, kim chỉ nam, vị Guru duy nhất của bạn.

Xem thêm:

* Nguồn: EnlightenEd