Áp dụng nguyên lý tảng băng trôi trong sáng tạo nội dung

Chắc hẳn bạn đã từng nghe đến nguyên lý tảng băng trôi. Nguyên lý này không có gì lạ lẫm nhưng điều mới mẻ là bạn có thể áp dụng nó vào công việc sáng tạo nội dung. Có thể bạn không tin điều mình vừa nói, nhưng mình sẽ bật mí với bạn rằng rất nhiều tác phẩm văn học, điện ảnh xuất sắc cũng như các thương hiệu nổi tiếng tại Việt Nam và trên thế giới đều khéo léo sử dụng nguyên lý 1 nổi 7 chìm này. Ở bài viết này, mình sẽ gợi ý các cách áp dụng nguyên lý tảng băng trôi vào sáng tạo nội dung mà các thương hiệu như Durex, Omo đã và đang dùng.

Nguyên lý tảng băng trôi là gì?

Nguyên lý tảng băng trôi là phát kiến của Ernest Hemingway, một tiểu thuyết gia nổi tiếng người Mỹ. Nguyên lý này mang thông điệp chỉ có 1/8 tảng băng khổng lồ trôi nổi trên đại dương, 7 phần còn lại đang chìm sâu dưới đáy biển. Trong sáng tạo nội dung, tảng băng nổi tượng trưng cho những câu từ bạn phô bày với độc giả, còn 7 phần chìm chính là cảm xúc, ý tưởng, thông điệp mà bạn muốn người đọc tự khám phá. Ernest Hemingway từng nói: trong viết lách, đừng phơi vẽ toàn bộ câu chuyện, hãy để lại những phần chìm, những khoảng trống để độc giả tự cảm nhận, tự tưởng tượng rồi suy nghĩ và lấp đầy.

Mình sẽ lấy ví dụ trong chính tác phẩm Ông già và biển cả của Ernest Hemingway. Tiểu thuyết này kể về hành trình ra khơi của một ngư ông 74 tuổi. Đó là chuyến đi đầy gian nan, thử thách khi ông lão quyết tâm chinh phục chú cá kiếm khổng lồ. Phần nổi của tác phẩm đơn giản thuật lại câu chuyện đánh bắt cá nhưng phần chìm lại là cuộc đối đầu giữa con người nhỏ bé và thiên nhiên hùng vĩ, đồng thời cũng là hành trình theo đuổi ước mơ, chinh phục khát vọng nhiều thử thách. Ernest Hemingway đã cài cắm thông điệp nhân văn trong hình tượng ông lão đánh cá, rằng chỉ cần bạn kiên cường, không chịu khuất phục thì bao nhiêu khó khăn, vấp ngã và tuyệt vọng cũng không thể cản bạn bước tới thành công.

Thêm một ví dụ khác, trong bài thơ Bánh trôi nước, thi sĩ Hồ Xuân Hương đã viết:

Thân em vừa rắn lại vừa tròn

Bảy nổi ba chìm với nước non

Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn

Mà em vẫn giữ tấm lòng son

Bề nổi của tác phẩm đưa đến cho độc giả góc nhìn rất thực và thơ về món bánh trôi nước. Nhưng ý nghĩa ẩn dụ thực sự mà tác giả muốn truyền tải là phẩm chất và số phận của người phụ nữ trong thời đại phong kiến. Họ có tấm lòng thủy chung, son sắt nhưng cuộc đời lại nhiều lận đận, không được coi trọng và bị vùi dập.

Khi đọc đến đây, chắc hẳn bạn đang nghĩ “Nghe cũng hay đấy nhưng liệu nguyên lý này có ích cho công việc sáng tạo nội dung không, hay chỉ nhà văn, nhà thơ mới có thể áp dụng nó?” Câu trả lời là nguyên lý tảng băng trôi dành cho tất cả các cây viết. Cho dù bạn là marketer hay copywriter, bạn viết báo hay sáng tạo kịch bản, nguyên lý này vẫn đem đến cho bạn vô vàn lợi ích.

Ý nghĩa của nguyên lý tảng băng trôi trong sáng tạo nội dung

Mở rộng khả năng quan sát và tư duy cho người viết

Nguyên lý tảng băng trôi cho bạn góc nhìn toàn diện về thông tin và sự việc. Bạn không nên phiến diện quan sát bề nổi của tảng băng mà phải suy xét những cơ hội, mối nguy, thách thức và ý tưởng ẩn sâu dưới mặt nước kia.

Khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, thông tin phần nổi nói với bạn rằng hãy ở nhà để bảo vệ sức khỏe hoặc dành thêm thời gian chăm sóc và học online cùng con. Nhưng nếu suy xét kỹ, bạn sẽ nhận ra nhiều cơ hội tốt đang ẩn sau mối nguy đó. Dịch bệnh là thời cơ cho các cây viết tự do phát triển vì nhu cầu của thị trường ngày càng tăng lên. Dịch bệnh cũng cho bạn nhiều ý tưởng độc đáo, mới lạ. Nếu bạn là cây viết về sức khỏe, bạn có thể sáng tạo các nội dung về chăm sóc sức khỏe mùa dịch bệnh. Nếu chuyên môn của bạn là ẩm thực và giải trí, chủ đề món ăn bổ dưỡng cùng những bộ phim hay cho cả gia đình sẽ rất thu hút độc giả.

Tăng tính hấp dẫn và thú vị của nội dung

Durex là một thương hiệu “nói ít, truyền tải nhiều” điển hình và thành công. Bạn hãy quan sát cách họ sáng tạo nội dung trên Facebook. Không một bài viết nào quá 100 từ nhưng vì sao sức lan tỏa của nội dung và sự yêu thích từ độc giả vẫn “phừng phực” như vậy? Không ít bạn đọc theo dõi Durex không phải với mục đích mua sản phẩm mà là vì sự hấp dẫn, thú vị và thông minh trong cách sáng tạo nội dung của họ. Những câu viết “Anh thêm ướt át. Em thêm tan nát” hoặc “Trong nhà ngoài phố, pháo nổ tưng bừng” tuy ngắn gọn nhưng đủ sức gợi mở trí tưởng tượng, sự tò mò và thích thú từ độc giả.

Tạo dấu ấn sâu đậm với độc giả

Trong viết lách, sự miêu tả và tường thuật quá chi tiết có thể khiến độc giả rối trí và “bội thực”. Thay vào đó, bạn hãy để độc giả “động não” bởi những điều tự rút ra sau khi cảm nhận, nghiền ngẫm, như vậy sẽ dễ in dấu thật đậm trong tâm trí họ.

Trong bộ phim Reply 1988 nổi tiếng của Hàn Quốc, có một chi tiết mình nhớ mãi. Đó là cảnh quay buổi phỏng vấn giữa bố của Choi Taek – kỳ thủ cờ vây nổi tiếng và một phóng viên. Người phóng viên hỏi ông rất nhiều thông tin xung quanh thời thơ ấu của cậu bé, rằng cậu sinh vào giờ nào, giấc mộng của mẹ cậu lúc mang thai là gì… Nhưng một người bố gà trống nuôi con như ông làm sao có thể trả lời được những câu hỏi ấy. Kết thúc cảnh phim là nét mặt bối rối, ngập ngừng và ánh mắt chất chứa vô vàn suy nghĩ của người bố. Rõ ràng rất ít lời thoại nhưng tất cả người xem đều nhận ra những vất vả của cuộc sống gà trống nuôi con cũng như sự cô quạnh khi gia đình thiếu vắng hình bóng người mẹ.

Nhấn mạnh thông điệp

Càng ngắn gọn, thông điệp của bạn càng trực diện và hiệu quả. Trong quảng cáo Tết năm 2015, thương hiệu Omo đã xây dựng câu chuyện về một ông lão đi làm xa quê, không có điều kiện trở về nhà đón Tết cùng gia đình trong nhiều năm. Mặc dù chỉ kéo dài 90 giây và không có nhiều lời thoại hay góc quay, nhưng sự vất vả và nỗi nhớ mong của ông lão vẫn được khắc họa rất chân thực và rõ ràng. Quảng cáo kết thúc cùng dòng chữ “Với chúng ta, Tết đã đến gần. Với ông cụ, Tết xa ngàn cây số”. Ngắn gọn, lắng đọng và đủ sức nhấn mạnh thông điệp “Xuân gắn kết – Tết sẻ chia” của Omo.

Áp dụng nguyên lý tảng băng trôi vào nghề viết

Vậy là bạn đã nhận ra lợi ích tuyệt vời của nguyên lý tảng băng trôi với nghề viết. Nhưng làm thế nào để áp dụng nó vào công việc sáng tạo nội dung và thành công như Durex, Omo hay Ernest Hemingway? Những bí quyết dưới đây sẽ giúp bạn chinh phục nguyên lý này.

Hiểu rõ ràng những điều bạn muốn truyền tải tới độc giả

Để áp dụng thành công nguyên lý tảng băng trôi, trước tiên, bạn phải xác định được những thông điệp, cảm xúc mà bạn muốn truyền tải tới độc giả. Bạn muốn độc giả cảm thấy đau buồn hay hoài niệm sau khi đọc bài viết? Bạn mong độc giả nhận ra giá trị của nội dung, sản phẩm rồi bấm nút theo dõi hay chia sẻ? Chỉ khi xác định rõ ràng mục tiêu cũng như thấu hiểu tâm lý của độc giả, bạn mới có thể đẩy tảng băng ngôn ngữ chìm sâu xuống đại dương mà vẫn đảm bảo truyền tải đầy đủ ý nghĩa.

Buông bỏ lối diễn đạt thừa thãi

Nguyên lý tảng băng trôi đề cao phong cách diễn đạt ngắn gọn, không dài dòng, kể lể. Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn dập khuôn máy móc, cắt bỏ tùy ý. Bạn chỉ nên xóa bớt những chi tiết dư thừa, không quan trọng.

Trong tiểu thuyết trinh thám nổi tiếng Bạch dạ hành, nhà văn Higashino Keigo kết thúc câu chuyện bằng hình ảnh “Yukiho đang vịn cầu thang đi lên tầng, bóng lưng cô ta tựa như một bóng ma màu trắng. Yukiho không ngoảnh đầu lại, dù chỉ một lần”. Bạn thấy đấy, thay vì tập trung miêu tả sắc mặt hoảng hốt, đau buồn, tác giả chỉ lựa chọn duy nhất hình ảnh bóng lưng để miêu tả. Nhưng hình ảnh bóng lưng quá đỗi lẻ loi đó đủ để độc giả nhìn thấu cảm xúc của nhân vật và ám ảnh lâu dài với kiệt tác này của Higashino Keigo.

Chọn lọc từ ngữ đắt giá

Vì bạn đang cố gắng thu gọn câu chuyện nên điều quan trọng là phải đầu tư chọn lọc ngôn từ. Những từ ngữ đắt giá giúp khơi gợi trí tò mò, sự tưởng tượng cũng như suy nghĩ và cảm xúc mạnh mẽ trong độc giả.

Ví dụ, thương hiệu Durex thường sử dụng những từ ngữ mạnh mẽ, đa nghĩa và gợi hình như “mùa mây mưa”, “chơi cao trào, yêu tỉnh táo”, “rừng rực khai hỏa, phừng phực đam mê”… Hay như trong tác phẩm Bạch dạ hành ở trên, Higashino Keigo lựa chọn động từ “vịn” chứ không phải “dựa” hoặc “bám víu”. Bởi “vịn” hàm chứa sự suy sụp nhưng cố gắng che giấu, chống đỡ của nhân vật. Tác giả cũng sử dụng hình ảnh “bóng ma màu trắng” chứ không phải “tấm lưng lẻ loi” hay “bóng dáng cô độc” để gián tiếp khắc họa tâm lí nhân vật.

Sử dụng hình ảnh bổ trợ

Nếu bạn muốn kích thích giác quan và trí tưởng tượng của độc giả mạnh mẽ hơn, hãy tận dụng sự trợ giúp từ hình ảnh. Hình ảnh trực quan khiến độc giả dễ dàng đón nhận thông điệp bạn đang cất giấu. Đội ngũ sản xuất nội dung của Durex luôn cố gắng lồng ghép những hình ảnh kích thích trí tưởng tượng của độc giả như cơn mưa, pháo hoa, gôn bóng… trong mỗi bức hình. Hoặc trong quảng cáo Tết của Omo, để khắc họa sự khó khăn và niềm mong ước đoàn tụ cùng con gái của nhân vật, nhãn hàng này đã sử dụng một hình ảnh giàu ý nghĩa. Đó chính là chiếc lọ thủy tinh, bên ngoài dán tấm ảnh của ông và con gái, bên trong chỉ có vài đồng tiền lẻ. Một hình ảnh giản dị, chân thật nhưng có khả năng lan tỏa thông điệp và chạm tới trái tim của nhiều người.

Nguyên lý tảng băng trôi là phong cách viết giản lược ngôn từ nhưng hàm chứa nhiều ý nghĩa. Kỹ thuật viết này sẽ là trợ thủ đắc lực cho bạn trong công việc sáng tạo nội dung và ghi dấu ấn sâu đậm với độc giả.

Hạnh Trang.