Thịnh hành xu hướng du lịch thuần chay trong bối cảnh đại dịch COVID-19 kéo dài

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 kéo dài, cộng đồng du khách tin rằng xu hướng du lịch thuần chay sẽ là “chìa khoá vàng” cho sức khoẻ của họ cùng người thân vì tính lành mạnh và thân thiện với môi trường tự nhiên. Tương lai gần, du lịch thuần chay sẽ không chỉ là một thị trường ngách mà còn trở thành một lối sống bền vững được nhiều người biết đến và hưởng ứng.

Khi “thuần chay” là một lối sống lành mạnh

Trên thực tế, nhiều người cho rằng thuần chay là một chế độ ăn uống có phần thiếu thốn và người ăn đã bỏ lỡ rất nhiều món ngon được chế biến từ thịt, trứng và hải sản. Thậm chí, một vài món còn là đặc sản địa phương đi kèm cách thưởng thức độc đáo như gan ngỗng, Steak Brazil, Sashimi hay Dimsum.

Tuy nhiên, người ăn thuần chay cho rằng ngoài trải nghiệm vị giác thì việc tạo ra tác động tích cực đến hành tinh, kéo giảm hiệu ứng nhà kính mới là yếu tố hàng đầu họ hướng đến. Họ có thể khám phá và sáng tạo ra vô số món ăn từ rau củ, ngũ cốc, trái cây không chỉ tuyệt vời cho vị giác mà còn tốt cho sức khoẻ tâm sinh. Không chỉ gói gọn trong việc ăn uống, người theo đuổi lối sống thuần chay hạn chế sử dụng mỹ phẩm, sản phẩm thời trang có thử nghiệm trên động vật, nguyên liệu từ động vật hay các loại hình giải trí liên quan đến khai thác sức động vật.

Tại Châu Á, lối sống thuần chay theo nghi thức tôn giáo càng rõ nét hơn khi nơi đây có hàng trăm triệu tín đồ Phật Giáo sinh sống, đông đảo nhất tại Thái Lan, Trung Quốc, Lào, Bhutan, Tây Tạng, Việt Nam. Cũng chính vì lẽ đó mà xu hướng du lịch thuần chay và hành hương tại những quốc gia này từ lâu đã gắn bó mật thiết với nhau và còn thịnh hành cho đến ngày nay.

Du lịch thuần chay nổi lên giữa đại dịch COVID-19 kéo dài

Các tour du lịch phục vụ cho người theo lối sống thuần chay đã trở nên phổ biến khi số lượng người áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh đã tăng lên đáng kể ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, số đông người ăn thuần chay cho biết họ thường gặp phải các vấn đề khó khăn từ nơi ở cho đến việc thiếu lựa chọn bữa ăn, hoạt động giải trí phù hợp trong chuyến đi du lịch hay kỳ nghỉ mát của mình. Dù là đi trong nước hay ra nước ngoài, rào cản ngôn ngữ và sự khác biệt văn hoá địa phương cũng có thể làm trầm trọng thêm những vấn đề này.

Nguồn: tourism-review

Ngày nay, khi các vấn đề về dịch bệnh COVID-19, bạo loạn chính trị, suy thoái kinh tế, thiên tai cực đoan… xảy ra liên tục đã tác động không ít đến nhận thức và hành động của khách du lịch. Những người khoẻ mạnh trả lời trong cuộc khảo sát do tổ chức từ thiện Veganuary thực hiện vào tháng 7/2020 đã thừa nhận mối liên hệ giữa ngành nông nghiệp hữu cơ và đại dịch COVID-19 đã góp phần vào quyết định tiêu thụ nhiều thực phẩm thuần chay hơn của họ. Số đông người xem lối sống thuần chay là một trong những giải pháp hàng đầu để đối phó với khủng hoảng từ bên ngoài và những căn bệnh tâm lý ẩn sâu trong tâm trí họ.

Theo dự báo, xu hướng du lịch thuần chay đã sẵn sàng cho một làn sóng tăng trưởng mới khi mọi người bắt đầu đi du lịch trở lại. Đồng thời, sức bật từ công nghệ, kỹ thuật số hiện đại đã mở ra nhiều cơ hội thuận lợi thúc đẩy xu hướng du lịch thuần chay trên toàn cầu thông qua nhiều nền tảng mạng xã hội, trang tin và công ty lữ hành.

“Ăn ít thịt hơn trong các chuyến đi xa và lựa chọn mua sắm, sử dụng sản phẩm hữu cơ thuần chay tại các cơ sở do chính người dân địa phương điều hành sản xuất là cách thức quan trọng để kéo giảm lượng khí thải carbon, đồng thời đóng góp trách nhiệm cho nền kinh tế điểm đến.”

Veggie Hotels – Hiệp hội khách sạn chay đầu tiên trên toàn thế giới ra mắt từ năm 2011, với vai trò cung cấp một nền tảng kết nối những người ăn chay và các đơn vị cung ứng lữ hành trên toàn thế giới. Đến nay, Veggie Hotels đã có mặt tại hơn 60 quốc gia cung cấp đầy đủ thông tin trải nghiệm từ một nhà nghỉ phục vụ bữa sáng thuần tuý món chay ấm cúng trên núi hay một khoá yoga đầy phong cách trên bãi biển lẫn các buổi hội thảo chuyên đề sống thuần chay tổ chức tại một vài điểm đến lý tưởng. Thậm chí, Veg Visits còn chia sẻ không gian lưu trú cho những người theo lối sống thuần chay đi du lịch một mình hoặc theo nhóm nhỏ. Nền tảng có sự tham gia của nhiều chủ căn hộ trên toàn thế giới theo lối sống thuần chay sẵn sàng chia sẻ kiến thức văn hoá, hướng dẫn chế biến món chay theo phong vị địa phương đến du khách.

Để mang đến trải nghiệm du lịch tuyệt vời, công ty lữ hành Vegan Surf Camp chuyên cung cấp gói dịch vụ, kế hoạch du lịch riêng biệt cho phân khúc du khách theo lối sống thuần chay bao gồm khách sạn, nhà hàng, khoá yoga và lướt ván trên biển. Theo Responsible Travel, số lượng đơn đặt phòng cho các kỳ nghỉ du lịch thuần chay của họ đã tăng hơn gấp đôi trong những năm gần đây, cụ thể tăng 120% từ năm 2016 đến năm 2019 và đầu năm 2021. Còn lại, công ty lữ hành Vegan Real Food Adventures cho rằng trong đại dịch COVID-19, đã ghi nhận sự bùng nổ về chủ nghĩa ăn chay và số lượng du khách theo lối thuần chay tìm các tour đến Ấn Độ, Thái Lan và Ý.

Veggie Hotels cung cấp nền tảng kết nối những người ăn chay và các đơn vị cung ứng lữ hành trên toàn thế giới
Nguồn: Veggie Hotels

Nhìn lại xu hướng du lịch thuần chay ở Việt Nam

Như đã đề cập phía trên, xu hướng du lịch thuần chay từ lâu gắn bó mật thiết và thịnh hành cùng với loại hình du lịch hành hương. Hành hương thực sự là một trong những hình thức du lịch phổ biến nhất tại Việt Nam bởi lợi thế có nhiều địa điểm linh thiêng và lối sống hoà đồng tôn giáo, tín ngưỡng trải dài từ Nam ra Bắc. Sức hấp dẫn và khả năng quay lại điểm hành hương linh thiêng hằng năm của du khách vẫn không bị suy giảm, đặc biệt là khách nội địa. Đây là cơ hội thúc đẩy phân khúc du khách lựa chọn lối sống thuần chay theo nghi thức tôn giáo tại nhiều điểm đến nổi tiếng như Yên Tử, Vũng Tàu, Đà Lạt, An Giang, Tây Ninh… dù là đi tự túc qua đại lý trực tuyến hay theo tour cùng công ty lữ hành.

Ngoài ra, trước đại dịch COVID-19, du khách Việt Nam đã quan tâm nhiều hơn đến chế độ ăn sạch và các phương pháp, kỳ nghỉ tuyệt vời để giữ gìn sức khoẻ. Đại dịch bùng phát càng tạo thêm động lực, mong muốn cuộc sống lành mạnh càng trở nên quan trọng đối với người Việt Nam. Theo báo cáo từ Google, trong cuối năm 2020 nhu cầu “du lịch” và “chăm sóc sức khoẻ” được người dùng Việt Nam tìm hiểu trên không gian trực tuyến lần lượt 78% và 50%. Riêng trong nhu cầu tìm kiếm chủ đề chăm sóc sức khoẻ, người dùng tăng thời lượng truy cập lên đến 62% danh mục chế độ ăn uống lành mạnh bao gồm thực phẩm hữu cơ, chế độ ăn keto, chế độ ăn thuần chay… dù bất kể giá thành có tăng cao đến đâu. Đồng thời, họ cũng bắt đầu quan tâm đến các chương trình du lịch về xu hướng nghỉ dưỡng biệt lập, ăn uống và mua sắm sản phẩm thuần chay kèm các hoạt động thú vị trong chuyến đi như trekking, chèo SUP hay khoá thiền yoga.

Riêng phân khúc du khách thuần chay quốc tế, điểm đến Việt Nam gặp phải sự cạnh tranh từ nhiều quốc gia trong khu vực Châu Á như Thái lan, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản... Một vài địa phương sẽ là lựa chọn phù hợp cho du khách quốc tế theo lối sống thuần chay như Yên Tử, Tây Bắc, Côn Đảo hay Đà Lạt. Tuy nhiên, ngoài một thực đơn ăn uống nhiều món chay ngon lành hay tắm biển leo núi ở các khu resort tuyệt đẹp, du khách cần nhiều hơn các gói dịch vụ đi kèm khác như khoá thiền, yoga, lướt ván và cả trải nghiệm phiêu lưu được dẫn dắt bởi những hướng dẫn viên cũng theo đuổi và thật sự am hiểu về lối sống thuần chay. Giữa năm 2021, Hum Vegetarian – một nhà hàng thuần chay tại Sài Gòn đã lọt vào danh sách 25 Nhà hàng Chay ngon nhất thế giới, ở vị trí thứ 10 do Tripadvisor bình chọn. Đây có thể được xem là một tín hiệu tốt của sự gia tăng phân khúc khách du lịch thuần chay nội địa và quốc tế đối với điểm đến Việt Nam trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi hoàn toàn nhu cầu, nhận thức và hành vi của họ.

Để duy trì sự phù hợp và thúc đẩy tăng cao doanh số trong trạng thái xã hội hiện tại, nhà điều hành và tiếp thị du lịch sẽ phải đưa ra những chiến lược hiệu quả để sớm thu hút phân khúc khách hàng theo lối sống thuần chay nhằm tạo nên lòng trung thành với thương hiệu. Đồng thời, sử dụng công cụ tìm kiếm theo ngữ cảnh để có thể tiếp cận du khách ngay tại thời điểm họ chú trọng đến sức khoẻ và nắm bắt ý định du lịch bằng dịch vụ, sản phẩm phù hợp.

Tài liệu tham khảo

1. Jorden, R. (2021). Vegan Tourism Set to Be Travel’s Greener Shoot With a New Emphasis on Health. Truy cập từ https://skift.com/2021/01/22/vegan-tourism-set-to-be-travels-greener-shoot-with-a-new-emphasis-on-health/
2. Mridul, A. (2021). Veganism to Increasingly Influence Travel and Tourism Industry, Says Report. Truy cập từ https://theveganreview.com/vegan-influence-travel-and-tourism-industry/
3. Arpad, B. (2021). The Rise of Vegan Tourism. Truy cập từ https://ardorseo.com/blog/rise-of-vegan-tourism/
4. Fusté-Forné, F. (2021). Vegan food tourism: Experiences and implications. In The Routledge Handbook of Vegan Studies (369-380). Routledge.
5. Google. (2020). Vietnam‘s Search for Tomorrow. Think with Google. Vietnam.