Marketer Le Vu
Le Vu

Managing Partner @ FB Academy

Doanh nghiệp kinh doanh ẩm thực: Cần có kế hoạch rút lui hoặc tranh đấu đề tồn tại?

TP.HCM lập Ban chỉ đạo xây dựng kế hoạch phòng, chống COVID-19 và phục hồi kinh tế theo 2 giai đoạn từ ngày 15/9 đến 31/12 và năm 2022 cùng những năm tiếp theo.

Nội dung được đề cập trong quyết định thành lập Ban chỉ đạo xây dựng kế hoạch phòng, chống COVID-19 và phục hồi kinh tế thành phố do Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vừa ký. Và đây cũng là thời điểm các chủ doanh nghiệp kinh doanh ẩm thực bắt đầu kế hoạch tương lai sau hơn 3 tháng phải ngưng hoạt động do đại dịch.

Theo dự báo, ngành F&B tại Việt Nam có tốc độ tăng trưởng từ 5-6% giai đoạn 2020-2025.

Trong nhiều năm liền, ngành dịch vụ ăn uống F&B luôn là một trong những ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam và mang nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai. Theo dự báo, ngành F&B tại Việt Nam có tốc độ tăng trưởng từ 5-6% giai đoạn 2020-2025 (theo Doanh Nhân và Tiếp Thị).

Song, đại dịch COVID-19 khiến hầu hết kế hoạch dự tính gần như “phá sản”. Đáng chú ý, khi nhiều thành phố lớn tại Việt Nam đang phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, những chỉ số tăng trưởng có nguy cơ giảm mạnh và âm. Ngành F&B đang phải chịu nhiều tổn thất đặc biệt nặng nề. Hàng loạt các chủ quán cà phê, nhà hàng... lao đao khi nguồn thu offline không còn, trái lại còn phải duy trì chi phí thuê mặt bằng chờ cơ hội sau dịch – thời điểm chưa biết sẽ đến lúc nào.

Nguồn: Medium

Mặc dù, một số đánh giá từ các diễn đàn và cá nhân cho rằng ngành F&B sẽ bật dậy như lò xo, khoảng trống thị trường sẽ mở ra nhiều cơ hội cho startup khai phá... sau khi dịch được kiểm soát, nhưng tôi nhận thấy thị trường kinh doanh ẩm thực còn rất lâu mới có thể hồi phục, khả năng tối đa hoá thu nhập và lợi nhuận của các doanh nghiệp sẽ rất hạn chế. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, luỹ kế 8 tháng đầu năm, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 85.500 doanh nghiệp (tất cả ngành nghề), tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, TP.HCM có 24.000 doanh nghiệp, chiếm 28,1% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 6,6%. Tình hình sẽ còn tệ hơn nữa trong những tháng tới và đây là những con số không tốt đẹp gì cho các kế hoạch hồi sinh hay phục hưng ngành F&B trong ngắn hạn.

Các doanh nghiệp cần đảm bảo đứa con tinh thần của mình được đặt ở vị trí tốt nhất để tối đa hoá lợi nhuận trong tương lai nếu vẫn còn tồn tại.

Lời khuyên của tôi dành cho các doanh nghiệp là nên xây dựng và thực hiện kế hoạch “exit” thị trường, còn nếu bạn vẫn còn lực (dòng tiền) mạnh và quyết tranh đấu để tồn tại, thì hãy thực hiện thay đổi để tối đa hoá doanh thu bán hàng, xây dựng kế hoạch nhân sự và cách đối phó với chi phí khi kế hoạch tăng trưởng kết thúc, chuẩn bị dự báo tài chính, thương lượng với khoản vay từ ngân hàng và nhà cung cấp, kế hoạch tiếp thị...

Rõ ràng, tác động của đại dịch đến ngành nhà hàng – khách sạn sẽ vượt xa trong vài tháng tới và các doanh nghiệp cần đảm bảo đứa con tinh thần của mình được đặt ở vị trí tốt nhất để tối đa hoá lợi nhuận trong tương lai nếu vẫn còn tồn tại.

Cho đến nay, nỗ lực chống dịch của các cấp chính quyền Việt Nam được đánh giá cao, nhưng mọi doanh nghiệp cần phải có chiến lược chi tiết, mạnh mẽ và cân nhắc kỹ lưỡng của riêng mình. Điều này bao gồm các bài học kinh nghiệm thông qua việc giải quyết sự khởi đầu của cuộc khủng hoảng, tồn tại trong thời gian này và cuối cùng là chuẩn bị tốt để đối mặt với tương lai khó xác định. Hãy cùng xem xét một số điểm quan trọng để có phương án cho tương lai của doanh nghiệp:

  • Đảm bảo có dự báo ngân lưu chi tiết và nếu có thể, bảng cân đối lãi lỗ và bảng cân đối kế toán (tương tác với ngân lưu): Điều này thường được gọi là dự báo ba chiều và nên tập trung vào thời gian trung hạn. Qua đó, cho phép các doanh nghiệp thực sự hiểu được tác động của quyết định được đưa ra ngay bây giờ đối với dòng tiền trong tương lai. Các doanh nghiệp đã và đang trì hoãn rất nhiều khoản nợ phải trả và bạn cần hiểu điều này có ý nghĩa như thế nào trong trung hạn, đặc biệt nếu bạn đang cố gắng tìm hiểu xem có nên vay thêm vốn hay không – bạn cần bao nhiêu và có đủ khả năng trả nợ không?
  • Sở hữu thông tin quản lý tốt: Điều này sẽ rất quan trọng để đưa ra các quyết định kinh doanh tốt, chiến lược và cũng như giúp bạn biết rõ về các khoản nợ phải trả hoãn lại và những ngày đến hạn mới đó. Dữ liệu cũng có thể làm nổi bật bất kỳ yêu cầu bổ sung vốn nào, đồng thời cho phép bạn kiểm tra một cách hiệu quả và tinh chỉnh chiến lược “exit” của mình.
  • Dành thời gian để rà soát quy trình bao gồm bất kỳ công việc nào bị hoãn lại vào cuối tháng 5 và các cơ hội phát sinh khác. Cần biết rằng, khi đa dạng hoá kinh doanh đã diễn ra, điều này có thể đã thay đổi.
  • Thực hiện đánh giá về chuỗi cung ứng: Hãy lưu ý về sự đứt gãy về chuỗi cung ứng trong giai đoạn giãn cách xã hội này và chắc chắn về phương án cung ứng cho doanh nghiệp ở tương lai.
  • Tiếp tục phân tích các cấp độ nhân sự trong kế hoạch quay trở lại làm việc để đảm bảo đo lường các vấn đề năng lực tích cực và tiêu cực.

Nguồn: Hires

  • Tiếp cận khách hàng trung thành hiện tại và trước đây: Cho dù điều này được thực hiện bằng email, mạng xã hội hay hiệu quả nhất là qua điện thoại, khách hàng của bạn sẽ cảm thấy được coi trọng và quan tâm. Điều này về lâu dài có thể giúp bạn xây dựng vị thế cố vấn/ đối tác/ nhà cung cấp chính đáng tin cậy của mình.
  • Xác định bất kỳ lợi thế cạnh tranh nào xuất hiện trong giai đoạn này: Xác định đối thủ cạnh tranh trực tiếp có điểm yếu hay không hoặc còn khoảng trống thị trường nào có thể khai thác?
  • Xem lại mô hình kinh doanh hiện tại và xem xét liệu thay vì nghĩ tới lợi nhuận, bạn có nên đặt ra một tiêu chuẩn mới để doanh nghiệp có thể giữ lại tiền mặt và dự trữ cho các trường hợp dự phòng hay không?

Ngay cả khi đã có sự chuẩn bị, việc gồng mình bảo vệ doanh nghiệp cũng gặp muôn vàn khó khăn. Nhìn chung, triển vọng ngành trong ngắn hạn vẫn tương đối mờ mịt. Hàng loạt doanh nghiệp vừa và nhỏ, lẫn doanh nghiệp lớn đều buộc phải đóng cửa tạm thời hơn 3 tháng nay, hầu hết ở khu vực phía Nam, sẽ tác động vô cùng nặng nề đến kết quả kinh doanh cả năm.

Thậm chí, với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, ngay cả việc áp dụng công nghệ với các giải pháp đặt món không tiếp xúc, quản lý bán hàng online, lập website bán hàng... cũng chưa chắc có thể bù đắp lại những thiệt hại đối với lĩnh vực này.