Marketer Chris Nguyễn
Chris Nguyễn

Product Management @ GEEK Up

MVP và 3 điều cần lưu ý khi xây dựng sản phẩm số

Chúng ta đang sống trong thời kỳ sản phẩm số hiện diện ở nhiều lĩnh vực, thị trường, và mọi “ngóc ngách” của cuộc sống con người. Trước bối cảnh này, việc xây dựng sản phẩm số không chỉ xoay quanh mỗi công nghệ, như Steve Jobs từng nói: “Chúng ta cần bắt đầu từ trải nghiệm khách hàng rồi mới biết ứng dụng công nghệ nào cho sản phẩm chứ không làm ngược lại”.

Theo tôi, một sản phẩm thành công và có tác động mạnh mẽ (Impactful) cần thoả 3 yếu tố: (1) Business – sản phẩm cần phù hợp với chiến lược, mục tiêu kinh doanh; (2) User experience – sản phẩm đem lại trải nghiệm tốt hay giải quyết bài toán nào đó của người tiêu dùng; (3) Technology – ngoài chức năng, sản phẩm còn có khả năng phối hợp với những hệ thống đang hoạt động khác trong doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, sự lên ngôi của sản phẩm số và yêu cầu thị trường làm tăng độ khó bài toán cho doanh nghiệp. Lời giải được tìm thấy ở một trong những mô hình thông dụng hiện nay là Minimum Viable Product (MVP). Khái niệm này được phổ biến bởi tác giả Eric Ries trong cuốn “The Lean Startup” (2011). MVP thể hiện việc xây dựng sản phẩm cần trải qua từng bước từ xây dựng, đo lường, đánh giá đến cải tiến. Nhờ đó, sản phẩm không chỉ đáp ứng được nhu cầu thị trường mà còn tạo ra ảnh hưởng.

Vậy chính xác MVP là gì?

Tuỳ vào góc nhìn mà MVP được định nghĩa theo các cách khác nhau. Chẳng hạn, doanh nghiệp thường xem MVP là sản phẩm có thể được triển khai và bắt đầu tạo ra giá trị cho họ. Trong khi đó, với Marketer, MVP là một sản phẩm có giá trị rõ ràng, giải quyết bài toán cho người dùng. Còn team Product định nghĩa MVP là sản phẩm tinh gọn nhất được tung ra thị trường, và cải tiến dần dựa vào insights thu thập được từ trải nghiệm thực tế của người dùng. Những góc nhìn khác nhau gây ra khó khăn khi 3 team cùng nhau xây dựng MVP.

Theo ông Eric Ries – người góp phần phổ biến mô hình này, MVP là phiên bản của một sản phẩm mới cho phép doanh nghiệp thu thập tối đa phản hồi của khách hàng với nguồn lực tối thiểu. Yếu tố quan trọng của MVP là sản phẩm thật được trải nghiệm trong môi trường thực tế. Vì vậy, MVP phải là một phiên bản sản phẩm thật tinh gọn nhưng vẫn đêm đến trải nghiệm hoàn chỉnh cho người dùng, có thể tung ra thị trường. Nhờ đó, doanh nghiệp mới có những thông tin chính xác để cải tiến sản phẩm.

3 giai đoạn phát triển của sản phẩm số

Quá trình phát triển của sản phẩm được chia thành 3 giai đoạn:

  • Testable là những giai đoạn sớm nhất mà doanh nghiệp muốn kiểm tra các giả định chưa chắc chắn. Lúc này, doanh nghiệp có thể vận dụng những giải pháp nhanh gọn như Prototype, Demo.
  • Usable là giai đoạn sản phẩm mang những chức năng đủ nhỏ và sử dụng được. Doanh nghiệp có thể tung sản phẩm ra thị trường để thu thập insight và cải tiến tiếp.
  • Lovable là giai đoạn sản phẩm được yêu thích và chấp nhận rộng rãi bởi thị trường (Mass Adoption).

3 điểm cần lưu ý khi xây dựng MVP

1. Think big, Take small steps

Trong suốt quá trình phát triển sản phẩm nêu trên, chúng ta phải luôn đảm bảo hướng đến Big Vision (mục tiêu dài hạn) của doanh nghiệp. Tức sản phẩm không chỉ giải quyết bài toán của người dùng mà còn phải giúp tổ chức đạt được mục tiêu kinh doanh, phù hợp với chiến lược phát triển lâu dài.

Ngay từ lúc bắt đầu chọn Feature, team Product cần chú tâm đến mục tiêu xa này. Bởi nếu không có tầm nhìn xa, team khó có thể xây dựng sản phẩm phù hợp. Hoặc nếu được xây dựng thành công thì sản phẩm cũng không mang lại giá trị cho doanh nghiệp.

Chẳng hạn, từ những ngày đầu thành lập, Amazon xác định sẽ trở thành nhà bán lẻ hướng tới trải nghiệm khách hàng với chiến lược tận dụng sức mạnh của Internet. “Ông lớn” công nghệ đã chọn sách để phát triển phiên bản MVP đầu tiên. Theo ông Jeff Bezos, lúc bấy giờ, sách có số lượng SKU lớn nhất trong số các mặt hàng bán lẻ với khoảng 3 triệu cuốn. Thế nhưng, không có nhà sách nào có thể chứa được hết lượng sách khổng lồ đó. Vì vậy, xây dựng nhà sách online là một phương án sản phẩm phù hợp cho chiến lược tận dụng sức mạnh Internet của Amazon.

Amazon bám sát vào tầm nhìn và chiến lược phát triển dài hạn

Dựa vào đó, Amazon nhanh chóng triển khai ý tưởng và đạt được những chiến thắng nhỏ liên tiếp. Chúng trở thành cơ sở để Amazon tiếp tục phát triển những sản phẩm mới. Amazon Marketplace được ra mắt năm 1999 chứng minh Amazon đạt được tầm nhìn đề ra ban đầu là “nhà bán lẻ tận dụng năng lực Internet”.

2. Quick win, Focus on core experience

Để phát triển một sản phẩm theo mô hình MVP, chúng ta cần nắm rõ điểm quan trọng của sản phẩm ở 3 cấp độ: doanh nghiệp, người dùng, và công nghệ. Từ đó, team mới có cơ sở chọn ra những chức năng cần tập trung phát triển để có thể có một phiên bản MVP thật tinh gọn nhưng vẫn đem tới trải nghiệm hoàn chỉnh cho người dùng, có thể tung ra thị trường.

Ví dụ về quá trình phát triển sản phẩm của Spotify. Năm 2004 là thời kỳ iTunes “làm mưa làm gió”. iTunes khi đó là một trong những sản phẩm chủ đạo của Apple, cho phép người dùng mua bản nhạc, album online. Lúc bấy giờ, team Spotify phát hiện:

  • Người dùng vẫn hài lòng với việc stream nhạc thay vì sở hữu những bản nhạc.
  • Nhà sản xuất, nhạc sĩ chấp nhận cho người nghe stream nhạc miễn là có thu nhập từ đó.
  • Về mặt công nghệ, việc xây dựng một streaming platform là khả thi. (Năm 2004, streaming vẫn còn là công nghệ mới mẻ và chưa có nhiều case-study thành công).

3 phát hiện của team Spotify

Trong 3 insight trên, nền tảng công nghệ streaming là giả định quan trọng và cần đầu tư thử nghiệm. Do đó, Spotify quyết định xây dựng một Technical Prototype, cho phép người dùng stream nhạc dựa trên danh sách nhạc sẵn có. Trong quá trình kiểm thử, Spotify nhận thấy trải nghiệm nghe trên nền tảng phải mượt mà thì mới được người dùng đón nhận. Vì thế, họ đã tập trung dành nhiều thời gian vào việc cải thiện độ trễ (Latency) để đem đến trải nghiệm streaming/ nghe nhạc tuyệt vời cho người dùng.

Spotify xây dựng một Technical Prototype dựa trên danh sách nhạc sẵn có

Nhờ hiểu rõ trọng tâm insight, Spotify nhanh chóng có được “quick win” khi ra mắt nền tảng vào năm 2006. Và sau khoảng 3 năm, Spotify “tấn công” thị trường Châu Âu (2009), và sau đó là Châu Mỹ (2011).

3. Be ready to scale up

Câu chuyện thứ 3 liên quan đến sự chuẩn bị nguồn lực (Resource) cho cả chặng đường dài xây dựng sản phẩm. Nếu không có sự chuẩn bị đầy đủ, doanh nghiệp sẽ dễ thiếu hụt nguồn lực giữa quá trình làm sản phẩm. Điều này ảnh hưởng đến mức độ cải tiến sản phẩm cũng như đánh mất lòng tin của team nội bộ và đối tác.

Nhiều năm tập trung huy động vốn trước khi vào hoạt động của Facebook

Chẳng hạn, đằng sau sự thành công của Facebook là nhiều năm chuẩn bị tài nguyên. Từ năm 2007-2009, Facebook chú trọng huy động vốn để khi sản phẩm ra mắt và đạt được những thành tựu mong muốn, họ chỉ cần tập trung phát triển sản phẩm. Cũng trong giai đoạn này, họ không chỉ cải thiện trải nghiệm người dùng mà còn đầu tư xây dựng chức năng Facebook Ads – hệ thống đầu tiên giúp Facebook tạo thu nhập. Nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt sản phẩm và nguồn tài nguyên, Facebook Ads đã nhanh chóng được tung ra và đạt được thành công. Cột mốc này đóng góp không ít cho sự thành công của Facebook khi công ty IPO trên sàn NASDAQ vào năm 2012.

Xây dựng sản phẩm là một chặng đường dài, và quá trình này trở nên khó khăn hơn trong bối cảnh thị trường cạnh tranh gay gắt. Thế nên, để việc xây dựng sản phẩm thành công và tạo ra sức ảnh hưởng, tôi cho rằng doanh nghiệp cần đảm bảo: (1) hướng đến mục tiêu dài hạn; (2) hiểu rõ insights có thể chọn ra những chức năng cho MVP thật tinh gọn nhưng vẫn đem tới trải nghiệm hoàn chỉnh cho người dùng; (3) chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt nguồn lực.