Tổng hợp 51 chỉ số thương hiệu quan trọng marketer cần biết trong năm 2021

Chỉ số thương hiệu là những con số thống kê khoa học về hành vi của con người trong lĩnh vực thương hiệu, phương pháp sử dụng là khảo sát và xác suất thống kê sau đó đưa ra kết luận. Những chỉ số này được tổng kết và chia sẻ có dẫn nguồn từ những nguồn dữ liệu uy tín quốc tế, Vũ hy vọng bài chia sẻ này sẽ cung cấp thông tin hữu ích giúp bạn đưa ra những dự báo, quyết định phù hợp cho kế hoạch xây dựng thương hiệu trong tương lai.

Trải qua nhiều dự án tư vấn, đồng hành xây dựng nhiều thương hiệu trong nước và quốc tế, Vũ nhận thấy rằng quá trình xây dựng thương hiệu là một hành trình tâm linh, ở đó người sáng lập khai phá tiềm năng của bản thân và đội ngũ với nền tảng là tầm nhìn và sứ mệnh, điều mà họ tin tưởng tuyệt đối. Những lý tưởng này đã dẫn dắt và hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thành mọi mục tiêu.

Bắt nguồn từ lý tưởng, rất nhiều hoạt động có mục đích, được tạo ra với mục tiêu xây dựng nhận thức thương hiệu, trong tâm trí mỗi khách hàng mà thương hiệu phụng sự. Hành trình xây dựng thương hiệu là một hành trình liên tục, không có điểm dừng.

Để xây dựng được một thương hiệu thành công thì giá trị cảm tính là điều quan trọng, nhưng những nhà xây dựng thương hiệu cần biết cách cân bằng hai giá trị cảm tính và lý tính, với phương pháp sử dụng chỉ số lý tính hỗ trợ những quyết định cảm tính.

Bài chia sẻ này cung cấp những con số hữu ích thiên về lý trí và thống kê, đây sẽ là tài liệu hỗ trợ những quyết định phù hợp trong quá trình xây dựng thương hiệu. Xây dựng và phát triển thương hiệu thường được đo lường qua các chỉ số cảm xúc, rất khó để thống kê và có những có số cụ thể như marketing, tuy nhiên trong bài chia sẻ này, bạn sẽ nhận thấy, kết quả của những quá trình xây dựng thương hiệu, nghiên cứu tâm lý và thống kê lại là những con số rõ ràng.

Chỉ số thương hiệu về những ấn tượng đầu tiên

Chỉ số thương hiệu

1. Một thương hiệu chỉ có 7 giây để tạo ấn tượng với khách hàng mục tiêu, vì vậy mọi thiết kế cần đảm bảo ứng dụng tốt nguyên lý thị giác, gây ấn tượng và thông điệp cần phải rõ ràng.

2. Cần 5-7 lần hiển thị mới bắt đầu tạo dựng được nhận thức thương hiệu. Theo chỉ số này, tính nhất quán sẽ là ưu tiên hàng đầu khi tạo nội dung truyền thông. Hãy đảm bảo nội dung, thông điệp liên tục được lặp lại trong các phương tiện truyền thông.

3. 13% người tiêu dùng sẽ chi trả thêm tới 50% cho các sản phẩm hoặc dịch vụ của doanh nghiệp nếu họ tin rằng thương hiệu tạo ra những giá trị tích cực cho thế giới.

4. 73% người tiêu dùng phản hồi họ yêu thích một thương hiệu vì dịch vụ khách hàng tốt. Xây dựng thương hiệu là những hành động nhằm nâng cao nhận thức theo hướng tích cực về thương hiệu, dịch vụ chăm sóc khách hàng với tính cách thân thiện là chiến thuật quan trọng, trong quá trình hình thành nhận thức tích cực về thương hiệu.

5. Phải mất 90 giây quan sát, người tiêu dùng mới đưa ra nhận định về một sản phẩm, vì vậy điều quan trọng đầu tiên là màu sắc của thương hiệu phải thực sự nổi bật, trước cả khi bắt đầu xây dựng thương hiệu sản phẩm.

6. 73% người dùng yêu thích các thương hiệu cá nhân hoá trải nghiệm khi họ mua sắm. Các email được cấu hình riêng và cung cấp các sản phẩm hoặc hình thức giao dịch đặc biệt sẽ được người mua hàng chấp nhận một cách dễ dàng.

Chỉ số thương hiệu chung cho các loại hình thương hiệu

Chỉ số thương hiệu

7. 62% người tiêu dùng chia sẻ các giao dịch trực tuyến với bạn bè. Chỉ số này rất tốt cho việc phát triển và mở rộng nhận biết thương hiệu.

8. Khi mua một sản phẩm mới, 59% người tiêu dùng lựa chọn những thương hiệu mà họ tin tưởng và 21% phản hồi rằng họ mua sản phẩm đó vì nó đến từ một thương hiệu họ yêu thích. Tin tưởng đến từ những giá trị lý tính mà thương hiệu truyền tải, yêu thích là những giá trị cảm tính mà thương hiệu đã tạo dựng được.

9. 38% các bà mẹ sẽ mua sản phẩm hoặc sử dụng dịch vụ từ những thương hiệu có nhiều phụ nữ khác “like” trên Facebook. Đây là giá trị của cộng đồng, số đông sẽ tạo ra niềm tin, hãy lưu ý điều này khi marketing thương hiệu.

10. 44% khách hàng tại Mỹ được tặng quà từ những thương hiệu mà họ thường xuyên sử dụng, đặc biệt là trong các dịp lễ.

11. 72% tên thương hiệu hàng đầu là các từ ghép hoặc viết tắt. Tên thương hiệu độc đáo và khác biệt sẽ giúp doanh nghiệp phát triển lớn mạnh và bền vững, hãy sở hữu một tên thương hiệu sáng tạo.

12. Giá bán, lịch sử, chất lượng và tính nhất quán là 4 đặc tính hàng đầu mà người tiêu dùng phản hồi về lý do tại sao họ trung thành với một thương hiệu. Vì vậy hãy ghi nhớ 4 đặc tính này và sử dụng chúng cho chiến lược thương hiệu.

Chỉ số thương hiệu về tính cách thương hiệu

Chỉ số thương hiệu

13. 94% người tiêu dùng có khả năng trung thành với một thương hiệu minh bạch 100%. Sự trung thực là chính sách kinh doanh tốt nhất.

14. 31% người tiêu dùng cho rằng mức độ tin cậy là yếu tố quan trọng của một thương hiệu. Theo thống kê, cứ 10 người Mỹ thì có 4 người tẩy chay một thương hiệu mà họ đã rất gắn bó vì thương hiệu đó có những hành vi vô trách nghiệm.

15. 86% người mua sắm yêu thích tính cách thương hiệu chân thật và phù hợp với họ trên các phương tiện truyền thông mạng xã hội. Khách hàng sẽ sử dụng mạng xã hội để tìm hiểu thông tin về thương hiệu, vì vậy hãy đảm bảo tính cách thương hiệu (chân thật) luôn xuất hiện tại mọi thông điệp.

16. Hơn 60% người tiêu dùng phản hồi rằng họ sẽ tẩy chay một thương hiệu nếu thương hiệu đó xúc phạm họ về quan điểm chính trị. Nếu chính trị không phải là hoạt động sống còn của doanh nghiệp, bạn hãy loại bỏ nó hoàn toàn khỏi tâm trí.

17. 89% người mua sắm trung thành với các thương hiệu thường xuyên truyền thông về những giá trị mà thương hiệu đó tạo ra. Doanh nghiệp có đang truyền thông mạnh về giá trị cốt lõi của mình không? Hãy cố gắng tìm ra giá trị cốt lõi và thường xuyên cập nhật, truyền thông những hoạt động xoay quanh giá trị cốt lõi tới khách hàng.

18. 64% nữ giới và nam giới được khảo sát, phản hồi họ có tình cảm với thương hiệu. Một thương hiệu tốt xây dựng được những giá trị cảm xúc tốt từ khách hàng mục tiêu, điều này giúp thương hiệu thành công nếu doanh nghiệp tạo dựng tốt nhận thức cảm tính.

19. 43% khách hàng sẽ chịu chi nhiều tiền hơn cho các thương hiệu mà họ trung thành. Thương hiệu không chỉ xây dựng nhận thức và cảm xúc, nó còn ảnh hưởng tích cực đến doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp.

Chỉ số thương hiệu với doanh nghiệp nhỏ, startup

Chỉ số thương hiệu

20. 82% người phản hồi họ tin tưởng một doanh nghiệp có đội ngũ lãnh đạo thường xuyên sử dụng và chia sẻ trên mạng xã hội. Điều này chỉ ra rằng xây dựng thương hiệu cá nhân rất quan trọng, nó hỗ trợ mạnh mẽ tới thương hiệu doanh nghiệp.

21. Gần ¾ doanh nghiệp nhỏ đầu tư mạnh mẽ cho chiến lược marketing, truyền thông mạng xã hội. Với ưu điểm là chi phí thấp và phạm vi tiếp cận không giới hạn, không một cách thức nào hiệu quả hơn việc tiếp cận khách hàng thông qua Facebook, Instagram…

22. 34% doanh nghiệp nhỏ thực hiện chiến lược marketing video. Điều này cho thấy marketing video là một chiến lược hiệu quả giúp thương hiệu xây dựng khách hàng trung thành.

23. 90% người dùng mong muốn có trải nghiệm tương tự nhau trên tất cả các nền tảng, kênh truyền thông...

24. Nhỏ hơn 10% các doanh nghiệp hoạt động theo mô hình B2B cho rằng thương hiệu của họ nhất quán trên các phương tiện truyền thông. Điều này cho thấy cơ hội rất lớn để tạo ra một thương hiệu mạnh chỉ với việc truyền tải nhất quán hình ảnh, thông điệp truyền thông trên tất cả các phương tiện.

25. Những doanh nghiệp có thương hiệu công ty yếu trả lương nhân viên cao hơn 10% so với mặt bằng ngành. Ngân sách đầu tư xây dựng tài sản thương hiệu rất quan trọng, nếu bạn không sở hữu một thương hiệu mạnh, bạn sẽ cần chi nhiều tiền hơn cho tuyển dụng.

26. Sở hữu một thương hiệu mạnh sẽ có thể giảm 50% chi phí tuyển dụng và đào tạo. Với một thương hiệu danh tiếng, đội ngũ tuyển dụng không mất nhiều thời gian và công sức thuyết phục nguồn nhân lực chất lượng.

27. 77% người tiêu dùng quan tâm tới thương hiệu sản xuất ra sản phẩm đó hơn là tên của chính sản phẩm. Bạn có thể xem Apple, iPhone, iPad là một ví dụ chứng minh.

28. 82% nhà đầu tư cho rằng mức độ nhận biết thương hiệu rất quan trọng, nó ảnh hưởng tới quyết định đầu tư của họ. Một thương hiệu mạnh về nhận biết dễ dàng vượt qua các vòng thuyết phục đầu tư.

29. 73% doanh nghiệp nhỏ hoặc startup đầu tư vào truyền thông mạng xã hội, đó là một chiến lược quan trọng trong nỗ lực xây dựng thương hiệu. Những doanh nghiệp nhỏ yêu thích sử dụng các mạng xã hội để giao tiếp và truyền thông.

Chỉ số thương hiệu về nhận diện thương hiệu

Chỉ số thương hiệu

30. Màu sắc có thể cải thiện khả năng nhận diện thương hiệu lên đến 80%, điều này có nghĩa khách hàng sẽ dễ dàng nhận biết thương hiệu, nếu thương hiệu thường xuyên sử dụng màu sắc riêng của mình trên các tài liệu nhận diện.

31. 33% trong top 100 thương hiệu hàng đầu thế giới có biểu tượng sử dụng màu xanh da trời như Facebook, Twitter, Visa…

32. 80% người tiêu dùng cho rằng màu sắc rất quan trọng, nó giúp họ dễ dàng nhận biết thương hiệu, điều này chỉ ra rằng mọi thương hiệu nên cố gắng có một màu sắc đặc trưng.

33. Chỉ cần 10 giây là mọi người có thể đưa ra ý kiến nhận xét về biểu tượng của thương hiệu, vì vậy cần thiết kế một logo đơn giản và có thông điệp rõ ràng trước khi bắt đầu hành trình xây dựng thương hiệu.

34. Mức độ yêu thích thương hiệu có thể tăng thêm 46% khi kết hợp cùng âm nhạc. Trên thế giới các thương hiệu đã bắt đầu phát triển hình thức “nhận diện bằng âm thanh”, nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về thuật ngữ này, bạn có thể tìm kiếm với từ khoá “sonic branding” hoặc “Leitmotifs”.

35. Những thương hiệu có nhận diện nhất quán trên mọi nền tảng có thể tăng doanh thu lên đến 23%. Điều này có nghĩa doanh nghiệp cần nhất quán về màu sắc, phông chữ, bố cục tương tự nhau trên mọi nền tảng truyền thông, cả trực tuyến và trực tiếp.

36. Những thương hiệu nhất quán có khả năng hiển thị lớn hơn 3,5 lần so với những thương hiệu không nhất quán. Khi mọi người nhận diện và nhận biết thương hiệu của bạn nhiều hơn thì khả năng chuyển đổi, mua hàng của họ cũng tăng lên.

Chỉ số thương hiệu về sáng tạo nội dung

Chỉ số thương hiệu

37. Một cuộc khảo sát của Hubspot cho thấy 54% người tiêu dùng muốn xem thêm nội dung video từ các thương hiệu mà họ có tham gia sáng tạo. Nội dung video là một trong những nội dung hấp dẫn nhất hiện tại, nó hoạt động tốt trên các mạng xã hội và các blog.

38. 82% người tiêu dùng cảm mến thương hiệu hơn khi họ đọc được những nội dung được cá nhân hoá và thể hiện sáng tạo.

39. 61% người tiêu dùng sẽ chọn mua sản phẩm từ một thương hiệu có nội dung độc đáo. Vì thế hãy tối ưu hoá nội dung của mình nếu muốn cải thiện thêm doanh số bán hàng.

40. Các thương hiệu tạo ra danh mục blog sẽ có nhiều hơn 67% cơ hội chinh phục khách hàng tiềm năng. Chỉ với một chút thủ thuật SEO, bạn sẽ trở thành nhân vật đáng tin cậy trong chính lĩnh vực của mình.

41. 64% người tiêu dùng đã chọn mua sản phẩm ngay sau khi xem xong video của thương hiệu, nếu bạn chưa quen với việc sáng tạo nội dung video, hãy thử sức với các tính năng Stories trên Facebook hay Instagram, đừng quên lồng ghép nhận diện thương hiệu vào trong những video ngắn đó.

42. 53% doanh nghiệp đã chọn sẽ tiếp thị nội dung trong khi xây dựng chiến lược thương hiệu, khách hàng thường có xu hướng tương tác nhiều hơn với bạn, một khi họ cảm nhận được đây là một thương hiệu đáng tin cậy.

43. Chỉ 48% nhân viên tin rằng ban lãnh đạo, đội ngũ truyền thông, marketing và đội ngũ nhân sự muốn trao đổi về các vấn đề xây dựng thương hiệu.

44. 80% độc giả tin rằng nội dung xác thực là yếu tố mạnh mẽ nhất khiến họ bị thương hiệu thuyết phục, vì thế đừng chạy theo số lượng mà hãy ưu tiên chất lượng, cũng như tính xác thực khi xây dựng nội dung.

45. 70% khách hàng cảm thấy rằng họ dễ gắn bó hơn với các thương hiệu ưu tiên tiếp thị nội dung, hãy xây dựng nội dung chất lượng để tạo nên mối quan hệ tự nguyện và gắn bó với khách hàng tiềm năng của mình.

Chỉ số thương hiệu nhà tuyển dụng

Chỉ số thương hiệu

46. Nếu được mời làm việc tại một thương hiệu có uy tín lớn, hơn 90% người được hỏi sẽ cân nhắc nhận công việc đó. Hiểu đơn giản hơn, nếu doanh nghiệp muốn phỏng vấn và tuyển dụng những nhân sự chất lượng cao trong ngành, danh tiếng thương hiệu sẽ là “thỏi nam châm” với sức hút rất lớn.

47. Chỉ có 21% ứng viên nộp đơn vào một công ty bị xếp hạng 1 sao trên website đánh giá của nhà tuyển dụng. Hãy cẩn thận về những đánh giá trực tuyến tiêu cực, chúng thường xuất phát từ những nhân viên cũ nghỉ việc.

48. 62% người tìm việc thay đổi nhận thức của họ về công ty khi nhà tuyển dụng có phản hồi và đánh giá. Giao tiếp và tương tác giữa con người với con người rất quan trọng, đừng ngại bày tỏ ý kiến của mình với thái độ tôn trọng lẫn nhau.

49. Trên Instagram, 7 trên 10 hashtags có xuất hiện thương hiệu. Đây là một công cụ tuyệt với giúp tăng khả năng nhận diện thương hiệu. Hãy luôn liên kết các bài đăng với nhau bằng một hashtag riêng của thương hiệu.

50. 55% chuyên gia tuyển dụng chủ động giới thiệu công ty của họ là nơi làm việc mà mọi người mong muốn.

51. 3 cách phát triển thương hiệu nhà tuyển dụng hàng đầu bao gồm: mạng xã hội (47%), website tuyển dụng của công ty (21%), marketing và quảng cáo (12%). Lựa chọn kênh triển khai phù hợp với nhân sự mới của doanh nghiệp, nơi họ dành phần lớn thời gian trải nghiệm, hãy tận dụng tài nguyên một cách phù hợp.

* Nguồn: Vũ Digital