Nghía Social W41/2021: Lazada sáng nhất phố với biển quảng cáo 3D, Heineken trở lại thông minh với Trò chơi con mực

Mạng xã hội là một sân chơi đầy sôi động cho các nhãn hàng, agency thoả sức sáng tạo và tương tác trực tiếp với người dùng của mình. Cùng “nghía” một vòng mạng xã hội hai tuần đầu của tháng 10 có gì hot và thú vị?

Lazada “sáng nhất thành phố” với quảng cáo 3D ngoài trời

Vào tối ngày 17/10, trang Facebook của Lazada xuất hiện video ghi lại hình ảnh biển quảng cáo ngoài trời 3D để quảng bá cho chiến dịch 11.11 – 1 ngày Sale To. Hoạt động này đã thu hút sự chú ý của các cư dân mạng cùng những phản hồi rất tích cực với bước đi thú vị này.

Heineken cũng không thể ngồi yên với “Trò chơi con mực”

Hoà cùng “cơn sốt hồng xanh” toàn cầu, Heineken đã khéo léo chơi chữ và lồng ghép logo của thương hiệu vào những kí hiệu được sử dụng trong trò chơi trên phim. Sự “đu trend” này nhận được những lời khen có cánh từ người tiêu dùng. Đồng thời, giúp thương hiệu lấy lại sự chú ý khi mọi nơi dần dần được nới lỏng giãn cách, chuẩn bị quay trở lại với trạng thái bình thường mới.

Biti’s Hunter đưa ra giải pháp sau sự cố với bộ sưu tập Blooming Central

Vào ngày 8/10, Bitis Hunter chính thức ra mắt bộ sưu tập Biti’s Hunter Street X Vietmax | Bloomin’ Central. Tuy nhiên, ngay sau đó, bộ sưu tập đã nhận được những phản hồi về sự không chính xác trong việc sử dụng vật liệu cũng như các hoạ tiết trên sản phẩm. Chỉ sau 2 ngày, Biti’s Hunter đã chính thức đưa ra lời xin lỗi kèm với giải pháp cho những nhầm lẫn của bộ sưu tập. Hành động nhanh chóng này đã phần nào xoa dịu dư luận.

Màn debate về Brand Purpose – Ý nghĩa thương hiệu trên “chiến trường” Twitter

Khi thảo luận về vai trò của Brand Purpose, các chuyên gia đã chia làm hai phe. Phe thứ nhất cho rằng Brand Purpose vẫn có lý, đi kèm là nghiên cứu của The IPA trên Marketing Week cho rằng việc chỉ trích Brand Purpose là “ngây thơ và vô căn cứ”. Trong khi đó, phe thứ hai với đại diện là ông Byron Sharp, Giám đốc Viện Ehrenberg-Bass cho rằng nghiên cứu trên bị cảm tính và phe bên kia chỉ đang cố tìm mọi cách chứng minh cho luận điểm của mình. Lập luận của họ chủ yếu cho rằng những thương hiệu với ý nghĩa và khả năng triển khai hoạt động marketing “mạnh” thì bản chất họ đã “mạnh”. Vì vậy, việc so sánh với các thương hiệu yếu hơn (dù có hay không có ý nghĩa thương hiệu) là sự so sánh khập khiễng.

Grab trao thông điệp nhẹ nhàng và tích cực mùa giãn cách

Dù đã được triển khai từ trong đợt giãn cách nhưng album ảnh “Mùa này có một bác tài” vẫn ghi điểm trên mạng xã hội với nét vẽ dễ thương cùng thông điệp giàu cảm xúc. Thông qua album này, Grab đã khéo léo kể về các hoạt động CSR của thương hiệu trong mùa giãn cách mà không gây cảm giác PR quá đà.

Một nét chơi Halloween sớm từ vị trí của Microsoft

Vốn là một thương hiệu khá lớn tuổi, bị gắn mác là một “ông chú” công nghệ khô khan, Microsoft đã có một trò đùa đậm chất ông chú trên trang Twitter của mình. Tận dụng chế độ dark mode của ứng dụng Microsoft Word, thương hiệu này đã có ngay cho mình trang phục ăn chơi mùa Halloween, dù bị sớm đến cả nửa tháng.

Netflix “cà khịa” sự cố của Facebook

Đầu tháng 10, cả thế giới xôn xao khi hệ thống Facebook và Instagram gặp sự cố tê liệt trong vài tiếng. Netflix nhanh tay hoà vào dòng sự kiện, sẵn tiện quảng bá cho “con cưng” “Trò chơi con mực” trên trang Twitter của mình. Chiếc meme này sau đó đã được biến tấu và sử dụng lại bởi người dùng mạng và các thương hiệu khác.

Các thương hiệu khác sử dụng meme tương tự:

Thu Nga / Brands Vietnam
* Nguồn: Tổng hợp