Marketer Lê Anh Tuấn
Lê Anh Tuấn

Managing Director @ Firstcom Digital

“Điểm danh” những digital agency của thời đại video, mobile, e-Commerce và Martech

“Điểm danh” những digital agency của thời đại video, mobile, e-Commerce và Martech

Sự phát triển của video, mobile, e-Commerce và Martech đã khiến Digital Marketing càng trở nên gần với “sale” hơn và những agency có thể giúp client tăng trưởng số “real time” thực sự vô cùng có giá trị.

Mô hình agency cũng đã thay đổi rất nhiều trong 3 năm qua, không ít agency lớn đã phải tái cấu trúc hoặc một số agency đã từ biệt cuộc chơi. Trong bài viết này, mình sẽ đề cập đến những mô hình agency đáng chú ý trong những năm tiếp theo để những ai còn “nặng duyên” với agency có thể tham khảo.

1. Các agency về video 

TikTok

TikTok là từ khoá hot nhất trong 2 năm qua. Trước đây, chúng ta thường nghĩ đây là nền tảng hài nhảm, nhảy nhót lung tung, nhưng giờ đây TikTok gắn liền với những ngôi sao triệu view và những campaign vạn đơn. TikTok và trào lưu video ngắn (như Reel của Instagram) đã tạo ra một thế hệ mua sắm hoàn toàn mới: nằm, lướt và chọn. Những nội dung mang tính cá nhân, giải trí và bắt trend được coi trọng hơn là những thứ mang tính sắp xếp. Các agency nhỏ trong nước đã nhanh chóng tham gia cuộc chơi và gặt hái được nhiều thành tích đáng ngạc nhiên.

TikPlusKhởi đầu từ năm 2017 bởi Nguyễn Thế Huy, một chàng trai 9x, ban đầu agency này làm các dịch vụ Facebook Ads, nhưng không quá nổi bật. Huy nhận thấy cơ hội từ TikTok nên vào năm 2019 đã chuyển dịch hoàn toàn. Đội ngũ của Huy đứng sau các thương hiệu mỹ phẩm vạn đơn/ngày (như Huyền Phi). Hiện tại, TikPlus chỉ có hơn 10 nhân sự nhưng rất “thiện chiến”, gồm đầy đủ các team creative, video editor, ads. Nhờ công thức làm TikTok đã chuẩn hoá và tinh thần học hỏi, lao động hăng say, nên TikPlus có thể gia tăng doanh số rất nhanh mà không cần tuyển thêm nhiều người. Đây là kiểu mô hình rất đáng tham khảo vì các agency cũ vốn rất cồng kềnh về nhân sự nên khó mở rộng.

Nguồn: TikPlus

Đi cùng với Tikplus là Tikpage, do Hùng Hà – một lập trình viên kỳ cựu sáng lập. Tikpage cung cấp giải pháp công nghệ giúp các thương hiệu xây dựng landing page có chức năng điền lead form hoặc mua sắm trực tuyến cho các campaign. Tikpage tiên phong và có nhiều tính năng hữu dụng nên phát triển nhanh chóng.

Mind Max: Khởi đầu từ những năm 2017 bởi Lê Quang Huy, cựu Digital Manager tại Daybreak Digital. Ban đầu, agency này làm các dịch vụ Facebook Ads và Performance Marketing, có vài dự án nổi bật như Goviet. Khi rất nhiều agency/ brand cần tài khoản TikTok Ads để “vít” ngân sách, Mindmax là một trong những agency tiên phong và uy tín chuyên cung cấp dịch vụ này. Đội ngũ của Huy hiện rất tinh gọn nhưng nắm trong tay ngân sách lớn và hoạt động hiệu quả.

Nguồn: Mind Max

DC Media: Agency trực thuộc DC Group do Donnie Chu (Chu Xuân Đức) sáng lập, hiện được dẫn dắt bởi Duy Muối, một 9x sở hữu các kênh TikTok triệu views và là trainer hàng đầu về TikTok. Vài năm trước, Duy Muối còn thất bại trong kinh doanh thì chỉ trong 2 năm anh đã đưa DC Media thành kênh TikTok tỷ view, nắm trong tay nhiều kênh lớn và đứng sau rất nhiều brand mỹ phẩm/ thực phẩm chức năng vạn đơn/ngày. Đội ngũ của DC Media đa phần đều rất trẻ nhưng “độ máu” và bắt trend thì đỉnh cao. DC Media và DC Uni (chuyên đào tạo TikTok) đã cho ra đời rất nhiều kênh TikTok triệu views. Hiện DC Media đi theo hướng TikTok Network, nghĩa là tập hợp các kênh tốt để tạo thành hệ sinh thái số 1 về TikTok và chiếm lĩnh mảnh đất béo bở này. Câu chuyện này khá giống với Yeah1 Network ngày xưa đã thành công đỉnh điểm nhờ YouTube. Cùng mô hình với DC Media có Tiksell (do Nhật Dương, 9x sáng lập), ESM Media Solutions (do Song Ngọc và Maya sáng lập).

Nguồn: DC Group

Facebook, YouTube

Facebook hay YouTube dĩ nhiên vẫn là những nền tảng video hàng đầu và cạnh tranh gay gắt hơn vì có nhiều nhà sáng tạo nội dung xuất sắc trên đó. Vì thế, chỉ có những agency bài bản và đi từ đầu mới làm tốt được.

Welax: (thuộc Admicro, do Lê Xuân Linh quản lý) Tập trung vào việc xây các kênh video và tận dụng nguồn lực Media & Content của Admicro. Ban đầu, đây chỉ là dự án thử nghiệm nhưng không ngờ lại phát triển mạnh mẽ. Hiện giờ, họ đang cung cấp dịch vụ video viral cho những agency lớn. Nhờ sản phẩm tốt và quy trình bài bản nên họ scale up rất nhanh cả về quy mô lẫn doanh thu.

Orion MediaDo Trần Chí Hiếu, một KOL nổi tiếng sáng lập và đã bán lại cho Clevergroup. Orion Media có thời “nổi đình nổi đám” với những video viral không đụng hàng, có chất riêng và sở hữu kênh Trắng TV rất lớn trên YouTube. 

Ông Trần Chí Hiếu
Nguồn: 365 Express

Thế Anh 98: Có mô hình giống Welax, sở hữu những kênh video và fanpage triệu view. Họ cung cấp lại dịch vụ cho các agency và brand từ nhỏ đến lớn. Thế Anh 98 sở hữu đội ngũ trẻ và “thiện chiến”, gần như đi đâu cũng gặp các kênh của họ.

Big Cat: Do Phan Dũng sáng lập, hiện đã bán cho Galaxy Group. Bigcat từng được biết đến với các campaign viral trên YouTube cho mảng game, sở hữu kênh Ghiền mì gõ nổi tiếng. Hiện tại, Dũng tập trung cho mảng blockchain với vai trò BOD tại Kardiachain.

2. Các agency về mobile app performance

Mobile app không chỉ là một công cụ marketing, mà chính xác là một mô hình kinh doanh. Những Unicorn (công ty tỉ USD) như MoMo, VNPay, Shopee, Now... đều bắt đầu từ việc xây app. Hiện nay, cuộc chiến app càng trở nên nóng bỏng: các ngân hàng đều có mobile banking, các startup gọi vốn đều xem app là chiến lược quan trọng, ngay cả các công ty FMCG cũng bắt đầu có app. Không nhiều agency nhìn ra xu hướng này sớm nên những agency thành công nhất đều không quá nổi tiếng (nhưng họ thành công thật sự).

Omega Media: Do Vũ Kim Oanh sáng lập từ năm 2017. Oanh trước đây sáng lập 5iMedia, công ty tiên phong mô hình về adnetwork, media booking, KOL. Sau đó, Oanh mua lại hệ thống từ Adsway của Nhật và lập nên Omega Media. Họ chuyên cung cấp dịch vụ app install thông qua hệ thống Affiliate Network tự động hoá và vận hành hiệu suất. Omega Media có  2 văn phòng ở Sài Gòn và Hà Nội với tổng  nhân sự hơn 40 người. Omega Meida vận hành sản lượng install lên đến 3 triệu/tháng. Khách hàng của họ là MB Bank, Viettel Pay, Grab, MoMo... Hệ thống đã tiến hoá tới mức có thể cam kết những chỉ số rất sâu như tính tiền theo eKYC (ngân hàng), first transaction user ( Viettel pay ), CPO - cost per order (cho Ecommerce), và Cost per first rider first trip (cho Grab)... 

Đội ngũ của Omega rất mạnh về dịch vụ (có thể vì phần lớn lãnh đạo là nữ) và cam kết tối ưu. Omega là mô hình agency kết hợp sức mạnh của công nghệ (tự động hoá vận hành) và network (huy động sức mạnh của các publisher thay vì Google, Facebook, YouTube). Họ có thể tăng trưởng doanh số mạnh mẽ mà không cần phải mở rộng quy mô nhân sự, đó là chìa khoá để Omega luôn giữ được tính hiệu quả và đồng nhất trong hoạt động.

 

Bà Vũ Kim Oanh (giữa) cùng nhân sự Omega Media
Nguồn: viettimes

AppROI: Do Hoàng Minh Dương sáng lập, có đầu tư từ ChinMedia. Dương từng là trainee của mình, sau đó rất thành công tại các e-Commerce Unicorn như Lazada, Shopee. Dương có am hiểu rất sâu về việc tối ưu Mobile UX/ Mobile Engagement. Đội ngũ AppROI nhỏ gọn nhưng “thiện chiến” và làm được rất nhiều campaign thành công cho các tay chơi lớn.

PMAX: Là một agency rất mạnh về mobile app khi làm các dự án lớn cho ZaloPay, FE Credit. PMAX luôn tiên phong các hướng đi mới để có thể tăng trưởng đột phá. Họ là ví dụ điển hình cho một thế hệ agency mới không bị gò bó bởi tư duy cũ, mà luôn đào sâu sức mạnh của công nghệ.

Nguồn: PMAX

3. Các agency về e-Commerce

Không thể phủ nhận về sự lên ngôi của e-Commerce, nhất là sau 2 làn sóng COVID-19. Trước đây, e-Commerce là cuộc chơi của các công ty nhỏ thì giờ đây, hầu hết các tập đoàn lớn đều phải có mall trên 4 sàn thương mại điện tử. Những agency đi đầu trong mảng này đã nắm được tầm ảnh hưởng mạnh mẽ và có sức nặng với các nhãn hàng – vì họ cam kết được doanh số.

OnPoint: Sáng lập bởi Trần Quang cựu quản lý cấp cao của Lazada – có sự tham gia của Long Lê (sáng lập PMAX). OnPoint có hơn 100 khách hàng là những tập đoàn lớn và đội ngũ nhân sự hơn trăm người. Họ vừa mới gọi vốn được hơn 8 triệu USD – việc này rất hiếm vì hầu hết agency digital đều rất khó gọi vốn. Dịch vụ của OnPoint gồm 3 mảng chính: tư vấn chiến lược e-Commerce, quản lý gian hàng và nhập hàng bán trực tiếp. Việc vận hành rất phức tạp, bao gồm nhập hàng, giao vận, bán lẻ... có thể xem OnPoint là một mô hình agency kiểu mới có thể cam kết doanh thu cho khách hàng – điều mà không nhiều bên làm được. 

Nguồn: OnPoint

Ecomeasy: Sáng lập bởi Nguyễn Trần Bích Ngọc, cựu quản lý cấp cao Lazada – có sự tham gia của Nguyễn Thanh Bình (sáng lập ChinMedia). Dịch vụ của họ tương tự OnPoint nhưng quy mô nhỏ hơn.

GIGAN: Sáng lập bởi Trần Quốc Kỳ, cựu CEO Chinmedia. GIGAN làm nhiều dịch vụ nhưng chủ lực vẫn là Performance Marketing và e-Commerce. Họ có quy trình và khả năng đào tạo nhân sự rất tốt nên đảm bảo được sự thành công cho các chiến dịch.

Accesstrade: Liên danh giữa MOG và Accesstrade Nhật Bản, do Đỗ Hữu Hưng làm CEO. Accesstrade mạnh ở mảng affiliate khi đóng góp doanh số lớn cho cả 4 sàn thương mại điện tử, tạo ra GMV (Gross Merchandized Value) hàng chục ngàn tỉ. Họ cũng tiên phong sáng tạo các mô hình mới như KOC (Key Opinion Consumer – phiên bản mới của KOL) hay các dịch vụ cam kết doanh số. Accesstrade cũng tham gia mạnh mẽ vào việc phổ cập Affiliate/ e-Commerce ở Việt Nam khi tổ chức các sự kiện lớn hàng năm, thu hút cả ngàn người, trở thành “ngày hội làng” của các anh em làm e-Commerce.

Ông Đỗ Hữu Hưng, CEO Accesstrade
Nguồn: Accesstrade

Ecomobi: Sáng lập bởi Trương Công Thành (cựu CEO AdFlex), Nguyễn Xuân Đông (cựu sáng lập Moore). Ban đầu Ecomobi tập trung nhiều ở thị trường Đông Nam Á (Indonesia, Thái Lan) nên ở Việt Nam ít được chú ý. Nhưng 2 năm nay, họ đã phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam hơn với các dịch vụ: KOC, affiliate và bán lẻ. Họ phát triển theo mô hình startup, gọi vốn để liên tục tái đầu tư vào công nghệ, hoàn thiện mô hình Social Commerce khép kín: từ việc marketing trên social đến bán hàng đa kênh và vận hành. Có thể nói hệ thống của Ecomobi có hàm lượng kỹ thuật và độ sâu thuộc hàng đầu, ít agency có thể so sánh được.

Ông Trương Công Thành, đồng sáng lập Ecomobi
Nguồn: Baodautu

AdFlex: Có thể xem là công ty tiên phong về affiliate, do Nguyễn Đăng Hiếu làm CEO. Có một thời gian họ tiến sang Indonesia nhưng không thành công. Hiện AdFlex đang chạy rất mạnh cho các brand về mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược phẩm ở miền Bắc.

Gobranding: Họ tập trung vào việc giúp các nhà bán lẻ ở Việt Nam tạo gian hàng và vận hành trên Amazon. Điều này còn mới mẻ nhưng hứa hẹn sẽ bùng nổ trong các năm tới khi Amazon đang đầu tư rất mạnh cho Việt Nam. Đây cũng là một xu hướng mới cho các agency: thay vì chỉ tập trung trong nước thì hãy giúp các thương hiệu của Việt Nam vươn ra thế giới.

4. Các agency Martech

Sự phát triển của công nghệ và số hoá trong mọi lĩnh vực kinh tế đã khiến năng lực cạnh tranh của agency không chỉ nằm ở khả năng sáng tạo nữa, mà còn tập trung vào công nghệ. Đó là các công ty Martech, hứa hẹn sẽ thay đổi cách thức làm marketing trong vài năm nữa.

Mobio: Đây là agency chuyên về CDP (Customer Data Platform) với hơn 80 nhân sự và hàng chục khách hàng mảng Bank, Fintech. Sau 3 năm với vô số những thành công và trải nghiệm, họ có thể xem là CDP tiên phong và hoàn toàn nội địa. Họ có thể tuỳ chỉnh để đáp ứng linh hoạt các yêu cầu của khách hàng nhằm đạt hiệu quả cao nhất – một lợi thế so với các CDP nước ngoài vốn không khớp với cách vận hành ở Việt Nam.

Antsomi: Công ty được sáng lập bởi Đinh Lê Đạt (sáng lập ANTS), chuyên về CDP, sở hữu đội ngũ nhân sự có chuyên môn nhiều năm về Big Data/ Analytics/ Hệ thống. Họ tập trung vào các khách hàng mảng bán lẻ như PNJ, Nguyễn Kim, Bibo Mart… Antsomi lập văn phòng tại Singapore và làm dự án được cho cả khách hàng ở Malaysia, Phillipines, Indonesia. Câu chuyện về CDP đã nóng lên trong nhiều năm qua và để chọn ra một CDP nội địa hứa hẹn thì chắc chắn sẽ có tên Antsomi.

Ông Đinh Lê Đạt, nhà sáng lập Antsomi
Nguồn: baodautu

PrimeData: Sáng lập bởi Nguyễn Hải Triều, cựu Chủ tịch YouNet Media, người kiến trúc sư cho thành công của SocialHeat. Sau vài năm, họ đã bắt đầu đưa CDP vào rất nhiều doanh nghiệp và đang nuôi tham vọng dẫn đầu mảng này.

Aka MartechCông ty con của Aka Group, sáng lập bởi Nguyễn Hà Đức Minh, cựu CMO Nokia Việt Nam. Họ sở hữu Leo CDP và reseller cho nhiều giải pháp nổi tiếng thế giới như Salesforce, Oracle, Netcore...

Opla Consulting: Sáng lập bởi Nam Nguyễn, cựu Lead Engineer Salesforce Việt Nam. Họ thiên về tư vấn chuyển đổi số và kiến trúc giải pháp rồi kết nối các đối tác Martech phù hợp. Đây là 1 cách làm thông minh, đã có những agency trên thế giới thành công. 

Đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm của Opla Consulting
Nguồn: Opla Consulting

Omega Martech: Do mình, Vũ Kim Oanh (Omega Media) và Hằng Nguyễn (cựu CEO 5iMedia) đồng sáng lập. Omega Martech ban đầu sẽ làm reseller cho các giải pháp nổi tiếng thế giới (như Adjust, Moengage, Mixpanel) rồi dần dần phát triển sản phẩm riêng. 

Repu DigitalDo Lại Tuấn Cường sáng lập. Repu bán rất nhiều giải pháp Martech như Hubspot, Zoho, Zoom…

Hub-js: Do Thành Long, 1 người đam mê và am hiểu Martech sáng lập. Hub-js tập trung vào các giải pháp martech tích hợp phục vụ cho đa dạng các nhóm từ SME đên các nhãn hàng lớn.

Ematic: Trước đây làm email marketing, giờ chuyển hướng sang cung cấp các giải pháp Martech nổi tiếng của nước ngoài.

FFF: Do Lê Đặng Hải Nam sáng lập. Nam từng sáng lập Climax Interactive và Firstcom Digital chung với mình. FFF bán các giải pháp tối ưu Google Ads cho SME và một số giải pháp bổ trợ cho vận hành do họ tự xây dựng. Khách hàng của họ có khi chỉ tiêu vài triệu tiền Google Ads mỗi tháng nhưng có đến hàng chục nghìn khách như thế. Trong nhiều năm, FFF là 1 trong 4 đối tác lớn nhất của Google tại Việt Nam.

Bigbom: Do Nguyễn Văn Vững sáng lập. Vững là 1 trong những người làm affliate xuất sắc trước đây tại Adtop, rồi quyết tâm tham gia Martech. Bigbom cung cấp trọn bộ giải pháp tối ưu Google Ads/ Facebook Ads tự động dựa trên data/ machine learning giúp các nhà quảng cáo gia tăng hiệu suất. Khi còn làm dự án A1 Digihub thì mình và Vững thường xuyên gặp nhau tại các sự kiện của Google và thuộc nhóm những công ty được Google lựa chọn làm đối tác Tech.

Nguồn: Bigbom

SmartOSC: Agency chuyên về các giải pháp e-Ccommerce trên nền tảng Magento, nhưng 80% khách hàng ở nước ngoài. Họ bắt đầu có nhiều hoạt động mạnh hơn cho thị trường Việt Nam. 

Palexy: Công ty tiên phong về các giải pháp đo lường và phân tích hành vi người mua tại cửa hàng sử dụng camera và thuật toán. Sáng lập bởi Thông Đỗ, tiến sĩ máy tính từng khởi nghiệp rất thành công tại thung lũng Sillicon nên sản phẩm của Palexy có nhiều sự khác biệt. Họ đã triển khai giải pháp cho PNJ, Vua Nệm, CoupleTX và rất nhiều chuỗi bán lẻ.

Hana.ai: Do Trương Công Hải, 1 kỹ sư máy tính, sáng lập từ năm 2015, chuyên về các giải pháp chatbot và chăm sóc khách hàng qua tin nhắn. Hải và đội ngũ rất kiên trì để đào sâu vào ngách chatbot vốn gặp nhiều rào cản từ các chính sách của Facebook lẫn sự phức tạp về xử lý ngôn ngữ. Điểm mạnh của Hana là nền tảng công nghệ vững và khả năng tuỳ chỉnh, tích hợp sâu với các nền tảng CRM. 

Kompa Group: Do Cường Vòng, người đã cực kỳ thành công ở ClickMedia, Boomerang sáng lập. Đội ngũ kỹ sư của Kompa toàn ngôi sao từ thung lũng Sillicon nên nền tảng công nghệ mạnh mẽ và cách làm sản phẩm chuẩn chỉnh. Kompa đang cung cấp các giải pháp CDP, data analytics, chatbot cho các tập đoàn lớn ngành ngân hàng, tài chính.

 

Tạm kết phần 3, mình rất tiếc nếu có cái tên thú vị nào chưa xuất hiện trong danh sách này. Mình sẽ tiếp tục quan sát và đưa thêm những thông tin mới trong phần tiếp theo.

Xem thêm danh sách các digital marketing agency nổi bật ở Việt Nam tại đây.