TECHFEST 2021: Entertainment and Media Summit 2021 – “Tương lai trong tầm tay”

Tiếp nối thành công năm 2020, Diễn đàn Đổi mới sáng tạo trong ngành Giải trí và Truyền thông 2021 chính thức quay trở lại với chủ đề “Tương lai trong tầm tay” (The future is here).

Diễn đàn mở ra những cuộc đối thoại cởi mở giữa các chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp xoay quanh nội dung: Làm thế nào để hệ sinh thái doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KN ĐMST hay còn gọi là startup) Việt Nam nắm bắt được cơ hội phát triển của ngành giải trí và truyền trước bối cảnh tương lai mới sau đại dịch COVID-19.

Diễn đàn được tổ chức bởi Làng Công nghệ Giải trí – Truyền thông và các đơn vị, đồng hành cùng Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia – TECHFEST Vietnam 2021. Sự kiện là nơi gặp gỡ của các chuyên gia với cộng đồng trong lĩnh vực giải trí – truyền thông trong nước và quốc tế.

Theo báo cáo PwC, ngành giải trí & truyền thông toàn cầu đã lấy lại đà phát triển, với doanh thu vượt xa nền kinh tế nói chung. Ngành công nghiệp trị giá 2 nghìn tỉ USD đang trên đà tăng trưởng 6,5% vào năm 2021 và 6,7% vào năm 2022, được thúc đẩy bởi nhu cầu mạnh mẽ về nội dung kỹ thuật số và quảng cáo. Định giá thị trường truyền thông trực tuyến của Việt Nam tính đến năm 2019 là 2,8 tỉ USD, đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á. Theo PwC, riêng với lĩnh vực giải trí và truyền thông, Việt Nam sẽ liên tục tăng trưởng 6,1% về số lượng người dùng đến năm 2023.

“Mặc dù lĩnh vực giải trí và truyền thông tại Việt Nam đang có nhiều tiềm năng và lợi thế trong việc thu hút nguồn đầu tư, việc phát triển vẫn còn gặp nhiều rào cản xuất phát từ thách thức bởi hành lang pháp lý và sự phân mảnh giữa các cộng đồng phát triển” – ông Lâm Quang Tùng, Trưởng Làng Công nghệ Giải trí – Truyền thông của TECHFEST Vietnam chia sẻ.

Nền kinh tế sáng tạo: Trao quyền cho nhà sáng tạo nội dung

Theo báo cáo của Signal Fire, trong số 50 triệu nhà sáng tạo tồn tại ngày nay, 48 triệu nhà sáng tạo là những người làm nội dung nghiệp dư. Nhiều nhà sáng tạo tập trung vào việc kiếm tiền, khiến đây trở thành một trong những công việc hấp dẫn trong thế kỷ 21.

Trong toạ đàm “Nền kinh tế sáng tạo: Trao quyền cho nhà sáng tạo nội dung và doanh nghiệp KN ĐMST trong lĩnh vực giải trí và truyền thông”, anh Nicolas Phạm – Giám đốc Vận hành Sản phẩm, TikTok Việt Nam chia sẻ nền kinh tế sáng tạo là một thị trường vẫn còn mới và chưa được nhiều người hiểu rõ. Theo anh, thị trường kinh tế sáng tạo ở Việt Nam có thể được xem đang “bùng nổ mạnh mẽ” để giúp nhiều người có nguồn thu nhập ổn định và vững chắc.

Nói về tiềm năng của các startup tham gia vào nền kinh tế sáng tạo, chị Hà Lâm Tú Quỳnh – Giám đốc Truyền thông Google Châu Á – Thái Bình Dương, phụ trách thị trường Việt Nam nhận định: “Điều quan trọng là các doanh nghiệp sản xuất, phân phối nội dung sáng tạo, hay doanh nghiệp kết nối các thương hiệu có thể nắm được nhu cầu của cộng đồng và các xu hướng của nhà sáng tạo nội dung. Từ đó, cơ hội cho các doanh nghiệp tham gia vào nền kinh tế sáng tạo sẽ nhiều hơn”.

Về các hoạt động hỗ trợ của YouTube dành cho các nhà sáng tạo nội dung, chị Quỳnh chia sẻ YouTube cũng đã ra mắt quỹ hỗ trợ nhà sáng tạo với nguồn kinh phí 100 triệu USD nhằm hỗ trợ và trực tiếp chi trả cho các nhà sáng tạo có các nội dung phù hợp với tiêu chuẩn cộng đồng và đóng góp cho cộng đồng. Tháng 9 vừa qua, YouTube đã giới thiệu phiên bản YouTube Shorts để nhà sáng tạo có thể làm những nội dung ngắn hơn.

Trong toạ đàm, chị Phượng Hà – Giám đốc Điều hành METUB Network – mạng lưới hơn 2.500 nhà sáng tạo nội dung tại Việt Nam, cũng chia sẻ các nền tảng sáng tạo đang nỗ lực trở thành những công cụ dễ sử dụng để các nhà sáng tạo nội dung có nhiều tiềm năng phát triển hơn. Dưới góc độ của METUB – một startup đang tham gia vào nền kinh tế sáng tạo cách đây 5 năm, chị cho rằng nền kinh tế sáng tạo là một nền kinh tế mở và cần thêm nhiều định hướng cho nhà sáng tạo.

Tương lai của OTT: Nội dung gốc và không gian phát triển cho người chơi mới

Trong năm 2019, các doanh nghiệp về lĩnh vực giải trí và tuyền thông trên thế giới dành hơn 120 tỉ USD cho nội dung gốc (Original Content). Trong khi, định giá của thị trường dịch vụ đăng ký xem phim trực tuyến theo yêu cầu (the subscription video on demand) ở Việt Nam có thể đạt 302 triệu USD cho đến năm 2025.

Theo chị Đinh Thị Nam Phương – Giám đốc Chiến lược phát triển nội dung VieON, 56% người dùng Việt Nam lựa chọn nội dung giải trí và truyền thông nội địa (local content) so với các nội dung từ nước ngoài. Theo đó, chị cho rằng đây là tín hiệu đáng mừng dành cho những nhà sản xuất nội dung trong nước:“Bởi người dùng đã gửi gắm sự lựa chọn ở mình, khi tập trung sản xuất những nội dung chất lượng, thì khả năng cạnh tranh của các nhà sản xuất trong nước sẽ ngày càng cao hơn”.

Nhà báo Nguyễn Đức Hoà – Phó ban Thanh Thiếu niên, Đài Truyền hình Việt Nam cho biết: Ở VTV, các chương trình với nội dung xoay quanh văn hoá và con người Việt Nam hiện đang dẫn đầu. Tuy nhiên theo nhà báo, việc sáng tạo nội dung nhìn chung vẫn cần hướng tới xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn, chính vì vậy VTV hiện có những bộ quy chuẩn liên quan đến việc sản xuất và phát hành nội dung.

Đầu tư mạo hiểm vào các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST trong lĩnh vực giải trí và truyền thông

Mở đầu toạ đàm các nhà đầu tư lý giải về việc tại sao lĩnh vực truyền thông giải trí đang sở hữu nhiều tiềm năng để phát triển nhưng vẫn chưa được các quỹ đẩy mạnh đầu tư trong quá khứ.

Theo giải thích từ anh Minh Tạ – Đại diện từ Ascend Vietnam Ventures: “Có thể bởi vì truyền thông là một ngành khó đoán khi các xu hướng về nội dung diễn ra khá nhanh và các startup có cơ hội như nhau khi tham gia vào thị trường”.

Hoặc theo ý kiến của chị Valerie Vân Vũ – Đại diện từ Venturra Ventures, hiện nay doanh thu ngành truyền thông đến từ quảng cáo khá lớn và đây là thị trường có thể xem là đã bão hoà.

Tuy nhiên, chị Lynn Hoàng – Giám đốc quốc gia Binance Việt Nam lại cho rằng có rất nhiều tiềm năng để phát triển cho ngành truyền thông – giải trí trong thị trường trò chơi trực tuyến ứng dụng công nghệ blockchain. Các startup trong lĩnh vực này có thể dễ dàng tiếp cận các nguồn quỹ lớn.

Các nhà đầu tư cũng đồng tình với ý kiến hiện tại đang là thời điểm tốt để khởi nghiệp trong lĩnh vực truyền thông và giải trí bởi những yếu tố thuận lợi về sự phát triển của đa dạng các xu hướng nội dung và việc dễ dàng tiếp cận các nguồn lực đầu tư trong nước và quốc tế. Chị Valerie Vân Vũ chia sẻ về lời khuyên dành các startup về lĩnh vực truyền thông và giải trí rằng các startup nên quan tâm tới 1.000 người dùng đầu tiên, bởi đây là bước đầu trong việc các startup xây dựng nên cộng đồng của mình.