Marketer Ho Ryder
Ho Ryder

Digital Marketing Manager @ Ecom Minded

Chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn về việc xây dựng một mô hình kinh doanh trên Amazon

Dưới đây là tất cả từ cách bán hàng trên Amazon cho người mới bắt đầu chia sẻ nhiều thông tin hữu ích: từ đăng ký tài khoản như thế nào đến kinh nghiệm bạn có thể áp dụng giúp việc kinh doanh phát triển hơn,…

Là người mới bắt đầu kinh doanh trên Amazon, chắc hẳn có rất nhiều điều bạn chưa rõ. Từ quy trình kinh doanh trên Amazon như thế nào, đăng ký tài khoản ra sao? Có bí quyết gì để việc bán hàng trên Amazon hiệu quả không?… Tất cả đều cần bạn tìm hiểu, nghiên cứu kỹ lưỡng. Bài viết này được Ecom Minded - bởi những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực với kinh nghiệm trên 11 năm, đã từng làm việc tại các công ty & sàn TMĐT lớn tại Việt Nam và thị trường Mỹ (Amazon, Etsy, other platforms..) viết ra từ những kinh nghiệm thực tiễn.

Hy vọng sẽ đem cái nhìn tổng quan và nhiều điều có ích cho cộng đồng.

Tại sao nên bán hàng trên Amazon?

Nên kinh doanh trên Amazon hay các nền tảng khác là câu hỏi luôn được mọi người cân nhắc. Đánh giá thực tế, có rất nhiều lý do thuyết phục để bạn có thể bắt đầu việc kinh doanh trên Amazon. Trong đó, nhiều người bán đánh giá cao Amazon ở những ưu điểm dưới đây:

  • Cơ hội tiếp cận lượng khách hàng tiềm năng lớn trên toàn cầu: Amazon được biết đến là một trong những trang thương mại điện tử lớn nhất thế giới. Với 300 triệu khách hàng, doanh thu hàng năm lên đến hàng trăm tỷ đô la, lại có đến 12 thị trường toàn cầu, phục vụ các nền kinh tế lớn nhất thế giới, bán hàng trên Amazon giúp bạn tiếp cận tệp khách hàng hàng trăm triệu người trên toàn cầu này. Hay nói cách khác, khách hàng của bạn không bị giới hạn ở một vùng lãnh thổ nhất định, mà mở rộng ở toàn thế giới.
  • Amazon được khách hàng tin tưởng, lựa chọn mua hàng: Với ưu thế này, người bán không chỉ tiếp cận được lượng khách hàng lớn mà còn có thể có được doanh số bán hàng cao.
  • Dễ dàng mở rộng quy mô kinh doanh: Sau khi đạt được những thành công nhất định trong việc bán hàng trên Amazon, bạn hoàn toàn có thể dễ dàng mở rộng quy mô kinh doanh mà không phải tăng thêm khối lượng công việc cần xử lý. Đặc biệt khi bạn chọn kinh doanh trên Amazon theo hình thức Fulfillment By Amazon (FBA).
  • Bắt đầu việc kinh doanh trên Amazon dễ dàng: Không cần sở hữu nguồn vốn lớn, có sẵn sản phẩm trong tay hay có kinh nghiệm chuyên sâu,… bạn vẫn có thể bắt đầu việc bán hàng trên Amazon từ Việt Nam.
  • Amazon liên tục cập nhật và tạo ra nhiều mô hình kinh doanh mới, thúc đẩy việc kinh doanh cho người bán.

Dễ dàng khởi nghiệp trên Amazon

Bán hàng trên Amazon giúp bạn tiếp cận tệp khách hàng hàng trăm triệu người trên toàn cầu.

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, kinh doanh trên Amazon cũng tồn tại những nhược điểm. Chẳng hạn như người bán sẽ phải trả một số khoản phí nhất định. Nếu bạn kinh doanh các sản phẩm có lợi nhuận thấp, việc bán hàng trên Amazon có thể không mang lại lợi nhuận cho bạn. Hay như bạn phải cạnh tranh gay gắt với số lượng khổng lồ các đối thủ bán cùng sản phẩm,…

Mặc dù vậy, trên thực tế, bán hàng trên Amazon đang mang lại nguồn thu nhập chính cho 2,4 triệu người bán. Rất nhiều người cá nhân, doanh nghiệp ở Việt Nam kiếm “bộn” tiền nhờ kinh doanh trên Amazon.

Quy trình cơ bản của một mô hình kinh doanh trên Amazon

Để hình dung việc bán hàng trên Amazon diễn ra như thế nào, bạn có thể theo dõi quy trình 4 bước sau đây:

Đăng sản phẩm trên Amazon

Sau khi lựa chọn được sản phẩm tiềm năng để kinh doanh, việc của bạn là đăng tải những thông tin, hình ảnh,… về sản phẩm lên Amazon.

Tối ưu trang sản phẩm/các hoạt động Marketing

Tiếp đó để có được khách hàng bạn cần tối ưu trang sản phẩm và triển khai các hoạt động Marketing. Nói về việc tối ưu trang sản phẩm, bạn sẽ cần thực hiện các việc làm như tối ưu tiêu đề, mô tả sản phẩm, hình ảnh,… Tất cả giúp tăng khả năng khách hàng tìm thấy sản phẩm của bạn, truy cập và chuyển đổi mua hàng.

Khách vào Amazon đặt mua, Amazon vận chuyển hàng tới khách

Thay vì bạn phải đóng gói, vận chuyển, khi có đơn đặt hàng, Amazon sẽ vận chuyển sản phẩm đến tay người mua.

Khách trả tiền cho Amazon, Amazon chuyển tiền cho Sellers sau 30 ngày

Amazon sẽ thu tiền từ khách hàng. Người bán sau đó nhận được tiền từ Amazon chuyển lại.

Amazon FBA chuyển hàng tới khách hàng

Sau khi có đơn hàng, Amazon sẽ đóng gói, vận chuyển sản phẩm tới người mua.

Một số mô hình kinh doanh phổ biến trên Amazon

Là người mới bắt đầu kinh doanh trên Amazon bạn có thể cân nhắc chọn 1 trong 3 mô hình kinh doanh phổ biến dưới đây. Tuy nhiên để đưa ra quyết định cuối cùng đi theo hình thức nào bạn nên cân nhắc kỹ quy mô kinh doanh cũng như khả năng tài chính của mình.

FBA

FBA là viết tắt của Fulfillment by Amazon. Đây là một hình thức hỗ trợ người bán trên Amazon bằng cách lưu trữ sản phẩm tại kho của Amazon. Hay giải thích cụ thể hơn, người bán sẽ gửi sản phẩm của họ đến kho của Amazon. Sau đó, khi có đơn đặt hàng, Amazon sẽ tiếp nhận, đóng gói sản phẩm và vận chuyển đến tay khách hàng.

Nhìn chung với hình thức này, người bán hàng chỉ cần bán hàng, có đơn đặt. Mọi công đoạn về sau đều được Amazon xử lý và báo lại kết quả. Thuận tiện là vậy nhưng ngược lại, bạn sẽ phải trả cho Amazon một số loại phí bao gồm: phí lưu kho, phí hoàn thiện đơn hàng, phí đổi trả,…

Quy trình của mô hình FBA Amazon

Các quy trình trong hình thức bán hàng FBA trên Amazon.

FBM

FBM hay Fulfillment by Merchant là hình thức bán hàng được nhiều người kinh doanh trên Amazon lựa chọn. Với hình thức này, người bán liệt kê các sản phẩm của họ trên Amazon và tự quản lý tất cả việc lưu trữ, vận chuyển và hỗ trợ khách hàng.

Trong nhiều trường hợp, người bán không thể xử lý hết tất cả công việc trên. Họ thường liên kết với một bên thứ 3 khác. Chẳng hạn như bên thứ 3 chuyên cung cấp dịch vụ kho bãi,…

FBA và FBM

Với FBM, người bán sẽ tự quản lý tất cả các việc mà không cần phụ thuộc vào Amazon.

Merch by Amazon

Đây là hình thức bán áo thun in theo yêu cầu trên Amazon, thu hút số lượng lớn Seller tham gia. Việc của người bán là thiết kế mẫu áo và quảng bá sản phẩm. Amazon sẽ lo mọi khâu còn lại từ in ấn, vận chuyển và thanh toán. Lợi nhuận của bạn sẽ được tính sau khi trừ đi chi phí sản xuất áo và giá đăng bán Amazon.

Merch by Amazon

Merch by Amazon thu hút số lượng lớn Seller tham gia.

Các thông tin cần chuẩn bị khi muốn bán hàng trên Amazon

Trong các hướng dẫn bán hàng trên Amazon cho người mới bắt đầu, để chuẩn bị đăng ký tài khoản bán hàng trên Amazon, dưới đây là một số thông tin bạn cần chuẩn bị:

  • Số tài khoản ngân hàng và số định tuyến ngân hàng (Bank Routing Number).
  • Thẻ tín dụng.
  • Số chứng minh nhân dân.
  • Thông tin thuế.
  • Số điện thoại.
  • Sao kê tài khoản ngân hàng

Đăng ký tài khoản

Để bắt đầu bán hàng trên Amazon, việc bạn cần làm là đăng ký tài khoản. Trên Amazon, hiện có 2 loại tài khoản cho người bán tùy chọn: tài khoản cá nhân và tài khoản chuyên nghiệp.

  • Tài khoản cá nhân: Với tài khoản cá nhân, bạn sẽ bị hạn chế số lượng sản phẩm bán, chỉ được bán ít hơn 40 sản phẩm/tháng. Với mỗi sản phẩm bán được, bạn phải trả cho Amazon 0,99$/sản phẩm.
  • Tài khoản chuyên nghiệp: Với loại tài khoản này, bạn có thể bán hơn 40 sản phẩm/tháng. Người bán có thể truy cập vào các API và nhiều báo cáo bán hàng khác. Ngoài ra, bạn cũng có thể bán hàng với các chương trình như Launchpad hoặc Handmade. Mức giá người bán phải trả cho loại tài khoản này là 39,99$/tháng.

Với người mới bắt đầu, đang bán thử nghiệm các sản phẩm mới, tài khoản cá nhân có lẽ là lựa chọn phù hợp. Hơn nữa, trong quá trình kinh doanh, bạn hoàn toàn có thể chuyển đổi sang tài khoản chuyên nghiệp bất cứ lúc nào.

Đặc biệt, nếu bạn đăng ký tài khoản chuyên nghiệp ngay từ đầu, nhưng không bán được hàng/chưa có đơn hàng, Amazon sẽ hoàn lại phí hàng tháng nếu bạn email xin hỗ trợ.

Sau khi đã nắm được hai loại tài khoản bán hàng trên Amazon, dưới đây là hướng dẫn đăng ký bán hàng trên Amazon. Cho dù bạn chọn loại tài khoản nào, quá trình đăng ký tài khoản bán hàng tương tự nhau.

  • Bước 1: Bạn truy cập vào Website của Amazon ở địa chỉ https://www.amazon.com/ Ở góc bên phải màn hình, đặt con trỏ chuột vào “Hello, Sign in Account & Lists”.
  • Bước 2: Nhấn chọn “Start here” để bắt đầu đăng ký tài khoản.
  • Bước 3: Điền các thông tin đăng ký tài khoản, bao gồm: tên, Email/số điện thoại, đặt mật khẩu, nhập lại mật khẩu vừa nhập. Sau đó ấn “Continue” để tiếp tục.
  • Hộp thoại đăng ký tài khoản bán hàng trên Amazon.
  • Bước 4: Xác thực địa chỉ Email/số điện thoại: Sau khi gửi các thông tin trên, Amazon sẽ gửi thông tin xác thực về địa chỉ Email/số điện thoại bạn vừa đăng ký. Bạn nhập mã OTP nhận được và nhấn “Verify” để chuyển sang bước tiếp theo.
  • Bước 5: Tiếp tục điền thông tin để đăng ký tài khoản bán hàng trên Amazon. Bạn cần lần lượt điền thông tin trong 5 mục: Seller Agreement, Seller Information (thông tin người bán), Billing/Deposit (phương thức thanh toán), Tax Information (thông tin thuế) và Product Information (thông tin sản phẩm). Tuy nhiên với tùy chọn Product Information, bạn có thể bỏ qua và điền sau.

5 bước tạo tài khoản sellers Amazon

Bạn cần điền lần lượt thông tin trong 5 mục này để hoàn tất đăng ký tài khoản.

Sau khi hoàn tất các bước này, Amazon sẽ review tài khoản của bạn. Thường thì Amazon sẽ yêu cầu bạn gửi sao kê ngân hàng để chứng thực danh tính. Nếu thông tin của bạn là thực và chưa từng tạo tài khoản Sellers Amazon lần nào thì qua bước này rất dễ.

Các chi phí phải trả khi bán hàng trên Amazon

Kinh doanh trên Amazon phải trả các loại phí nào là câu hỏi được nhiều người bán quan tâm. Nhìn chung, các loại phí khi bán hàng trên Amazon như sau:

  • Phí đăng ký: Đây là khoản phí bạn phải trả cho loại tài khoản mình chọn và mức giá phụ thuộc vào loại tài khoản này. Đối với tài khoản chuyên nghiệp, mức phí cố định là 39,99$/tháng, không tính phí trên mỗi mặt hàng. Còn tài khoản cá nhân, với mỗi mặt hàng bán được, người bán phải trả 0,99$.
  • Phí bán hàng: Khoản phí này được tính cho mỗi mặt hàng được bán. Phí bán hàng bao gồm phí giới thiệu (phụ thuộc vào giá bán, danh mục sản phẩm) và phí khóa sổ (chỉ áp dụng cho Media Categories).
  • Phí vận chuyển: Amazon ước tính mức phí vận chuyển dựa trên danh mục sản phẩm và dịch vụ vận chuyển mà người mua lựa chọn.
  • Phí FBA: Đối với hình thức FBA, người bán sẽ phải trả phí thực hiện đơn hàng, lưu kho và các dịch vụ tùy chọn khác.

Sử dụng Payoneer để rút tiền về Việt Nam

Trong những tìm kiếm về cách bán hàng trên Amazon từ Việt Nam, rất nhiều người băn khoăn không biết sau khi kinh doanh và có được lợi nhuận, làm thế nào để rút tiền về? Câu trả lời chính là sử dụng tài khoản Payoneer. Tài khoản Payoneer đóng vai trò là kênh trung gian để người bán nhận tiền từ Amazon.

Khi đăng ký tài khoản Payoneer, người bán sẽ có tài khoản trực thuộc một ngân hàng tại Mỹ để nhận tiền từ Amazon. Ngoài ra, bạn cũng nhận được thẻ Mastercard. Thẻ này sẽ được chuyển về Việt Nam theo địa chỉ bạn đăng ký.

Với thẻ Payoneer Mastercard bạn có thể rút tiền ngay ở cây ATM ở Việt Nam. Hoặc khi có tiền trong tài khoản Payoneer, người bán có thể dễ dàng rút tiền về tài khoản ngân hàng ở Việt Nam. Phí sử dụng Payoneer là 29.95$/năm.

Tuy nhiên, để nhận tiền từ Amazon và rút tiền về sau đó, sau khi đăng ký tài khoản Payoneer, bạn cần thêm thẻ Payoneer vào tài khoản Amazon Seller.

Một số hình thức Marketing tăng đơn hàng trên Amazon

Bán được nhiều hàng hơn là mong muốn của bất kỳ người kinh doanh nào. Với bán hàng trên Amazon, bạn có thể thúc đẩy số lượng đơn hàng của mình bằng một số cách sau đây:

Amazon SEO

Đầu tư SEO Amazon giúp tăng đáng kể khả năng hiển thị sản phẩm. Từ đó tăng lưu lượng truy cập và đạt được mục đích chuyển đổi bán hàng.

Để tối ưu SEO Amazon, bạn cần lưu ý điều chỉnh những điều sau:

  • Tiêu đề (tên) sản phẩm: Trong tiêu đề nên có những từ khóa có liên quan đến sản phẩm. Ngoài ra để tối ưu tên sản phẩm trên Amazon nên bao gồm tên thương hiệu của bạn, đề cập đến một thành phần/nguyên liệu cụ thể, chỉ định màu sắc của sản phẩm, kích thước sản phẩm,…
  • Mô tả sản phẩm: Nội dung này cho khách hàng biết nhiều hơn về sản phẩm của bạn, vì vậy đây cũng là cơ hội để bạn trình bày thật chi tiết cũng như thuyết phục khách mua hàng. Trong phần mô tả nên đưa các từ khóa vào. Mô tả viết dưới dạng gạch đầu dòng giúp người mua dễ dàng nắm bắt thông tin hơn.
  • Định giá sản phẩm: Bạn sẽ bị xếp hạng tìm kiếm trên Amazon thấp nếu tính phí quá cao so với những sản phẩm tương tự. Do vậy, bạn cần nghiên cứu kỹ đối thủ và đặt giá phù hợp, cạnh tranh. Nếu giá của bạn cao hơn, phải có một lý giải rõ ràng (chẳng hạn như sản phẩm tốt hơn, nhiều đánh giá 5 sao hơn,…).
  • Hình ảnh: Amazon đề xuất những hình ảnh có chất lượng cao. Hình ảnh phải có kích thước 1.000 pixel hoặc lớn hơn. Ngoài ra, hình ảnh cũng cần được chú trọng bởi các nghiên cứu cho thấy các sản phẩm có hình ảnh chất lượng cao có tỷ lệ chuyển đổi cao hơn.

Tối ưu SEO để nhận lượng traffic organic khổng lồ trên Amazon

Tối ưu SEO để nhận lượng traffic organic khổng lồ trên Amazon

Amazon PPC

Amazon PPC là nền tảng quảng cáo Amazon cung cấp cho người bán. Với Amazon PPC, người bán có thể tạo các chiến dịch quảng cáo cho sản phẩm của mình, tăng khả năng tiếp cận. Amazon sẽ tính phí khi có khách hàng nhấp vào xem quảng cáo.

Cách setup và quy tắc tối ưu của Amazon PPC gần giống với Google Ads. Nếu bạn đã rành về Google Ads, thì Amazon PPC khá gần gũi đối với bạn.

Kéo Traffic các kênh bên ngoài vào Amazon

Bên cạnh hai cách trên, bạn có thể tiếp cận nhiều khách hàng hơn bằng cách thu hút lưu lượng truy cập từ các kênh bên ngoài. Một số gợi ý bạn có thể triển khai Social Media Marketing, quảng cáo Facebook, Email Marketing, Affiliate Blogs,…

Một số kinh nghiệm cần biết trước khi bắt đầu tại Amazon

Theo kinh nghiệm đúc rút qua quá trình kinh doanh thực tế của những người đã bán hàng trên Amazon, là người mới trong sân chơi này có một số điều bạn cần chú ý. Cụ thể những điều này là gì, đừng bỏ qua nội dung dưới đây.

Thông tin kinh doanh phải chính xác

Nếu muốn bán hàng trên Amazon thì tất cả các thông tin bạn cung cấp phải chính xác, bao gồm thông tin tài khoản, địa chỉ, số điện thoại,…

Đặt khách hàng lên trên nhất

Amazon ưu tiên tạo trải nghiệm tốt khách hàng. Vậy nên, là người bán bạn cũng cần tuân thủ quy định của sân chơi này. Việc chăm sóc, phản hồi khách hàng phải nhanh chóng.

Sau khi bán hàng, bạn có thể khuyến khích khách hàng review để tăng đánh giá sản phẩm. Nhờ đó cũng thúc đẩy tỷ lệ chuyển đổi. Bởi trong kinh doanh thương mại điện tử, khách hàng thường tham khảo đánh giá để ra quyết định mua hàng.

Tối ưu rating tăng tỷ lệ chuyển đổi

Tạo trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng sẽ giúp bạn nhận được đánh giá 5 sao, tăng tỷ lệ chuyển đổi.

Hàng hóa phải được giao đúng thời gian cam kết

Đây cũng là tiêu chí cần đảm bảo để tạo trải nghiệm tốt cho khách hàng, giúp Amazon đánh giá tốt về gian hàng của bạn. Thời gian chờ đợi lâu có thể khiến khách hàng đánh giá thấp, hủy đơn. Do vậy, dù là người mới bắt đầu, bạn cũng nên chuẩn bị kỹ về khâu kho bãi, vận chuyển sao cho hàng hóa được chuyển đến khách hàng đúng thời gian.

Sử dụng Tool để bắt đầu nhanh hơn

Không thể phủ nhận sự hỗ trợ của các Tool sẽ giúp bạn bắt đầu việc kinh doanh trên Amazon hiệu quả hơn. Với các công cụ này bạn có thể tìm sản phẩm kinh doanh có tiềm năng lợi nhuận, nghiên cứu từ khoá, phân tích đối thủ, quản lý bán hàng,…

Dưới đây là một số công cụ cung cấp các tính năng như vậy, bạn có thể tham khảo.

  • Helium 10: Phần mềm này tích hợp nhiều công cụ hỗ trợ người bán trên Amazon, bao gồm tìm các từ khóa có thứ hạng cao, xác định xu hướng, theo dõi đối thủ cạnh tranh và tối ưu hóa danh sách sản phẩm.
  • SellerApp: SellerApp là phần mềm phân tích hành vi, cung cấp thông tin chi tiết về người bán trên Amazon. Từ đó giúp người bán tối ưu hóa doanh số bán hàng và tạo ra nhiều doanh thu hơn.
  • AMZScout: Là người mới bắt đầu bạn có thể sử dụng công cụ này để nghiên cứu sản phẩm, tìm sản phẩm tiềm năng để bán.
  • IO Scout: IO Scout tích hợp hơn 10 công cụ, hỗ trợ người bán tìm kiếm sản phẩm, nghiên cứu từ khóa, phân tích bán hàng,…
  • ZonGuru: Được biết đến là công cụ all-in-one của Amazon, ZonGuru mang đến khả năng giúp bạn tìm các nhà cung cấp tốt nhất, nghiên cứu sản phẩm bán chạy nhất và khám phá các cơ hội thị trường giàu tiềm năng.
  • AMZBase: AMZBase là một công cụ miễn phí, hỗ trợ bạn tìm kiếm sản phẩm để bán trên Amazon.
  • Unicorn Smasher: Được phát triển bởi nhà sản xuất AMZ Tracker, Unicorn Smasher là công cụ nghiên cứu sản phẩm có thể giúp bạn tìm các sản phẩm có tiềm năng sinh lời để bán trên Amazon.
  • Jungle Scout: Công cụ giúp nghiên cứu sản phẩm, thị trường ngách, tìm ra các sản phẩm kinh doanh tiềm năng.
  • Sellics: Sellics là phần mềm quản lý và tối ưu PPC dành cho các nhà cung cấp và người bán của Amazon. Với Sellics, bạn có thể quản lý chiến dịch PPC, tối ưu SEO & Listing, quản lý đánh giá, nghiên cứu từ khóa và sản phẩm, phân tích cạnh tranh, quản lý kho,…

Kết luận

Kinh doanh trên Amazon tại Việt Nam là hướng phát triển đầy tiềm năng. Nhưng để thành công đòi hỏi người bán cần nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng. Hy vọng những chia sẻ của Ecom Minded sẽ hỗ trợ bạn trong quá trình gia nhập cộng đồng người bán trên Amazon.

Nhiều chia sẻ khác về kinh nghiệm xây dựng mô hình kinh doanh online, các bạn có thể xem thêm tại: Ecomminded.com