“Local brands” - Thương hiệu thời trang nội địa cần làm gì để đứng vững trên thị trường?

Làn sóng xuất hiện của các thương hiệu thời trang nhanh từ quốc tế với mức giá hợp lý, cộng thêm khả năng chi trả của người dùng Việt ngày càng cao khiến thời trang nội địa Việt Nam đang chịu sức ép trên chính sân nhà.

“Local brands” lép vế trên sân nhà?

“Local Brands” được định nghĩa là những thương hiệu thời trang được sản xuất và kinh doanh tại một khu vực nhất định hoặc mở rộng trên cả nước. Điểm khác biệt của “local brands” so với loại hình thời trang nhanh (fast fashion) nằm ở mô hình kinh doanh. Các “local brands” sẽ tự lên ý tưởng, thiết kế, sản xuất và kinh doanh sản phẩm thay vì nhập khẩu và phân phối như các thương hiệu “fast fashion”.

“Local brands” thực tế đã xuất hiện ở Việt Nam từ khoảng thập niên 2000 với những đại diện tiêu biểu nhất là CATSA, Ninomax, Blue Exchange, Bamboo hay PT2000... Dù vậy, trong khoảng 5 năm trở lại đây, với sự xuất hiện ngày càng nhiều của các thương hiệu “fast fashion” và nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng cao đã khiến nhiều thương hiệu thời trang Việt Nam gặp khó khăn để tiếp tục duy trì và phát triển hoạt động của mình.


Báo cáo từ công ty nghiên cứu thị trường VIRAC ước tính có khoảng hơn 200 thương hiệu thời trang nước ngoài từ tầm trung tới cao cấp đã có cửa hàng chính thức tại Việt Nam. VIRAC cũng đưa ra hai lý do khiến các thương hiệu Việt khó cạnh tranh trên thị trường nội địa, bao gồm chất lượng sản phẩm không ổn định vì không chủ động được quy trình sản xuất, xây dựng mô hình kinh doanh tự phát khó phát triển bền vững dài hạn.

"Sự xuất hiện của Zara, H&M hay các thương hiệu fast fashion đánh đúng tâm lý và thỏa mãn được gu thẩm mỹ của người tiêu dùng hiện đại khi giá rẻ không còn là một yếu tố quá quan trọng với khách hàng",Trần Hà Mi - Fashion Marketing Strategist giải thích lý do khiến các doanh nghiệp Việt nói chung và local brands Việt Nam nói riêng gặp nhiều bất lợi trên sân nhà.

Mạnh dạn thay đổi để thích nghi

Trong bối cảnh cạnh tranh nói trên, các thương hiệu Việt vẫn có khả năng tìm được chỗ đứng trên thị trường nếu giải quyết được hai vấn đề lớn về chất lượng sản phẩm và mô hình kinh doanh.

Tại thị trường Việt Nam, một trong số những local brands đang làm rất tốt việc cung cấp các sản phẩm "đơn giản" nhưng không hề lỗi thời có thể nhắc tới CATSA - thương hiệu thời trang nam đã có 10 năm hình thành và phát triển. Để có những bước đi chắc chắn trên thị trường, thương hiệu này bám sát tiêu chí của một thương hiệu “glocal” - thuật ngữ kết hợp giữa global – toàn cầu và local – địa phương, dùng để chỉ các thương hiệu thời trang nội địa nhưng chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế. Cách làm này giúp CATSA kịp tời thích ứng và linh hoạt với những thay đổi của thị hiếu tiêu dùng trong nước và biến động của thị trường đang ngày càng sôi động.

Hai năm đại dịch vừa qua là thách thức với ngành thời trang khi doanh thu của toàn ngành năm 2020 ước tính giảm hai con số so với năm 2019 do người dùng giảm phần chi tiêu cho thời trang - vốn không được xem là mặt hàng thiết yếu. Dù vậy, nữ sáng lập của CATSA ngược lại xem đó là cơ hội để cô và đội ngũ kịp thời thay đổi, điều chỉnh quy trình quản lý, vận hành và cá nhân hóa trải nghiệm mua sắm cho khách hàng ngày một tốt hơn.

Thói quen sinh hoạt và lựa chọn trang phục của mọi người đều thay đổi ít nhiều để thích ứng với tình hình mới. Tuy nhiên, mong muốn được mặc đẹp, thể hiện cá tính và cảm xúc với người đối diện thông qua thời trang vẫn còn đó. Tháng 10/2021, nếp sống đô thị dần khởi sắc trở lại. Đây là lúc chuyển giao của việc kết nối từ sâu bên trong bản thân tới kết nối trở lại với cộng đồng. Lúc này, thị trường được chứng kiến sự kết nối của hai thương hiệu thời trang Việt với hai màu sắc, cá tính khác nhau, đó là CATSA x MOIDIEN trong dự án bộ sưu tập chung mang tên “Người đô thị”.

Chiếc áo “Tàu điện” và “Chung cư” trong BST “Người đô thị”


Áo khoác “Tổ dân phố”

Lý giải cho bước đi táo bạo này, Linh Cát - CEO thương hiệu CATSA cho biết: “Sau 10 năm tận tụy trên hành trình cung cấp những giá trị tốt nhất cho khách hàng và tìm chỗ đứng cho CATSA trên thị trường, tôi rất muốn đồng hành cùng các thương hiệu thời trang chất lượng khác của Việt Nam để tiếp tục mang đến những giá trị tốt hơn cho khách hàng và cùng nhau xây dựng một môi trường kinh doanh nội địa sung sức, cạnh tranh lành mạnh, đưa các thương hiệu thời trang trong nước cùng nhau đi lên và tiến ra những thị trường xa hơn, khó tính hơn.”

Thay vì phụ thuộc vào một đơn vị sản xuất, CATSA đã xây dựng một nền tảng vững chắc khi sở hữu chuỗi sản xuất đầu cuối để đảm bảo chất lượng của sản phẩm. Bên cạnh đó, CATSA cũng là thương hiệu tiên phong trong nhượng quyền mở chuỗi. Hiện tại, họ có 21 cửa hàng phủ khắp cả nước, thay vì chỉ tập trung ở một số thành phố lớn. Được biết, hệ thống các cửa hàng chủ sở hữu và nhượng quyền của CATSA đều được giữ vững trong suốt 2 năm đầy khó khăn vừa qua.

Kết

Mỗi thương hiệu đều có những trải nghiệm và kinh nghiệm khác nhau sau thời gian phục vụ nhóm khách hàng mục tiêu riêng. Trong bối cảnh cạnh tranh có phần khốc liệt vì những thay đổi khó đoán định của thực tế, các thương hiệu thời trang Việt uy tín đang ráo riết tìm kiếm các cơ hội, trong đó có cách bắt tay nhau trong các dự án bộ sưu tập chung hoặc trong các kế hoạch nhượng quyền (franchise) để cùng hợp lực và chia sẻ khó khăn. Bước đi này được kỳ vọng sẽ giúp các thương hiệu trong nước hiểu rõ hơn thị trường và người tiêu dùng sẽ được lợi cả về giá trị thời trang lẫn giá thành./