Có gì mới trong báo cáo “Trust in Advertising” của Nielsen?

Nielsen vừa xuất bản báo cáo toàn cầu thứ hai về chủ đề “Trust in Advertising”.

Nghiên cứu mới nhất của Nielsen về mức độ tin tưởng của người tiêu dùng với các hình thức quảng cáo cho thấy khách hàng phản ứng tích cực với những mẩu quảng cáo hài hước, thể hiện giá trị thương hiệu hơn là những nội dung thuần quảng bá sản phẩm.

Báo cáo được thực hiện với sự tham gia của 40.000 đáp viên tại khu vực APAC, EMEA (Châu Âu, Trung Đông, Châu Phi), Mỹ Latin và Bắc Mỹ để xác định các loại quảng cáo gây tiếng vang, cách chuyển đổi sự tin tưởng của khách hàng thành hành động và những phản ứng với quảng cáo nói chung.

Khách hàng phản ứng tích cực với những mẩu quảng cáo hài hước, thể hiện giá trị thương hiệu hơn là những nội dung thuần quảng bá sản phẩm.

Khảo sát cho thấy người tiêu dùng hứng thú với những quảng cáo có nội dung hài hước (49%), gia đình (47%) và thể hiện được giá trị thương hiệu (43%). Trong khi đó, những quảng cáo có sự xuất hiện của người nổi tiếng, vận động viên và các sản phẩm xe hơi có số điểm thấp hơn. Mức độ tin tưởng lần lượt là 20% và 22%.

Điểm tin tưởng của những quảng cáo thể hiện giá trị thương hiệu đã tăng 10% so với báo cáo “Global Trust in Advertising 2015 của Nielsen. Với một năm sống chung cùng đại dịch, hiển nhiên là các quảng cáo về sức khoẻ cũng nhận được nhiều bình chọn. Hơn một nửa đáp viên cho biết họ có hứng thú với những quảng cáo có chủ đề liên quan đến sức khoẻ.

Cathy Heeley, International Media Analytics Lead, Nielsen cho biết: “Mọi người thể hiện hứng thú với cách các thương hiệu giúp đỡ thế giới nhiều hơn thay vì chỉ tập trung vào những lợi ích lý tính của sản phẩm. Lối sống và các giá trị của con người luôn thay đổi. Đại dịch đã góp phần khiến quá trình này rõ rệt hơn ở một vài khía cạnh. Người tiêu dùng hiện mong muốn hiểu rõ các giá trị của thương hiệu, những giá trị đó đại diện cho điều gì và cách các nhãn hàng hiện thực hoá những giá trị đó”.

Nghiên cứu cũng thực hiện xếp hạng mức độ tin tưởng đối với các kênh quảng cáo. Đứng đầu danh sách là phương thức truyền miệng (89%), theo sau là trang web chính thức của các thương hiệu (84%), hình thức brand partnership xếp thứ ba với 81% và TV với 78%.

Tin nhắn trên điện thoại là kênh ít được tin tưởng nhất. Việc thiếu tin tưởng dẫn đến không có quyết định mua hàng nào được đưa ra. Báo cáo cho thấy 2/3 đáp viên tại Bắc Mỹ không quyết định mua hàng sau khi nhận tin nhắn quảng cáo. Hơn một nửa đáp viên tại Châu Âu và 1/3 người tham gia khảo sát tại Châu Á cũng đồng tình với quan điểm trên.

Một điều khá ngạc nhiên trong bối cảnh influencer marketing bùng nổ là chỉ có 23% đáp viên thực sự tin tưởng thông tin quảng cáo đến từ các influencer. Canada là thị trường có tỉ lệ tin tưởng vào influencer marketing thấp nhất – 10%. Trong khi đó, tại Trung Đông và Châu Phi, hình thức này nhận được điểm tin cậy cao nhất.

Nghiên cứu đánh giá mức độ tin tưởng tại các thị trường cho thấy sự khác biệt rõ rệt ở từng khu vực. Ví dụ như mức độ tin vào quảng cáo nói chung ở Canada và Châu Âu là thấp nhất; thị trường Tây Âu có tỉ lệ tin vào quảng cáo TV cao nhất với 62 %; Gen Z tại các nước APAC ít tin vào phương thức truyền miệng hơn so với thị trường toàn cầu với tỷ lệ 32% so với 45%.

Xem thêm thông tin về báo cáo tại đây.

Thu Nga / Brands Vietnam
* Nguồn: The Drum