6 chiến dịch quảng cáo truyền cảm hứng cho các startup công nghệ

“Cố gắng tạo ra ý tưởng quảng cáo đôi lúc khiến doanh nghiệp B2B dễ nản lòng. Bạn không nhất thiết tạo ra một linh vật để giúp mình trở nên thu hút, nhưng chắc chắn sẽ cần đến một chiến dịch tiếp thị hấp dẫn”, Co-Founder tại Recruiter & Marketer chia sẻ.

Dưới đây, ông Matt Dodgson – Co-Founder tại Recruiter & Marketer, điểm lại 6 chiến dịch quảng cáo của những doanh nghiệp công nghệ B2B từng vận dụng thành công và đạt kết quả tích cực.

1. EDS – Quảng cáo hài hước

EDS là nhà cung cấp thiết bị và dịch vụ công nghệ B2B đa quốc gia của Mỹ. Vào đầu những năm 2000, EDS mong muốn tạo ra một chiến dịch tăng nhận biết thương hiệu thú vị với 2 mục tiêu chính: (1) thay đổi hình ảnh thương hiệu cho phù hợp hơn với định hướng phát triển trong tương lai; (2) nâng cao tinh thần và hình ảnh của nhân viên công ty.

Super Bowl lần thứ 34 được chọn là điểm đến triển khai chiến dịch quảng cáo của EDS. Super Bowl là một trong những sự kiện được theo dõi nhiều nhất trên thế giới và còn là nơi ra mắt của nhiều quảng cáo mang tính biểu tượng. Đối với người xem, đó chỉ đơn giản là những quảng cáo được phát trong khoảng thời gian nghỉ giữa giờ. Tuy nhiên với doanh nghiệp, đây là cơ hội để quảng cáo có thể tiếp cận đến hơn 100 triệu người tiêu dùng. Chính vì vậy, sự khác biệt là yếu tố quyết định tạo nên thành công cho quảng cáo.

EDS đã hợp tác cùng Fallon triển khai quảng cáo có tên “Cat Herders”. Quảng cáo dài khoảng 1 phút, với nhân vật chính là những chàng cao bồi miền Tây đang “chăn mèo” trên Vùng đồng bằng Montana. Nội dung cũng như tựa quảng cáo được lấy cảm hứng từ biệt ngữ thương mại “it’s like herding cats”. Thành ngữ chỉ việc cố gắng làm việc, phối hợp, kiểm soát các đối tượng không chịu hợp tác. Qua đó ngầm khẳng định năng lực của EDS rằng có thể giải quyết mọi điều được cho là bất khả thi.

Nếu doanh nghiệp của bạn đang được nhận xét là “nghiêm túc”, thì bạn có thể “rắc” chút hài hước vào quảng cáo nhưng vẫn có sự liên quan đến thương hiệu. Dù quảng cáo là cách thức hữu hiệu mang thương hiệu đến gần hơn với người tiêu dùng, nhưng doanh nghiệp nên cân nhắc mức độ đầu tư hợp lý. Bởi những chiến dịch quảng cáo như “Cat Herders” khá tốn kém, EDS và Fallon đã phải sử dụng diễn viên đóng thế, hơn cả là chi một số tiền “đắt đỏ” để xuất hiện tại Super Bowl.

“Cat Herders” đã nhận được 6 giải thưởng danh giá tạ Cannes Lions 2000, First Boards Award 2000, Clio 2001, Advertising Age's Best Visual Effect Award 2001, EFFIE Award 2001... và Tổng thống khi đó là Bill Clinton cho biết đây là quảng cáo yêu thích của ông.

2. Accenture – Quảng cáo Print Ads

Có nhiều ý kiến trái chiều trong cộng đồng Marketing với nhận định “Print Ads đã lỗi thời” trước sự trỗi dậy của kỹ thuật số. Nếu bạn có cùng quan điểm đấy thì hãy để Accenture thay đổi suy nghĩ của bạn.

Năm 2009, Accenture gặp “khủng hoảng” khi các Print Ads mới hội tụ đủ các loại động vật như cừu, gấu… đều nhận phản ứng tiêu cực. Font, màu, bố cục phần chữ quá đơn giản, “chìm nghỉm” trong hình. Mẫu quảng cáo không nổi bật, không truyền tải được điều thương hiệu mong muốn cũng như thiếu khả năng chuyển đổi.

Trước tình hình này, Accenture quyết định thay đổi mọi thứ. Hình ảnh được thay mới hoàn toàn và kết nối chặt chẽ với phần chữ. Các chi tiết trên hình cũng được trau chuốt hơn, ngược lại với phong cách “đóng khung” của mọi thiết kế như trước.

Những thay đổi này của Accenture nhận được những phản hồi tích cực, đặc biệt là hệ số chuyển đổi. Họ sử dụng màu sắc cá tính, nội dung hài hước. Tổng thể Print Ads không chỉ liên quan mà còn làm nổi bật lên các thuộc tính thương hiệu. Điểm đáng chú ý là cách các thành phần được lồng ghép khéo léo vào nhau tạo sự uyển chuyển, mượt mà cho Print Ads.

Chiến dịch Print Ads cũng là một trong số những chiến dịch “đắt đỏ”. Thậm chí, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong việc đo lường mức độ hiệu quả của chúng. Do đó, doanh nghiệp cũng cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đầu tư vào Print Ads.

3. Inmarsat – Gian hàng Triển lãm VR/AR

Công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) ngày càng được nhiều doanh nghiệp công nghệ B2B ưu ái để phô diễn sản phẩm tốt hơn.

Inmarsat là công ty truyền thông vệ tinh của Anh cung cấp các dịch vụ di động và dữ liệu cho các hãng hàng không. Inmarsat muốn giới thiệu sản phẩm mới là GX Aviation với công dụng nổi bật là giúp hành khách trải nghiệm tốc độ WiFi mạnh mẽ..

Việc vận chuyển máy bay đến từng buổi triển lãm thương mại sẽ hao tốn nhiều nguồn lực. Do đó, Inmarsat quyết định triển khai triển lãm “Connected Air” để trình diễn ý tưởng về trải nghiệm dịch vụ mà công ty cung cấp. Theo đó, du khách được mời vào các buồng mô phỏng máy bay và được phát cho một máy tính bảng.

Với công nghệ thực tế tăng cường, hành khách được đưa vào chuyến bay mô phỏng và “tận hưởng” những trải nghiệm phong phú. Điều này giúp gia tăng tương tác, phản ứng tích cực từ khách hàng, củng cố niềm tin ở các đối tác; từ đó kích thích hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Ông Dominic Walters, Giám đốc Cấp cao mảng Chiến lược và Truyền thông tại Inmarsat Aviation cho biết: “Sự kiện này đã thực sự đưa Inmarsat Aviation lên tầm cao mới. Thay vì hỏi chúng tôi ‘Bạn là ai?’, các đối tác chủ động tìm kiếm chúng tôi để hợp tác”.

4. Bosch – B2B Influencer Marketing

Giải pháp Influencer Marketing dành cho doanh nghiệp B2B được hiểu khá đơn giản. Doanh nghiệp tìm một người có lượng người theo dõi lớn, gửi cho họ sản phẩm để họ quảng bá sản phẩm đó bằng một số hình thức khác nhau. Một điểm đáng lưu ý là khi làm B2B Influencer Marketing, doanh nghiệp cần loại bỏ mọi yếu tố liên quan đến lợi ích sản phẩm.

Bosch muốn quảng bá “connected tool” và ứng dụng ToolBox mới ở Anh. Tuy nhiên, các nhà kinh doanh truyền thống thường hoài nghi khi mua thiết bị mới, đặc biệt với những món hàng phục vụ họ trong công việc.

Hiểu được tâm lý đối tượng mục tiêu, Bosch “né” nói về lợi ích lý tính của sản phẩm và tập trung vào “người tiên phong trong ngành sản xuất công cụ” với khẩu hiệu “từ Neandertool đến Millenitool”. Bosch hợp tác với OnTheTools trên Facebook và chia sẻ nhiều hình ảnh (như hình minh hoạ trên). Bên cạnh đó, Bosch còn hợp tác với các Influencer có sức ảnh hưởng nhỏ hơn, có người theo dõi quan tâm đến công cụ.

Trong chiến dịch này, Bosch chỉ chi 27.926 bảng Anh nhưng ghi nhận được kết quả nổi bật với phạm vi tiếp cận là 780.101 và tỷ lệ tương tác là 28.331.

5. Adobe – UGC Instagram Marketing

Trong vô vàn các tài khoản Instagram của công ty công nghệ, tài khoản của Adobe tạo sự khác biệt bằng cách nói về những gì người dùng có thể làm. Hơn nữa là sự kết hợp khéo léo, sáng tạo giữa màu sắc, bố cục hình ảnh thu hút sự chú ý của người dùng. Không chỉ vậy, mỗi tháng, Adobe sẽ đăng tải nội dung theo một chủ đề cụ thể. Chẳng hạn, tháng 5/2019 là “góc nhìn của chú chim”.

Đáng chú ý hơn cả về các nội dung hàng tháng là đều do người dùng tạo nên chi phí thấp và dễ quản lý. Ngoài ra, còn cách nào tốt hơn khi thu hút khách hàng mới bằng cách để người dùng cho thấy ích lợi của sản phẩm.

Trong Instagram Story, Adobe giới thiệu cách họ mời các nhà thiết kế để thiết kế lại logo, thêm tính năng “vuốt lên” dẫn đến một blog rồi đến một video (dưới). Đây chính là một ví dụ hoàn hảo về repurposing content.

6. Grammarly – Tiếp thị đa chức năng qua email

Grammarly là một công cụ kiểm tra ngữ pháp trực tuyến được sử dụng bởi nhiều doanh nhân, nhà văn, sinh viên... Nền tảng này hoạt động trên mô hình kinh doanh miễn phí, vì vậy ngay khi bất kỳ ai đăng ký dịch vụ miễn phí, Grammarly sẽ chăm sóc khách hàng thông qua chiến dịch email “nhỏ giọt” (email drip campaign).

Ví dụ đầu tiên là email chào mừng. Nội dung email cung cấp những lợi ích rõ ràng của dịch vụ. Đặc biệt, trong email chào mừng không bao gồm CTA mua gói dịch vụ cao cấp (premium) vì Grammarly biết chắc rằng người dùng đều không muốn chi cho gói premium ngay lập tức khi chưa có trải nghiệm gì trên nền tảng.

Ngoài ra, Grammarly cũng gửi email về các mẹo, thủ thuật phổ biến, nhằm thể hiện giá trị thương hiệu và ngầm khẳng định rằng họ vững vàng về ngữ pháp.

Grammarly cũng triển khai các email tái tương tác (re-engagement email) với những ai ngừng dùng dịch vụ.

Grammarly khá cẩn thận với những email bán hàng (như nhiều nền tảng miễn phí thường làm). Thương hiệu muốn khiến người dùng cảm thấy như họ không mua sản phẩm, mà là nhận được chúng miễn phí và nâng cấp vì họ muốn. Những email này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình đó.

* Nguồn: market-recruitment