Marketer Nguyễn Thị Thảo Linh
Nguyễn Thị Thảo Linh

Associate Customer Marketing Director @ Abbott Việt Nam

4 nhóm ngành hàng đặc trưng tại điểm bán lẻ

Trong hoạt động quản lý ngành hàng có 4 nhóm ngành hàng chính bao gồm: (1) Ngành hàng chính, (2) Ngành hàng mua sắm thường xuyên, (3) Ngành hàng theo thời vụ, (4) Ngành hàng theo nhu cầu tiện lợi. Để có thể quản lý hiệu quả, nhà bán lẻ cần nắm rõ vai trò của từng nhóm ngành hàng để có những chiến lược phù hợp tại điểm bán.

Trong các bài viết trước đây, tôi đã chia sẻ về khái niệm ngành hàng và phân khúc ngành hàng. Sau khi đã nắm được các thông tin cơ bản, một câu hỏi đặt ra, ai sẽ là người dẫn dắt, phụ trách công việc quản lý ngành hàng: nhà bán lẻ, nhà cung cấp hay là cả hai?

Có thể có bạn cho rằng đây là công việc của nhà bán lẻ, cũng có nhiều người nghĩ nó là công việc của nhà cung cấp. Câu trả lời đúng thì đây là công việc của nhà bán lẻ bởi mỗi nhà bán lẻ sẽ có chiến lược riêng, lợi thế cạnh tranh riêng nên họ thường là người phụ trách, dẫn dắt tiến trình quản lý ngành hàng. Tất nhiên là vẫn có sự tham gia hỗ trợ, đóng góp của nhà cung cấp với những mức độ khác nhau.

Để có thể thực hiện hiệu quả các hoạt động quản lý ngành hàng, nhà bán lẻ cần quan tâm đến những nhóm ngành hàng đặc trưng tại điểm bán.

Để có thể thực hiện hiệu quả các hoạt động quản lý ngành hàng, nhà bán lẻ cần quan tâm đến những nhóm ngành hàng đặc trưng tại điểm bán. Trong bài viết này, tôi muốn làm rõ về Category Role – Vai trò của ngành hàng. Vậy tại sao Category Role lại quan trọng?

Trong một siêu thị sẽ có nhiều sản phẩm được nhóm thành nhiều nhóm ngành hàng khác nhau. Điều đó buộc nhà bán lẻ phải xác định được mức độ quan trọng của từng ngành hàng cũng như khả năng đem lại doanh thu, lợi nhuận cho cửa hàng. Việc sắp xếp thứ tự ưu tiên sẽ giúp họ biết được ngành hàng nào nên đầu tư nguồn lực hay nên tập trung đẩy mạnh. Việc này được gọi là xác định vai trò của ngành hàng ở một nhà bán lẻ.

Có 4 nhóm ngành hàng chính mà nhà bán lẻ cần quan tâm: (1) Ngành hàng chính, (2) Ngành hàng mua sắm thường xuyên, (3) Ngành hàng theo thời vụ, (4) Ngành hàng theo nhu cầu tiện lợi. Đây là 4 nhóm ngành hàng đặc trưng, bao gồm kênh hiện đại cũng như các kênh truyền thống.

Ngành hàng chính (Destination Category)

Ngành hàng chính (Destination Category) là ngành hàng quan trọng với nhà bán lẻ. Họ cần tập trung nhiều nguồn lực để xây dựng nhóm này vì đây là các ngành hàng giúp nhà bán lẻ nổi trội hơn so với các đối thủ, thu hút người mua.

Vì vậy, nhà bán lẻ cần phải đầu tư nhiều ngân sách và nguồn lực để tập trung không gian trưng bày, chương trình khuyến mãi, các sự kiện mua sắm lớn để thu hút khách hàng. Ngành hàng chính luôn giúp nhà bán lẻ thực hiện được mục tiêu doanh số, mục tiêu thu hút người mua đến cửa hàng. Tuy nhiên, họ có thể phải thoả hiệp với mục tiêu lợi nhuận vì cần đầu tư rất nhiều nguồn lực cho ngành hàng chính.

Nguồn: Hires

Ngành hàng mua sắm thường xuyên (Routine/Preferred Category)

Ngành hàng mua sắm thường xuyên (Routine/ Preferred Category) là những sản phẩm quan trọng không kém nhóm trên. Nhóm sản phẩm này đáp ứng được nhu cầu sử dụng hàng ngày của người mua và mang lại doanh số ổn định cho nhà bán lẻ.

Ví dụ trong nhà sách, ngành hàng chính là sách, còn ngành hàng mua sắm thường xuyên sẽ là văn phòng phẩm. Ở kênh truyền thống, với ngành hàng sữa, những cửa hàng chuyên về sữa thì sản phẩm này sẽ là ngành hàng chính nhưng tại cửa hàng tạp hoá sẽ trở thành ngành hàng mua sắm thường xuyên.

Ngành hàng theo thời vụ (Occasional Category)

Ngành hàng theo thời vụ (Occasional Category) là những ngành hàng sẽ trở thành ngành hàng chính trong một thời điểm nào đó.

Một vài ví dụ cho nhóm sản phẩm này bao gồm: bánh trung thu; sản phẩm mùa tựu trường như sách vở, văn phòng phẩm, đồng phục học sinh; sản phẩm mùa Tết như bánh mứt, hoa quả. Trong giai đoạn thời vụ, doanh số ngành hàng chiếm tỷ trọng rất cao trên tổng doanh số một năm của ngành hàng đó, có thể từ 50-80% hay thậm chí 100%.

Nguồn: Phụ nữ Online

Ngành hàng phục vụ nhu cầu tiện lợi (Convenience Category)

Cuối cùng là nhóm ngành hàng phục vụ nhu cầu tiện lợi (Convenience Category). Đây là những ngành hàng mà người mua không có nhu cầu thường xuyên, nhưng khi phát sinh nhu cầu thì họ vẫn có thể mua ở các siêu thị, trung tâm mua sắm.

Ví dụ khi vào nhà sách, khách hàng có thể mua được một viên pin hay thiệp giáng sinh. Thông thường, nhóm này không phải ngành hàng ưu tiên của nhà bán lẻ, cũng không được đầu tư nhiều vào quầy kệ, không gian trưng bày hay khuyến mãi.

Tuy nhiên, đây là một ngành hàng có thể đem lại tỷ suất lợi nhuận tốt cho họ vì đối với ngành hàng không được mua thường xuyên khách hàng sẽ không so sánh hay quan tâm nhiều đến giá cả. Nhà bán lẻ trong nhiều trường hợp sẽ bán thêm ngành hàng phục vụ nhu cầu tiện lợi để tăng giá trị đơn hàng, đạt được chỉ tiêu lợi nhuận tốt hơn, bù đắp cho những ngành hàng chính và ngành hàng mua sắm thường xuyên.

Bên cạnh việc xác định ngành hàng, tiến hành phân khúc ngành hàng, việc xác định vai trò của các nhóm ngành hàng hiện có tại cửa hàng là một hoạt động cần thiết để có thể quản lý việc kinh doanh hiệu quả.