Marketer Thu Sương
Thu Sương

Content Writer @ Brands Vietnam

Nhiều tỷ phú bỏ học, nhưng bỏ học chưa chắc đã thành tỷ phú

Không ít vị tỷ phú công nghệ đã bỏ dở việc học khi tuổi đời còn rất trẻ để khởi nghiệp, và nhiều người trong số họ đã gặt hái được thành công. Thế nhưng, họ chưa từng khuyên mọi người đi theo con đường của họ.

Bài viết lược dịch từ quan điểm của ông Carmine Gallo – chuyên gia truyền thông của các thương hiệu nổi tiếng thế giới, đồng thời là một diễn giả và tác giả của những cuốn sách bán chạy trên thế giới như “The Presentation Secrets of Steve Jobs”, “The Innovation Secrets of Steve Jobs”.

“Sau mười năm kể từ khi Apple thiết kế chiếc máy tính Macintosh đầu tiên, tôi bỗng nhớ lại một số điều. Chúng tôi đã tập trung thiết kế máy Mac – chiếc máy tính đầu tiên có typography (nghệ thuật ghép chữ trong in ấn). Nếu tôi không từ bỏ việc học ở trường, tôi sẽ không thể học hết lớp thiết kế chữ, và máy tính cá nhân có thể sẽ không có chức năng typography”, phát biểu của ông Steve Jobs – nhà sáng lập công ty Apple.

Nguồn: Md Mahdi

Trong bài phát biểu nổi tiếng tại Trường Đại học Stanford, ông Steve không hề nói 4 năm đại học là vô nghĩa. Thay vào đó, ông đưa ra lời khuyên: “Hãy làm những điều bạn yêu thích. Hãy can đảm làm theo trái tim và trực giác của bạn. Điều đó sẽ giúp bạn biết bạn thực sự muốn gì”. Vị tỷ phú chưa từng nói rằng không nên học đại học. Trái lại, đại học là môi trường mở ra cơ hội tiếp cận với nhiều người, đi đến nhiều nơi và giúp khai phá tiềm năng sáng tạo. Nhiều bạn trẻ cũng không đồng tình với quan điểm “Nói không với việc học đại học”.

Trang tin The New York Times gần đây đã đưa tin về một nhóm doanh nhân phủ nhận việc học đại học. Theo đó, có một làn sóng bất đồng quan điểm về học vấn, khiến những vấn đề xoay quanh giá trị của tấm bằng đại học trở nên “nóng hổi”. Những nhóm tiêu biểu như UnCollege ủng hộ việc kiếm tiền, thay vì bỏ tiền học đại học.

“Điều đó thật ngớ ngẩn!”, ông Larry Smith – Giáo sư Kinh tế của Đại học Waterloo bày tỏ sự bất bình trong bài diễn thuyết của mình trên TED Talks. Video ghi lại nội dung diễn thuyết về tầm quan trọng của việc theo đuổi đam mê đã cán mốc 2 triệu lượt xem.

Hãy làm việc bằng đam mê.
Nguồn: AQ's Blog & Grill

“Theo đuổi đam mê là điều kiện cần, nhưng chưa đủ để thành công. Xin nhấn mạnh, tôi chưa từng nói chỉ cần đam mê là đủ. Nếu chỉ có mỗi niềm đam mê, bạn sẽ không thành công. Những người ủng hộ việc bỏ học không chỉ hiểu sai lời của Steve Jobs, mà còn đang rơi vào những sai lầm và cạm bẫy. Quan điểm tiếp cận thế giới và tạo ra những sản phẩm tuyệt vời mà không cần học khiến một giáo sư đại học như tôi cảm thấy bất bình”, ông Smith phát biểu.

Vậy, việc Michael Dell, Bill Gates, Steve Jobs và Mark Zuckerberg – họ đều là những tỷ phú và từng bỏ học đại học thì sao?

“Nếu vậy, những trường hợp như John Henry và 420.000 người khác đã thử mạo hiểm và thất bại thì sao?”, Giáo sư Smith đáp lời. “Đúng là có những trường hợp đặc biệt may mắn khi theo đuổi niềm đam mê của mình, nhưng họ là thiên tài. Khi tôi lên 5, tôi nghĩ mình là thiên tài, nhưng thầy tôi đã đá văng ý nghĩ đó ra khỏi đầu tôi rồi”.

Những tấm gương thành công bạn đang thấy chỉ thuộc phần trăm may mắn ít ỏi. Số đông chỉ mải mê tôn sùng số ít thành công đó mà quên mất bài học từ những trường hợp thất bại. Ông Smith tin rằng các kỹ năng như giao tiếp, kỹ năng tự học và tư duy phản biện sẽ được phát triển trong môi trường đại học. Để đáp ứng nhu cầu của sinh viên trong xu hướng toàn cầu hoá thế kỷ 21, Đại học Waterloo đưa ra chương trình “hợp tác” (co-op) độc đáo, kết hợp việc học tập trên lớp với công việc chuyên môn được trả lương. Hầu hết 16.000 sinh viên của trường dành một phần thời gian đại học để làm việc ở một số công ty nổi tiếng thế giới như Google, Intel và Facebook.

Một nhóm sinh viên của Giáo sư Smith đã sáng lập Bufferbox – công ty thương mại điện tử cung cấp kho lưu trữ tạm thời, để mọi người có thể nhận các gói hàng từ các nhà bán lẻ trực tuyến. Google gần đây đã mua lại công ty này. Bufferbox là loại hình khởi nghiệp đòi hỏi những kỹ năng vô cùng phức tạp và tư duy. “Việc tạo ra một sự đổi mới cần nhiều nỗ lực, khả năng tư duy và kinh nghiệm sống, chứ không phải do bẩm sinh”, Giáo sư Smith nhấn mạnh.

Ngoài đam mê thì kỹ năng và bằng cấp cũng quan trọng không kém.

Hãy theo đuổi đam mê, và cũng đừng quên nắm bắt những cơ hội. Doanh nhân Dennis Crowley từng tốt nghiệp Đại học Syracuse chia sẻ rằng, ứng dụng Foursquare của ông được sáng lập từ việc nắm bắt thời cơ. Cụ thể, sự xuất hiện của các ứng dụng điện thoại tạo ra hành vi tiêu dùng mới và đem đến cơ hội cho nhà phát triển phần mềm. Một trong những cơ hội đó là “game hoá” hoạt động thường nhật và chia sẻ địa điểm thông qua ứng dụng trên điện thoại. Ông Crowley nhận ra đây chính là thời cơ chín muồi để đầu tư cho ứng dụng check-in. Với những dịch vụ có sẵn như Brightkite, Fireball và Loopt, ông cùng với cộng sự quyết định tích hợp trên sản phẩm mới của mình để có thể sử dụng trên iOS, và ứng dụng Foursquare xuất hiện trên thị trường.

Nữ Ngoại trưởng Mỹ gốc Phi đầu tiên – bà Condoleezza Rice từng nói: “Tôi tin rằng phần lớn thành công là do tôi làm những điều tôi yêu thích”. “Mối tình đầu” của bà là cây đàn piano. Tuy nhiên, khi theo học Đại học Stanford, bà nhận ra rằng bản thân khó có thể được chơi đàn ở Carnegie Hall, ngay cả khi đã luyện tập chăm chỉ. Bà “vỡ mộng”, nhưng việc “tình cờ” tham gia lớp học về chính trị quốc tế đã hoàn toàn thay đổi con đường sự nghiệp của bà. Bài học ở đây là hãy theo đuổi đam mê, nhưng vẫn nên nắm bắt những cơ hội vì có thể đó sẽ là chìa khoá mở ra những tiềm năng lớn hơn.

“Tại Đại học UCLA nơi tôi theo học, hầu hết sinh viên không tin vào việc có con đường làm giàu nhanh chóng. Tôi cũng phải đi đường vòng. Đầu tiên, tôi biết được những thứ bản thân không muốn làm. Ví dụ như sau khi tham gia một lớp học diễn xuất, tôi nhận ra mình không thuộc về sân khấu. Một sinh viên khác tên Ben Stiller nhận ra niềm đam mê diễn xuất, và anh ấy đã theo đuổi nó. Tôi đã tham gia các lớp học cơ sở về luật, và nhận thấy lĩnh vực pháp lý không phù hợp với tôi. Một người bạn khác cũng nhận ra luật là niềm đam mê của anh ấy, và đã theo đuổi nó để trở thành đối tác của một trong những công ty luật lớn nhất California.

Nguồn: Spiderum

Rồi một ngày, tôi tình cờ học môn tự chọn ‘Rhetoric and Language’. Tôi đã phân tích các bài phát biểu của Franklin Roosevelt, Winston Churchill và nhiều nhân vật lịch sử khác. Tôi yêu ngôn từ, rồi quyết định học thạc sĩ tại Trường Báo chí Medill ở Northwestern, vì trường có kết hợp giữa nghiên cứu hàn lâm và công việc báo chí. Nhiều năm sau, MC Lou Dobbs – người từng tốt nghiệp Đại học Harvard đã thuê tôi làm việc tại đài CNN vì tôi có bằng thạc sĩ. Từ những câu chuyện trên, có thể thấy, ngoài đam mê thì kỹ năng và bằng cấp cũng quan trọng không kém”, tác giả chia sẻ.

Trong khi có một nhóm người “high tech” bỏ học cho rằng học đại học là một sự lãng phí thời gian, hàng triệu thanh niên khác lại đề cao giá trị của việc học đại học, trong đó có anh Reed Jobs – con trai của tỷ phú Steve Jobs. Anh Reed theo học trường Stanford với mục đích trở thành bác sĩ chuyên khoa ung thư. Rõ ràng, anh đã hiểu đúng lời khuyên của cha mình.

Trên con đường thực hiện ước mơ, khi gặp khó khăn, đừng đổ lỗi cho hoàn cảnh, cũng đừng ngồi yên chờ may mắn tới. Dù bạn là ai, mục tiêu của bạn là gì, hãy cứ theo đuổi đam mê, nắm bắt cơ hội và không ngừng học tập, trau dồi các kỹ năng cần thiết, và rồi thành công sẽ theo đuổi bạn.

Theo Thu Sương / Brands Vietnam
* Nguồn: Forbes