Marketer Đồng Ngọc Tố Uyên
Đồng Ngọc Tố Uyên

Co-founder & Executive Producer @ Cheddar Asia

5 câu hỏi WH- giải mã ngôi nhà Production House

Thực tế khi làm việc tại Production House có hào nhoáng, sang chảnh như lời đồn? Hãy cùng Uyên giải mã "ngôi nhà" Production House qua 5 câu hỏi WH- (What, Who, When, Where và Why not).

Đây là phần nội dung được trích từ phiên chia sẻ của Uyên tại sự kiện Passport To Marketing #2: The World of Agencies do Brands Vietnam tổ chức vào ngày 16/4.

What – Production House làm gì và quy trình làm việc tại đây như thế nào?

Các bạn có thể hiểu ngắn gọn rằng Production House là nơi thực thi và chuyển các ý tưởng của client/agency thành sản phẩm hoàn chỉnh. Cụ thể, các Production House sẽ tập trung sản xuất các sản phẩm quảng cáo, MV, film ngắn theo yêu cầu của khách hàng.

Để có thể hình dung sơ lược về một quá trình sản xuất, các bạn có thể xem video hậu trường của dự án Biti’s Hunter x Công Trí dưới đây.

Sau khi nhận được brief từ agency, quy trình làm việc trong Production House thường sẽ qua 3 khâu chính: Pre-production (tiền sản xuất), production (sản xuất), post-production (hậu kỳ).

Nguồn: Cheddar Asia.

Uyên sẽ chia sẻ quá trình thực hiện dự án Biti’s Hunter THE JOURNEY để các bạn có thể hình dung rõ hơn về quy trình làm việc. Có thể nói đây là một trong những dự án sản xuất hay mà Uyên từng phụ trách.

Ý tưởng chính của bộ sản phẩm truyền thông là hành trình của những đôi giày trên khắp đất Việt. Trong giai đoạn tiền sản xuất, team của Uyên cùng agency và client đã cụ thể hoá ý tưởng chính thành 3 bức hình với 3 concept khác nhau tượng trưng cho những điểm nổi bật của đất nước: Cầu Vàng ở Đà Nẵng với những toa tàu lửa đi qua hầm đèo Hải Vân, những toà nhà chung cư cũ, xe hủ tiếu gõ, những ống công chưa được hoàn thiện, hay một Sài Gòn về đêm với toà nhà Landmark 81, phố đi bộ, công trường cùng ánh đèn neon lấp lánh.

Nguồn: Biti's.

Để sản xuất ra những tấm hình này, đội ngũ Production House và team xây dựng mô hình đã phải “trầy da tróc vảy” để dựng sát với brief từ agency. Ở giai đoạn tiền sản xuất, Uyên làm việc với các bạn miniature artist (nghệ sĩ sáng tạo mô hình thu nhỏ) để lựa chọn chất liệu phù hợp với từng chi tiết cũng như thảo luận với agency để thống nhất những yêu cầu đầu vào. Sau đó, moi người mới bắt tay vào dựng mô hình miniature tả thực.

Nguồn: Cheddar Asia.

Không chỉ thực thi về mặt hình ảnh, dự án này còn thực hiện một stop motion video. Cụ thể, agency muốn đôi giày di chuyên từ set này qua set kia, như bước chân di chuyển qua khắp các vùng miền đất nước. Uyên phải thú thật đây là một bản brief khá khó. Để có được 5 giây stop motion video, các bạn team sản xuất phải mất cả ngày để quay dựng. Trong hình dưới đây, các bạn miniature artist đang set-up khung cảnh tỉ mỉ đến từng chi tiết, nhiếp ảnh gia sẽ chiếu đèn neon để tạo hiệu ứng.

Nguồn: Cheddar Asia.

Để tạo được chuyển động của đôi giày đi từ set này qua set kia, ekip phải tính toán chính xác đến từng frame (khung hình). Các bạn stop motion artist sẽ vẽ ra từng frame. Ví dụ, 1 giây có 12 frame hình, các bạn artist sẽ chuyển động 12 bức hình/giây để tạo ra thành quả như video dưới đây.

Đến giai đoạn hậu kỳ hình ảnh, đội ngũ cần chỉnh sửa lại hình ảnh còn với phần hậu kỳ video Uyên và các bạn trong team phải đầu tư về thời gian và chất xám rất nhiều để đảm bảo mặt chuyển động, hình ảnh, âm thanh đạt mức tự nhiên, sống động nhất có thể.

Who – Ai sẽ phù hợp với tính chất của công việc tại Production House?

Câu hỏi tiếp theo cần giải quyết là ai sẽ phù hợp với tính chất công việc tại Production House? Trong Production House thường có rất nhiều vị trí, Uyên sẽ thu gọn lại và chia sẻ về vị trí người sản xuất để các bạn nắm bắt các tố chất cần thiết và con đường sự nghiệp dễ dàng hơn.

Thông thường, tổ sản xuất sẽ có 4 vị trí sau: Executive Producer – EP (Giám đốc sản xuất); Production Manager – PM (Quản lý sản xuất); Line Producer (Nhà sản xuất); Product Assistant – PA (Trợ lý sản xuất).

  • Executive Producer (EP): Người làm việc chính với agency trong giai đoạn đầu tiên, chịu trách nhiệm trong việc đảm bảo tài chính của dự án. Để hoàn thành tốt vai trò này bạn cần phải có khả năng phân tích để hiểu rõ brief của khách hàng. Từ đó đưa ra kế hoạch sản xuất phù hợp với ngân sách và thời hạn. Bạn EP cũng sẽ là người hiểu rõ tất cả chuyên môn trong Production để tư vấn cho client/agency phương án sản xuất phù hợp với nhu cầu của họ.
  • Production Manager (PM): Người quản lý ngân sách của dự án, giám sát dự án và nhân sự nội bộ. Các bạn PM cần đảm bảo tiến độ và ngân sách của dự án đáp ứng được chất lượng sản phẩm cuối cùng. Một bạn PM cần có kĩ năng điều phối và quản lý ngân sách, biết cách tận dụng triệt để nguồn nhân sự, tối ưu chi phí để mang lại chất lượng tốt nhất.
  • Line Producer: Các bạn Producer sẽ làm việc với client/agency trong giai đoạn sản xuất, quản lý dự án, nhân sự nội cùng với quản lý sản xuất. Vị trí này cũng là người kết nối và điều phối các tổ chuyên môn để trao đổi và hoàn thiện các yêu cầu từ clien/agency. Vì phải làm việc với nhiều bên nên Uyên nghĩ các bạn ở vị trí này cần sự nhanh nhạy để giải quyết các vấn đề khó khăn, phát sinh bất ngờ.
  • Product Assistant (PA): Tuy không chịu trách nhiệm chính nhưng các bạn PA cũng đóng một vai trò không nhỏ trong quá trình sản xuất. Các bạn là người hỗ trợ cho EP, PM và Producer những công việc chung trong toàn bộ quá trình sản xuất. Đóng vai trò là “cánh tay phải” cho các vị trí khác, Uyên cho rằng tinh thần nhiệt huyết, ham học hỏi, muốn tiếp xúc với những điều mới mẻ là những tố chất không thể thiếu.

When – Những mốc thời gian cho từng giai đoạn phát triển tại Production House

Đầu tiên, khi chưa có kinh nghiệm, các bạn sẽ làm ở vị trí Production Assistant khoảng 6-15 tháng để hiểu rõ Production House là gì, cũng như tích luỹ kinh nghiệm, chuyên môn để lên làm Producer. Đối với nhiều Production House họ thường gộp các vai trò với nhau như Line Producer gộp với PM hoặc PM gộp với Executive Producer. Do đó, sau khi lên được vị trí Producer, các bạn sẽ mất khoảng 2-5 năm trải nghiệm, tự phát triển bản thân và khi “đủ lông đủ cánh” để có thể lên một kế hoạch sản xuất hoàn chỉnh, tự trao đổi với agency/client, bạn sẽ phụ trách vị trí Executive Pruducer (Giám đốc sản xuất).

Nguồn: Cheddar Asia.

Where – “Nhà” lớn hay “nhà” nhỏ?

Uyên nghĩ cũng tương tự như khi các bạn phân vân giữa local agency hoặc global agency, Production House nhỏ và lớn cũng sẽ có những ưu, khuyết điểm riêng. Uyên sẽ chia sẻ một vài gạch đầu dòng từ kinh nghiệm cá nhân để các bạn có thể lựa chọn dễ dàng hơn.

Ưu điểm của Production House lớn là các bạn sẽ được tham gia nhiều dự án lớn với các vai trò được phân chia rõ ràng, có nhiều anh chị mentor giỏi để học hỏi. Thách thức lớn nhất là tính cạnh tranh cao về năng lực. Mọi người đều phải nỗ lực hết mình để có 1 vé ở lại “ngôi nhà chung”.

Đối với Production House nhỏ, các bạn sẽ được tham gia đa dạng dự án từ lớn đến nhỏ, đa dạng về cách sản xuất, thử sức ở nhiều vai trò khác nhau. Uyên nghĩ đây sẽ là cơ hội để các bạn học nhanh hơn và cũng có nhiều anh chị giỏi để các bạn học hỏi. Thách thức ở “nhà” nhỏ là các bạn phải chịu áp lực khá cao khi một tay quán xuyến khá nhiều đầu việc.

Why not? – Ngại gì mà không cho nhau cơ hội?

Có một vài lý do đã tiếp lửa cho Uyên trên hành trình gần 10 năm với nghề. Đầu tiên phải kể đến là môi trường làm việc năng động, vui vẻ và tự do với vô vàn ý tưởng đủ màu đủ hình. Ngoài ra, các bạn sẽ luôn được học thêm những điều mới mẻ từ những ngành hàng mới, những set quay với góc máy hoặc cách hiệu chỉnh ánh sáng mới. Không chỉ vậy, các bạn tại Production House cũng sẽ được “tắm” trong bể ý tưởng sáng tạo thú vị từ các client/agency khác nhau. Cuối cùng, lý do đặc biệt nhất là bạn có thể tự hào khi là một thành viên trong đội ngũ lớn làm nên thành công của một chiến dịch có ý nghĩa, tác động tích cực đến cộng đồng. Cảm giác hãnh diện khi khoe với mọi người về đứa con tinh thần của mình có lẽ là cảm xúc khiến Uyên thích nhất khi làm nghề.

Trên đây là những chia sẻ về ngành sản xuất trong thế giới agency qua 5 câu hỏi WH- của Uyên. Uyên hy vọng các bạn trẻ có thể thông qua những chia sẻ này và xác định rõ ràng định hướng nghề nghiệp của mình giữa thế giới agency đa sắc đa màu.

Chi tiết nội dung phiên chia sẻ vui lòng xem tại đây.