Tranh cãi tháp nhu cầu Maslow không phải do Maslow tạo ra

Tranh cãi tháp nhu cầu Maslow không phải do Maslow tạo ra

Nội dung bài viết được lược dịch lại từ “Who Created Maslow’s Iconic Pyramid?” của tác giả Scott Barry Kaufman đăng trên Scientific American ngày 23/4/2019, xoay quanh nghi vấn tháp nhu cầu Maslow thực tế không phải do Abraham Maslow tạo ra.

Abraham Maslow là nhà tâm lý học người Mỹ, được thế giới công nhận là cha đẻ của tâm lý học nhân văn – lấy con người làm trung tâm và sử dụng các yếu tố liên quan đến con người để giải quyết vấn đề. Ông cũng là người nổi tiếng vì đã tạo ra tháp nhu cầu Maslow – ứng dụng tâm lý con người về các nhu cầu trong đời sống từ cơ bản đến nâng cao, được liên tục hướng dẫn và đề cập đến trong các đầu sách giáo khoa trên toàn cầu.

Tuy nhiên, lý thuyết cho rằng “Abraham Maslow là người tạo ra tháp nhu cầu Maslow” đang bị lung lay, vì một cuộc điều tra được thực hiện bởi Todd Bridgman, Stephen CummingsJohn Ballard, những tác giả của bài báo “Ai là người tạo ra tháp nhu cầu của Maslow?”. Một câu hỏi tưởng chừng rất ngớ ngẩn bởi câu trả lời đã nằm ngay trước mắt, nhưng cuộc điều tra đã mở ra nhiều vấn đề mà không phải ai cũng biết.

tháp nhu cầu maslow

Todd Bridgman đã đồng ý tham gia phỏng vấn về tháp nhu cầu Maslow
Nguồn: Twitter

Scientific American đã có buổi phỏng vấn với những tác giả này, để làm rõ nghi vấn về việc tháp nhu cầu Maslow có thật sự được tạo ra bởi Abraham Maslow hay không. Đây là một chủ đề thú vị, bên cạnh đó tháp nhu cầu Maslow cũng là một lý thuyết được nhiều người Việt Nam quan tâm, nên Vũ đã biên dịch và biên tập lại bài phỏng vấn này, nhằm chia sẻ đến các marketer.

Who Created Maslow’s Iconic Pyramid? (Tạm dịch: “Ai là người tạo ra tháp nhu cầu của Maslow”).

* Vì sao lại có tiêu đề bài báo “Ai là người tạo ra tháp nhu cầu Maslow”, chẳng phải câu trả lời đã quá rõ ràng rồi hay sao?

Todd Bridgman: Tôi cùng với đồng nghiệp của mình là Stephen Cummings đã có nhiều năm nghiên cứu về các lý thuyết, bài giảng cũng như kiến thức phổ quát trong sách giáo khoa. Sách giáo khoa đôi khi đưa ra những luồng kiến thức có phần khác với nghiên cứu đời thực, đó là lý do thôi thúc chúng tôi tìm tòi nghiên cứu về chúng và tháp nhu cầu Maslow là một trường hợp như vậy.

Sau khi nghiên cứu nhiều tài liệu và tác phẩm của Abraham Maslow, chúng tôi nhận ra rằng không có chút cơ sở liên quan nào giữa “kim tự tháp”, mô hình dạng tháp hay những thứ đại loại như vậy với nhóm kiến thức về nhu cầu con người do ông ấy viết. Chúng tôi ngay lập tức liên hệ với John Ballard – người hiểu rõ Maslow hơn bất cứ ai và từng chia sẻ mối lo ngại về việc nhiều người đang xuyên tạc kiến thức của ông. Rất may John đã đồng ý hợp tác và tham gia “cuộc điều tra” này.

* Vậy anh có nghĩ rằng sự phổ biến của tháp nhu cầu Maslow đến từ việc hình tượng hoá kiến thức của Abraham Maslow, với một hình ảnh kinh điển là kim tự tháp hay không?

Todd Bridgman: Đúng, chắc chắn là vậy rồi. Thực tế Maslow không phải nhà tâm lý học đầu tiên công bố các nghiên cứu về nhu cầu con người. Cùng thời ông ấy còn có cả Walter Langer, cả hai người đều có chung những lý thuyết về thể chất, tinh thần và bản ngã con người trong một số đầu sách giáo khoa. Đáng buồn rằng lý thuyết của Maslow có phần kém hiệu quả hơn, dù ở thời đại của chúng ta tháp nhu cầu Maslow đã trở nên phổ biến hơn bao giờ hết.

tháp nhu cầu maslow

Todd Bridgman và các cộng sự đang có những bước đi mạnh mẽ để cải thiện tư duy quản lý
Nguồn: Oxford Brookes University

Lý thuyết của Maslow bị thiếu đi các chứng thực đến từ nghiên cứu thực nghiệm – một điểm yếu cố hữu của các lý thuyết được trình bày trong sách giáo khoa. Vậy điều gì khiến lý thuyết của Maslow vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ? Đó chính là biểu đồ hình tháp.

Nhiều nghiên cứu và cuộc khảo sát đã chỉ ra rằng, các bạn sinh viên đại học có hứng thú và nhớ lâu hơn với những bài học được thể hiện dưới dạng biểu đồ – đặc biệt là các biểu đồ hình tháp. May mắn là, lý thuyết của Maslow phù hợp với cách thể hiện trực quan này. Khi sinh viên và giảng viên đều thích thì chắc chắn những nhà xuất bản sách cũng thích, đó là câu trả lời cho mức độ phổ biến của tháp nhu cầu Maslow về sau.

* Vậy có vấn đề gì với biểu đồ hình tháp này?

Todd Bridgman: Khi mọi người gọi đây là “tháp nhu cầu Maslow” trong khi Abraham Maslow không tạo ra nó, điều này kéo theo sự bất công cho ông ấy mỗi khi có phản hồi tiêu cực về lý thuyết này. Không phải ai cũng có cách hiểu và phương án thực hành tháp Maslow như nhau. Người thì có nhu cầu được thoả mãn 100% nhu cầu này trước khi chuyển sang nhu cầu cao hơn, người thì muốn đi theo trình tự và nhu cầu trước phục vụ cho mục tiêu của nhu cầu sau.

Điều này dẫn đến những luồng ý kiến trái chiều khi phản hồi về tác dụng của tháp nhu cầu. Trong bài báo của tạp chí Psychological Review phát hành năm 1943, bản thân Maslow từng dự đoán một tương lai nơi mọi người tranh cãi nhau về lý thuyết của ông. Ông ấy còn dự báo một nguy cơ đang thật sự hiển hiện ở thời đại của chúng ta. Đó là nhiều nhà quản lý chưa đáp ứng nhân viên ở những tầng thấp hơn của tháp nhu cầu, mà đã “thuyết phục” họ chuyển lên những tầng cao hơn để phục vụ cho mục tiêu chung của doanh nghiệp.

* Nếu được ứng dụng bừa bãi và không tuân theo lý thuyết của chính Abraham Maslow, vậy tại sao tháp nhu cầu Maslow vẫn được mọi người cố tình đưa vào hệ thống giáo khoa?

Todd Bridgman: Đây là một vấn đề phức tạp và chúng tôi cũng từng chia sẻ ở bài báo lần trước. Một nhân vật tên là McGregor từng nhận nhiệm vụ huấn luyện doanh nghiệp tại các công ty lớn, ông ấy nhìn thấy tiềm năng của lý thuyết nhu cầu do Maslow xây dựng. Tuy nhiên để dễ hiểu hơn nhằm truyền bá đến từng con người trong đội ngũ nhân sự, McGregor đã lược bỏ bớt nhiều chi tiết quan trọng có trong lý thuyết của Abraham Maslow.

tháp nhu cầu maslow

Abraham Maslow có phải là người tạo ra tháp nhu cầu Maslow hay không?
Nguồn: Scott Barry Kaufman

Sau này kiến thức về tháp nhu cầu Maslow mà chúng ta thường thấy đến từ sự lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm khi hệ thống lại lý thuyết của McGregor. Hay nói một cách cụ thể hơn, những phản hồi tiêu cực dành cho tháp nhu cầu Maslow không nên dành cho Abraham Maslow, mà nên hướng thẳng vào những sai sót của McGregor.

* Vậy McGregor có phải người tạo ra tháp nhu cầu Maslow hay không? Nếu không thì ai là người đã tạo ra nó?

Todd Bridgman: Thực tế McGregor chưa từng đề cập đến tháp nhu cầu hay bất cứ biểu đồ hình tháp nào cả. Năm 1957, ông Keith Davis đã xuất bản một cuốn sách giáo khoa quản lý, trong đó có đề cập đến một biểu đồ hình tháp gồm nhiều hình tam giác và hình thang xếp chồng lên nhau. Ở trên đỉnh của biểu đồ hình tháp là một giám đốc kinh doanh, đang giương cao ngọn cờ ý nói đến việc đã thoả mãn hết mọi nhu cầu của một con người trong đời sống.

Đến năm 196,0 ông Charles McDermid – một nhà tâm lý học nổi tiếng đã nhắc lại biểu đồ hình tháp này trong bài báo “Tiền thúc đẩy người đàn ông như thế nào?” – đăng tải trên tờ Business Horizons. Biểu đồ hình tháp khi đó được ông Charles gọi là “Giải pháp thúc đẩy động lực kiếm tiền và thoả mãn nhu cầu với chi phí thấp nhất”. Từ đó tháp nhu cầu Maslow bắt đầu trở nên phổ biến hơn và vẫn còn được ứng dụng ở thời điểm hiện tại.

* Xin thứ lỗi, tôi muốn đặt nghi vấn việc anh có thật sự chắc chắn Abraham Maslow không phải tác giả của tháp nhu cầu Maslow không? Anh đã tìm kiếm những bằng chứng đó ở đâu và những bằng chứng đó có đủ tính xác thực hay chưa?

Todd Bridgman: Đó là một cuộc nghiên cứu toàn diện, Maslow là một tác giả xuất sắc nên chúng tôi đã lục tung mọi tác phẩm và kiến thức giáo khoa do ông ấy viết. Thậm chí John đã giam mình nhiều ngày liền trong thư viện chỉ để dò dẫm từng trang sách giáo khoa của Maslow.

tháp nhu cầu maslow

Trên thực tế Maslow chỉ là người tạo ra hệ thống nhu cầu con người
Nguồn: Writers Write

Mọi thư từ, giấy tờ và bản ghi nhớ liên quan đến Maslow ở Trung tâm tâm lý học thuộc Đại học Akron bang Ohio cũng bị “đào lại.” Bất cứ một ghi chép nào liên quan đến tâm lý học thế giới trước năm 1960 đều đã được tiếp cận, chúng hầu như không ghi chép bất cứ thông tin nào về việc Abraham Maslow đã tạo ra tháp nhu cầu Maslow.

* Vậy tại sao bản thân Abraham Maslow không hề phản đối biểu đồ hình tháp, hay cách gọi Tháp nhu cầu Maslow dù ông không phải người tạo ra nó? Một người quen của tôi là sinh viên từng theo học ở Đại học Brooklyn kể rằng, Maslow thậm chí đã đưa một slide bài giảng về tháp nhu cầu Maslow vào tiết dạy của ông ấy. Điều này chứng tỏ là ít nhất ông ấy cũng tương đối hài lòng, thậm chí ngầm bày tỏ sự ủng hộ của mình với tháp nhu cầu Maslow đúng không?

Todd Bridgman: Đây là câu hỏi thú vị. Abraham Maslow sống được thêm 10 năm, kể từ ngày bài báo của McDermid xuất hiện trên Business Horizons. Tuy vậy theo những ghi chép của nhóm chúng tôi trong các bản ghi nhớ về Maslow, đây là giai đoạn mà ông phải sống trong sự thiếu hụt về tài chính cùng với sự “ghẻ lạnh” của những người theo đuổi triết lý thực nghiệm.

Thời đó các nghiên cứu về tâm lý học bỗng dưng bị tiếp nhận bởi những người này, họ đi ngược lại hoàn toàn với triết lý và tinh thần nghiên cứu của Abraham Maslow. Giai đoạn chán chường và tuyệt vọng nhất, Maslow như tìm thấy ánh sáng cuối đường hầm khi nhận được nhiều lời mời đi dạy. Những người gửi lời mời đều xem ông như một bậc thầy, họ tôn trọng ông và đồng thời làm ông cảm nhận được sự tôn trọng đó.

Dĩ nhiên nhận lời đi dạy cũng đồng nghĩa rằng thu nhập được cải thiện đáng kể, nhưng chúng không quá quan trọng, điều quan trọng là Maslow đã thu về những sự công nhận mà ông tin rằng mình xứng đáng có được. Tất cả đã trở thành động lực để ông ấy quyết định song hành với thuyết Tháp nhu cầu của Maslow.

* Nhiều người khẳng định rằng tháp nhu cầu Maslow là kết quả sau một mùa hè Maslow gắn bó, trải nghiệm cuộc sống của người dân tộc thiểu số Blackfoot, vậy anh nghĩ sao về giả thuyết này?

Todd Bridgman: Nếu ý tưởng về hệ thống phân cấp nhu cầu có thể ứng dụng lên hình tháp do Maslow đánh cắp từ người Blackfoot, vậy tại sao ông không tự mình công khai Tháp nhu cầu Maslow ngay sau chuyến đi đó. Mà phải chờ đến tận năm 1960 để xuất hiện gián tiếp thông qua một bài báo. Tôi đã tham khảo từ Ed Hoffman – người trực tiếp ghi lại sự nghiệp đáng tự hào của Maslow, những bài viết và bản ghi nhớ của Ed hoàn toàn không đề cập đến giả thuyết này.

tháp nhu cầu maslow

Dường như tháp nhu cầu Maslow không phải do Maslow tạo ra
Nguồn: American Stroke

Tuy Ed đã công nhận rằng, trải nghiệm cùng dân tộc thiểu số năm xưa đã mang đến cho Maslow những vốn sống sâu sắc. Nhưng tuyệt nhiên những điều đó không hề có mối liên kết với tháp nhu cầu Maslow sau này. 

* Anh dự định sẽ làm gì kế tiếp? Kêu gọi loại bỏ Tháp nhu cầu Maslow hay ít nhất là thay đổi tên gọi trong các ấn phẩm giáo khoa chăng?

Todd Bridgman: Tôi cho rằng tên gọi không quan trọng, vấn đề của tháp nhu cầu Maslow nằm ở những đường kẻ ngang phân cách giữa các tầng nhu cầu. Điều này gây khó khăn cho những người cùng lúc bị tác động bởi hai hay nhiều nhu cầu khác nhau. 

Nó đi ngược lại so với lý thuyết gốc của Abraham Maslow, rằng một người có thể quay lại tầng nhu cầu thấp hơn dù đang ở trên tầng cao hơn. Chứ nó không phải là một video game, buộc người chơi chỉ có thể mở khoá level mới và luôn hướng về phía trước. Thay vì xây dựng theo biểu đồ hình tháp, thì một biểu đồ hình bậc thang sẽ phù hợp hơn với triết lý nhu cầu của Abraham Maslow.

Trong cuốn “Sự phát triển của tư tưởng quản lý”, tác giả Daniel Wren cũng đã mô tả lý thuyết nhu cầu của Maslow giống như những nấc thang. Mới đây khi liên lạc trực tiếp với Daniel, anh ấy cũng đã công nhận với chúng tôi rằng biểu đồ hình tháp là một bước lùi. Tất cả chúng tôi đang hy vọng rằng biểu đồ nấc thang sẽ sớm lên ngôi, thay cho tháp nhu cầu Maslow vốn xưa cũ và sai lệch tương đối nhiều so với lý thuyết gốc.

* Anh đã viết trong bài báo rằng: “Truyền cảm hứng cho các nhà quản lý để ứng dụng hệ thống nhu cầu đúng cách mới là di sản thật sự Maslow hướng đến, chứ không phải một biểu đồ hình tháp với 5 bước thực hiện quá quy tắc và khô khan”. Phải chăng những nhà lãnh đạo đang mắc sai lầm trong việc ứng dụng tháp nhu cầu Maslow?

Todd Bridgman: Chính xác. Khoảng đầu thập niên 50 con người bị chủ nghĩa tuân thủ chi phối, làm hạn chế năng lực sáng tạo và cải thiện bản thân không ngừng. Đến năm 1954 khi Maslow giới thiệu cuốn sách “Động lực và Tính cách”, trong đó ông mạnh mẽ lên án nhiều doanh nghiệp và tổ chức xã hội đang kìm hãm con người ra sao. Ông được công nhận là một trong những nhà tâm lý học tiên phong, thách thức chủ nghĩa tuân thủ và dám đấu tranh vì nhân quyền.

tháp nhu cầu maslow

Nguyên gốc cuốn Động lực và Tính cách của tác giả Abraham Maslow
Nguồn: Fado

Nhiều lúc Maslow thất vọng vì lý thuyết của mình bị các doanh nghiệp, tổ chức sử dụng như một công cụ để phục vụ cho những mục tiêu tài chính. Thay vì ứng dụng nó để khơi gợi nguồn cảm hứng sáng tạo, tư duy và nỗ lực không ngừng qua từng ngày của mỗi cá nhân.

Sẽ thật tuyệt nếu các bạn nhỏ được học theo những lý thuyết gốc của Maslow, để hiểu rằng thúc đẩy con người làm việc năng suất hơn không phải mục tiêu quan trọng nhất. Mà mục tiêu Maslow hướng tới là một cộng đồng với những con người không ngừng sáng tạo, khai sáng và dấn thân. Chúng tôi nghĩ rằng cách duy nhất để thay đổi hệ thống nhu cầu Maslow theo hướng tích cực hơn, đó là quay về với những giá trị nguyên bản của chính tác giả.

* Maslow đã luôn nói rằng mỗi người nên tự mình hiện thực hoá, chinh phục thành công và trọn vẹn hệ thống nhu cầu. Nhưng ông ấy có nghĩ đến việc mỗi người sẽ có một nhu cầu khác nhau, năng lực làm việc khác nhau hay không?

Todd Bridgman: Phần lớn cuộc đời và trong nhiều tác phẩm của mình, Maslow cũng đã công nhận rằng mỗi đứa trẻ từ khi sinh ra đã mang trong mình năng lực tự hiện thực hoá khác nhau, được tạo điều kiện để hiện thực hoá trong nhiều môi trường khác nhau. 

Nhưng ông dần dần nhận ra rằng, không phải ai cũng dễ dàng đạt đến tiềm năng tối đa của bản thân. Thậm chí nhiều lúc Maslow nghĩ rằng, có cách nào để tạo ra một thế hệ con người đủ sức tự tối ưu tiềm năng bản thân – bằng các biện pháp sinh học và y khoa hay không. Những người này sẽ được xếp vào nhóm “tầng lớp ưu tú”, với năng lực và xác suất thành công trong việc hiện thức hoá cao hơn hẳn phần còn lại.

* Vậy những môi trường nào sẽ tạo điều kiện cho con người nâng cao năng lực đó?

Todd Bridgman: Tất nhiên Maslow cũng xây dựng những quy chuẩn về môi trường thuận lợi hay bất lợi, quyết định tiềm năng tự hiện thực hoá của một con người lớn đến đâu. Tôn trọng quyền tự do phát triển, tự do ngôn luận và đề cao sự công bằng trong xã hội, là 3 tiêu chuẩn của một môi trường thuận lợi trong suy nghĩ của Maslow. 

Ngược lại, không trung thực, không tôn trọng sự thật và bị chi phối bởi quá nhiều tổ chức kiểm duyệt, chính là 3 yếu tố tạo ra môi trường bất lợi khiến nhiều người bị hạn chế năng lực tự hiện thực. Cũng có một số trường hợp ngoại lệ dù vô cùng hiếm hoi, đủ sức tự mình vượt qua nghịch cảnh về môi trường sống để thành công hơn so với những người còn lại.

* Vượt qua giới hạn của tháp nhu cầu Maslow, đội ngũ của anh còn có những ý tưởng nào nhằm đổi mới tư tưởng quản lý của con người hiện đại hay không?

Todd Bridgman: Chúng tôi hy vọng rằng cuộc nghiên cứu này sẽ tạo ra nhiều cuộc tranh luận, về cách các tổ chức đang ứng dụng hệ thống nhu cầu Maslow và cách các bạn học sinh, sinh viên đang được giảng dạy về tháp nhu cầu Maslow. Chúng tôi ủng hộ việc tiếp cận lịch sử dựa trên tinh thần liên tục phê bình, xem lịch sử như một bản ghi chép chủ quan về các giá trị hay câu chuyện trong quá khứ. Dựa trên quan điểm và góc nhìn của bản thân người ghi chép.

tháp nhu cầu maslow

Abraham Maslow muốn tạo ra một cộng đồng nơi mọi người không ngừng cải thiện, sáng tạo và dấn thân
Nguồn: Esquire Classic

Các quy tắc quản lý xưa cũ đã tạo ra tính độc quyền trong chủ nghĩa tư bản, tư tưởng lãnh đạo và hệ thống phân cấp quản lý ở nhiều trường học lẫn doanh nghiệp. Điều này là hợp pháp nhưng lại làm mất đi sự công bằng, thay vì vậy hãy tiếp cận lịch sử và ứng dụng quy tắc quản lý dựa trên nhiều yếu tố. Từ thời gian, hoàn cảnh, con người cho đến ý tưởng. 

Điều này giúp các bạn học sinh, sinh viên có thêm nhiều kiến thức về lĩnh vực của chúng tôi. Đồng thời giúp họ sản sinh ra những suy nghĩ, quan điểm mới trong việc xây dựng quy tắc quản lý đội ngũ sau này.

Bài viết là kết quả nghiên cứu, điều tra của tác giả Todd Bridgman cùng các cộng sự, không phải là lập luận hay quan điểm chủ quan xuất phát từ đội ngũ của Vũ.

* Nguồn: Vũ Digital